Quá trình tạo nên một bức chân dung của hoạ sỹ Van Dyck
Họa sỹ người Flemish Anthony van Dyck (1599-1641) là một họa sỹ vẽ chân dung tài năng. Ngày nay, ông được biết đến nhiều nhất nhờ các bức chân dung vô cùng tao nhã về Vua nước Anh Charles I và vương triều của ông. Ông Van Dyck là một bậc thầy trong việc sử dụng màu sắc và đã vận dụng kỹ thuật này cùng những nét cọ điêu luyện để truyền tải ánh sáng, chuyển động, và chất liệu vải. Sự lão luyện này giúp ông tạo nên những miêu tả về ren có độ chính xác cao mà vẫn giữ được tính chất hội họa. Loại vải tinh tế, cầu kỳ này là phụ kiện thời trang phổ biến trong các bức chân dung của những vị khách hàng giàu có ở thế kỷ 16 và 17.
Một trong những niềm vui lớn nhất khi chiêm ngưỡng thể loại tranh chân dung là được đắm mình vào các chi tiết tinh tế trên bộ y phục của người mẫu, mà người họa sỹ khắc họa nên. Bức tranh “James Stuart (1612–1655), Duke of Richmond and Lennox” (James Stuart (1612-1655), Công tước xứ Richmond và Lennox) ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan là một kiệt tác của họa sỹ Van Dyck, nó chứa đựng một cách tài tình cả đỉnh cao của phong cách vẽ chân dung Baroque lẫn những mô tả về chất liệu vải.
Con mắt am tường về chất liệu vải
Ông Van Dyck sinh ra ở Antwerp trong một gia đình có cha là thương nhân buôn tơ lụa giàu có và mẹ là người phụ nữ nổi tiếng với kỹ năng thêu thùa. Do đó, từ nhỏ ông đã được bồi dưỡng kiến thức và tiếp xúc với các loại vải.
Họa sỹ Van Dyck là một thần đồng và hiện được xem là nghệ sỹ Flemish quan trọng nhất của thế kỷ 17, chỉ sau thầy mình là danh họa Peter Paul Rubens. Ông Van Dyck chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông Reubens và danh họa người Venice thời Phục hưng, Titian. Ngoài việc đạt được thành tựu ở quê nhà, ông Van Dyck còn sinh sống và làm việc trên khắp nước Ý, sáng tạo nhiều bức chân dung đặc biệt nổi tiếng về giới quý tộc Genova. Ông cũng vẽ về các chủ đề tôn giáo và thần thoại.
Năm 1627, ông rời Ý và trở lại Antwerp trong một thời gian ngắn. Thời gian này, các khách hàng của ông bao gồm nhiều công dân giàu có ở địa phương, như nữ Công tước Isabella, nữ gia sư của Hà Lan thuộc Đế quốc Tây Ban Nha, và Vương mẫu Maria dòng tộc Medici của nước Pháp.
Sau chuyến hành trình đến nước Anh thuở đầu sự nghiệp, ông Van Dyck đã quay lại đây vào năm 1632. Không lâu sau đó, ông được phong tước hiệp sỹ và trở thành họa sỹ hoàng gia cho Vua Charles I. Các bức chân dung đầy uy nghiêm, ngợi ca nhà vua và hoàng tộc của Van Dyck giúp định hình phong cách vẽ tranh chân dung ở Anh. Nhiều cận thần cũng háo hức mời họa sỹ Van Dyck vẽ chân dung cho họ.
Một trong các nhà bảo trợ đó là ngài James Stuart, Công tước xứ Richmond và Lennox. Ông Stuart là anh em họ của Vua Charles I, ông rất trung thành với nhà vua và hoàng tộc. Ông được ban thưởng bằng nhiều chức vị quan trọng trong triều đình, trong đó có Cận thần trông coi Phòng ngủ (Người ngủ cạnh gian phòng của nhà vua để hầu cận), Bá tước Quản gia của Hoàng tộc, và thành viên Hội đồng Cơ mật. Vào năm 1633, ông được phong tước Hiệp sỹ Garter, cấp bậc hiệp sỹ cao nhất của Anh quốc.
Bức chân dung “James Stuart (1612–1655), Duke of Richmond and Lennox” (James Stuart (1612-1655), Công tước xứ Richmond và Lennox) của ông ra đời trong khoảng thời gian này, và có thể nó được đặt vẽ để kỷ niệm cho vinh dự cao quý này. Họa sỹ Van Dyck đã vẽ một vài bức chân dung của Công tước James Stuart, cũng như các bức chân dung của những người anh em trai của ông.
Vẽ chân dung ngài Công tước
Trong bức tranh này, ngài công tước đeo phù hiệu của Hội hiệp sỹ Garter, hiệp hội do Vua Edward III sáng lập vào năm 1348. Người nhận huy hiệu này được đích thân nhà vua bổ nhiệm. Những phụ kiện mà Công tước Stuart mang trên người gồm: ngôi sao bạc trên áo choàng của ông (nó luôn được đeo bên trái); mặt dây chuyền nạm đá quý màu đỏ và vàng trên chiếc khăn quàng màu xanh lá có hình Thánh George (vị Thánh bảo trợ của Hội hiệp sỹ và nước Anh); và một chiếc nịt bít tất màu vàng, bên dưới chiếc nơ phía trên đầu gối trái của ông (cũng luôn được đeo bên trái).
