Thưởng lãm thành Rome: Cảm ngộ lời dạy của Chúa trong thành phố lịch sử
Đi trên những con đường lát gạch đá ở trung tâm thành phố Rome, thật khó để không ngạc nhiên trước mật độ dày đặc của các di tích cổ và việc bảo tồn di tích rất tốt ở nơi đây. Thành phố này được mệnh danh là “Thành phố vĩnh hằng,” cùng với Florence – một thành phố nổi tiếng khác, là cặp song sinh mang đậm phong cách thời kỳ Văn nghệ Phục hưng của Ý.
Ở đây có vô số tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch và đồng, toát lên vẻ siêu phàm thoát tục. Các nhà thờ và tu viện lớn nhỏ cũng rải rác khắp nơi. Tại thành phố trung tâm của Giáo hội Thiên Chúa giáo này, sự thần thánh và sang trọng được tích lũy qua hàng ngàn năm, giống như một bản nhạc bất tận vang lên trong không trung. Đó là bài Thánh Ca được tấu vang trong kho tàng nghệ thuật vẫn sừng sững sau nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh. Từng nốt nhạc đều đang ca ngợi ánh sáng của các vị Thần ngày đêm tỏa sáng trên thành phố Rome.
Ở Rome, dân số chưa đến ba triệu người. Toàn thành phố chỉ có hai tuyến tàu điện ngầm. Du khách có thể bắt đầu tham quan từ Đấu trường La Mã cổ đại, nơi những tín đồ đạo Cơ đốc tử vì đạo đã bị ném vào miệng sư tử. Sau đó đi đến Quảng trường Venezia, nơi Mussolini đã có bài diễn văn trước quần chúng. Tiếp đến là Đài phun nước Trevi, nơi có bức tượng thần Poseidon khổng lồ. Sau đó tham quan đền Pantheon, nơi vốn cung phụng các vị Thần La Mã, về sau đã đổi thành “Nhà thờ Đức Mẹ và các Thánh tử đạo.”
Kế tiếp, băng qua sông Tevere để tham quan Bảo tàng Vatican, nơi trưng bày những kiệt tác vĩ đại nhất của thời kỳ Văn nghệ Phục hưng. Ngay gần đó là Vương cung thánh đường Thánh Peter, nhà thờ linh thiêng nhất trong thế giới Thiên Chúa giáo. Trong hành trình du lịch đi bộ quanh thành phố, sẽ bắt gặp vô số di tích thắng cảnh thú vị khác trên đường đi. Chẳng hạn như Cung điện Barberini – đây giống như nơi trưng bày những kiệt tác của các bậc thầy thời Văn nghệ Phục hưng; và Lâu đài Thiên Thần (Castel Sant’Angelo) uy nghi lẫm liệt.
“Tự cổ giai vân phú quý tại thiên.” Từ xưa, người ta đã cho rằng, phú quý, vinh hoa đều do trời ban tặng cho người có mỹ đức và thành tín. Thành phố nổi tiếng Rome quả thực là ân sủng trời ban. Là một khách qua đường may mắn được đến đây thưởng lãm, những kho tàng nghệ thuật ở thành phố Rome khiến tác giả cảm nhận được Thần tính bên trong con người. Những mỹ đức thơm hương của nghệ thuật đạt đến đại Đạo thể hiện trong những kiệt tác của các bậc thầy, cũng khiến tác giả vô cùng ngưỡng mộ.
Rome là một thành phố mà ba ngày ba đêm cũng không thể nói hết. Ở đây, những gì người tản bộ nhìn thấy không chỉ là một bức tranh nào đó của Raffaello, mà là các tòa kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ của Raffaello nằm rải rác khắp nơi trong thành phố. Đó không chỉ là một bức tường đổ nát, mà là các tác phẩm điêu khắc, tàn tích, di tích .v.v. vẫn còn nguyên vẹn hoặc đã hư hỏng. Để không gây cảm giác mệt mỏi cho độc giả, tác giả sẽ chia sẻ với quý vị hai địa điểm kinh ngạc nhất trong chuyến đi này. Đó là Bảo tàng Vatican và Nhà nguyện Sistina.
