Cách thức hoạt động của cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu 2024
Cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 06 đến ngày 09/06/2024, với khoảng 373 triệu công dân của 27 quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu (EU) có quyền bỏ phiếu.
Theo Reuters, sau đây là những thông tin quý vị cần biết về cuộc bỏ phiếu:
Nghị viện Âu Châu là gì?
Nghị viện Âu Châu (European Parliament, viết tắt là EP) trên thực tế là hạ viện trong cơ quan lập pháp của thể chế lưỡng viện của EU, là cơ quan lập pháp nghị viện duy nhất của EU được người dân các quốc gia thành viên bầu trực tiếp. EP là cơ quan đưa ra quyết định lập pháp chính của EU cùng với Hội đồng Liên minh Âu Châu (đóng vai trò thượng viện của EU).
Chức năng chính của Nghị viện Âu Châu gồm có đàm phán với chính phủ của các quốc gia thành viên về luật pháp EU do Hội đồng Liên minh Âu Châu đại diện. Nghị viện Âu Châu cũng thông qua ngân sách EU và bỏ phiếu về các thỏa thuận quốc tế cũng như việc mở rộng khối.
Nghị viện Âu Châu có trách nhiệm giám sát quan trọng, bao gồm quyền thông qua hoặc phủ quyết việc bổ nhiệm Chủ tịch và Ủy viên của Ủy ban Âu Châu (EC, hay còn gọi là Ủy ban hành pháp Liên minh Âu Châu). Hiện tại, Ủy ban Âu Châu do bà Ursula von der Leyen người Đức đảm nhiệm chức chủ tịch.
Không giống như Nghị viện của một quốc gia, Nghị viện Âu Châu không có quyền đề xướng luật, mà chỉ có thể đàm phán về các luật do Ủy ban Âu Châu đề xướng.
Nghị viện Âu Châu gồm có 720 nghị sỹ (MEP), được bầu cử 5 năm một lần. Sau đó, các nghị sỹ sẽ bầu ra Chủ tịch có nhiệm kỳ hai năm rưỡi. Chủ tịch sắp mãn nhiệm là bà Roberta Metsola đến từ Malta.
Ai có thể bỏ phiếu?
Trong số 27 quốc gia thành viên thì có 21 quốc gia quy định những người từ 18 tuổi trở lên có thể bỏ phiếu. Tuy vậy, những quốc gia có quy định khác, như ở Bỉ, Đức, Áo và Malta, độ tuổi bỏ phiếu tối thiểu là 16 tuổi; tại Hy Lạp, những người tròn 17 tuổi trong năm bầu cử có thể bỏ phiếu; tại Hungary, người đã kết hôn không phân biệt tuổi tác đều có thể bỏ phiếu.
Công dân EU có thể bỏ phiếu ở quốc gia nguyên quán hoặc ở quốc gia khác. Ngoại trừ các quốc gia như Czech, Ireland, Malta, và Slovakia thì tất cả các quốc gia thành viên đều cho phép bỏ phiếu từ ngoại quốc. Tại Bulgaria và Ý, quyền này chỉ áp dụng cho những người cư trú trong EU.
Công dân sống ở một quốc gia EU khác có thể chọn bỏ phiếu cho ứng cử viên của quốc gia nguyên quán hoặc quốc gia nơi họ cư trú.
Cử tri chỉ có thể chọn bỏ phiếu cho ứng cử viên nghị sỹ Nghị viện Âu Châu của một quốc gia. Bỏ phiếu đồng thời ở hai quốc gia được xem là bất hợp pháp.
Cách thức bỏ phiếu
Tại một số quốc gia thành viên, cử tri chỉ có thể chọn ứng cử viên trong danh sách niêm phong chứ không được phép thay đổi thứ tự của các ứng cử viên ưu tiên, trong khi tại các quốc gia khác, cử tri có thể chọn ứng cử viên mà mình ưa thích trong hệ thống ưu tiên.
Theo luật pháp của các quốc gia, một số cử tri ở hải ngoại có thể bỏ phiếu tại đại sứ quán nước mình qua thư hoặc [hình thức bỏ phiếu] điện tử.
Ai có thể tham gia ứng cử?
Tùy theo quốc gia, cử tri có thể chọn ứng cử viên là các cá nhân hoặc đại diện đảng phái. Sau khi đắc cử, các chính trị gia của mỗi quốc gia sẽ theo xu hướng chính trị gia nhập vào các nhóm Âu Châu trong nghị viện.
Một số quốc gia thành viên, bao gồm Đức, chỉ cho phép các ứng cử viên do đảng phái hoặc nhóm chính trị đề cử được tham gia cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu.
Ứng cử viên trúng tuyển không được đảm nhận các chức vụ trong chính phủ quốc gia hoặc các cơ quan chính trị khác (ví dụ như Ủy ban Âu Châu, Tòa án hoặc Tòa án Kiểm toán, v.v.). Tất cả các ứng cử viên phải là công dân của các quốc gia EU.
Dự đoán bầu cử năm 2024
Một cuộc khảo sát hồi tháng 04/2024 của Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) cho thấy 60% công dân EU tỏ ra quan tâm đến việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này.
Cuối tháng 05/2024, tổ chức tổng hợp thăm dò ý kiến Europe Elects dự đoán rằng trong số 720 ghế hiện tại của Nghị viện Âu Châu, Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) trung hữu sẽ giành được 180 ghế; Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả sẽ giành được 138 ghế; Liên minh Tự do và Dân chủ (RE) trung dung sẽ giành được 86 ghế.
Sau khi Đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) cực hữu bị trục xuất do bị gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm nhập, Đảng Liên minh Bảo thủ và Cải tổ châu Âu (ECR) sẽ có 75 ghế, trong khi Đảng Nhận thức và Dân chủ Đức (ID) sẽ giảm từ 84 ghế hồi tháng Tư xuống còn 68 ghế. Theo số liệu của Europe Elects, các đảng nhỏ khác sẽ giành được 173 ghế còn lại.
Kết quả bầu cử năm 2019
Cuộc bầu cử nhiệm kỳ trước đánh dấu một sự chuyển đổi quan trọng về chính trị, khi các nhóm trung hữu và trung tả truyền thống để mất vị thế vào tay các đảng nhỏ hơn.