Hoa Kỳ chuyển hướng bối cảnh ngày càng phức tạp ở Trung Đông trong lúc các cuộc tấn công gia tăng
Chuyên gia chống khủng bố cho biết lực lượng dân quân chống Hoa Kỳ tập trung kích động một sự phản ứng, chuyển sự chú ý ra khỏi cuộc xung đột Israel-Hamas trong khi tránh né một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hôm 25/12, một căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Erbil, miền bắc Iraq, đã bị tấn công bởi một chiếc phi cơ không người lái do Kataib Hezbollah (KH), một nhóm dân quân có liên hệ với Iran. Cuộc tấn công này, khiến 3 người Mỹ thương vong, dẫn đến các cuộc không kích trả đũa trong cùng ngày.
Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas đang diễn ra, cuộc tấn công này là một ví dụ nữa về cuộc xung đột qua lại giữa Hoa Kỳ và lực lượng dân quân Hồi Giáo chống Israel trong khu vực. Theo các chuyên gia địa chính trị Trung Đông, đây là một cuộc xung đột không chỉ làm phức tạp thêm mối bang giao giữa Tehran và Hoa Thịnh Đốn mà còn gây phức tạp cho lợi ích địa chính trị của nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực.
Ông NishaKant Ojha, một cố vấn chống khủng bố cho các chính phủ Iraq, Yemen, Syria, Libya, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nói với The Epoch Times rằng, “Chiến tranh Israel-Hamas đã làm tăng thêm các nỗ lực chuyển hướng mối bang giao giữa Tehran và Hoa Thịnh Đốn.”
Ông Ojha cho biết chiến lược của Iran là bảo đảm các cuộc tấn công của lực lượng dân quân nước này ở các nước láng giềng vẫn ở dưới một ngưỡng nhất định. Ông nói rằng điều này sẽ vừa đủ để kích động một phản ứng lớn của Hoa Kỳ, chuyển sự chú ý ra khỏi cuộc xung đột Israel-Hamas và có thể ảnh hưởng đến lập trường mềm mỏng hơn của Hoa Kỳ đối với Hamas. Tuy nhiên, việc này sẽ tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện.
Giá trị chiến lược của khu vực này là lớn đối với Hoa Kỳ. Ông Ojha cho rằng điều này đang khiến Hoa Kỳ không sẵn lòng gia tăng cuộc xung đột. Baghdad dựa vào những miễn trừ trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn để mua điện từ Iran, và kể từ cuộc xâm lược hồi năm 2003 của Hoa Kỳ, dự trữ ngoại tệ của Iraq được giữ tại Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Điều này mang lại cho Hoa Kỳ quyền kiểm soát đáng kể đối với nguồn cung cấp tiền của Iraq.
“Cuộc tấn công vừa qua đã đặt Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani vào một tình thế rất tế nhị, bởi vì ông lên nắm quyền hồi năm 2022 với sự trợ giúp của các đảng phái được Iran hậu thuẫn và có liên kết với lực lượng dân quân từng tiến hành các cuộc tấn công vào các căn cứ của Hoa Kỳ. Bối cảnh địa chính trị này cho thấy một cuộc khủng hoảng chiến lược đối với ông ấy,” ông nói.
Nguy cơ có một mặt trận thứ hai
Các chuyên gia cho rằng, trong khi cuộc xung đột Israel-Hamas đang tiếp diễn, thì các cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn nhắm vào Israel có nguy cơ mở ra một mặt trận thứ hai chống lại Israel và gây bất ổn hơn nữa cho Iraq, vốn là nơi đóng quân của nhiều lực lượng dân quân chống Hoa Kỳ được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo (IRGC) hậu thuẫn.
“Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas hiện nay, sự leo thang tiềm tàng giữa Israel và Hezbollah hoặc các tổ chức khác được Iran hậu thuẫn có thể là một mặt trận thứ hai khá quan trọng,” ông Ojha nhận định. Ông còn nói thêm rằng cả Iran và Iraq từng liên tục nhấn mạnh rằng Iraq không được trở thành một đấu trường bất ổn, gây nguy hiểm cho chính phủ của Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani.
Hôm 28/12/2023, ông Sudani tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ nỗ lực chấm dứt sự hiện diện của lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Iraq, “bao gồm các cố vấn an ninh trợ giúp lực lượng an ninh trong các lĩnh vực huấn luyện, tư vấn, và hợp tác tình báo.” Nhà lãnh đạo Iraq này đưa ra nhận định đó trước sự chứng kiến của người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez đang có chuyến thăm song phương tới nước này.