Trong một chương trình có tên “Dự án về các nghệ sỹ,” tổ chức tại The Met (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan), nhà thiết kế trang phục đương đại Paul Tazewell đã nhận xét về bức tranh này rằng với sự dàn dựng có chủ ý và khoa trương, đây là một tác phẩm có tính kịch nghệ cao. Ông nói về cách họa sỹ Van Dyck khắc họa ánh sáng phản chiếu lên ngôi sao kim loại cũng như những mảng vải mang lại cho bức tranh nét đặc trưng của điêu khắc.
Y phục của Công tước Stuart rất thời thượng, và ông khoác lên với vẻ thanh lịch điềm đạm; đây là dấu ấn trong phong cách của người nghệ sỹ. Đôi tất dài và dáng đứng của ông khoe ra bắp chân săn chắc, vốn được xem là một đặc điểm nổi bật ở nam giới. Trên thực tế, đôi khi người ta còn mang tất độn để làm nổi bật ưu điểm này.
Đôi giày kiểu Pháp được tô điểm một cách cầu kỳ với những bông hồng lớn và gót giày cao. Vào thời này, đế giày được làm đồng nhất chứ không phân biệt phải và trái; sau khi mang một thời gian thì cuối cùng mỗi bên đế sẽ mòn và vừa với bàn chân. Bộ trang phục dệt kim nhăn nheo của Công tước Stuart tương đồng với mái tóc vàng được đánh rối cẩn thận, với một lọn tóc cuộn dài thời thượng — kiểu tóc dài buông từ gáy xuống ngực đặc biệt thịnh hành vào thời trị vì của Vua Charles I — tạo nên một hình ảnh lãng mạn về sự khoa trương của giới quý tộc.
Khắc họa ren và lòng trung thành
Họa sỹ Van Dyck khắc họa cổ áo ren của ngài Stuart một cách tinh tế. Chất liệu xa xỉ này là nét đặc trưng chính trong hầu hết các bức chân dung về các nam nhân và nữ nhân quyền quý thời bấy giờ. Ở Anh quốc thời kỳ Tudor, vải ren thường được miêu tả một cách cẩn thận và chính xác. Đến thời Baroque, các họa sỹ như Van Dyck đã áp dụng cách tiếp cận tự do hơn với những nét cọ dày.
Phần cổ áo trong bức tranh “James Stuart (1612–1655), Duke of Richmond and Lennox” (James Stuart (1612-1655), Công tước xứ Richmond và Lennox) làm bằng ren cuộn (bobbin lace), được sản xuất thủ công bằng cách bện xoắn các sợi chỉ quanh các trục tròn gọi là suốt chỉ. Trong cuốn sách “The Golden Thread: How Fabric Changed History” (Sợi Chỉ Vàng: Chất Liệu Vải Đã Thay Đổi Lịch Sử Như Thế Nào), tác giả Kassia St. Clair viết rằng, “những nghệ nhân làm ren vô danh đã tạo ra các thiết kế mang phong cách baroque với độ phức tạp đến hoa cả mắt, mỗi một thiết kế đều đòi hỏi phải tính toàn chính xác để bảo đảm đúng số lượng ống chỉ cần sử dụng.
Loại ren này được sản xuất ở Anh hoặc các Quốc gia Vùng đất thấp (Low Countrie), là chất liệu lý tưởng để tạo nên những chiếc cổ áo rộng và phẳng, giống như cổ áo mà vị công tước đã mặc. Sử gia nghệ thuật Sophie Ploeg viết rằng, vì ren cuộn dày và thiếu các lỗ thủng nên về mặt nghệ thuật, “việc khắc họa từng sợi chỉ riêng lẻ trên bức tranh là không thực tế. Hiểu biết của người xem về ren không còn dựa hoàn toàn vào việc thể hiện tính chính xác, chi tiết cấu trúc và hoa văn của ren nữa.” Họa sỹ Van Dyck, bằng sự sáng tạo của mình đã nắm bắt được kết cấu và hoa văn của ren thông qua việc khắc họa ánh sáng và bóng đổ.
Trong bức tranh này, ngài công tước đứng cùng chú chó săn của ông. Chú chó được cho là đã cứu mạng ông trong một cuộc săn lợn rừng. Giống chó này tượng trưng cho sự cao quý và lòng trung thành. Nói chung, việc miêu tả hình ảnh những chú chó trong nghệ thuật thường là để biểu thị lòng trung thành. Ông Van Dyck đã nâng hình ảnh loài vật này lên một tầm cao mới bằng vẻ duyên dáng và đĩnh đạc, với hai chân trước của chú chó được tạo dáng một cách tao nhã. Điều này gợi nhớ đến bức tranh “Charles V With a Hound” (Vua Charles V và Chú Chó Săn) của danh họa Titian từ một trăm năm trước, hiện nằm trong Bảo tàng Prado. Nhưng vào thời của Van Dyck, bức tranh này là một phần trong bộ sưu tập nghệ thuật lừng lẫy của Vua Charles I. Trong cả hai tác phẩm trên, mỗi chú chó đều tựa mõm vào hông chủ nhân đồng thời ngước nhìn họ với ánh mắt trung thành.
Trong bức tranh của Van Dyck, chú chó thể hiện lòng trung thành của nó với ngài công tước, nhưng có lẽ cũng biểu thị cho sự tận tâm của ngài công tước đối với nhà vua. Nét đặc trưng trong các tác phẩm của Van Dyck là sự chuyển động nhịp nhàng, và ta dễ dàng nhận thấy điều đó ở đây. Vị họa sỹ đã sử dụng các đường nét dài, uốn lượn để tạo nên các yếu tố riêng biệt cho bức tranh — từ chú chó đến y phục rồi đến bức rèm làm phông nền — tất cả đều hòa vào nhau.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times