Khi thời hạn tháng Năm đang đến gần để hoàn tất các cuộc đàm phán giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và 194 quốc gia thành viên về việc các nước này sẽ nhượng lại bao nhiêu quyền cho WHO sau khi tổ chức này tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, thì nhiều chuyên gia về chính sách và y tế đang thúc giục chính phủ Tổng thống (TT) Biden không nên để Hoa Kỳ tham gia thỏa thuận này.
Hồi tháng 02/2023, các quốc gia thành viên của WHO đã đàm phán về “Dự thảo số 0” của một hiệp ước (treaty) mới, nhưng hiệp ước này không được xác định là một hiệp ước mà là “công ước, thỏa thuận hoặc công cụ quốc tế khác của WHO về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch (WHO CA+).”
WHO CA+ nói trên, có chức năng như một hiệp ước, kể từ đó đã trải qua một thủ tục đàm phán và sửa đổi không rõ ràng, một thủ tục mà công chúng về cơ bản đã bị loại trừ, với mục tiêu ký kết trong năm nay.
Một trong các mục tiêu dành cho Hoa Kỳ, như chính phủ TT Biden đặt ra, là “củng cố cấu trúc an ninh y tế toàn cầu, bao gồm cả việc củng cố WHO, và tham gia vào các cuộc đàm phán đang diễn ra để sửa đổi Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) và xây dựng Hiệp định về Đại dịch.”
Tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc hôm 30/12/2023 nêu rõ: “An ninh y tế toàn cầu rất quan trọng đối với an ninh và đoàn kết quốc tế, và không thể đạt được một cách đơn độc.”
Khi một hiệp ước không phải là hiệp ước
Bà Reggie Littlejohn, chủ tịch của Tổ chức Quyền phụ nữ Không Biên giới, đã chỉ trích về việc tài liệu dự thảo của WHO được xây dựng theo cách mà chính phủ TT Biden có thể để Hoa Kỳ tham gia mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện.
“WHO từ chối gọi hiệp ước đại dịch này là một hiệp ước,” bà nói trong cuộc họp báo do Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey), chủ tịch Tiểu ban Y tế Toàn cầu, Nhân quyền Toàn cầu, và các Tổ chức Quốc tế tổ chức.
“Họ gọi đó là một thỏa thuận, một hiệp định, một khuôn khổ — bất cứ thứ gì khác. Có thể là do họ không muốn văn kiện đó phải tuân theo thủ tục hiệp ước ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới,” bà Littlejohn nói.
Theo WHO, sau khi được các nước thành viên ký kết, thỏa thuận này sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
WHO tuyên bố, “Các công ước, thỏa thuận khung, và hiệp ước đều là ví dụ về các công cụ quốc tế, là những thỏa thuận pháp lý có tính ràng buộc được đưa ra giữa các quốc gia.”
Hiến Pháp Hoa Kỳ trao cho tổng thống quyền ký kết các hiệp ước, là những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và các tổ chức ngoại quốc, “với điều kiện là 2/3 số Thượng nghị sĩ có mặt đồng ý.”
Xét đến việc hiệp ước WHO này bị phản đối, đặc biệt là từ phía Đảng Cộng Hòa, có vẻ như hiệp ước này sẽ khó có thể được Thượng viện thông qua.
Ông Andrew Bremberg, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Hoa Kỳ có thủ tục phê chuẩn hiệp ước khó khăn hơn hầu hết các quốc gia thành viên khác.”
“Vì vậy, trong vài thập niên vừa qua, các hiệp ước quốc tế đã được phát triển nhưng không được gọi là hiệp ước, để tránh thủ tục phê chuẩn.”
Hồi tháng 05/2022, Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) đã giới thiệu một dự luật tại Thượng viện trong đó yêu cầu hiệp ước WHO này phải được xem là một hiệp ước, do đó hiệp ước này bắt buộc phải có sự đồng ý của 67 thượng nghị sĩ. Đến tháng 02/2023, dự luật này chỉ nhận được 47 phiếu ủng hộ và 49 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống.
Một số nhà lập pháp đã thất vọng trước các cuộc đàm phán của chính phủ TT Biden về hiệp ước WHO này, điều mà họ cho rằng chưa minh bạch với công chúng.
Việc cố gắng xác định các điều khoản đang được đàm phán “chẳng khác gì làm chuyện không đâu,” ông Tony Perkins, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết. “Các điều khoản tiếp tục thay đổi theo mọi cuộc họp, mọi cách tiếp cận, và vì vậy chúng tôi đang cố gắng hết sức để phân tích những gì WHO đang đưa ra.”
