Các tổ chức của người Đài Loan ở Bắc California vận động để Đài Loan được tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới
Hôm 04/05, một liên minh gồm 12 tổ chức người Mỹ gốc Đài Loan ở Bắc California đã triệu tập một cuộc họp báo tại Trung tâm người Mỹ gốc Đài Loan ở San Jose để vận động ủng hộ việc Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) sắp tới.
Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức về việc Đài Loan bị loại khỏi phiên họp WHA lần thứ 77, dự kiến diễn ra từ ngày 27/05 đến ngày 01/06 tại Geneva, Thụy Sĩ. Mặc dù Đài Loan đã thành công trong chiến lược đối phó với đại dịch COVID-19 và mở rộng trợ giúp trên toàn cầu, nhưng những áp lực chính trị, đặc biệt là từ chính quyền Trung Quốc, vẫn tồn tại, khiến Đài Loan không được tham gia WHA.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan. Tháng 06/2022, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với eo biển Đài Loan.
“Virus không có biên giới và việc loại Đài Loan ra khỏi Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) là đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều đó cho thấy một thiếu sót trong cách quản lý của WHO, một sự tổn thất cho thế giới, và một hành động sai trái và không công bằng,” mười hai tổ chức này nói trong một tuyên bố.
“Đài Loan đã thể hiện đặc biệt xuất sắc trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, nhận được nhiều lời khen ngợi và ngưỡng mộ trên toàn cầu. Đất nước này đã trở thành một hình mẫu trong việc phòng chống dịch bệnh trên toàn thế giới, và Đài Loan sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác,” tuyên bố viết.
Đài Loan đã quyên góp 50 triệu khẩu trang khi bắt đầu đại dịch, bao gồm cả hơn 10 triệu chiếc khẩu trang dành cho Hoa Kỳ khi Trung Quốc ngừng vận chuyển khẩu trang trên toàn thế giới do lệnh phong tỏa làm gián đoạn các chuỗi cung ứng.
Đài Loan nằm ngay sát Trung Quốc, và có nhiều hoạt động trao đổi hàng ngày giữa hai nước. Với dân số 23.5 triệu người, quốc đảo này có khoảng 8.82 triệu ca nhiễm COVID-19 trong ba năm đầu tiên của đại dịch kéo dài từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2022, với chỉ 15,253 trường hợp tử vong được báo cáo trong cùng khoảng thời gian đó.
Liên minh các nhóm người Mỹ gốc Đài Loan nằm dưới sự dẫn dắt của những nhân vật nổi bật trong cộng đồng người Đài Loan địa phương, bao gồm Tiến sĩ Diệp Tuấn Hùng (Yeh Chun-Hsiung), chủ tịch Trung tâm người Mỹ gốc Đài Loan, và Tiến sĩ Lâm Cẩm Đường (Lin Jin-tang), chủ tịch chi nhánh Bắc California của Hiệp hội Y khoa Đài Loan Bắc Mỹ. Những bài diễn văn đầy nhiệt huyết của họ tập trung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đài Loan, nổi bật là chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia được ca ngợi trên toàn cầu.
Ông Chu Vĩnh Xương (Zhu Yung-chang), phó giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECO) tại San Francisco, nêu bật tầm quan trọng của việc Đài Loan tham gia WHA trong bối cảnh các cuộc thảo luận về các khuôn khổ ứng phó với đại dịch đang diễn ra tại WHO.
Bà Trang Nhã Thục (Chuang Ya-shu), giám đốc Trung tâm văn hóa TECO ở Milpitas, đã nhắc lại quan điểm này, nhấn mạnh mối liên kết giữa sức khỏe toàn cầu và tầm quan trọng của việc Đài Loan tham gia.
Bà Lý Hán Văn (Li Hanwen), một thành viên Hội đồng các Vấn đề Cộng đồng Hải ngoại của Đài Loan (TOCAC), nói rằng Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc không liên quan đến nhận định của các quốc gia khác về chủ quyền của Đài Loan.
Ngoài ra, bà Lý còn chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng sai Nghị quyết 2758 để loại Đài Loan ra khỏi hệ thống quốc tế này.
Tiến sĩ Fu Hongyu nêu bật những đóng góp đáng kể của Đài Loan cho hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn cầu, bao gồm cả việc nước này sản xuất các vật tư y tế thiết yếu vốn đã mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia.