Các vấn đề về an toàn, trong đó có thi công yếu kém bủa vây các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Việc xác định hai công dân Trung Quốc là nghi phạm trong vụ nổ tháng 12/2023 tại nhà máy nickel do Trung Quốc sở hữu trên đảo Sulawesi khiến 21 người thiệt mạng đã làm sáng tỏ vấn đề tiêu chuẩn an toàn và chất lượng xây dựng liên quan đến các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn.
Vụ nổ xảy ra hôm 24/12 tại Công ty Thép Không gỉ Thanh Sơn PT Indonesia (PT ITSS), công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Thanh Sơn (Tsingshan Holding Group Company Limited) của Trung Quốc. Các nhà điều tra đã phát hiện rằng trong một quá trình bảo trì, các vật liệu dễ cháy nổ đã bị bỏ lại bên trong lò, dẫn đến vụ nổ gây thương vong nêu trên. Các báo cáo cũng cho rằng sự hiện diện của chất lỏng còn sót lại đã gây ra một trận hỏa hoạn, mà sau đó đã cháy lan sang các bình oxy kế bên.
Hôm 12/02, ông Agus Nugroho, Giám đốc Sở cảnh sát tỉnh Sulawesi, cho rằng nguyên nhân vụ nổ là do sơ suất của giám sát lò và phó giám sát lò của công ty và nêu danh họ như những nghi phạm.
Nickel là thành phần chính của pin xe điện.
Đây không phải là lần đầu tiên một vụ nổ xảy ra, khiến người đi làm ở Indonesia suy đoán liệu các doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ có xem trọng sản xuất hơn sự an toàn của nhân viên hay không.
Lo ngại về an toàn
Hồi tháng 01/2023, một hiệp hội nhân viên Indonesia đã tổ chức một cuộc biểu tình vì lo ngại về an toàn ngày càng tăng liên quan đến các dự án kinh doanh ở ngoại quốc của Trung Quốc. Những người biểu tình yêu cầu mức lương tốt hơn và nâng cao các điều kiện an toàn tại Công ty Công nghiệp Nickel PT Gunbuster (GNI), một công ty con của Công nghiệp Nickel Đức Long Giang Tô (Jiangsu Delong Nickel Industry) của Trung Quốc.
Trong cuộc biểu tình, ông Minggu Bulu, một cựu nhân viên công ty GNI, đã kể lại một loạt những sự việc nguy hiểm về an toàn trong năm qua, bao gồm những biến cố gây tử vong như một vụ va chạm xe máy với máy móc hạng nặng và một vụ nổ nhà máy luyện kim.
Chưa đầy hai tháng sau cuộc biểu tình, ba công nhân người Trung Quốc tại Khu công nghiệp Morowali Indonesia (IMIP) đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia, với lý do họ phải chịu đựng tình trạng sức khỏe sa sút do làm việc bảy ngày một tuần tại khu công nghiệp, hít vào lượng lớn khói bụi khi không có thiết bị bảo hộ an toàn thích hợp. IMIP do Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Đỉnh Tín Thượng Hải (Shanghai Dingxin Investment Group Co. Ltd) sở hữu phần lớn với Bintang Eight Investment Co. Ltd. của Indonesia là cổ đông.
Năm 2022, IMIP đã chứng kiến nhiều bi kịch, như vụ tai nạn gây thiệt mạng của một công nhân Trung Quốc, người bị xe tải cán khi đang sửa đường, và một người đàn ông Indonesia tử vong do nổ lò nung.
Các doanh nghiệp Indonesia được Trung Quốc tài trợ như được đề cập ở trên thuộc BRI.
Vụ nổ lò gần đây ở Indonesia cho thấy cách quản lý lỏng lẻo của Trung Quốc, cho thấy ĐCSTQ xem thường mạng sống con người. Sự xem thường này cũng xảy ra trên khắp Trung Quốc, bằng chứng là một chuỗi các vụ tai nạn công nghiệp liên tục xảy ra. Kết hợp với các khoản đầu tư sâu rộng của ĐCSTQ vào các dự án BRI trải rộng trên 70 quốc gia, những sai sót về an toàn của Trung Quốc hiện đã lan rộng ra toàn cầu, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các nhân viên và cộng đồng ngoại quốc.
Mối lo ngại gia tăng về các dự án do ĐCSTQ tài trợ ở ngoại quốc
Các dự án do ĐCSTQ tài trợ ở ngoại quốc đã cho thấy những trường hợp có chất lượng kém, với những thiếu sót mang tính cấu trúc đang nổi lên, làm dấy lên lo ngại về độ tin cậy và tính an toàn của các dự án mạo hiểm này.
Tại Ecuador, đập Coca Codo Sinclair trị giá 2.7 tỷ USD của ĐCSTQ đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì có hàng ngàn vết rạn nứt và xói mòn dọc theo sườn sông Coca, gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với tính nguyên vẹn của con đập.
Ông René Ortiz, cựu Bộ trưởng Năng lượng của Ecuador, cho rằng những thách thức hiện tại là do chất lượng kém của thiết bị và linh kiện được sử dụng trong các dự án do Trung Quốc xây dựng.
Các vấn đề tương tự cũng xuất hiện ở Pakistan, nơi Nhà máy Thủy điện Neelum–Jhelum đã bị đóng cửa sau khi các quan chức phát hiện ra một vết nứt đường hầm gây nguy hiểm cho sự ổn định cấu trúc của đường hầm. Vết nứt này nằm trong một đường hầm vận chuyển nước qua núi để làm quay tuabin.
Ông Tauseef Farooqui, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Điện lực Pakistan, nói với Thượng viện Pakistan hồi tháng 11/2022 rằng ông lo ngại đường hầm có thể sụp đổ bốn năm sau khi nhà máy điện 969 MW này bắt đầu đi vào hoạt động.
Tại Uganda, hơn 500 sai sót trong xây dựng gây khó khăn cho Nhà máy Thủy Điện Isimba công suất 183 MG, do Trung Quốc xây dựng trên sông Nile, đã dẫn đến sự cố thường xuyên kể từ khi khởi công vào năm 2019. Theo Công ty Phát điện Uganda (UEGC), việc không xây dựng được một rào chắn nổi để bảo vệ con đập khỏi lục bình và các mảnh vụn khác trong quá trình xây dựng nhà máy điện đã dẫn đến tắc nghẽn tuabin và mất điện. UEGC cho biết rò rỉ cũng đã xảy ra trên mái nhà máy điện, nơi đặt máy phát điện và tuabin.
Một dự án khác do Trung Quốc xây dựng ở hạ lưu sông Nile — Nhà máy Thủy Điện Karuma công suất 600 MW — đã hoàn thành muộn hơn ba năm so với kế hoạch ở Uganda. Các quan chức Uganda cho rằng sự chậm trễ này là do nhiều sai sót trong xây dựng, bao gồm cả những bức tường bị nứt. UEGC cũng cho biết nhà thầu Trung Quốc, Tập đoàn Điện nước Quốc tế Trung Quốc, đã lắp đặt dây cáp, công tắc, và hệ thống chữa cháy bị lỗi cũng cần được thay thế.
Ngay cả ở Angola, nơi Tập đoàn CITIC của Trung Quốc xây dựng dự án nhà ở xã hội Kilamba Kiaxi, người dân đã lên tiếng bất bình về những bức tường nứt, trần nhà ẩm mốc, và chất lượng xây dựng kém 10 năm sau khi bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times