Ông Frank Gaffney, chủ tịch Trung tâm Chính sách An ninh, cho biết: “Lý do không ai được thông báo về những gì đang diễn ra ở đây là vì khi những việc đó được xem xét một cách đúng đắn thì người ta sẽ thấy chúng không đạt yêu cầu.”
“Nếu quý vị thực sự đến gặp người dân Mỹ và đề nghị rằng chúng tôi sẽ trao quyền tự do và sức khỏe y tế cá nhân của họ cho tổ chức mà mới đây đã hủy hoại mọi thứ, thì họ sẽ không đồng ý bất kỳ phần nào trong đó.”
WHO đối mặt với sự chỉ trích
Ngoài tính bí mật, một lý do khiến hiệp ước đang phải đối mặt với thái độ chống đối là hoạt động của WHO trong đại dịch COVID-19 đã làm suy yếu niềm tin của nhiều người đối với tổ chức này.
“Khi WHO cần tăng cường và giúp thế giới điều hướng sự kiện chưa từng có này của một loại virus Corona mới và một đại dịch toàn cầu, thay vào đó, họ lại phớt lờ sự thật, họ lặp lại một số lối đưa tin mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kể với họ, và đó là những gì chúng ta biết,” Dân biểu Brad Wenstrup (Cộng Hòa-Ohio), chủ tịch Tiểu ban Đặc biệt của Hạ viện về Đại dịch Virus Corona cho biết.
“WHO phủ nhận rằng COVID-19 lây lan qua đường từ người sang người, hoàn toàn dựa trên lời tuyên bố của chính phủ Trung Quốc—ĐCSTQ.”
“Tôi nghĩ có lẽ điều kinh khủng nhất là WHO thậm chí đã còn trì hoãn việc gọi đại dịch này là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm vì ĐCSTQ đã xác nhận rằng sự lây lan của virus này nằm ‘trong tầm kiểm soát.’”
“Đây không phải là những hành động của một tổ chức hoạt động đúng đắn, minh bạch, phi đảng phái… chúng tôi cần một hệ thống trong đó các tổ chức y tế công cộng toàn cầu và y tế công cộng địa phương không đánh lừa công chúng Mỹ dưới bất kỳ phương thức, kiểu cách, hoặc hình thức nào.”
Bác sĩ Monique Wubbenhost, bác sĩ sản-phụ khoa và từng là nhà quản lý y tế toàn cầu tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết hoạt động của WHO trong các đại dịch khác không khá hơn hoạt động của tổ chức này trong thời kỳ COVID-19.
“Tôi đã ở Tây Phi trong thời kỳ dịch Ebola xảy ra năm 2014,” bác sĩ Wubbenhost cho biết. “Phản ứng của WHO bị cản trở do truyền thông kém, thiếu nhận thức về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát, và hành động không thỏa đáng.”
Trong đại dịch Ebola ở Liberia, “WHO đã không thể quản lý thỏa đáng việc ứng phó với đại dịch, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác, hoặc buộc các quốc gia thành viên phải chịu trách nhiệm về việc họ không chia sẻ dữ liệu,” bà nói thêm.
Bà cho biết WHO đã không chứng minh được rằng họ đã giải quyết được “các vấn đề về tổ chức” vốn đã gây ra những thất bại đó.
Bà nói: “Tham nhũng, thiên vị, sử dụng quỹ không phù hợp, thông đồng với những kẻ khủng bố, và hành vi không đứng đắn về tình dục đã được ghi lại tại các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.”
“Thật đáng buồn, những vụ việc như vậy cho thấy rằng Liên Hiệp Quốc dường như thiếu các cơ cấu hiệu quả để giám sát và giải trình, và điều này sẽ áp dụng cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường thẩm quyền của tổ chức này trong việc ngăn chặn, giám sát, ứng phó với đại dịch, và phục hồi sau đại dịch.”
Liệu nhiều quyền lực hơn có giúp WHO làm tốt hơn không?
Những người ủng hộ hiệp ước WHO này cho rằng mục đích của WHO là cung cấp kinh phí và thẩm quyền để tổ chức này có thể cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch của mình.
Theo trang web của WHO: “Các Quốc gia Thành viên của WHO đã phát triển nhiều thỏa thuận, hiệp định, hòa ước có tính ràng buộc pháp lý toàn cầu, và các loại văn kiện quốc tế khác để bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, gồm cả Hiến Pháp của chính WHO, Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá, và Quy định Y tế Quốc tế.”
