ĐỘC QUYỀN: Gửi thư cho Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Dân biểu Chip Roy lên án hiệp ước do WHO đề xướng
Ông nêu ra một loạt điều khoản ‘có vấn đề nghiêm trọng’ trong hiệp ước và nói rằng Hoa Kỳ không nên tìm kiếm sự liên kết chặt chẽ hơn với WHO.
Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) đang lên tiếng phản đối nỗ lực của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) nhằm lôi kéo Hoa Kỳ vào một hiệp ước mở rộng quyền lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong một lá thư gửi Bộ trưởng HHS Xavier Becerra, ông Roy đã lên án đề xướng này, theo ông, sẽ xâm phạm chủ quyền của Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho tổ chức quốc tế có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc này.
Hồi tháng 03/2021, một nhóm các nhà lãnh đạo quốc tế đã đề xướng một hiệp ước mới nhằm giải quyết vấn đề chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan quốc tế — ít nhất đó là những gì mà những người ủng hộ hiệp ước, bao gồm cả HHS và Bộ Ngoại giao, nói.
Phiên bản dự thảo của hiệp ước có sẵn trực tuyến.
Tuy nhiên, những nhà phê bình như ông Roy lại không tin điều đó.
Trong thư gửi ông Becerra, ông Roy viết, “Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao … nên chấm dứt mọi nỗ lực nhằm hợp pháp hóa hơn nữa cơ quan tham nhũng này bằng cách soạn thảo một hiệp ước mới về đại dịch toàn cầu.”
Ông nêu ra một loạt điều khoản “có vấn đề nghiêm trọng” trong hiệp ước, và nói rằng Hoa Kỳ không nên tìm kiếm sự liên kết chặt chẽ hơn với WHO.
Chẳng hạn như một khía cạnh của hiệp ước yêu cầu các thành viên phải làm việc cùng nhau để “chống lại thông tin sai sự thật, gây hiểu lầm, tin giả hoặc thông tin sai lệch.”
Ông Roy viết, điều khoản này và những điều khoản khác “đi ngược lại các nguyên tắc lập quốc chúng ta” và sẽ “ngăn chặn quyền tự do ngôn luận.”
“Trong mọi trường hợp, chúng ta không nên trao quyền cho các quan chức ở Geneva kiểm soát ngôn luận của công dân Mỹ,” ông nói thêm.
Ông Roy cũng nhấn mạnh một khía cạnh của hiệp ước sẽ khuyến khích các quốc gia thành viên nhượng lại quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế y tế cho các nước đang phát triển, trong đó bao gồm cả Trung Quốc, địch thủ số một của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Ông Roy nói rằng điều khoản này “sẽ ngăn cản những nghiên cứu và đổi mới quan trọng về chăm sóc sức khỏe.”
“Chúng ta nên khai thác sức mạnh từ tài năng của người Mỹ — chứ không phải kìm hãm điều đó để trao quyền cho một tổ chức quốc tế khác, chứ đừng nói đến những địch thủ của chúng ta như ĐCSTQ,” ông Roy viết. “Vì những lý do này và nhiều lý do khác, chính phủ Tổng thống Biden nên chấm dứt mọi nỗ lực buộc Hoa Kỳ phải tham gia thỏa thuận này.”
Những lo ngại về Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngoài ra, ông Roy còn trích dẫn mối liên hệ của WHO với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và việc tổ chức này xử trí đại dịch COVID-19 khi “loại” chính mình ra khỏi sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
“Việc WHO xử trí kém cỏi đại dịch COVID-19, có sự liên kết chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và việc tán thành các hệ tư tưởng chính trị gây chia rẽ đã khiến tổ chức này không đủ tư cách để có được thành viên và sự ủng hộ của người đóng thuế Hoa Kỳ,” ông Roy viết.
Ông Roy cho biết, mối liên kết rộng rãi của tổ chức này với ĐCSTQ đã được thể hiện đầy đủ trong đại dịch COVID-19.
Ông viện dẫn ra một số trường hợp.
Ông lưu ý rằng trong một trường hợp, WHO đã cố tình phớt lờ những cảnh báo ban đầu của Đài Loan rằng COVID-19 có thể lây từ người sang người, thay vào đó là “[loan báo] tuyên truyền của ĐCSTQ rằng ‘không có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người.’”
Trong một trường hợp khác, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi ĐCSTQ vì sự cởi mở và hợp tác với tổ chức này trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Ông Roy cũng nói rằng, “Cho đến ngày nay, WHO vẫn đang kín đáo điều tra đầy đủ và khách quan về nguồn gốc của Covid-19.”
“Phản ứng tai hại và sự thiếu trách nhiệm của WHO trong việc xử trí của ĐCSTQ về COVID-19 càng củng cố lý do tại sao HHS và Bộ Ngoại giao không nên tìm cách hợp pháp hóa tổ chức thất bại này hơn nữa,” ông Roy viết.
Cần bỏ phiếu tại Thượng viện
Ông Roy cũng yêu cầu rằng hiệp ước này, nếu muốn tiếp tục tiến triển, phải được đưa ra biểu quyết tại Thượng viện, theo yêu cầu của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Yêu cầu này được đưa ra khi các thỏa thuận quốc tế khác, bao gồm Hiệp định Khí hậu Paris, chưa bao giờ được đưa ra bỏ phiếu ở Thượng viện.
“Những Tổ phụ lập quốc của chúng ta đã trao quyền một cách khôn ngoan cho Thượng viện thẩm quyền ký kết các thỏa thuận quốc tế để bảo đảm đất nước không vội vã ký kết một hiệp ước mà không có cuộc thảo luận quan trọng tại Quốc hội,” ông Roy viết. “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá vỡ Quốc hội và tham gia bất kỳ thỏa thuận hoặc hiệp ước nào liên quan đến WHO sẽ là một sự xúc phạm đến Hiến Pháp.”
Nếu chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện hiệp ước này, ông Roy cho biết ông sẽ tìm cách yêu cầu Quốc hội rút lại nguồn tài trợ từ việc thực thi hiệp ước.
Ông viết: “Với tư cách là Thành viên Quốc hội, do đó, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng quyền hạn của mình theo Điều I và được quy định trong Điều khoản Liên bang 58 để rút lại nguồn tài trợ cho bất kỳ nỗ lực nào như vậy”.
Kết thúc bức thư, ông Roy viết: “Chính phủ Tổng thống Biden nên chấm dứt mọi sự ủng hộ đối với một hiệp ước đại dịch toàn cầu mới và rút Hoa Kỳ khỏi tư cách thành viên. WHO không xứng đáng nhận thêm một xu tài trợ nào từ người đóng thuế hoặc bất kỳ quyền lực nào nữa để tạo ra những cách ứng phó đối với đại dịch toàn cầu.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times