Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến tư cách thành viên chính thức trong khối khu vực do Moscow lãnh đạo
Dù là thành viên lâu năm của NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Tuần này (08-14/07), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng cuối cùng sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Moscow đứng đầu.
“Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một thành viên thường trực ở đó [trong SCO]–chứ không phải là một quan sát viên,” ông Erdogan nói với các phóng viên hôm 11/07.
Kể từ năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã là một “đối tác đối thoại” của SCO, vốn thường được xem là bước đầu tiên hướng tới tư cách thành viên của tổ chức này.
Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ “bây giờ nên tham gia Shanghai Five với tư cách là thành viên thường trực.”
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nhận xét này sau khi tham dự một hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài ba ngày tại Hoa Thịnh Đốn, trong đó tập trung chủ yếu vào cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.
Năm 1996, Moscow và Bắc Kinh thành lập cái gọi là “Shanghai Five” để chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở lục địa Á-Âu.
Cùng với Nga và Trung Quốc, các thành viên sáng lập của tổ chức này gồm có cả Kazakhstan, Tajikistan, và Kyrgyzstan.
Khi Uzbekistan gia nhập hồi năm 2001, khối khu vực này đã chính thức đổi tên thành Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Năm 2017, Ấn Độ và Pakistan đã trở thành thành viên bất chấp sự kình địch lịch sử của hai nước, và Iran gia nhập khối này năm 2023.
Tuần trước (01-07/07), tại một hội nghị thượng đỉnh SCO lớn ở Kazakhstan, Belarus—một đồng minh quan trọng của Nga ở Đông Âu—đã trở thành thành viên thứ mười của tổ chức này.
Tuần này, ông Bakhtiyer Khakimov, tùy viên về các vấn đề SCO của Moscow, thông báo rằng năm tới, tổ chức này sẽ tổ chức các cuộc tập trận chống khủng bố chung.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh SCO tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại lời kêu gọi về một “cấu trúc hợp tác mới, an ninh không thể chia cắt, và phát triển ở lục địa Á-Âu.”
Ông nói trên truyền thông nhà nước rằng “kiến trúc mới” này là nhằm thay thế “các mô hình thiên về Châu Âu và Châu Âu-Đại Tây Dương đã lỗi thời vốn mang lại những lợi thế đơn phương cho một số quốc gia.”
Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, quốc gia mà nước này có mối quan hệ thương mại sâu rộng và cùng chia sẻ một đường biên giới dài trên biển.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng giữ mối quan hệ tốt đẹp với Kyiv, điều này thỉnh thoảng cho phép họ đóng vai trò hòa giải.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov dường như đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng gia nhập SCO của Thổ Nhĩ Kỳ—ít nhất là trong ngắn hạn.
“Chúng tôi biết tham vọng gia nhập SCO của Thổ Nhĩ Kỳ,” ông Peskov cho biết hôm 12/07, theo truyền thông nhà nước.
Ông nói với các phóng viên: “Tuy nhiên, có xung đột lợi ích giữa các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là thành viên NATO và hệ tư tưởng được phản ánh trong các tài liệu thành lập SCO.”