Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Hôm thứ Năm (16/05), Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Hoa Kỳ về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc đang sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để bẫy nợ rồi sau đó gây ảnh hưởng đối với các nước đang phát triển.
Tại một phiên điều trần có tiêu đề “Mọi con đường có dẫn tới Bắc Kinh? Cuộc tấn công của ĐCSTQ vào Sự phát triển Toàn cầu,” các thành viên của ủy ban này đã lắng nghe ông David Trulio, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện và Quỹ Tổng thống Ronald Reagan, ông Daniel Runde, Phó chủ tịch Cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), và ông Brad Parks, giám đốc điều hành của AidData tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu của William & Mary.
Ông Trulio làm chứng trong phiên điều trần rằng BRI đã thiết lập sự hiện diện ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.
“Tôi không nghĩ có ai trong chúng ta muốn sống trong một thế giới do Đảng Cộng sản Trung Quốc thống trị,” ông Trulio nói với NTD News bên lề phiên điều trần. “Vì vậy, trong chừng mực mà BRI góp phần làm tăng thêm ảnh hưởng của Trung Quốc, và gây áp lực cưỡng ép đối với các nước trên thế giới, thì đó không phải là điều tốt.”
Chủ tịch Quỹ Reagan cho rằng ở đâu ảnh hưởng của BRI tăng lên thì nhân quyền sẽ bị lung lay.
Ông Trulio nói: “Với sự hội nhập sâu hơn với [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, thì trên thực tế điều đó hạn chế những quốc gia đó có khả năng hành động theo hướng thúc đẩy nhân quyền, bởi vì Trung Quốc đã gây áp lực cưỡng chế lên họ.”
Ông Trulio cho biết sự phát triển kinh tế mà các dự án BRI mang lại có thể giúp gia tăng trợ giúp cho các chế độ có hồ sơ nhân quyền kém.
Vị chủ tịch Quỹ Reagan này còn nói rằng các dự án cơ sở hạ tầng mà ĐCSTQ có thể thiết lập trên khắp thế giới có thể phục vụ cho những động cơ ngầm khác.
“Mối lo ngại liên quan đến lưỡng dụng, hoặc thậm chí như chúng tôi đã nghe nói, tam dụng,” ông Trulio cho biết. “Vậy là có thể có một cảng thương mại có tác dụng thu thập thông tin tình báo, hoặc có thể có các giá trị về quân sự trong một cuộc xung đột.”
Dân biểu Auchincloss: ‘ĐCSTQ sẽ không làm một chủ nợ có thiện chí’
Người ta lo ngại rằng ĐCSTQ đang sử dụng các dự án phát triển toàn cầu để gây ảnh hưởng lên các quốc gia đang phát triển, là sự lo ngại rằng những dự án phát triển này sẽ bẫy các nước sở tại vào những dự án mà họ không thể dễ dàng chi trả.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang cho vay hơn một ngàn tỷ dollar, và những khoản vay đó sắp đến hạn, và các quốc gia mắc nợ không thể trả được,” Dân biểu Jake Auchincloss (Dân Chủ-Massachusett) nói với NTD News sau phiên điều trần.
Ông Auchincloss cho biết một số quốc gia là chủ nhà của các dự án BRI có khả năng thanh khoản kém không thể trả lãi cho các khoản nợ phát sinh từ những dự án phát triển này, trong khi những quốc gia khác “hoàn toàn không trả được nợ.” Ông nói rằng không phải mọi quốc gia nhận BRI đều gặp khó khăn trong việc giải quyết những khoản nợ này, “nhưng những quốc gia gặp khó khăn chiếm phần lớn.”
“ĐCSTQ sẽ không làm một chủ nợ có thiện chí,” thành viên Đảng Dân Chủ Massachusetts này nói thêm. “Họ đang biến những khoản vay đó thành các hình thức phục tùng theo từng quốc gia này và đang đòi hỏi những nhượng bộ về chính trị thay vì những nhượng bộ về kinh tế.”
Chủ tịch Ủy ban John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan) cho biết chiến lược của ĐCSTQ với BRI khác xa với cách Hoa Kỳ đối đãi các dự án phát triển kinh tế ngoại quốc của chính mình.
