Bản tin đặc biệt

WHO công bố những nhượng bộ quan trọng trước cuộc bỏ phiếu về hiệp ước đại dịch

‘Rốt cuộc, mục tiêu của những công cụ này không phải là bảo vệ sức khỏe cộng đồng,’ một bức thư phản đối từ 22 tổng chưởng lý tiểu bang nêu rõ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giảm bớt một số điều khoản trong các thỏa thuận về đại dịch trước cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới diễn ra hôm 27/05. Tuy nhiên, những người chỉ trích ở Hoa Kỳ cho rằng những thay đổi đó không đủ để giải quyết những lo ngại về chính sách này.

Các điều khoản trong các dự thảo trước đây của hiệp ước đại dịch của WHO và các Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) đều nhằm mục đích tập trung và tăng cường quyền lực của WHO một cách hiệu quả nếu tổ chức này tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về y tế.”

Bản dự thảo chứa các sửa đổi mới nhất được phát hành hôm 17/04 là bản cập nhật công khai đầu tiên về dự thảo IHR, vốn được công bố lần đầu hồi đầu năm 2023.

“Trong hầu hết các lĩnh vực, và đối với tất cả những vấn đề mà chúng tôi lo ngại nhất từ góc độ pháp lý, bản dự thảo tạm thời này phản ánh sự thoái lui lớn của Nhóm Công tác WHO khỏi nguyên bản của những đề xướng ban đầu,” các luật sư người Anh Ben và Molly Kingsley viết trong một báo cáo tóm lược hồi tháng Tư về những sửa đổi mới.

Tuy nhiên, một số người dõi theo WHO vẫn cảnh giác.

Tiến sĩ Meryl Nass, một bác sĩ tại Hoa Kỳ và là một người chỉ trích mạnh mẽ các thỏa thuận này của WHO, nói với The Epoch Times: “Trên thực tế, tất cả những điều có hại vẫn còn đó.”

Tiến sĩ Nass nói: “Ngôn ngữ đã trở nên nhẹ nhàng hơn, nhưng vì có quá nhiều thứ phải quyết định sau này nên không rõ ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn có ý nghĩa hay không.”

“Phỏng đoán chuẩn nhất của tôi là họ rất mong một điều gì đó được thông qua, vì vậy các lựa chọn có thể là một phiên bản không thêm thắt của hiệp ước … hoặc một sự trì hoãn. Nhưng họ sợ trì hoãn vì mọi người đang hiểu ra vấn đề.”

WHO và những người ủng hộ tổ chức này—bao gồm những người nổi tiếng, chính trị gia, và các nhóm tôn giáo—đã tung ra một chiến dịch toàn cầu kêu gọi 194 quốc gia thành viên ký vào các văn bản.

“Hãy mang lại cho người dân trên thế giới, người dân ở các quốc gia của các vị, người dân mà các vị đại diện, một tương lai an toàn hơn,” Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại một cuộc họp ở Geneva hôm 03/05. “Tôi có một yêu cầu đơn giản: làm ơn, hãy hoàn thành việc này, vì họ.”

Ông kêu gọi bất kỳ quốc gia nào không ủng hộ các thỏa thuận này cố gắng không khuyến khích các quốc gia khác phản đối.

Hôm 20/03, Đại sứ WHO và là cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã ca ngợi “sự can thiệp mạnh mẽ của 23 cựu tổng thống, 22 cựu thủ tướng, một cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và 3 người đoạt giải Nobel … để thúc đẩy một thỏa thuận khẩn cấp từ các nhà đàm phán quốc tế về một Hiệp ước Đại dịch.”

WHO công bố những nhượng bộ quan trọng trước cuộc bỏ phiếu về hiệp ước đại dịch

Ông Brown kêu gọi có hành động thống nhất trên toàn cầu để “phơi bày các chiến dịch đưa tin giả mạo của những người theo thuyết âm mưu đang cố gắng phá hoại thỏa thuận quốc tế về Hiệp ước Đại dịch.”

Ông bác bỏ những lời chỉ trích rằng các sửa đổi đối với hiệp ước đại dịch và IHR sẽ nhượng lại mọi chủ quyền của các quốc gia thành viên cho WHO.

