Thời xưa Triệu Cao chỉ hươu bảo ngựa, thời nay Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rồng bảo cá voi
Trong loạt bài “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” đăng trên thời báo The Epoch Times đã phơi bày chín nguyên nhân cơ bản vô cùng tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và “lừa dối” là một trong số đó. Từ “lừa dối” có nghĩa là “dùng lời hứa hẹn hoặc mưu kế gian trá để khiến người khác tin tưởng.” Những kẻ dối trá có thể dùng lời hứa hẹn chân thành, lời ngon tiếng ngọt, hoặc ngầm dùng cách thức mờ ám để giở trò, nhằm đạt mục đích lừa gạt người khác. Đây là chỉ sự lừa dối trên nghĩa thông thường, chúng ta có thể gọi đó là “lừa dối mềm.”
Tuy nhiên, trên đời này còn có một loại lừa dối khác, nó lấy quyền lực làm hậu thuẫn, không cần che đậy, ngang nhiên đổi trắng thay đen giữa thanh thiên bạch nhật, nói lời bịa đặt dối trá ngay trước mắt đông đảo công chúng, hơn nữa còn uy hiếp, ép buộc người ta phải thừa nhận. Đây chính là mức độ cao nhất của lừa dối, chúng ta có thể gọi nó là “lừa dối cứng rắn.”
Thật ra, gọi kiểu lừa dối cứng rắn này là lừa dối, không bằng gọi nó là “chà đạp dân ý” thì càng chuẩn xác hơn.
Từ cổ chí kim, “lừa dối mềm” nhiều vô số kể, còn kẻ “lừa dối cứng rắn” lại hiếm có như lông phượng và sừng lân: thời xưa có Triệu Cao chỉ hươu bảo ngựa, thời nay có ĐCSTQ chỉ rồng bảo cá voi.
Triệu Cao chỉ hươu bảo ngựa
“Chỉ hươu bảo ngựa” là một câu thành ngữ của Trung Quốc, ý là chỉ vào con hươu nhưng lại gọi nó là con ngựa. Thành ngữ này ví von việc đổi trắng thay đen, lẫn lộn phải trái. Câu thành ngữ này bắt nguồn từ một điển cố xảy ra vào thời nhà Tần khoảng hơn hai ngàn năm trước. Câu chuyện diễn ra như sau:
Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng băng hà, truyền ngôi cho Tần Nhị Thế. Thừa tướng Triệu Cao hoành hành ngang ngược trong triều đình, âm mưu soán ngôi vua. Triệu Cao sợ các đại thần khác không tuân phục, vì thế quyết định trước tiên cần phải có hành động ra oai phủ đầu, nhằm thử thái độ của mọi người.
Một hôm đang buổi thượng triều, Triệu Cao lệnh cho hạ nhân dắt một con hươu vào trong triều đường, rồi nói với Nhị Thế Đế rằng: “Ngày hôm qua thần có được một con ngựa tốt, đặc biệt dâng tặng cho bệ hạ.”
Nhị Thế Đế phì cười nói: “Thừa tướng nói sai rồi, đây chỉ là một con hươu, trên đầu còn có sừng, sao lại nói nó là ngựa được chứ?”
Triệu Cao cao giọng đáp rằng: “Đây đúng là một con ngựa tốt. Nếu bệ hạ không tin, có thể hỏi thử các đại thần một chút, xem họ sẽ nói như thế nào.”
Có một số quan đại thần từ trước tới giờ luôn a dua nịnh hót đối với Triệu Cao, nên vội vàng trả lời: “Thừa tướng nói không sai, đây rõ ràng là một con ngựa tốt!” Cũng có đại thần không nỡ nói dối, bèn nói: “Đây rõ ràng là một con hươu, sao có thể nói là ngựa được?” Triệu Cao thông qua biểu hiện của mọi người mà nắm được tình hình.
Sau khi tan triều, hễ đại thần nào nói đó là con hươu thì đều bị gán cho các loại tội danh rồi đuổi khỏi triều đình, thậm chí có người còn bị tống vào tù, bị chém đầu; những người nào nói đó là con ngựa thì từng người đều được thăng quan tiến tước. Từ đó bách quan trong triều đều e sợ Triệu Cao, cũng không dám nói thật nữa.
Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rồng bảo cá voi
Trong “Lễ Ký – Lễ vận đệ cửu”, rồng, phượng, rùa, lân được xem là “Tứ linh” (bốn loài linh thú lớn) của Thiên giới, trong đó rồng đứng đầu tứ linh. Rồng là Thần thú của Thiên thượng, có chức trách cai quản việc mưa, cho nên trong dân gian Trung Quốc có câu nói “rồng làm mưa, hổ làm gió.”
