Giải mã những chiếc hộp cổ xưa
Bảo vật lưu giữ những kho báu tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan
Mối quan tâm của bảo tàng đối với những chiếc hộp cổ xưa không phụ thuộc vào việc bên trong đó có còn lưu lại những hiện vật ban đầu hay hiện đã trống rỗng. Việc giải mã những chiếc hộp này dưới góc nhìn khoa học tiết lộ [cho chúng ta] về vật liệu, hình dáng, chức năng, và vẻ đẹp của chúng, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Chỉ riêng vẻ ngoài của chúng là đủ để tiếp tục làm mãn nhãn các khán giả thời nay.
Một vật liệu được đánh giá rất cao ở Âu châu thời trung cổ, và là một loại vật liệu mà ngày nay người ta không thể sử dụng để sáng tạo ra các vật dụng mới, là ngà voi. Ngà voi thường được chạm khắc để tạo thành các món đồ trang trí. Trong giai đoạn từ đầu thời Trung Cổ cho đến thời La Mã, ngà voi chủ yếu được sử dụng để sản xuất bìa sách và và các vật dụng phụng vụ.
Vào thế kỷ 12, nguồn cung ngà voi suy giảm. Tuy nhiên, vật liệu này được tái sản xuất vào giữa thế kỷ 13 theo phong cách Gothic với nguồn nhập cảng chính đến từ các thảo nguyên Phi châu. Song song với làn sóng ồ ạt này, mức độ sử dụng ngà voi trong nghệ thuật cũng tăng lên. Việc sở hữu những pho tượng tôn giáo, bức phù điêu thờ phượng cá nhân, và cả vật phẩm xa xỉ như lược, bảng viết, và các tráp nữ trang (các hộp dùng để trang trí) bằng ngà voi được xem là thời thượng. Các vật dụng cá nhân liệt kê ở phía sau thường được trang trí bằng các hình ảnh chạm khắc có độ đắp nổi thấp (low-relief).
Các đôi tình nhân
“Chiếc hộp khắc hình ảnh các đôi tình nhân” (Box with Courting Couples) của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan là chiếc hộp bằng ngà voi xuất sắc nhất được làm từ sáu mảnh ghép của Hoàng gia Pháp thế kỷ thứ 14. Những chiếc hộp như thế này thường được các thành viên hoàng gia và giới quý tộc đặt hàng để trao tặng cho nhau trong các dịp lễ hội. Tác phẩm này cũng là biểu tượng cho sự phát triển của ngành thủ công. Thời ban đầu, những chiếc hộp tương tự được trang trí bằng họa tiết như hoa lá và hình tượng nhân vật. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 14, những người thợ điêu khắc đã khắc lên đó các câu chuyện tường thuật, hình vẽ về các câu chuyện cổ xưa, sử thi, và chuyện tình lãng mạn.
Chủ đề của chiếc hộp nữ trang này là những hình ảnh phổ biến về cảnh tỏ tình và yêu đương lấy bối cảnh tại một miền đồng quê tưởng tượng. Những cảnh tượng như nhân vật nam quỳ trước mặt người thiếu nữ, một số được nhận lời trong khi số khác bị từ chối, một người cầu hôn trao nhẫn cho cô gái mình yêu, các cặp đôi tay trong tay và ôm nhau, nhặt các bông hoa kết thành vương miện, và cưỡi ngựa cùng với diều hâu.
Chiếc rương cầu hôn (cassone) của Ý
Chiếc rương lớn bằng gỗ được gọi là cassoni là vật phẩm lịch sử chỉ có tại Ý. Chúng được sản xuất từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 16, chủ yếu ở vùng trung Ý. Sản xuất rương cassoni là một ngành công nghiệp thịnh vượng. Có rất nhiều xưởng thủ công chỉ chuyên sản xuất và trang trí cho sản phẩm này. Tương tự như những chiếc tráp thời trung cổ, rương cassoni thường được trang trí bằng chủ đề thần thoại, cổ điển, thánh kinh, hoặc biểu tượng cá nhân.
