Ngoại trưởng Blinken: Ukraine có thể giải quyết các mối đe dọa ở ‘phía bên kia biên giới Nga’ bằng vũ khí của Hoa Kỳ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ thông báo có một sự thay đổi trong chính sách của chính phủ Tổng thống Biden đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ tài trợ.
Hôm thứ Sáu (31/05), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa ra tín hiệu rằng chính phủ của Tổng thống Joe Biden tăng cường trợ giúp cho hoạt động quân sự của Ukraine để đối phó với các mối đe dọa bên trong biên giới Nga nhưng đề nghị vài chi tiết cụ thể về việc thay đổi các quy tắc giao chiến.
Trong suốt hơn hai năm giao tranh quy mô lớn giữa các lực lượng Ukraine và Nga, chính phủ Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khác của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã dần dần cung cấp cho phía Ukraine những hệ thống vũ khí tân tiến hơn và tầm bắn xa hơn, từ từ cân nhắc rồi xem xét lại mức độ họ có thể giúp đỡ người Ukraine mà không leo thang thành một cuộc xung đột mở rộng giữa NATO và một nước Nga được trang bị vũ khí hạt nhân.
Cho đến gần đây, các thành viên NATO vẫn duy trì một lệnh cấm tương đối lên việc các lực lượng của Ukraine sử dụng vũ khí do họ tài trợ để tấn công qua biên giới phía đông vào lãnh thổ được quốc tế công nhận của Nga. Những quan điểm đó đã bắt đầu thay đổi trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công vào khu vực biên giới Kharkiv của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngày càng yêu cầu các nước NATO vốn ủng hộ ông nới lỏng các quy tắc giao chiến để cho phép các lực lượng của ông tấn công vào lãnh thổ Nga, và trong những ngày gần đây, nhiều nhà lãnh đạo trong liên minh Tây phương này đã bắt đầu nhượng bộ.
Tại một cuộc họp báo trong chuyến công du đến Cộng hòa Czech hôm thứ Sáu, ông Blinken được yêu cầu thông báo chính sách của chính phủ Tổng thống Biden về việc Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong biên giới Nga bằng vũ khí do Hoa Kỳ tài trợ. Lời nhận xét của ông Blinken trước giới báo chí cho thấy chính phủ Tổng thống Biden cũng đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với cách thức chiến đấu của các lực lượng Ukraine, nhưng ông hầu như không nêu chi tiết.
Không nêu chính xác thời điểm và cách thức mà các lực lượng của Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ tài trợ để chống lại các lực lượng của Nga, ông Blinken tuyên bố rằng chính sách của chính phủ Tổng thống Biden đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ tài trợ vừa có thay đổi.
“Trong vài tuần qua, Ukraine đã đến gặp chúng tôi và yêu cầu được phép sử dụng vũ khí mà chúng tôi đang cung cấp để bảo vệ trước cuộc xâm lược này, kể cả việc chống lại các lực lượng Nga đang tập trung ở phía biên giới Nga rồi sau đó tấn công vào Ukraine,” ông Blinken nói với các phóng viên. “Và yêu cầu đó đã được trình lên tổng thống, và như quý vị đã nghe nói, ông ấy đã chấp thuận việc sử dụng vũ khí của chúng tôi cho mục đích đó.”
NTD News đã liên tục liên lạc với các bộ phận của chính phủ Tổng thống Biden trong những ngày gần đây để hiểu rõ chính sách của chính phủ đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ tài trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Hôm thứ Sáu, trong một phúc đáp qua thư điện tử, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với NTD News rằng, “Tổng thống vừa chỉ thị cho nội các của mình phải bảo đảm rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí được Hoa Kỳ cung cấp này cho các mục đích phản công ở khu vực Kharkiv để Ukraine có thể đáp trả các lực lượng của Nga đang tấn công hoặc đang chuẩn bị tấn công họ.”
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao được gửi qua thư điện tử tiếp tục cho biết chính sách của chính phủ Tổng thống Biden là cấm các lực lượng Ukraine sử dụng bệ phóng phi đạn đạn đạo chiến thuật do Hoa Kỳ tài trợ được gọi là Hệ thống Phi đạn Chiến thuật của Lục quân (ATACMS) và “các vũ khí tấn công tầm xa” khác vào bên trong lãnh thổ Nga “là không thay đổi.”
Sau đó NTD News đề nghị nêu rõ thêm về những loại vũ khí mà các lực lượng Ukraine có thể sử dụng để tấn công vào bên trong nước Nga, nếu như không phải là ATACMS và “các vũ khí tấn công tầm xa” khác, nhưng Bộ Ngoại giao đã không phúc đáp bằng thông tin chi tiết bổ sung.
Các quốc gia khác nhìn nhận thế nào về các cuộc tấn công vào Nga
Các nhà lãnh đạo NATO khác đã nêu ra quan điểm của họ về việc Ukraine tấn công dứt khoát hơn vào bên trong biên giới Nga. Hôm thứ Hai (27/05), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quyền tự vệ của Ukraine “bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong nước Nga.”
Hôm thứ Tư (29/05), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết ông tin rằng các lực lượng của Ukraine sẽ có thể tấn công các địa điểm phóng phi đạn ở trong biên giới Nga, nơi đang bắn phi đạn vào Ukraine, mà không phải các mục tiêu khác ở bên trong biên giới Nga.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson cũng nói với tờ báo Thụy Điển Halllandsposten rằng “Ukraine có quyền tự vệ thông qua các hành động tác chiến nhắm vào lãnh thổ của đối thủ miễn là các hành động tác chiến này tuân thủ luật chiến tranh.”
Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo trong số các nước NATO đã phản đối việc chấp thuận cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga.
Nói với hãng thông tấn Ansa News của Ý hôm thứ Hai, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni không đồng tình với những bình luận của ông Stoltengberg về các cuộc tấn công như vậy nhắm vào Nga và nói rằng quan chức NATO này nên “thận trọng hơn.” Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini cũng nói với Ansa News rằng những bình luận của ông Stoltenberg làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc thế chiến mới và tổng thư ký NATO nên xin lỗi vì những nhận xét gần đây của ông hoặc là phải từ chức.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng lập luận trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu rằng những bình luận của những người đồng cấp NATO ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga là mạo hiểm và đưa liên minh này đến gần hơn với cuộc xung đột trực tiếp với Nga.