Theo “Doanh Khẩu thị chí” của Liêu Ninh ghi chép: chiều ngày 08 tháng 08 (năm 1934), một người nông dân phát hiện một bộ xương động vật to lớn trong vùng gần đầm lau sậy ở bờ bắc sông Liêu. Bộ xương dài khoảng 10 mét, trên phần đầu mỗi bên có một cái sừng dài khoảng hơn một mét, xương sống tổng cộng có 29 đốt. Đồn cảnh sát số 6 của Doanh Khẩu chuyển bộ xương đến một bãi đất trống gần cửa biển Tây Hải trưng bày trong mấy ngày. Người đến tham quan nối liền không dứt.
Những người già chứng kiến sự việc năm đó nhớ lại và kể rằng, thứ đó (con rồng) từng xuất hiện hai lần, lần thứ nhất ở vùng cách cửa sông Liêu 20km. Bà lão Tiêu Tố Cần (Xiao Suqin, lúc đó bà mới 9 tuổi) kể: cha bà là một người đánh xe ngựa, ông nghe nhiều người nói rằng người ta phát hiện một “con rồng sống” ở thượng nguồn của Điền Trang Đài nên đã chạy đến đó xem. Cha đặt bà trên lưng ngựa để xem. Bà nhìn thấy “con rồng” đầu vuông vức, mắt to luôn chớp nháy, thân thể uốn cong nằm rạp trên đất, chân có móng vuốt ở dưới bụng duỗi thẳng về phía trước. Sau đó, trời đổ mưa to trong thời gian rất dài, rồi không thấy “con rồng” đó đâu nữa.
Tuy nhiên, sau khi trời mưa to liên tục hơn 20 ngày, “con rồng” đó lại xuất hiện lần thứ hai trong đám lau sậy cách cửa sông 10km. Lúc này nó đã không còn là một con vật sống, mà là một bộ thi cốt bốc mùi hôi thối khó chịu.
Theo hồi ức của ông lão Dương Nghĩa Thuận (Yang Yishun): Trước khi phát hiện ra bộ xương “rồng”, ông đã nghe những người lớn nói rằng trong đầm lầy lau sậy luôn có tiếng kêu răng rắc vang lên, hơn nữa còn có tiếng “woo…” nghe giống như tiếng rống nặng nề của con trâu, còn có thể nghe thấy tiếng vùng vẫy, sau đó không có tiếng động nữa.
Khi đó, vùng Doanh Khẩu đã mưa to liên tục hơn 40 ngày. Sau khi mưa ngừng, trong không khí có mùi tanh hôi rất nặng theo gió bắc thổi tới. Ông Lư là người trông coi đầm lau sậy. Ông lần theo mùi hôi tìm kiếm, phát hiện từng đám cỏ lau lớn bị đổ rạp. Sau khi vén lau sậy ra tiến lên xem xét, thì ông giật mình kêu to lên: Bên trong có một con vật khổng lồ đã chết!
Ông Lư sợ hãi xoay người bỏ chạy, sau khi trở về nhà thì bị một trận bệnh nặng. Dân chúng sau khi nghe nói liền rủ nhau cùng đi xem, đồng thời báo sự việc cho chính quyền địa phương. Sau đó xương “rồng” được mang đi, vận chuyển đến cửa biển Tây Hải, đặt trên bãi đất trống và được sắp xếp như nguyên trạng. Có người dùng dây buộc vào bốn cái mỏ neo bao quanh bộ xương để cho mọi người tham quan.
Sự kiện chân thực này đã xảy ra trong lịch sử, được truyền thông địa phương đưa tin, được ghi chép lại trong địa phương chí của tỉnh này và được lưu giữ trong ký ức của người dân. 70 năm sau, Đài Truyền hình Trung ương của ĐCSTQ (CCTV) lại lấy sự kiện này ra để thổi phồng lần nữa. Có điều, lần thổi phồng này không phải vì mục đích chứng thực sự tồn tại của rồng, mà là có mưu đồ khác.
Cuối năm 2004, chương trình “Tiếp cận Khoa học” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát sóng bộ phim tài liệu “Giải mã bí mật 70 năm”, và vào năm tiếp theo, lại sản xuất và phát sóng phim tài liệu “Hình ảnh di cốt của rồng.” Theo thống kê của những người theo dõi sự việc này, đến năm 2008, các chương trình có liên quan đã được phát lại đến 9 lần.
Cuối cùng, CCTV kết luận: Sau khi được khoa học kiểm chứng, đó chẳng qua là Thần thoại được lưu truyền trong suốt 70 năm qua. “Khi thủy triều rút đi, con cá voi khổng lồ đi lạc, bị mắc cạn nằm lại trong đám lau sậy bên bờ sông Liêu, đã tạo nên Thần thoại này trong 70 năm qua.” Kết luận của CCTV cho rằng, di cốt con vật khổng lồ này khi còn sống là “Cá voi tấm sừng”, sở dĩ nó có hình dáng của “rồng” là do người ta đã “xếp sai vị trí của xương,” v.v.