Người dân mặc đồ bảo hộ phun thuốc khử trùng trên một con phố ở Thạch Gia Trang, nơi được tuyên bố là khu vực có nguy cơ cao về COVID-19, ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, vào ngày 15/01/2021. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images, STR/CNS/AFP qua Getty Images)
Người dân mặc đồ bảo hộ phun thuốc khử trùng trên một con phố ở Thạch Gia Trang, nơi được tuyên bố là khu vực có nguy cơ cao về COVID-19, ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, vào ngày 15/01/2021. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images, STR/CNS/AFP qua Getty Images)

Những người phản đối vẫn giữ quan điểm hoài nghi

Tuy nhiên, bất chấp những bảo đảm này, những nỗ lực nhằm trao thêm quyền lực bên trong WHO vẫn tiếp tục gặp phải sự phản đối.

Trong những tháng gần đây, Louisiana và Florida đã thông qua luật tuyên bố rằng các quan chức tiểu bang sẽ không tuân theo chỉ thị của WHO trong khi các tiểu bang khác, chẳng hạn như Oklahoma, đang xem xét những luật tương tự.

Hôm 08/05, tổng chưởng lý từ 22 tiểu bang đã ký một bức thư gửi Tổng thống Joe Biden kêu gọi ông không ký các thỏa thuận của WHO, và tuyên bố rằng họ sẽ chống lại mọi nỗ lực của WHO nhằm thiết lập chính sách y tế công cộng ở tiểu bang của họ.

“Mặc dù phiên bản mới nhất tốt hơn nhiều so với các phiên bản trước đó, nhưng thỏa thuận này vẫn có nhiều vấn đề,” các tổng chưởng lý viết. “Ngoài ra, tính lỏng lẻo và không rõ ràng của các quy trình này có thể cho phép các điều khoản nghiêm trọng nhất từ các phiên bản trước quay trở lại.”

“Rốt cuộc, mục tiêu của những công cụ này không phải là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đó là trao lại quyền cho WHO—cụ thể là tổng giám đốc của họ—để hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, quyền đi lại (đặc biệt là đi lại xuyên biên giới), và sự chấp thuận sau khi có đầy đủ thông tin của công dân chúng ta.”

Trong bối cảnh có sự phản đối như vậy, WHO đã rút bớt một số biện pháp gây tranh cãi hơn. Chính phủ TT Biden đang tham gia đàm phán hiệp ước này của WHO và bày tỏ sự ủng hộ đối với hiệp ước này, nhưng chưa nói rõ ý định ký kết.

Dự thảo mới nhất

Điểm nổi bật của dự thảo mới nhất là một điều khoản quy định các quốc gia thành viên “công nhận WHO là cơ quan hướng dẫn và điều phối hoạt động ứng phó y tế cộng đồng quốc tế” và cam kết tuân theo các chỉ thị của WHO trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Bản dự thảo mới nhất cũng nêu rõ các khuyến nghị của WHO là không mang tính ràng buộc.

WHO công bố những nhượng bộ quan trọng trước cuộc bỏ phiếu về hiệp ước đại dịch

(Ảnh trên) Một người đàn ông được xét nghiệm COVID-19 bằng tăm bông tại Phi trường Quốc tế Los Angeles vào ngày 22/12/2020. (Ảnh dưới bên trái) Một tấm biển yêu cầu đeo khẩu trang tại trung tâm xét nghiệm dành cho khách đến Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 30/07/2022. (Ảnh dưới bên phải) Một bác sĩ lâm sàng chuẩn bị một liều vaccine Moderna COVID-19 bổ sung tại một trung tâm chích ngừa tạm thời ở phía tây London vào ngày 04/12/2021. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images, Joshua Roberts/Getty Images, Daniel Leal/AFP qua Getty Images)
(Ảnh trên) Một người đàn ông được xét nghiệm COVID-19 bằng tăm bông tại Phi trường Quốc tế Los Angeles vào ngày 22/12/2020. (Ảnh dưới bên trái) Một tấm biển yêu cầu đeo khẩu trang tại trung tâm xét nghiệm dành cho khách đến Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 30/07/2022. (Ảnh dưới bên phải) Một bác sĩ lâm sàng chuẩn bị một liều vaccine Moderna COVID-19 bổ sung tại một trung tâm chích ngừa tạm thời ở phía tây London vào ngày 04/12/2021. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images, Joshua Roberts/Getty Images, Daniel Leal/AFP qua Getty Images)

Chỉ một Cơ quan Y tế (One Health) được định nghĩa trong hiệp ước về đại dịch này là một “cách tiếp cận thống nhất, được nhất thể hóa nhằm mục đích cân bằng và tối ưu hóa một cách bền vững sức khỏe của con người, động vật, và hệ sinh thái.”