“Những văn kiện quốc tế này thể hiện một cam kết của các quốc gia trên thế giới trong việc giải quyết các nhu cầu sức khỏe của công dân nhằm nâng cao tình trạng sức khỏe của họ và củng cố tình trạng kinh tế-xã hội của các cộng đồng nói chung.”
Nhưng các nhà phê bình cho rằng những dự thảo mà họ đã có thể xem xét cho đến nay không thể nào đạt được mục tiêu này.
“Chúng ta đang trải qua một tiến trình soạn thảo hiệp ước kéo dài nhiều năm, thực sự gấp rút để khiến thế giới thông qua một hiệp ước đại dịch mới, và trong đó không có một điều khoản nào thực sự giải quyết được vấn đề quan trọng nhất — sự thiếu trách nhiệm giải trình và tính minh bạch,” ông Bremberg nói.
Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về các điều khoản trong thỏa thuận WHO này, vốn trao quyền cho WHO điều phối chuỗi cung ứng vaccine, thuốc men, và các vật phẩm y tế.
Ngoài ra, một trong những quy định trong thỏa thuận là trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, các quốc gia thành viên sẽ chuyển một phần thuốc men và thiết bị y tế của họ cho WHO, sau đó tổ chức này sẽ phân phối những vật phẩm này trên toàn cầu theo sứ mệnh cốt lõi là đạt được “sự công bằng.”
Bác sĩ Wubbenhost cho biết: “WHO được cho là sẽ nhận được 20% tổng số vật phẩm liên quan đến đại dịch. Tuy nhiên, về cách WHO phân phối những vật phẩm đó, “trách nhiệm giải trình và cơ quan giám sát hoặc kiểm toán độc lập được xác định là điều không được đề cập đến.”
Các nhà phân tích cho biết, quy định trong hiệp ước này ủng hộ các quốc gia đang phát triển nhằm đáp ứng các mục tiêu “công bằng” có thể dẫn đến việc chuyển giao thuốc men và công nghệ y tế từ Hoa Kỳ sang các quốc gia như Trung Quốc.
Ông Brett Schaefer, nhà nghiên cứu tại Quỹ Di sản, cho biết: “Phần lớn dự thảo tập trung vào việc cung cấp sự đối xử đặc biệt cho các nước đang phát triển, gồm giúp đỡ tài chính và các chính sách có mục đích thúc đẩy hợp tác nghiên cứu.”
“Mặc dù có nhiều lý do để trợ giúp các loại hoạt động nhằm giúp các nước đang phát triển củng cố hệ thống y tế của họ, nhưng những nỗ lực như vậy phải mang tính tự nguyện chứ không phải là bắt buộc qua một hiệp ước.”
“Ngoài ra, vì Liên Hiệp Quốc coi Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển, nên họ [Trung Quốc] sẽ được hưởng lợi từ sự đối xử đặc biệt và khả năng tiếp cận công nghệ cũng như bí quyết độc quyền.”
Luật pháp Hoa Kỳ không trao quyền cho chính phủ liên bang về các vấn đề y tế, mà trao quyền này cho các tiểu bang. Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden muốn thỏa thuận của WHO và các sửa đổi IHR được ký kết nhằm biện minh cho việc có thêm quyền kiểm soát của liên bang trong việc thiết lập chính sách y tế, ông Gaffney nói.
“[Chính phủ Tổng thống Biden] cần được người khác hướng dẫn cho họ làm những gì cần làm, trước nguy cơ về các quyền tự do, Hiến Pháp, và Nền cộng hòa của chúng ta,” ông nói.
Trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh COVID-19, mặc dù các cơ quan liên bang không có thẩm quyền pháp lý để chỉ thị chính sách y tế, nhưng họ vẫn thường xuyên ban hành các hướng dẫn và khuyến nghị về những vấn đề như đeo khẩu trang, vaccine, và đóng cửa trường học, phần lớn được các chính phủ tại các thành phố, công ty, và các học khu tuân thủ.
Những người chỉ trích hiệp ước này cho rằng việc có một cơ quan trung ương, toàn cầu ban hành các hướng dẫn sẽ củng cố những nỗ lực như vậy nhằm tập trung việc ứng phó với đại dịch ở cấp liên bang.
Một ‘khuôn khổ yếu kém’
Tương tự, các nhà phê bình lo ngại rằng các chỉ thị và khuyến nghị của WHO sẽ trở thành chính sách trên thực tế ở Hoa Kỳ và họ nói rằng việc ký kết [hiệp ước nói trên] sẽ là một hành động tiến tới quản trị toàn cầu với cái giá phải trả là hy sinh các quyền hiến định.