Vào buổi tối chương trình “Giải mã bí mật 70 năm” của CCTV phát sóng, ông lão Sài Thọ Khang (Chai Shoukang), hơn 80 tuổi, là người dân ở Doanh Khẩu, đã đưa ra nghi vấn về “lời giải thích là cá voi tấm sừng” này. Sau đó, các ông Hoàng Chấn Phúc (Huang Zhenfu) và Trương Thuận Hỉ (Zhang Shunxi) cũng đặt ra nghi vấn. Cả ba người lớn tuổi này đều là những người năm đó đã tận mắt nhìn thấy con “rồng” ở Doanh Khẩu.
Theo hồi ức của những người chứng kiến, lúc đó, khi mọi người phát hiện con “rồng” lần thứ hai, “vảy rồng tích tụ xung quanh nó, tổng cộng có tới hai cái sọt đầy.” Hơn nữa, trong phim tài liệu “Giải mã bí ẩn 70 năm trước” của CCTV, khi phỏng vấn bà Tiêu Tố Cầm, bà Tiêu nói rằng nó có vảy, có chân, “hai cái chân giống hệt vuốt rồng.” Số xương sống của cá voi tấm sừng là 58 đốt, còn số xương sống của rồng ở Doanh Khẩu là 29 đốt. Hơn nữa, cá voi tấm sừng thuộc loài động vật có vú, không có vảy, không có chân. Nơi phát hiện bộ xương rồng cách cửa biển 10km, chẳng lẽ đầu óc cá voi tấm sừng bị hồ đồ nên đi ngược dòng dọc theo sông Liêu 10km? Điều này chẳng phải là chuyện nghìn lẻ một đêm huyền bí sao?
Tuy nhiên, rõ ràng CCTV đã gạt bỏ sự thật lịch sử, bỏ qua lời của nhân chứng và di cốt có hình dáng rồng rõ mồn một của con rồng Doanh Khẩu, để đưa ra kết luận rằng đó là “cá voi tấm sừng”.
Trên thực tế, rồng được cho là một loài sinh vật thực sự tồn tại, không chỉ xuất hiện nhiều lần trong các ghi chép lịch sử, mà còn có rất nhiều người thời hiện đại đã tận mắt nhìn thấy rồng xuất hiện từ trên trời giáng xuống. Ví dụ như hai tin tức được chia sẻ trên mạng sau đây:
Năm 1995, tại Trương trang, thôn Tiền Cương, thành phố Tảo Dương, tỉnh Hồ Bắc, sau một trận mưa dông lớn ngắn ngủi, người dân ở đây phát hiện ra hai con rồng, một con màu đỏ và một con màu đen bên cạnh một hồ chứa nước. Người dân dùng chiếu rơm để che phủ lên hai con rồng, và sau đó dội nước lên chúng. Lúc đó, có rất nhiều người trong vùng đã nhìn thấy việc này.
Ngày 04 tháng 08 năm 2000, tại thôn Hắc Sơn Tử, thị trấn Thanh Long, huyện Xương Nhạc, tỉnh Sơn Đông, có hai con rồng màu đen và màu trắng rơi xuống. Rất nhiều người tập trung lại xem, có cảnh sát bảo vệ trật tự, sau đó hai con rồng lần lượt rời đi. Tin tức này được đăng tải trên mạng Internet vào ngày 31 tháng 08 năm 2000.
Những sự việc thần kỳ như vậy, bởi vì không phù hợp với hệ tư tưởng của chính quyền, cho nên các kênh truyền thông chính thống không những không đưa tin, mà còn ngăn chặn và phong sát. Vì vậy, sự việc rồng rơi xuống ở nhiều nơi chỉ có thể được lan truyền trong dân gian. Xin đừng vội cho rằng những gì truyền phát trên mạng là không đáng tin cậy.
Nhân đây xin được giới thiệu thêm, trong chùa Thụy Long (chùa Ruiryū-ji) ở Osaka, Nhật Bản, có bảo quản một tiêu bản rồng thật, là một con rồng nhỏ, thân hình dài khoảng một mét. Con rồng này ban đầu cũng được phát hiện ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, về sau được chuyển đến chùa Thụy Long. Nếu độc giả quan tâm hãy lên mạng tra tìm, hoặc đến chùa Thụy Long để xem trực tiếp.
Lời kết
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, rồng là biểu tượng và là linh vật của dân tộc Trung Hoa. Rồng có địa vị cao quý trong tâm thức người dân Trung Quốc, gửi gắm tình cảm dân tộc lâu đời và mãnh liệt.
ĐCSTQ phủ nhận sự tồn tại của rồng – cũng giống như đảng này phủ nhận sự tồn tại của Thần, cho rằng những điều này đều là mê tín hão huyền. Trong nhiều tác phẩm xuất bản của ĐCSTQ đều nói rằng, hình tượng con rồng được người Trung Quốc cổ đại ngu muội tạo ra một cách kỳ quặc bằng cách kết hợp những bộ phận của bốn con vật: đầu ngựa, sừng hươu, thân rắn, chân đại bàng.