Chiếc rương cassoni thường được người nam đặt hàng để dùng cho hôn lễ của mình. Chiếc rương được trao cho cô dâu, bên trong đựng của hồi môn và tư trang. Người ta sẽ khiêng chiếc rương đi diễn hành trong buổi lễ rước dâu công khai của họ. Một vài đôi phu thê có nhiều hơn một chiếc rương, và mỗi cái đều chứa đựng những vật phẩm rất có giá trị. Tương ứng theo đó, bề ngoài của chiếc rương được trang hoàng lộng lẫy. Vào cuối những năm 1300, rương cassoni là vật phẩm xa xỉ nhất trong một ngôi nhà ở Ý. Sau hôn lễ, chúng sẽ được hãnh diện trưng bày trong phòng ngủ chính của cặp vợ chồng son, chứng minh cho sự hợp nhất của hai gia đình. Chiếc rương cassoni càng cầu kỳ và càng sang trọng, thì thể hiện địa vị và độ giàu có của gia đình càng cao.
Vì chiếc rương cassoni là vật phẩm nội thất có giá trị cao, nên chúng [thường] được chuyển từ gia đình này sang gia đình khác. Kết quả là, nhiều chiếc rương đã bị hư hỏng theo thời gian. Những chiếc rương được trang trí bề ngoài bằng vật liệu mạ vàng tinh mỹ đặc biệt dễ bị hư hại. Do đó, chiếc rương cassoni có từ thời Phục Hưng Tuscan vào thế kỷ thứ 15 này tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan là một hiện vật hiếm hoi và quý giá.
Chiếc rương cassone này tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan được trang trí và chạm khắc hình các nhân vật. Trên chiếc rương có hoa văn khuôn mặt chim đại bàng, hai chiếc khiên biểu tượng cho gia đình cô dâu và chú rể, và một hoa văn hình hoa loa kèn (fleur-de-lis). Ba phương tiện trang trí chủ yếu được sử dụng trên rương cầu hôn là: kỹ thuật intarsia (các thiết kế được khảm nạm); các tấm ván được sơn màu; và kỹ thuật pastiglia (các bức phù điêu làm từ gesso). Chiếc rương cầu hôn của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan thuộc vào nhóm cuối cùng. Người ta sử dụng một đế gỗ làm khuôn, quét gesso lên (hỗn hợp vữa thạch cao được sử dụng làm lớp sơn lót, đặc biệt là trong thời Trung cổ và Phục Hưng) để vẽ nổi họa tiết trang trí, và sau đó mạ vàng.
Tráp đựng đồ may thêu
Công việc may vá và thêu thùa tinh xảo là một hoạt động giải trí dành riêng cho phụ nữ đã trở nên phổ biến ở Anh quốc vào thế kỷ 16. Những người may vá xuất sắc, có thể dành thời gian để tìm hiểu nghề thủ công này và đủ khả năng chi trả cho những vật liệu xa xỉ có cả Nữ hoàng Mary của Scotland. Thế kỷ tiếp theo, việc làm ra những chiếc tráp trang trí nhỏ xinh (hoặc là các chiếc hộp nhỏ) là đỉnh cao của quá trình học nghề may thêu của một cô gái giàu có.
Những chiếc tráp này thường được trang trí với một bộ những hình ảnh ở mỗi mặt, có chủ đề trải rộng từ thần thoại, Thánh Kinh, và đồng quê. Phần bên trong có nhiều ngăn, thỉnh thoảng có cả những ngăn bí mật, được các cô gái trẻ dùng để cất giữ những tài sản cá nhân như nữ trang, đồ vệ sinh, dụng cụ viết và may vá, và thư từ.
Chiếc tráp may vá này là một ví dụ điển hình trong [bộ sưu tập của] Royal Collection Trust, được bao phủ bởi một đường may dài bằng lụa. Mặt chính diện của chiếc hộp có hình ảnh người phụ nữ và đàn ông ăn vận kiểu cách, mỗi người đứng trên một khung cửa. Tuy nhiên, chiếc tráp này được mở ở ba nơi khác nhau như các ngăn phân chia, hộc kéo, và các ngăn bí mật. Hiếm khi chúng ta xác định được cụ thể người đã làm ra các chiếc hộp còn sót lại như vậy.
Vật phẩm này còn được gọi là “Chiếc hộp Little Gidding” (The Little Gidding Cabinet) vì người ta cho rằng đây là sản phẩm làm thủ công của một trong các cô gái nhà Colletts. Các cô gái trẻ này nổi tiếng với kỹ năng may thêu và họ lớn lên trong cộng đồng Little Gidding theo Anh Giáo ở Cambridgeshire, Anh quốc. Cháu trai của Nữ hoàng Mary xứ Scotland, Vua Charles Đệ nhất, là người bảo trợ cho cộng đồng này. Theo truyền thống, chiếc tráp này sẽ được chính nhà vua mua lại, nhưng ông đã để lại cho gia đình Collett vì muốn nó được gìn giữ an toàn. Chiếc tráp vẫn luôn ở trong gia đình Collet cho đến cuối thế kỷ 19, khi nó được Nữ hoàng Victoria mua lại, từ đó vật phẩm này quay trở về gia đình hoàng gia.
Hộp đựng thuốc lá kiểu Paris
Vào cuối thế kỷ thứ 16, thuốc lá bắt đầu được xuất cảng từ Tân Thế Giới đến châu Âu. Ban đầu, việc hút thuốc lá bắt đầu trở thành một thói quen. Tuy nhiên trong suốt thế kỷ thứ 18, việc hít một hơi thuốc lá (thuốc lá ở dạng bột) đã phát triển thành một nghi lễ phức tạp của giới quý tộc để thể hiện sở thích, địa vị, và sự giàu có của họ.
Những chiếc hộp gọi là hộp đựng thuốc lá (snuffbox) này được tạo ra để chứa thuốc lá, và điều này trao cho người thợ thủ công cơ hội tạo ra những tác phẩm lộng lẫy sử dụng đa dạng các loại vật liệu trang trí từ đá quý đến các bức chân dung thu nhỏ, sơn mài, xà cừ, đá cứng, và men trên các vật liệu nền là vàng, bạc, đồi mồi, hoặc sứ. Những chủ nhân giàu có thường có cả một bộ sưu tập hộp đựng thuốc lá để phối với trang phục hoặc sử dụng theo mùa. Hộp đựng thuốc lá được trao đổi như quà tặng giữa bạn bè và người thân yêu, cũng giống như chiếc tráp ngà voi thời Trung cổ. Các hộp đựng này cũng được làm quà tặng ngoại giao. Trên thực tế, một bộ ngôn ngữ bí mật liên quan đến các cử chỉ đặc biệt khi dùng hộp đựng thuốc lá đã phát triển ở các hoàng tộc Âu châu.
Giống như ngày nay, Paris thế kỷ 18 là thủ đô của thị trường các mặt hàng xa xỉ. Nơi đây cũng là trung tâm sản xuất hộp đựng thuốc lá. Nắp đậy phải được làm chắc chắn để thuốc lá giữ được độ tươi. Các mẫu hộp đựng thuốc lá đắt đỏ nhất được làm bằng vàng. Một trong những người thợ kim hoàn lành nghề nhất thời đại đó là ông Daniel Gouers. Hộp đựng thuốc lá do ông chế tác đang trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan là một [trong những] món đồ trang trí nghệ thuật cổ xưa nhất theo phong cách Rococo. Đặc trưng của phong cách này là các đường cong bất đối xứng mềm mại, các họa tiết cuộn tròn trừu tượng, và những hình dạng nhấp nhô. Chiếc hộp đựng thuốc lá xa hoa này được đính kèm rất nhiều kim cương, thể hiện rực rỡ những đặc trưng trên với kỹ nghệ kim hoàn tinh xảo.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times