Thổ Nhĩ Kỳ ngăn hai tàu quét mìn mà Anh viện trợ cho Ukraine vào tuyến đường thủy chiến lược
Ankara đã viện dẫn Công ước Montreux 1936 để biện minh cho hành động này.
Hôm 02/01/2024, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đã từ chối cho phép hai tàu quét mìn của Anh đi qua lãnh hải của nước này để đến đường bờ biển Hắc Hải đang bị bao vây của Ukraine.
Vương quốc Anh cam kết cung cấp hai tàu quét mìn lớp Sandown cho hải quân Ukraine vào giữa tháng 12/2023. Thông báo này được đưa ra trong khuôn khổ liên minh hàng hải Anh-Na Uy nhằm tăng cường các hoạt động của hải quân Ukraine và bảo đảm an ninh ở Hắc Hải.
Vào thời điểm đó, giới chức Anh cho biết hai tàu này sẽ cho phép hải quân Ukraine chống lại mối đe dọa từ mìn của Nga, đồng thời bảo vệ các tuyến hàng hải phục vụ cho hoạt động xuất cảng của nước này.
Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố, chỉ ra rằng các đồng minh thuộc NATO của [chính phủ] Ankara đã được thông báo về quyết định này: “Các đồng minh của chúng tôi đã được thông báo thích đáng rằng các tàu quét mìn mà Anh viện trở cho Ukraine sẽ không được phép đi vào khu vực Hắc Hải qua Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ này nếu như cuộc chiến [giữa Nga và Ukraine] vẫn tiếp diễn.”
Nga bắt đầu xâm chiếm miền đông Ukraine vào đầu năm 2022. Cuộc xung đột này, vốn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc, sẽ bước sang năm thứ ba vào cuối tháng tới.
Ankara viện dẫn Điều 19 của Công ước Montreux năm 1936, trong đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa Eo biển Dardanelles và Bosporus đối với tàu quân sự của các quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh, để biện minh cho hành động này.
Nằm trong lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ, hai tuyến đường thủy chiến lược này nối Địa Trung Hải với Hắc Hải qua Biển Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ.
London và Kyiv vẫn chưa phản hồi trước hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là quốc gia đầu tiên viện dẫn Công ước Montreux chẳng bao lâu sau khi Nga tiến hành xâm lược.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa eo biển này đối với tàu quân sự của cả hai bên tham chiến. Cả Nga và Ukraine đều chưa xin phép Ankara để gửi tàu chiến qua hai tuyến đường thủy này.
Công ước Montreux cho phép tàu quân sự từ các quốc gia không tham chiến đi qua hai eo biển này trong thời chiến.
Nhưng công ước này cũng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép chiến hạm — từ bất kỳ quốc gia nào — đi qua nếu nước này tin rằng hành động như vậy có thể mang nguy cơ dẫn đến xung đột.
Với quy định này, Ankara cũng đã kêu gọi các quốc gia không thuộc Hắc Hải hãy kiềm chế việc gửi chiến hạm qua eo biển này trong thời gian diễn ra chiến sự.
Được ký kết vào ngày 20/07/1936, tại Montreux Palace của Thụy Sĩ, mục tiêu của công ước này là để giải quyết việc ai sẽ kiểm soát tuyến đường chiến lược giữa Địa Trung Hải và Hắc Hải.
Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, các bên tham gia ký kết ban đầu của công ước bao gồm Anh quốc, Liên Xô, Pháp, Hy Lạp, Úc, và Nhật Bản.
Về phần mình, Hoa Kỳ chưa bao giờ tham giao vào thỏa thuận này.