Là một phần của Bảo tàng Vatican (Cung điện Tông Tòa), Nhà nguyện Sistina là kiến trúc có bề ngoài vô cùng mộc mạc. Theo truyền thống, đây là nơi chọn ra Giáo hoàng tiếp theo. Với “Dãy phòng Raffaello” và Nhà nguyện Sistina, Bảo tàng Vatican chắc chắn là một trong những bảo tàng vĩ đại nhất trên thế giới. Bên trong dãy phòng của Raffaello có những bức tranh tường do Raffaello và các học trò của ông vẽ. Bức tranh nổi tiếng nhất có lẽ là “Trường Athena.” Ngoài bức tranh trên trần nhà và bức “Sự phán xét cuối cùng” của Michelangelo, Nhà nguyện Sistina còn có hai bức “Tân ước” và “Cựu ước” ở hai cánh của sảnh được các bậc thầy kiệt xuất khác trong thời kỳ Văn nghệ Phục hưng thực hiện.
Điều trùng hợp là, chuyến tham quan buổi chiều theo lịch trình ban đầu của chúng tôi đã được điều chỉnh sang đêm hôm sau. Đó cũng là đêm mở cửa đầu tiên của Bảo tàng Vatican trong năm nay. Khi ánh hoàng hôn màu lam nhạt buông xuống và ánh đèn được bật lên, dạo quanh những tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã màu trắng, giữa những dãy cột Corinth hùng vĩ, giữa hồ nước tao nhã động lòng người, và những nội thất rực rỡ của Vatican … Còn điều gì có thể khơi dậy Thần tính và niềm khao khát vô hạn của con người đối với thế giới Thiên Đàng được mô tả trong tín ngưỡng phương Đông và phương Tây hơn nữa đây? Sự trang nhã, hài hòa và uy nghi siêu phàm thoát tục đó, sự tĩnh lặng, an tường và niềm vui vô ưu vô lo ấy, chỉ có thể được tìm thấy khi đã thoát khỏi thế giới trần tục.
Trong chuyến đi đến Rome lần này, điều tác giả mong đợi nhất, cũng quả thật là cao trào của chuyến đi, chính là được xem cận cảnh bức bích họa ở trần Nhà nguyện Sistina của Michelangelo. Trong suốt gần nửa tiếng ngước nhìn, vì quá ngạc nhiên mà miệng không thốt nên lời, cảm động vô cùng. Tác giả đã cố gắng dùng góc nhìn chính thống và truyền thống để ngẫm nghĩ, thấu hiểu, và cố gắng viết ra những thông điệp và lời dạy từ Chúa mà bản thân thể hội được để cung cấp cho độc giả. Trong các bài luận thuật của vô số nghệ thuật gia và học giả trước đây trong lịch sử, thể hội của tác giả dường như chỉ là một giọt nước trong đại dương mênh mông.
Bức tranh ở trần nhà này, một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của thời kỳ Văn nghệ Phục hưng, được chia thành ba phần. Phần chính là “Sáng thế” (Genesis) ở giữa, tổng cộng có 9 bức tranh. Chủ đề của các bức tranh đều được lấy từ phần đầu của “Kinh Thánh,” thuật lại câu chuyện từ khi sáng tạo thế giới cho đến trận đại hồng thủy. Lần lượt là “Sự phân chia của ánh sáng và bóng tối” (Separation of Light from Darkness), “Sự sáng tạo Mặt trời, Mặt trăng và Thực vật” (The Creation of the Sun, Moon, and Plants), “Sự phân chia của Nước và Đất” (The Separation of Land and Water), “Sự sáng tạo Adam” (The Creation of Adam), “Sự sáng tạo Eve” (The Creation of Eve), “Nguyên tội và trục xuất khỏi Vườn Địa đàng” (The Fall and Expulsion of Adam and Eve), “Sự hy sinh của Noah” (The Sacrifice of Noah), “Đại hồng thủy” (The Great Flood) và “Cơn say của Noah” (The Drunkenness of Noah). Bức “Sự sáng tạo Mặt trời, Mặt trăng và Thực vật” mô tả Thượng Đế quay lưng lại và xem xét thế giới mà Ngài sáng tạo, thể hiện tình yêu và sự quan tâm của Chúa đối với tạo vật của mình.
