G7 đối đầu với ‘BRI-cộng’
Các tổ chức quốc tế của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng hơn và tinh ranh hơn khi tuyên bố rằng họ tranh đấu cho một hệ thống quốc tế “công bằng” và “đa phương.” Những chính quyền chuyên chế và những nước bức hại nhân quyền — như Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, và Ethiopia — đang ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về một thế giới mà trong đó những kẻ độc tài không được bầu chọn ngày càng tự do vi phạm nhân quyền hơn đối với công dân của chính mình và cả công dân ở ngoại quốc.
Các nền dân chủ đang không đi theo cách làm này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như các tổ chức đã tiếp tay cho những tội ác đó. Ngày 29/12, Argentina tuyên bố đã thay đổi quyết định và không nhận lời mời tham gia khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, do Bắc Kinh dẫn đầu).
Tổ chức quốc tế khác do ĐCSTQ lãnh đạo, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), cũng gặp rắc rối với các thành viên. Ý, quốc gia duy nhất thuộc Nhóm G7 có mặt trong BRI, đã chính thức rời nhóm này vào cuối năm 2023.
Các nước dân chủ còn ở lại trong các tổ chức của ĐCSTQ đều có những vấn đề riêng của họ. Ấn Độ theo đuổi một chính sách ngoại giao thiếu các giá trị dân chủ. Chẳng hạn, nước này hợp tác với Nga để mua năng lượng và vũ khí, bất chấp cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine. Tại Liên Hiệp Quốc họ đã lờ đi việc lên án cuộc xâm lược [của Nga]. Hoa Kỳ muốn thu hút New Delhi làm đồng minh chống lại Moscow và Bắc Kinh, nên đã không lên tiếng chỉ trích nhiều. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ còn rủi ro tài chính khi mà nước này tiếp tục hợp tác với Nga.
Nam Phi là một trường hợp bế tắc với chủ nghĩa xã hội, tệ nạn tội phạm, và sự hỗn loạn. Tình hình tồi tệ đến mức công ty quốc doanh quan trọng nhất của đất nước này, một công ty điện lực, không thể duy trì nguồn điện một cách ổn định. GDP bình quân đầu người của nước này đã giảm gần 23% kể từ năm 2011. Mặc dù Nam Phi là thành viên sáng lập BRICS và là thành viên BRI từ năm 2015 nhưng nước này không thể tận dụng mối bang giao với Trung Quốc để nhận được viện trợ phát triển đầy đủ nhằm duy trì hệ thống chiếu sáng, qua đó cho thấy một minh chứng về sự nghèo khổ khi nghe theo các tuyên bố giúp đỡ phát triển quốc tế của Bắc Kinh.
Kỳ vọng ban đầu của khối BRICS — một nhóm ban đầu có bốn quốc gia (Nam Phi được kết nạp sau đó) đã từng được từ Wall Street cho rằng đang trên đà phát triển kinh tế nhanh chóng — giờ đã được thu gọn lại vào Ấn Độ, thành viên duy nhất trong nhóm theo thể chế dân chủ. [Thế nhưng,] sự tăng trưởng đó lại phụ thuộc vào giao thương với G7.
Tăng trưởng kinh tế của Brazil và Nam Phi liên tục sụt giảm, còn Nga và Trung Quốc thì đã chững lại hoặc giảm đi ít nhiều do thường xuyên đối đầu với phương Tây. Bắc Kinh và Moscow hiện đang nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của một liên minh tiền tệ có thể giúp họ tránh né các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, mà có lẽ cũng sẽ nhắm vào Trung Quốc nếu chế độ này xâm lược Đài Loan.
Những nước gia nhập BRICS gần đây nhất, được công bố hôm 29/12, hầu hết là những quốc gia độc tài và vi phạm nhân quyền. Iran là quốc gia tồi tệ nhất trong số đó, liên tục hậu thuẫn cho những nhóm khủng bố quốc tế chống lại Hoa Kỳ và Israel thông qua các lực lượng uỷ nhiệm của họ như Hamas, Hezbollah, và Houthi. Lá cờ của Houthi ghi khẩu hiệu “Thượng Đế Vĩ đại, Diệt vong cho Hoa Kỳ, Diệt vong cho Israel, Nguyền rủa người Do Thái, và Chiến thắng cho Hồi Giáo.” Do đó, việc Iran là thành viên của một tổ chức quốc tế là điều không thể tưởng tượng được.
Để đảo ngược tình hình này, cần phải áp đặt những cái giá phải trả về kinh tế và chính trị lên các nước gia nhập các tổ chức quốc tế của Trung Quốc. Hoa Kỳ, các đồng minh của chúng ta, và những quốc gia trong G7 khác nên dẫn đầu để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với BRI và BRICS (gọi chung là “BRI-cộng”), cùng với đó là hạn chế khả năng tiếp cận đến thị trường của các nước đồng minh.
Hoa Kỳ và các đồng minh cũng có thể khiến các ngân hàng ngoại quốc phải trả giá nếu họ trợ giúp các quốc gia BRI-cộng. Hôm 22/12, chính phủ Tổng thống Biden đã ban hành một sắc lệnh đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với các ngân hàng ở các nước thứ ba nào giúp đỡ cho việc vi phạm lệnh cấm xuất cảng các mặt hàng quân sự sang Nga. Điều này sẽ tác động nặng nề nhất tới Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc khiến các quốc gia BRI-cộng phải trả giá cũng có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ tư cách thành viên của G7 đối với nước thành viên nào tham gia vào BRI-cộng. Các quốc gia nhận được các đặc quyền thương mại, viện trợ, hoặc các đặc quyền kinh tế khác từ G7 nên tránh xa BRI-plus, tuân thủ các cuộc bầu cử tự do một cách chặt chẽ hơn, và cải thiện tình trạng nhân quyền. Do đó, các quốc gia sẽ bộc lộ bản thân họ có phải là những quốc gia ủng hộ dân chủ hay không. Chỉ những nước nào làm được như vậy mới nên được G7 tiếp tục ủng hộ.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times