Ông Stoltenberg: Việc Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây trên đất Nga sẽ không khiến NATO trở thành bên tham chiến
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một số đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine chưa áp đặt các hạn chế về việc Ukraine nên sử dụng vũ khí như thế nào.
Tại cuộc họp của Liên minh Âu Châu (EU) hôm 28/05, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc Ukraine sử dụng vũ khí do các đồng minh phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga sẽ không khiến NATO và các thành viên của tổ chức này trở thành một phần của cuộc xung đột.
Ông Stoltenberg nói trước cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng EU: “Việc chúng ta cung cấp thiết bị cho Ukraine không khiến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột này.”
Các đồng minh NATO “có quyền trợ giúp Ukraine mà không trở thành một bên trong cuộc xung đột” vì họ đang “giúp Ukraine duy trì quyền tự vệ.”
Ông giải thích rằng một số đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine chưa áp đặt các hạn chế về việc Ukraine nên sử dụng những vũ khí này như thế nào.
Tuy nhiên, “họ không làm cho NATO trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột,” ông Stoltenberg nhắc lại.
Ông nói: “Đây là quyết định của các quốc gia.”
“NATO điều phối việc viện trợ thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine.”
Ông Stoltenberg cho biết NATO đã và đang làm việc với các đồng minh, nhiều nước trong số đó cũng là thành viên EU, để “tăng cường cung cấp đạn dược, hệ thống phòng không, và đặc biệt là những hệ thống tân tiến nhất, hệ thống Patriot.”
Theo trang web Công nghệ Vũ khí (Army Technology), hệ thống phi đạn Patriot là “hệ thống phòng không tầm xa, có khả năng tác chiến ở mọi độ cao, trong mọi điều kiện thời tiết để chống lại phi đạn đạn đạo chiến thuật, phi đạn hành trình, và phi cơ tân tiến.” Hệ thống này được sử dụng ở Hoa Kỳ và hơn một chục quốc gia khác.
Sau khi tham gia cuộc họp giữa ông Stoltenberg và các bộ trưởng quốc phòng, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết sau cuộc họp rằng việc dỡ bỏ các hạn chế đối với vũ khí phương Tây mà lực lượng Ukraine sử dụng để nhắm vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga là quyết định riêng của mỗi thành viên EU.
Ông Borrell nói thêm rằng các quốc gia thành viên đó phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, dù là họ có quyết định dỡ bỏ các hạn chế hay không. Ông cho biết, cách đây vài tuần một số quốc gia thành viên EU từng phản đối và cho rằng điều đó “không phù hợp,” gần đây đã thay đổi quan điểm của mình.
Việc Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022 đã gây ra sự đổ vỡ tồi tệ nhất trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng Phi đạn Cuba năm 1962.
Quyền tự vệ
Ông Stoltenberg nói rằng Ukraine đã bị Nga xâm lược và theo luật pháp quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ, bao gồm cả việc tấn công vào các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ Ukraine và các mục tiêu quân sự chính đáng bên trong nước Nga.
Trong cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực Kharkiv, sát biên giới Ukraine-Nga, “người Ukraine sẽ rất khó khăn và chật vật để tự vệ nếu họ không thể tấn công các mục tiêu quân sự ngay ở bên kia biên giới,” ông Stoltenberg bày tỏ.
Trong những tháng gần đây, Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công bằng thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến (drone) và pháo binh gần như hàng ngày từ Kharkiv vào các khu dân cư ở Belgorod, Nga, khiến Moscow phải đưa ra cảnh báo.
Kharkiv cũng vẫn là mục tiêu thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng phi đạn và pháo binh của Nga.
Tại cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ở Kyiv hồi tháng Năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu khai triển hai khẩu đội phi đạn Patriot do Mỹ sản xuất đến Kharkiv.
Trong cuộc họp báo hôm 28/05, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chính sách của nước này là không “khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công bên ngoài biên giới Ukraine.”
Các cuộc đàm phán hòa bình
Hôm 24/05, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine cần được khởi động lại và Nga sẽ chỉ làm việc với các nhà lãnh đạo hợp pháp ở Kyiv. Ông nói rằng các cuộc đàm phán “sẽ không cần phải dựa trên các tối hậu thư mà dựa trên lẽ thường.”
“Cuộc chiến này có thể kết thúc vào ngày mai” nếu nước khơi mào cuộc chiến ngừng tấn công Ukraine, ông Stoltenberg khẳng định và nói thêm rằng thay vào đó, Nga đang đẩy mạnh chiến tranh.
Ông cho rằng, kinh nghiệm của NATO cho thấy kết quả đàm phán có liên hệ chặt chẽ với sức mạnh trên chiến trường.
“Vì vậy, nếu chúng ta muốn một giải pháp thương lượng trong đó Nga chấp nhận rằng Ukraine phải chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở châu Âu, thì cách duy nhất để đạt được điều đó là viện trợ quân sự cho Ukraine để họ có thể chứng minh cho Tổng thống Putin thấy rằng ông ấy sẽ không giành được chiến thắng trên chiến trường,” ông Stoltenberg cho hay.
Ông Stoltenberg cho rằng NATO cũng phải ngăn chặn cuộc chiến leo thang ra ngoài Ukraine và trở thành “một cuộc xung đột toàn diện giữa NATO và Nga,” và một phần trong việc này là không đưa quân NATO vào Ukraine.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Adam Morrow.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times