Nhiều hành động của các cơ quan chính phủ và quan chức y tế vi phạm quyền dân sự trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 khiến cho nỗi sợ đánh mất quyền tự do dân sự này ngày càng tăng cao. Những hành động đó bao gồm việc kiểm duyệt, phong tỏa, hộ chiếu vaccine, đóng cửa nhà thờ và trường học cũng như các nỗ lực ép buộc chích ngừa, chẳng hạn như chỉ thị của Cơ quan Quản lý Y tế và An toàn Nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) năm 2021 buộc các công ty phải sa thải những nhân viên nào chưa được chích ngừa.
Ông Perkins nói: “Tôi từng là chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ và tôi đã thấy các chính phủ phương Tây lợi dụng điều đó để vi phạm các quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, kiểm duyệt các ý kiến trên các nền tảng truyền thông xã hội.”
“Các quan chức chính phủ đã cố tình loại bỏ những ý kiến khoa học đáng tin cậy thách thức sự chẩn đoán sai toàn cầu này và các hành động toàn cầu tiếp theo; nhiều gia đình bị ly tán, nhà thờ, và các nhóm trợ giúp khác bị đóng cửa.
“Đứng đầu trong những cách tiếp cận thất bại này là Tổ chức Y tế Thế giới. Thay vì thừa nhận những thất bại của mình, WHO tiếp tục giới thiệu cách tiếp cận tai hại của mình với toàn thế giới như một con đường hướng tới một thỏa thuận ràng buộc.”
Vào tháng 11/2023, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng “dự thảo hiện tại [về thỏa thuận của WHO] không đưa ra các tiêu chuẩn cốt lõi về nhân quyền được bảo vệ theo luật pháp quốc tế… do đó gây ra nguy cơ lặp lại những thất bại bi thảm của đại dịch COVID-19.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Văn bản đề nghị hiện hành đưa ra một khuôn khổ yếu kém để bảo đảm rằng các quốc gia sẽ chịu trách nhiệm duy trì một phản ứng tuân thủ các quyền đối với các đại dịch trong tương lai.”
Nhóm này cho biết các tổ chức nhân quyền khác cũng đồng tình với lập trường của họ, gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế; Sáng kiến Toàn cầu về các Quyền Kinh tế, Xã hội, và Văn hóa; và Ủy ban Luật gia Quốc tế.
Một quyền cốt lõi của con người có thể xung đột với hiệp định WHO nói trên là quyền tự do ngôn luận, trước những nỗ lực của WHO và các tổ chức toàn cầu khác nhằm chống lại “thông tin sai lệch.”
Một trong những hướng dẫn theo hiệp định dự thảo số 0 của WHO là các thành viên sẽ cam kết “giải quyết thông tin sai sự thật, gây hiểu lầm, sai lệch, hoặc xuyên tạc” và “lắng nghe và phân tích xã hội thường xuyên để xác định mức độ phổ biến và tính chất của thông tin sai lệch.”
Điều này phù hợp với Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong đó gọi thông tin sai lệch là “rủi ro toàn cầu nghiêm trọng nhất.”
Đồng tình với quan điểm đó, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã nói với những người tham dự hội nghị thượng đỉnh Davos của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng Một rằng “mối quan tâm hàng đầu trong hai năm tới không phải là xung đột hay khí hậu, mà là thông tin giả và thông tin sai lệch.”
Quan điểm đó dường như cũng đang thu hút được sự chú ý ở Hoa Kỳ, bất chấp các biện pháp bảo vệ của Tu chính án thứ Nhất chống lại việc đề ra quy định cho ngôn luận. Gần đây, một số học giả và bác sĩ đã cáo buộc rằng nghiên cứu của họ, trong đó chỉ trích các chính sách của chính phủ như phong tỏa và bắt buộc chích ngừa, đang bị kiểm duyệt trên các tạp chí học thuật và truyền thông.
Trong một vụ kiện hiện đang được đưa ra trước Tối cao Pháp viện, Murthy kiện Missouri (ban đầu được nộp đơn là Missouri kiện Tổng thống Biden), các tổng chưởng lý từ Louisiana và Missouri đã cáo buộc rằng chính phủ Tổng thống Biden gây áp lực cho các công ty truyền thông xã hội để kiểm duyệt bài diễn ngôn được bảo vệ nào mâu thuẫn với lối tường thuật của chính phủ về nguồn gốc, vaccine, và phương pháp điều trị COVID-19.