Theo ông Ojha, lợi ích quốc gia của Iraq nằm ở việc xây dựng năng lực quân sự, khôi phục ngành năng lượng, đáp ứng nhu cầu về nước và năng lượng trong nước, cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Để giữ thái độ trung lập, ông Ojha cho biết Iraq phải, qua nhiều cách khác nhau, tích cực kiểm soát những biến cố như cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái mới đây vào các lực lượng của Hoa Kỳ.
“Chính phủ Tổng thống Biden đang cố gắng một cách có chiến lược để ngăn chặn cuộc xung đột Israel-Hamas leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn, tránh việc mở ra các mặt trận mới cho cuộc chiến của Israel hoặc sự can dự trực tiếp của Hoa Kỳ,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Ojha tin rằng cuộc tấn công của Hoa Kỳ tiêu diệt ông Abu Taqwa có thể làm đảo lộn sự cân bằng giữa Hoa Thịnh Đốn và Baghdad. Ông nói rằng mặc dù hầu hết các cuộc tấn công như vậy đều được phối hợp giữa hai nước, nhưng cuộc tấn công hôm 04/01 thì không. Ông cho biết cuộc tấn công “có thể tạo ra một thông điệp tiêu cực cho các nhà chức trách Iraq và họ có thể lường trước đó là một sự vi phạm rõ ràng chủ quyền của Iraq.”
Đúng như dự đoán, ông Sudani ngay lập tức đưa ra tuyên bố lên án cuộc tấn công của Hoa Kỳ, gọi đây là “một hành động leo thang và tấn công nguy hiểm.” Văn phòng của vị thủ tướng này tuyên bố rằng Baghdad đang thiết lập một thời hạn để “chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện của lực lượng liên minh quốc tế” ở Iraq.
Kêu gọi ngừng bắn; Thay đổi liên minh khu vực
Khi cuộc xung đột Israel-Hamas tiếp tục diễn ra, và các cuộc đụng độ giữa Hoa Kỳ và các lực lượng dân quân trong khu vực vẫn tiếp diễn, thì cuộc tranh luận về lệnh ngừng bắn ngày càng trở nên gay gắt hơn. Các động lực địa chính trị trong tam giác Baghdad-Ankara-Erbil cũng trải qua những thay đổi đáng kể, làm cho địa chính trị trong khu vực này thêm phức tạp.
Ông Joseph Kéchichian là một thành viên cao cấp tại Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Hồi Giáo King Faisal ở Riyadh, Saudi Arabia. Ông Kéchichian nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng mặc dù Hoa Thịnh Đốn có quyền bảo vệ các lực lượng của Hoa Kỳ, nhưng ông cảm thấy các cuộc tấn công này có thể không làm giảm hoặc ngăn cản được những người chống Hoa Kỳ thực hiện hành vi của họ.
Ông Kéchichian dự đoán các cuộc tấn công vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trừ phi lệnh ngừng bắn được “làm trung gian, và các cuộc đàm phán được mở ra để giúp giải quyết cuộc xung đột, có lẽ thông qua giải pháp hai nhà nước.”
Tuy nhiên, ông Ojha cho rằng những cuộc tấn công vào các căn cứ của Hoa Kỳ ở Iraq và Syria không liên quan đến cuộc chiến tranh Israel-Hamas bắt đầu hôm 07/10. Theo Viện Washington, hồi tháng Ba năm ngoái (2023), một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái tân tiến HaN ở Kharab al-Jir/Rmelan đã khiến một người Mỹ thiệt mạng.
Ông Ojha cho rằng trong tình hình địa chính trị hiện nay, quan trọng là phải hiểu được sự thay đổi trong động lực giữa Baghdad, Ankara, và Erbil, thủ phủ của vùng Kurdistan thuộc Iraq. Mối quan hệ giữa Baghdad và Erbil có lịch sử lâu dài về liên tục xung đột.
Theo ông Ojha, kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq đã trải qua những biến đổi đáng kể. Bản chất của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq đã phát triển từ cách tiếp cận hợp tác giữa Ankara và Baghdad để kiềm chế Erbil, thủ đô của khu vực người Kurd, đến một tình huống mà Ankara và Erbil hợp tác để hạn chế ảnh hưởng của Baghdad.
“Nhận thức đã chuyển từ việc xem người Kurd ở Iraq là mối đe dọa lớn sang xem họ là bằng hữu và đồng minh, trong khi đồng thời xem chính phủ Shia ở Baghdad là một thế lực thù địch tiềm tàng,” ông nhận định. Các liên minh đang thay đổi là quan trọng vì tình hình này làm sâu sắc thêm sự rạn nứt và tạo thuận tiện cho Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào mối bang giao Hoa Kỳ-Iraq.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times