EU và 26 quốc gia ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO
Trong nhiều năm qua, Đài Loan liên tiếp không được tham gia vào Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA). Tuy nhiên, tại WHA lần thứ 77 năm nay, diễn ra từ ngày 27/05 đến ngày 01/06 tại Geneva, Thụy Sĩ, số lượng các quốc gia lên tiếng ủng hộ Đài Loan tăng lên đáng kể, tiếng nói ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn các năm trước.
Trong hoạt động đi bộ với sự tham gia của đông đảo người dân trước khi khai mạc đại hội, ông Juan Pablo, lãnh đạo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của WHO, đã cầm biểu ngữ “I walk with Taiwan” (Tôi đi cùng Đài Loan) để đáp lại sự ủng hộ của các nhóm dân sự Đài Loan đang đứng hai bên đường.
Ông Juan Pablo trả lời trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng, “Nếu [Đài Loan] vẫn không được mời [gia nhập WHO], thì tôi cảm thấy rất tiếc, vì các chuyên gia Đài Loan luôn hợp tác với WHO, nhưng điều này vượt ngoài khả năng của tôi.”
Đại diện nhiều quốc gia Âu Châu công khai ủng hộ Đài Loan
Tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần này có tổng cộng 26 quốc gia thành viên và đại diện của EU, với tư cách quan sát viên công khai bày tỏ ủng hộ Đài Loan. Trong số đó, có 10 quốc gia Âu Châu, 5 quốc gia thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, 01 quốc gia ở Trung Đông là Israel. Các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan, trừ Vatican, đều tiếp tục ủng hộ Đài Loan một cách mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Central News Agency (CNA) hôm 29/05, so với năm ngoái, năm nay số quốc gia không có quan hệ ngoại giao lên tiếng ủng hộ Đài Loan đã tăng thêm bốn nước là Hà Lan, New Zealand, Latvia, và Israel, ngoài ra EU cũng lên tiếng ủng hộ. Như vậy, tổng cộng có 15 quốc gia và EU đã tận dụng thời gian bàn bạc trong phiên thảo luận chung từ ngày 27/05-28/05 để lên tiếng cho Đài Loan. Con số này tăng mạnh so với 11 quốc gia hồi năm ngoái.
Trong đó, các vị bộ trưởng y tế và đại diện của Hoa Kỳ, Luxembourg, và Nhật Bản đều kêu gọi kết nạp Đài Loan vào WHO. Các quốc gia nhấn mạnh rằng cần học hỏi kinh nghiệm y tế công cộng thành công của Đài Loan.
Các bộ trưởng y tế của Úc, Pháp, Anh, Canada, Hà Lan, và Cộng hòa Czech cũng lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới.
Đại diện thường trực của Bỉ Marc Pecsteen de Buytswerve là đại diện phát ngôn của EU. Ông cho rằng WHO cần thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác toàn diện giữa các bên tham gia quốc tế, không nên bỏ sót bất kỳ quốc gia nào, khu vực nào trên thế giới.
Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Karl Lauterbach cũng kêu gọi WHO “giảm bớt sự quan liêu để tận dụng kiến thức chuyên môn của Đài Loan.”
Lithuania và Estonia tiếp tục kiên định lên tiếng ủng hộ Đài Loan. Năm nay, Latvia cũng biểu thị rằng WHO không nên bỏ sót bất kỳ quốc gia nào. Ba quốc gia vùng Baltic đều ủng hộ Đài Loan tham gia WHO.
So với năm ngoái, năm nay New Zealand và Israel đã gia nhập vào nhóm các quốc gia lên tiếng ủng hộ Đài Loan. Hai quốc gia này nhấn mạnh rằng WHO nên tăng cường tính toàn diện, kể cả kinh nghiệm và chuyên môn của Đài Loan. Năm nay, số lượng các quốc gia dân chủ có chung ý tưởng công khai ủng hộ Đài Loan tham gia WHO tăng lên rõ rệt.
Các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan, trừ Vatican, đều lên tiếng kêu gọi ủng hộ Đài Loan tham gia WHO. Vatican có tư cách quan sát viên tại WHO và nhiều năm qua luôn giữ nguyên tắc không đề cập đến vấn đề của các quốc gia cụ thể trong phát ngôn của mình.
Bộ trưởng y tế của 4 nước đồng minh ngoại giao của Đài Loan là quần đảo Marshall, Saint Lucia, Belize, và Saint Vincent, đã tranh luận “2 đối 2” với Trung Quốc và các quốc gia đồng minh của nước này trong các phiên thảo luận tại ủy ban chung và phiên họp chung. Trong bài trình bày tranh luận, 4 quốc gia này đã liệt kê các đóng góp thực tế của Đài Loan đối với y tế công cộng toàn cầu, và cho biết Đài Loan hiện không thể kịp thời tiếp cận thông tin y tế đầy đủ. Khoảng cách về thông tin này không chỉ đe dọa đến tính mạng của người dân Đài Loan, mà còn gây bất lợi cho mạng lưới phòng chống dịch bệnh và y tế công cộng toàn cầu.
Các quốc gia khác có mối bang giao hữu nghị với Đài Loan như Paraguay, Guatemala, Saint Kitts, Nevis, Haiti, Eswatini, Tuvalu, và Palau tiếp tục lên tiếng ủng hộ Đài Loan trong nghị trình chung của đại hội đồng. Họ tận dụng khoảng thời gian phát biểu có hạn để chứng minh tầm quan trọng của việc Đài Loan tham gia vào hệ thống y tế công cộng quốc tế, và mạnh mẽ kêu gọi WHO kết nạp Đài Loan.
Sau khi Đại hội đồng Y tế Thế giới từ chối đưa kiến nghị của các quốc gia thân thiện với Đài Loan về việc “mời Đài Loan tham gia đại hội với tư cách quan sát viên” vào nghị trình, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “nguyên tắc một Trung Quốc không thể bị thách thức.”
Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba (28/05), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết, “Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ, chúng tôi cho rằng Đài Loan cần tham gia các cuộc họp của WHO. Khi họ tham gia các cuộc họp, họ [có thể] mang đến kiến thức chuyên môn có ý nghĩa, làm phong phú thêm các cuộc thảo luận và tranh luận. Chúng tôi hy vọng họ được phép tham gia các hội nghị trong tương lai.”
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, Nghị quyết số 2758 của Liên Hiệp Quốc được thông qua năm 1971 không cản trở việc Đài Loan tham gia có ý nghĩa vào hệ thống Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn đa phương khác.