Ở hai bên bức tranh là bảy nam và năm nữ, tổng cộng là 12 nhà dự ngôn và tiên tri với thần thái khác nhau, nhưng tất cả đều thánh thiện hoặc từ bi. Cách Michelangelo miêu tả các nhà tiên tri thật khiến mọi người cảm thán. Nhà tiên tri là gì? Họ thường đồng thời là thầy tế, người truyền ngôn của Chúa, lắng nghe ý chỉ của Thượng Thiên rồi truyền đạt cho con người. Bởi vì lời của Chúa sẽ luôn đoái hiện, vậy nên “lời tiên tri” của họ cũng khiến họ trở thành “nhà tiên tri.” Những nhân vật này được tán thưởng không ngớt nhờ thân hình to lớn, kết cấu giải phẫu cơ bắp hoàn hảo và tràn đầy sức sống. Thủ pháp vẽ này khiến họ trông giống những bức tượng hơn là bức tranh phẳng, thậm chí ngay cả những nữ tiên tri cũng như vậy.
Khi quý vị đứng dưới trần nhà và ngước nhìn lên, sự trang nghiêm thần thánh đó có thể khiến quý vị rơi nước mắt. Thủ pháp vẽ này là một nét đặc trưng của trường phái kiểu cách (Mannerism), trái ngược với sự yên tĩnh ngọt ngào của Raffaello và sự cao quý bí ẩn của Leonardo da Vinci. Ví dụ như bức “Libyan Sibyl,” thật khó để tưởng tượng Michelangelo đã thực hiện như thế nào để tôn lên cơ lưng của cô ấy, trong khi thể hiện sự trinh tiết, đoan chính thuộc về nữ tính mà không gặp trở ngại. Ngón chân cái mạnh mẽ của cô ấy giống như một chú thích cho thời kỳ Văn nghệ Phục hưng: Việc nghệ thuật gia nắm vững cấu trúc cơ thể con người và khám phá lại mới các tác phẩm nghệ thuật cổ điển Hy Lạp và La Mã cổ đại, đã đẩy sức mạnh biểu đạt của nghệ thuật và nghệ thuật ca ngợi Chúa lên đến đỉnh cao của nền văn minh nhân loại lần này. Còn với nhân vật Ezekiel, ông là người chỉ dẫn cho sự trừng phạt của Thượng Thiên khi người dân Israel không tin vào Chúa, đồng thời cũng là nhà tiên tri để họ tìm lại niềm tin vào Chúa. Hai thân phận này đã được cô đọng lại trong động tác đầy căng thẳng, cũng như nét mặt lo lắng và ưu tư của ông. Đằng sau ông là tiểu Thiên sứ xinh đẹp đang chỉ tay lên trên (tượng trưng cho Thiên Đường và ý chỉ của Chúa) làm tôn lên vai trò của ông. Cử chỉ của ông thể hiện ý nghĩa của tất cả những lời tiên tri tốt và xấu: “Hỡi con người, hãy lắng nghe lời của Chúa.”
Phần thứ ba là một phần dễ bị bỏ qua. Đó là những bức tranh miêu tả cuộc sống gia đình thường ngày ở hai bên, được thêm vào giữa các nhà tiên tri và được khảm trong khung tranh hình tam giác. Tác giả nhận thấy có rất ít bài viết dành riêng cho nhóm tranh tam giác này, nhưng nó lại khiến tác giả rất xúc động. Các nhân vật trong tranh đều là tổ tiên của Chúa Jesus, tượng trưng cho nhân loại và sự sinh sôi nảy nở từ đời này sang đời khác. Michelangelo miêu tả cuộc sống hàng ngày của những gia đình này trong việc nuôi dưỡng con cái. Những cảnh chứa đầy sự phiền não và vất vả nơi trần tục, hoàn toàn khác với sự hùng vĩ của hai phần còn lại. Những nhân vật này đều ở trong một bầu không khí ngột ngạt, buồn tẻ, ngưng trệ, và có vẻ kiệt sức – bởi giữa họ và thời điểm Sáng Thế Chủ cứu thế xuất hiện, có một khoảng thời gian dường như vô tận.
Lùi lại một bước và cố gắng nhìn qua bức tranh trần nhà to lớn này một lượt, đem tất cả các chi tiết thu vào trong tầm nhìn. Trong vẻ đẹp choáng ngợp và lượng thông tin khổng lồ mà họa sĩ truyền tải, một câu chuyện rõ ràng dần hiện ra. Đó là quá trình con người phạm nguyên tội, quá trình con người quay lưng lại với Chúa; nhưng cũng là quá trình con người chờ đợi trong thống khổ gần như vô tận. Nhưng đó cũng là những ghi chép trung thực về lịch sử nhân loại rằng, con người luôn được Chúa bảo hộ, mãi cho đến giây phút cuối cùng – Đó là sự cứu rỗi vĩ đại.
Bức “Sáng thế” ở trên trần Nhà nguyện Sistine, bức “Sự phán xét cuối cùng” ở lối ra, cùng các bức tranh được vẽ bởi các danh họa nổi tiếng ở hai cánh trái phải của Nhà nguyện, đã thuật lại câu chuyện trong “Cựu Ước” và “Tân Ước.” Tất cả đã tạo thành một tổng thể hài hòa và hoàn hảo, cùng nhau kể lại quá trình kỳ vĩ và mối quan tâm tột bậc đối với lịch sử văn minh nhân loại. Michelangelo đã sử dụng các kỹ pháp siêu phàm thoát tục, để truyền đạt lượng thông tin vô cùng phong phú, kể lại một câu chuyện hùng tráng bi thương, khiến người xem không khỏi xúc động!
Trong “Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất sắc nhất” (The Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects), danh họa Vasari, người cùng thế hệ với Raffaello, Da Vinci và Michelangelo đã viết với vẻ ngưỡng mộ rằng: Nghệ thuật của nhân loại đều là nhờ chín vị Nữ Thần Muse (Thần thơ) truyền thụ cho con người. Tỷ lệ hoàn hảo, sự hài hòa như một bản nhạc, và vẻ đẹp siêu phàm thoát tục trong các bức tranh cổ điển có thể khiến những người có huệ căn xúc động từ sâu thẳm tâm hồn, và nỗ lực hướng tới phẩm hạnh đạo đức cao đẹp. Những người sùng đạo ở phương Đông và phương Tây thường gặp những Thần tích hoặc Thần minh hiển linh. Vì vậy, những bức tranh sơn dầu và tác phẩm điêu khắc tôn giáo trong thời kỳ cao trào của Văn nghệ Phục hưng, có thể thực sự là cảnh thực của thế giới Thiên quốc mà các bậc nghệ nhân đã dày công tạo ra để triển hiện trước công chúng. Nếu là như vậy, thì tại thành phố Rome, những báu vật nghệ thuật này được trưng bày trước thế giới với tất cả sự thánh thiện và vẻ đẹp, rõ ràng là minh chứng cho sự quan tâm bảo hộ và ý muốn đánh thức bản tính thiện lương của các vị Thần đối với con người. Vasari cũng đã dùng lối viết hào hoa và tráng lệ của mình để ca ngợi cách Chúa quy tụ mọi tài năng nơi Michelangelo, cách Chúa mang đến cho Raffaello vẻ đẹp và sự tĩnh lặng mang tính biểu tượng, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa vì đã gửi một nhóm người được chọn như vậy để dẫn dắt thời kỳ Văn nghệ Phục hưng.
Trong dòng sông dài của lịch sử, vô số dấu tích của các nền văn minh đã biến mất trong thiên tai, hoặc bị nhân họa phá hủy. Những gì còn có thể tồn tại và được lưu lại, thật vô cùng quý giá. Trong thời đại đạo đức trượt dốc và đầy ắp loạn tượng như hiện nay, theo khoa học kỹ thuật hiện đại mà định nghĩa về “con người” cũng ngày càng trở nên mơ hồ. Con người say sưa trong ảo mộng “tiến bộ vĩnh cửu,” nhưng lại mơ hồ ý thức được rằng, tinh thần của mình đang ngày càng trở nên thấp kém. Câu hỏi tận cùng về ý nghĩa của nhân sinh lại càng thêm nan giải. Tuy nhiên, kho tàng nghệ thuật hùng vĩ của Vatican, sự linh thiêng và tráng lệ khó tả mà con người có thể tiếp xúc được, lại như cơn gió mát mẻ và bản nhạc ngọt ngào cuốn đi đám mây mù trong lòng mọi người, lưu lại những hy vọng rực rỡ và chói lọi, khai mở Thần tính đã bị phong bế từ lâu mà con người hiện tại không dám thừa nhận.
Cơn gió và bản nhạc ấy đến từ gia viên mà con người đã quên lãng từ lâu, nhưng lại khắc khổ trông ngóng. Đó chính là “Thiên quốc” trong ngôn ngữ phương Tây, hoặc “Bỉ ngạn” (bờ bên kia) trong ngôn ngữ phương Đông.