Ngôn từ vốn loại bỏ sự tôn trọng quyền tự do cá nhân để ủng hộ “sự công bằng” cũng được loại khỏi bản dự thảo mới nhất. Được liệt kê trong số các nguyên tắc cốt lõi của thỏa thuận IHR, cụm từ “hoàn toàn tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền, và các quyền tự do căn bản của các cá nhân” đã bị loại bỏ trong các dự thảo trước đó và được thay thế bằng “các nguyên tắc công bằng, toàn diện, gắn kết.”

Bản dự thảo hiện tại nêu rõ rằng các bên vẫn sẽ tôn trọng các quyền và tự do cá nhân, nhưng cũng sẽ theo đuổi các mục tiêu chung là “công bằng và đoàn kết.” Vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng khi nói đến nỗ lực của các quốc gia thành viên nhằm buộc mọi người chích ngừa để giữ được việc của mình—như chính phủ TT Biden đã làm trong lệnh hồi năm 2021 vốn ra lệnh cho các chủ lao động tư nhân phải sa thải những nhân viên không chích ngừa hoặc phải được xét nghiệm thường xuyên, thường là hàng ngày.

Nhiều quốc gia và vài thành phố của Hoa Kỳ đã ban hành giấy thông hành vaccine nhằm cấm những người chưa chích ngừa đi vào một số địa điểm công cộng, chẳng hạn như bảo tàng và nhà hàng. Áo đã thông qua một luật trong thời kỳ đại dịch để quy định việc từ chối chích ngừa là phạm pháp.

Các thỏa thuận của WHO cũng bị chỉ trích vì thúc đẩy kiểm duyệt, bắt các thành viên phải thực hiện các bước để “chống lại thông tin sai lệch và thông tin giả” về đại dịch.

WHO công bố những nhượng bộ quan trọng trước cuộc bỏ phiếu về hiệp ước đại dịch

Trong thời đại dịch COVID-19, các chính phủ, tổ chức truyền thông, và công ty công nghệ đã hợp tác để chặn các báo cáo cho rằng virus có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, cũng như các báo cáo nói rằng vaccine ngừa COVID-19 không ngăn được virus lây lan hoặc rằng vaccine có thể có những tác dụng phụ có hại.

Các điều khoản khác được làm cho dịu đi gồm có nỗ lực đặt WHO thành trung tâm của một hệ thống giám sát toàn cầu để theo dõi các bệnh tiềm ẩn, các quy định nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine, các yêu cầu về sổ thông hành y tế kỹ thuật số, những cam kết của các quốc gia thành viên nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng đại dịch mở rộng của WHO, và chuyển giao công nghệ và những nguồn lực y tế từ nước giàu sang nước nghèo, trong đó có chuyển giao cho Trung Quốc.

Một kỹ thuật viên làm việc trong một phòng thí nghiệm tại Sinovac Biotech, nơi công ty này sản xuất vaccine có tiềm năng chống COVID-19, CoronaVac, tại Bắc Kinh vào ngày 24/09/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Một kỹ thuật viên làm việc trong một phòng thí nghiệm tại Sinovac Biotech, nơi công ty này sản xuất vaccine có tiềm năng chống COVID-19, CoronaVac, tại Bắc Kinh vào ngày 24/09/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Vẫn còn đó trong những thỏa thuận này là các điều kiện quy định rằng WHO là “cơ quan chỉ thị và điều phối về công tác y tế quốc tế,” trao quyền cho tổng giám đốc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về đại dịch.

Bản tóm tắt của vợ chồng luật sư Kingsley cho rằng những thỏa thuận này của WHO quy định rằng các hành động mà các chính phủ thực hiện trong thời kỳ dịch COVID-19, bao gồm phong tỏa, hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, kiểm duyệt, và chích ngừa bắt buộc, là những ứng phó chính đáng trước một đại dịch.

Họ nêu rõ: “Các đề xướng bắt nguồn từ tiền đề rằng một loạt các biện pháp can thiệp COVID được thực hiện trong thời kỳ đại dịch là một bản kế hoạch chi tiết phù hợp để hướng dẫn hành vi ứng phó với đại dịch trong tương lai.”

Cẩm An biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times