Hoa Kỳ kêu gọi châu Âu cắt đứt nguồn cung ứng của ĐCSTQ cho cuộc chiến của Nga
Hoa Kỳ kêu gọi các đồng minh của Ukraine và các doanh nghiệp phương Tây cắt đứt nguồn cung cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. ĐCSTQ bị cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.
Theo Financial Times, Thứ trưởng Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ Wally Adeyemo có một bài diễn văn trước các lãnh đạo doanh nghiệp Đức tại Berlin vào hôm thứ Sáu (31/05), kêu gọi các công ty phương Tây ngăn chặn Nga nhập cảng các linh kiện quan trọng từ Trung Quốc hoặc thông qua Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc bị phát hiện cung cấp hàng hóa cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Vì bốn ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc (ICBC, ABC, BOC, CCB) đã tăng cường mở rộng hoạt động tại Nga, nên hành động của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng này.
Gần đây, nhiều quan chức Hoa Kỳ cáo buộc ĐCSTQ cung cấp viện trợ quân sự cho Nga, đồng thời cảnh cáo rằng Bắc Kinh có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt tiếp theo từ Hoa Kỳ và các quốc gia NATO khác.
Hoa Kỳ thúc giục châu Âu gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc
Theo các đoạn trích lục được chia sẻ với Financial Times, vào ngày 31/05, ông Adeyemo sẽ kêu gọi Hoa Kỳ và châu Âu “phải buộc Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra sự lựa chọn rõ ràng: Các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc là kinh doanh trong nền kinh tế của chúng ta, hoặc cung cấp sản phẩm lưỡng dụng cho cỗ máy chiến tranh của Nga. Họ không thể có cả hai.”
Ông Adeyemo sẽ cho biết, “Điện Kremlin biết rằng chỉ có sự giúp đỡ của ĐCSTQ, họ mới có thể đạt được mục tiêu quân sự của mình.” Ông nhấn mạnh, “Mỗi quốc gia trong liên minh của chúng ta và mỗi thành viên NATO phải luôn đồng nhất, truyền đạt thông điệp rõ ràng này tới Bắc Kinh: Hành động giúp đỡ cơ sở công nghiệp quân sự Nga của ĐCSTQ là không thể chấp nhận được.”
Hoa Kỳ cho biết, hồi năm ngoái, khối lượng hàng hóa nhạy cảm, lưỡng dụng (các hàng hóa dân sự có thể có mục đích sử dụng cho quân sự và cần thiết cho chiến tranh của Nga) nhập cảng vào Nga từ các nhà cung cấp Trung Quốc đã tăng 40%.
Hôm thứ Hai (27/05), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell khi đến thăm Brussels đã nói với các ký giả rằng các quốc gia Âu Châu và NATO cần nhanh chóng “gửi thông điệp chung về mối lo ngại của họ đối với hành động của ĐCSTQ: Chúng tôi cho rằng hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phá hoại sự ổn định ở trung tâm Âu Châu.”
Hôm thứ Ba (28/05), ông Daleep Singh, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách các vấn đề Kinh tế Quốc tế của Tòa Bạch Ốc tham gia một sự kiện do Viện Brookings tổ chức ở Hoa Thịnh Đốn. Tại đây ông cho biết Hoa Kỳ và các đối tác của mình sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng để ngăn chặn thương mại giữa Trung Quốc và Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Biện pháp trừng phạt thứ cấp
Trong chuyến thăm Kyiv hôm thứ Tư (29/05), ông Adeyemo đã nói với giới truyền thông tại hội nghị bàn tròn rằng Hoa Kỳ đang tìm cách bảo đảm các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ “thực hiện các biện pháp kiểm tra cách sử dụng vi mạch bán dẫn của họ”, và ngăn chặn việc vận chuyển vi mạch bán dẫn qua các nước thứ ba như ĐCSTQ.
Ông Adeyemo cho biết, việc Tổng thống Nga Putin gần đây bổ nhiệm quan chức kỹ thuật Andrei Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho thấy mức độ tiêu hao của chiến tranh đối với nền kinh tế Nga.
Ông nói thêm rằng cùng với việc Hoa Kỳ mở rộng sự chú ý đến các quốc gia và công ty vận chuyển sản phẩm lưỡng dụng cho Nga, thì quốc gia này cũng sẽ đưa các ngân hàng vào phạm vi chế tài.
Hồi tháng 12/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một sắc lệnh, trao quyền cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa các ngân hàng có thể giúp Nga như ngân hàng của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và UAE, vào danh sách đen. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa ra một cảnh báo trực tiếp.
Ông Adeyemo cho biết, “Các tổ chức tài chính có thể giúp chúng tôi thực thi các biện pháp trừng phạt bằng nhiều phương diện như thực hiện điều tra bổ sung đối với các công ty tìm cách sử dụng tổ chức tài chính để tài trợ cho hàng hóa vào Nga.”
“Chúng tôi thấy rằng Điện Kremlin đang chuyển từ các ngân hàng lớn ở một số quốc gia này sang các tổ chức nhỏ hơn có bộ phận tuân thủ ít phức tạp hơn. Họ cố gắng né tránh các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng của chúng tôi.” Ông nói thêm, hiện này Hoa Kỳ muốn “gây áp lực” đối với các ngân hàng để “tăng cường điều tra, nhằm nỗ lực ngăn chặn Nga có được những hàng hóa này.”
Trong tháng Năm này, Ngân hàng Trung ương Âu Châu đã nhắc nhở các ngân hàng thuộc khu vực đồng euro có hoạt động kinh doanh tại Nga tăng tốc độ rút lui khỏi Nga. Ngân hàng Trung ương Âu Châu lo ngại rằng nếu ở lại, thì các ngân hàng này có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ vì đã tạo điều kiện cho cuộc chiến Nga-Ukraine.