Bà Yellen điều trần về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại hoạt động cho vay nặng lãi của Trung Quốc
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ đã trả lời chất vấn từ các nghị sỹ về việc tái cấu trúc nợ do Trung Quốc cho vay và ngăn chặn Trung Quốc thống lĩnh các ngành công nghiệp quan trọng.
Hôm 09/07, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ về “Tình trạng của Hệ thống Tài chính Quốc tế.”
Các nhà lập pháp đã chỉ muốn nói về một quốc gia: Trung Quốc.
Các nghị sỹ Quốc hội ở cả hai đảng đều đã nhấn mạnh về mối đe dọa từ Trung Quốc, với việc Chủ tịch Hạ viện gần đây tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đại diện cho “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trong phiên điều trần thường niên của Bộ trưởng Ngân khố trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, bà Yellen đã phải đối diện với các câu hỏi từ các nghị sỹ về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại hoạt động cho vay nặng lãi của ĐCSTQ ở các quốc gia đang phát triển, tình trạng Trung Quốc sản xuất dư thừa các công nghệ quan trọng, và những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm trợ giúp Đài Loan chống lại sự xâm lược của ĐCSTQ.
“Xét đến mức thu nhập và hoạt động cho vay rộng khắp của Trung Quốc trên toàn thế giới, chúng tôi đang phản đối tại Ngân hàng Thế giới và tất cả các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) về bất kỳ khoản cho vay nào cho Trung Quốc, và chúng tôi đã thúc giục và họ đã cắt giảm đáng kể các khoản cho vay mà họ thực hiện. Chúng tôi bỏ phiếu chống lại tất cả những điều đó,” bà Yellen trả lời Dân biểu Andrew Garbarino (Cộng Hòa-New York), người đặt câu hỏi về việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ định Trung Quốc là một “nước đang phát triển” mặc dù quốc gia này đã cho các quốc gia đang phát triển vay hơn 1.3 ngàn tỷ USD kể từ năm 2021.
Bà Yellen đã trả lời một số câu hỏi từ các nhà lập pháp về các khoản tiền mà Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển vay để xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng theo sáng kiến ”Vành đai và Con đường,” vốn bị các quốc gia phương Tây chỉ trích vì khiến các quốc gia mắc nợ vượt quá khả năng chi trả của họ, dẫn đến việc phải nhượng bộ chủ quyền của họ cho ĐCSTQ.
Bà Yellen nói với ủy ban rằng: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm bớt gánh nặng nợ nần của các quốc gia có thu nhập thấp, vốn rõ ràng là cần phải tái cấu trúc nợ và đang cố gắng thực hiện điều này trong khuôn khổ một chương trình của IMF.”
“Trung Quốc thường là chủ nợ cứng đầu và khó khăn nhất để giải quyết.”
Bà lưu ý rằng IMF đã thành lập một “bàn tròn về nợ chính phủ” để giúp các quốc gia tái cấu trúc nợ của họ và cho biết “Zambia và Ghana là những quốc gia đã đạt được tiến bộ, nơi Trung Quốc đã tham gia bàn đàm phán.”
Các nghị sỹ khác đã nêu lên mối lo ngại về việc Trung Quốc sản xuất hàng loạt pin quang năng và vi mạch máy điện toán giá rẻ, hoạt động mà họ cho là đang làm giảm giá trị của các nhà sản xuất Hoa Kỳ và giúp tài trợ cho các nỗ lực địa chính trị của Trung Quốc.
“Ngân hàng Thế giới đặt mục tiêu năm tới sẽ hướng 45% nguồn tài trợ của họ sang các dự án khí hậu, điều đó có nghĩa là tiền của ngân hàng này rất có thể sẽ chỉ được dùng cho việc mua pin quang năng, pin, và các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc,” Dân biểu Erin Houchin (Cộng Hòa-Indiana) đặt câu hỏi, đề cập đến mục tiêu của ngân hàng do Chủ tịch Ajaypal Singh Banga, người được Tổng thống Biden bổ nhiệm, đứng đầu.
“Có vẻ như mục tiêu này đang trợ giúp về tài chính cho Trung Quốc trong nỗ lực mở rộng dấu ấn địa chính trị của họ. Tại sao Bộ Ngân khố lại ủng hộ điều này?”
Bà Yellen trả lời rằng bà đang nỗ lực để bảo đảm “các công ty Mỹ biết” về các hợp đồng mua sắm cho các dự án khí hậu. Trả lời câu hỏi của Dân biểu Ritchie Torres (Cộng Hòa-New York) về vi mạch máy điện toán cũ, bà Yellen cho biết tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đang được ngăn chặn bằng thuế quan cao, mà theo chính phủ liên bang sẽ tăng lên 50% vào năm 2025.
Một chủ đề gây lo ngại khác được các nghị sỹ nêu lên là Đài Loan, một ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ trong bối cảnh ĐCSTQ đe dọa xâm chiếm hòn đảo này.
Dân biểu Young Kim (Cộng Hòa-California) đã hỏi bà Yellen rằng liệu bà có ủng hộ Đài Loan gia nhập IMF hay không, điều được ghi trong một dự luật đang chờ Quốc hội thông qua nhưng bị Trung Quốc phản đối.
“Chúng tôi ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa IMF và Đài Loan,” bà Yellen trả lời, đồng thời từ chối tán thành tư cách thành viên IMF của hòn đảo tự trị này.
Bà Yellen là một nhân vật lãnh đạo trong chính sách của chính phủ Tổng thống Biden đối với Trung Quốc và đã đến thăm Trung Quốc vào tháng Tư. Bà đã bị chỉ trích vì không cứng rắn hơn với các hoạt động kinh tế trấn lột của ĐCSTQ, với một số thành viên của ủy ban bày tỏ sự không hài lòng với phần làm chứng của bà.
Bà Kim nói với bộ trưởng ngân khố rằng: “Tôi e rằng chúng ta đang từ bỏ lợi thế trừng phạt và tin vào những lời hứa suông của các quan chức ĐCSTQ.”