“Khi chúng ta phát triển kinh tế, hoặc cố gắng hợp tác với các quốc gia, chúng ta cố gắng xây dựng các mối quan hệ là những quan hệ đối tác và quan hệ thương mại lâu dài,” ông Moolenaar cho biết. “Khi Trung Quốc làm điều đó, thì đó thực sự là một hành vi bóc lột và họ sẽ tận dụng mọi cách có thể để thúc đẩy các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Trung Quốc gọi các cáo buộc BRI là ‘bẫy nợ’ là cường điệu quá
Các quan chức của chính quyền Trung Quốc đã kháng cự các mô tả cho rằng BRI là một chương trình “bẫy nợ” nhằm phá hoại các quốc gia đang phát triển. Trong một thông cáo báo chí hồi tháng 01/2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi những mô tả đó là “có ác tâm” và cường điệu quá khi Ngoại trưởng đương thời Vương Nghị đến thăm thủ đô Lagos của Nigeria.
Chatham House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, đã đưa ra một quan điểm hơi khác về BRI trong đánh giá năm 2020—rằng sáng kiến phát triển ở ngoại quốc này của Trung Quốc dường như thiếu mức độ phối hợp cần thiết để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược lớn của ĐCSTQ.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) thường được miêu tả là một chiến lược địa chính trị bẫy các quốc gia mắc nợ không bền vững và cho phép Trung Quốc gây ảnh hưởng phi lý,” báo cáo của Chatham House nêu rõ. “Tuy nhiên, bằng chứng sẵn có thách thức quan điểm này: các yếu tố kinh tế là động lực chính của các dự án BRI hiện tại; hệ thống tài chính phát triển của Trung Quốc quá phân mảnh và phối hợp kém để theo đuổi các mục tiêu chiến lược chi tiết; và chính phủ các nước đang phát triển cùng các lợi ích kinh tế và chính trị liên quan của họ quyết định bản chất của các dự án BRI trên lãnh thổ của họ.”
Tiến sĩ Park đưa ra một số quan điểm tương tự trong lời khai hôm thứ Năm trước Hạ viện.
“Có những lời chỉ trích xác đáng về các hoạt động cho vay ở ngoại quốc của Trung Quốc, nhưng ‘ngoại giao bẫy nợ’ không phải là một trong số đó,” Tiến sĩ Park cho biết trong tuyên bố đã chuẩn bị trước của mình. “Đơn giản là không có cơ sở bằng chứng nào cho tuyên bố nói rằng Bắc Kinh đang ép các chính phủ ngoại quốc vay những khoản vay quá lớn để đẩy họ vào tình trạng vỡ nợ và nắm quyền kiểm soát các cảng biển, phi trường, và lưới điện của họ.”
Dân biểu Krishnamoorthi: Hoa Kỳ nên đưa ra ‘các điều khoản cạnh tranh’ để chống lại ĐCSTQ
Trong phiên điều trần hôm thứ Năm, ông Runde đã làm chứng rằng chính phủ Hoa Kỳ nên tìm cách cạnh tranh với BRI, thay vì chỉ kêu gọi các quốc gia đang phát triển tránh các mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc.
“Thông điệp chính của tôi là: Trong thời đại cạnh tranh quyền lực lớn này, Hoa Kỳ cần một giải pháp thay thế, thay vì yêu cầu các nước đang phát triển ngừng hợp tác với ĐCSTQ,” vị giám đốc điều hành CSIS này cho biết. “Chúng ta không thể tay không chiến đấu.”
Tiến sĩ Park lập luận rằng trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã cải tổ BRI một cách đáng kể, bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp để giải quyết rủi ro về danh tiếng ở những quốc gia “hối hận vì là khách hàng của BRI.”
“Bản thân Trung Quốc đã chứng minh rằng họ có khả năng điều chỉnh hướng đi để giải quyết những bất bình của những nước tham gia BRI và sự do dự của những nước có tiềm năng tham gia BRI. Như vậy, [chính phủ Hoa Kỳ] cần phải hình thành khả năng ứng phó nhanh nếu muốn bảo đảm có thể xác định và ứng phó một cách nhanh chóng để giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng của các nước đối tác,” ông nói.
Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), thành viên cấp cao trong Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ, đã lặp lại một số trong số những quan điểm đó trong khi bình luận với NTD News sau phiên điều trần.
“Chúng ta cần đưa ra các điều khoản cạnh tranh, chúng ta cần bắt đầu nói về vấn đề này vì điều rất quan trọng là Trung Quốc không, chẳng hạn như, phát triển các cảng nước sâu mà sau đó họ quân sự hóa gây tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta. Ngoài ra, rõ ràng việc xây dựng sức mạnh mềm của chúng ta cũng là một điều tốt,” ông Krishnamoorthi nói.