Thủ tướng Hungary: NATO đang chuẩn bị cho cuộc xung đột trực tiếp với Nga
Nhà lãnh đạo Hungary Viktor Orban so sánh hành động của liên minh phương Tây này với việc ‘đổ thêm dầu vào lửa.’
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết liên minh phương Tây NATO đang tiến gần hơn bao giờ hết đến cuộc xung đột trực tiếp với Nga về vấn đề Ukraine.
Hôm 31/05, ông Orban đã nói trên truyền hình rằng, “Thay vì bảo vệ chúng tôi, thì NATO đang kéo chúng tôi [Hungary], một quốc gia thành viên, vào một cuộc thế chiến.” Hungary đã trở thành thành viên của NATO từ năm 1999.
Tuy nhiên, không giống như các nước khác thuộc liên minh, Hungary dưới thời ông Orban vẫn duy trì mối bang giao tốt đẹp với Nga bất chấp việc nước này đang tiến hành xâm lược miền đông Ukraine.
Trước việc các đồng minh NATO của Hungary thể hiện sự bực dọc, ông Orban, người giữ chức thủ tướng từ năm 2010, đã lên tiếng chỉ trích sự ủng hộ hết mình của phương Tây dành cho Kyiv.
Trước đó trong tháng này (05/2024), Budapest đã từ chối tham gia kế hoạch trong dài hạn của NATO nhằm thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro (khoảng 108 tỷ USD) để viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Hungary sẽ đứng ngoài sứ mệnh điên rồ của NATO, bất chấp mọi áp lực,” Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết hôm 08/05.
Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết Budapest sẽ không ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào có thể “kéo liên minh này đến gần chiến tranh hơn hoặc chuyển liên minh từ phòng thủ sang tấn công.”
Ông Orban nói rằng ông muốn thấy cuộc chiến ở Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba phải chấm dứt và tránh leo thang xung đột.
Những người chỉ trích cáo buộc ông đã đầu hàng Moscow với cái giá phải trả là Ukraine và những người ủng hộ phương Tây.
Hungary cũng khiến các thành viên Liên minh Âu Châu (EU) khó chịu khi ngăn chặn các biện pháp cung cấp thêm 6.5 tỷ euro (khoảng 7.05 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Kyiv.
“Chiến tranh là một con quái vật luôn đói khát,” ông Orban nói trong một cuộc phỏng vấn với Kossuth, đài truyền hình quốc gia Hungary.
“Chiến tranh phải được nuôi dưỡng, và phải được nuôi dưỡng bằng tiền,” ông nói.
Ông nói thêm: “Và chính phủ Đảng Dân Chủ ở Hoa Kỳ cũng như các nhà lãnh đạo của Liên minh Âu Châu sẵn sàng nuôi cuộc chiến này.”
Trước đó trong tuần này, ông Gabrielius Landsbergis, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, đã cáo buộc Budapest cản trở “bất kể nỗ lực nào của EU nhằm đóng một vai trò có ý nghĩa trong các vấn đề đối ngoại.”
“Hầu như tất cả các quyết định của chúng tôi… chỉ bị cản trở bởi một quốc gia,” ông Landsbergis nói hôm 27/05 trước cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Brussels.
Các quyết định về chính sách đối ngoại của EU cần có sự ủng hộ của tất cả 27 thành viên trong khối.
Ông Szijjarto cho biết Hungary sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề này “bất chấp những gì mà các chính trị gia ủng hộ chiến tranh đang hò hét.”
‘Tiến gần hơn đến chiến tranh và sự hủy diệt’
Trong bài diễn văn được phát hình gần đây của mình, ông Orban tuyên bố rằng “cứ mỗi tuần trôi qua” thì NATO càng đang “tiến gần đến chiến tranh” với Nga hơn.
Để chứng minh cho lời khẳng định của mình, ông dẫn chứng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Paris và Kyiv về việc có thể đưa các huấn luyện viên quân sự của Pháp tới Ukraine.
Hôm 27/05, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Kyiv “vẫn đang thảo luận với Pháp và các nước khác về vấn đề này.”
Sau đó, điều này đã được Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận và tuyên bố: “Việc huấn luyện trên đất Ukraine vẫn là chủ đề thảo luận với người Ukraine.”
Trong các tuyên bố trước đó, Moscow đã cảnh báo rằng nếu các huấn luyện viên người Pháp được điều động đến lãnh thổ Ukraine thì họ sẽ bị coi là “những mục tiêu chính đáng.”
Ông Orban cũng lưu ý đến quyết định gần đây của NATO, cho phép Ukraine sử dụng đạn tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược Ukraine vào đầu năm 2022, các đồng minh của Kyiv đã kiềm chế không thực hiện biện pháp như vậy vì lo ngại xung đột leo thang mạnh mẽ.
Nhưng tuần này, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết “đã đến lúc” các nước trong liên minh phải suy nghĩ lại về những hạn chế của họ đối với việc Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa.
Tại cuộc họp hôm 28/05 của các bộ trưởng quốc phòng EU, ông Stoltenberg nhấn mạnh Kyiv có “quyền” sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công “các mục tiêu quân sự hợp pháp ở Nga.”
Ông nói, vấn đề này “hiện đặc biệt có liên quan” trong bối cảnh cuộc tấn công của Nga đã giành được những chiến thắng đáng chú ý ở khu vực Kharkiv của Ukraine.
Khi được hỏi về sự thay đổi chính sách rõ ràng của NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo: “Việc leo thang liên tục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.”
“Nếu những hậu quả này xảy ra ở châu Âu, Hoa Kỳ sẽ hành xử thế nào, khi lưu tâm đến sự ngang bằng của đôi bên trong lĩnh vực vũ khí chiến lược?” ông nói hôm 28/05.
Ông Putin nói thêm rằng các đồng minh Âu Châu của Kyiv “nên nhận thức được họ đang chơi trò gì.”
Theo ông Orban, cả hai diễn biến này đều là những dấu hiệu “đáng lo ngại” cho thấy NATO đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trực tiếp với Nga và rằng châu Âu đang “tiến gần đến sự hủy diệt.”
“Thay vì bảo vệ các thành viên của mình,” ông nói, “thì NATO đang kéo chúng ta vào một cuộc thế chiến.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times