Thổ Nhĩ Kỳ: Đồng minh tệ nhất của Hoa Kỳ?
Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời là một trong những đồng minh quan trọng nhất và cũng là tệ nhất của Hoa Kỳ và NATO. Mới đây nhất, họ đã từ chối cho hai tàu quét mìn của Anh vốn có thể vô hiệu hóa đạn dược của Nga cũng như giúp đỡ vận chuyển ngũ cốc của Ukraine. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến phương Tây khó chịu khi phong tỏa tàu chở dầu qua eo biển của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952. Là trung tâm của cựu Đế chế Ottoman, quốc gia này đóng vai trò quan trọng với tư cách là một trung tâm văn minh có sức ảnh hưởng và là một trong số ít đồng minh Hồi Giáo thân cận của Hoa Kỳ. Kể từ năm 1955, Không Lực Hoa Kỳ đã vận hành một căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ tại Incirlik, để thực hiện các nhiệm vụ do thám và chiến đấu cơ quan trọng nhằm chống lại các mối đe dọa từ Nga, Iran, và những kẻ khủng bố.
Tuy nhiên, vào thời điểm quan trọng để NATO mở rộng sang Phần Lan và Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ lại gây trở ngại và cố gắng tận dụng quyền phủ quyết của mình để đạt được những nhượng bộ đặc quyền, đơn cử như chống lại những người Kurd bị cáo buộc là có liên quan đến hoạt động khủng bố, và dỡ bỏ các hạn chế xuất cảng quân sự, bao gồm cả chiến đấu cơ F-16 và F-35 của Hoa Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia tương đối nghèo vốn phụ thuộc vào dầu mỏ giá rẻ của Nga, mà nước này đã cố gắng mua dầu với giá được giảm 25%, lọc dầu, và sau đó tái xuất cảng dưới dạng khí đốt có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ với giá thị trường. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quá thân thiết. Việc cho phép quốc gia này quyền sử dụng F-35 có thể dẫn đến việc mất đi công nghệ quan trọng này vào tay của Nga, mà quốc gia này sau đó có thể sẽ bán công nghệ này cho Trung Quốc.
Có vẻ như Ankara tin rằng họ sẽ thu được lợi ích từ việc chơi với cả hai bên và tận dụng các vấn đề toàn cầu vì lợi ích đặc quyền của mình. Nếu tất cả các quốc gia thuộc NATO đều làm như vậy thì liên minh này sẽ không thể hoạt động và không còn đứng giữa Hoa Kỳ Lục địa và một liên minh ma quỷ ngày càng hùng mạnh, bao gồm các cuộc tấn công được phối hợp bởi Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Hàn.
Điều này không phải lúc nào cũng như vậy. Ankara là một lực lượng quan trọng trong việc tiết chế các tranh chấp với các quốc gia Hồi Giáo và các nhân tố khác, kể cả ở Afghanistan, quốc gia mà nước này đã gửi quân đến trong khuôn khổ điều động quân của NATO. Thậm chí gần đây, hôm 29/12/2023, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo bắt giữ 189 cá nhân bị cáo buộc là có liên hệ với những kẻ khủng bố ISIL (ISIS).
Tuy nhiên, sau cuộc tấn công ngày 07/10/2023 vào Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Hamas. Tổ chức khủng bố này, mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “những chiến binh tự do,” có thể hoạt động tương đối tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ. Israel đã tuyên bố rằng nước này dự định sẽ truy lùng các thành viên Hamas trên toàn cầu, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 33 người được cho là có liên quan đến tình báo Israel.
GDP của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đáng kể từ 202 tỷ USD năm 2001 lên 958 tỷ USD năm 2013 (USD hiện tại). Tuy nhiên, kể từ đó, nền kinh tế trì trệ. GDP bình quân đầu người giảm 15%. Chính phủ này dường như đang in tiền để ứng phó, bao gồm cả các dự án xây dựng bị cáo buộc tham nhũng. Hiện tại, lạm phát đang ở mức đáng kinh ngạc là 65%. Hầu hết người đi làm Thổ Nhĩ Kỳ kiếm được dưới 300 USD mỗi tháng.
Một phần của vấn đề này là do ông Erdogan, người nắm quyền kinh tế và được Saudi Arabia, Qatar, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chiếu cố như một lực lượng Hồi Giáo chống lại sự ảnh hưởng và chủ nghĩa thế tục của phương Tây. Ông Erdogan trở thành thủ tướng vào năm 2003, nhưng chỉ khi nhờ một sửa đổi Hiến Pháp của đất nước này, ông mới được tranh cử dù đã bị kết án hình sự. Ông cáo buộc có một âm mưu đảo chính vào năm 2008, mà cuộc đảo chính này được ông sử dụng để nhắm vào phe đối lập [theo chủ nghĩa] thế tục của mình.
Các cuộc biểu tình năm 2013 và một cuộc nổi dậy của quân đội đã bị giải tán bằng các biện pháp nặng nề, như hơi cay và đánh đập. Cả hai đều đưa ra cho ông Erdogan lý do để đàn áp rộng rãi xã hội dân sự, kể cả việc đàn áp các nhà hoạt động và giới báo chí. Với hàng vạn giáo viên, cảnh sát, và nhân viên công vụ khác của phe đối lập đã bị sa thải và hơn 100 cơ quan báo chí phải đóng cửa, việc tự kiểm duyệt đã trở thành thông lệ. Hiện nay ông Erdogan đang mạnh dạn mở rộng các cuộc tấn công nội địa của mình tới tòa án Hiến Pháp Thổ Nhĩ Kỳ, nơi vốn mang quyền lực mà ông muốn khống chế.
Các chính sách dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa chuyên chế của ông Erdogan đã tạo cho ông những cái cớ để phản bội các đồng minh và công dân của mình. Một bài báo cuối năm ngoái của các nhà phân tích tại Viện Cato đã ghi thẳng rằng, “Mặc dù đã nhiều lần chứng minh rằng mình không phải là một đồng minh đáng tin cậy, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục nhận số vũ khí trị giá hàng triệu dollar của Hoa Kỳ để mua lòng trung thành mà họ rõ ràng là không sẵn lòng thể hiện.”
Trong khi Hoa Kỳ đang cân nhắc việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ để tạo thuận tiện cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, thì việc cung cấp F-35 không nên được cân nhắc cho bất kỳ quốc gia nào có một nhà lãnh đạo chuyên quyền và không đáng tin cậy như Thổ Nhĩ Kỳ. Các biện pháp bổ sung, kể cả tăng thuế quan và trừng phạt thương mại, nên được cân nhắc để khuyến khích Ankara hoàn toàn ủng hộ cho nền dân chủ, Hoa Kỳ, và các đồng minh G7 thân cận nhất của chúng ta.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times