Thơ Haiku súc tích và sâu lắng
Vật gì đâm ta đau nhói:
hóa ra chiếc trâm lược của người vợ quá cố, ngay trong phòng,
dưới gót chân ta…
Ai đã từng trải qua cảm giác mất mát người thân yêu, dù là phụ mẫu, là phu thê, hoặc dù là con cái, sẽ nhanh chóng tìm ra sự đồng cảm với bài thơ của một tác giả thơ Haiku – Nhật Bản, ông Yosa Buson (có tên gia đình ban đầu là Taniguchi) “Vật gì đâm ta đau nhói.”
Dù đã rất lâu kể từ lúc người thân ta vĩnh viễn ra đi, thì khi bắt gặp một vài kỷ vật, một cuốn sổ (có ghi chú của người đã mất), một sợi dây chuyền trong ngăn kéo, một tấm thiệp cũ mang thông điệp yêu thương mà người ấy tặng cho ta vào ngày sinh nhật cũng có khiến ta có những phút giây đắm chìm trong hoài niệm.
Bất ngờ chạm mặt những kỷ vật khiến ta tê liệt trong giây lát, ký ức chợt ùa về, nó làm ta nhớ về họ – về nụ cười ấy, về đôi mắt ấy – về những con người rất đỗi thân thương ấy.
Bài thơ của Buson là ví dụ điển hình cho sức mạnh của thơ haiku, thể loại thơ đến từ Nhật Bản gồm 17 âm tiết thường được dàn trải thành ba dòng, theo kiểu năm, bảy và năm âm tiết (5/7/5.)
Haiku còn được gọi là “thể thơ với một làn hơi” bởi vì nó có thể được ngân nga xen kẻ giữa làn hơi này và làn hơi khác. Được sáng tác ở thì hiện tại, Haiku xoay quanh thế giới bên ngoài thay vì đi sâu vào cảm giác và xúc cảm nội tâm. Hơn hết, thơ Haiku được tác giả lồng ghép những tầng nghĩa thâm sâu. Những câu thơ súc tích này tựa như sự vỡ òa trong tâm trí đọc giả, chúng kích hoạt suy nghĩ hoặc khiến ta trầm tư tựa như một thiền sinh.
Những nhà thơ haiku nổi tiếng
Trong số nhiều nhà thơ Nhật Bản đã sáng tác haiku, có bốn nhà thơ được xem là những bậc thầy của loại hình nghệ thuật này: Matsuo Basho, Buson, Kobayashi Issa và Masaoka Shiki. Ba nhà thơ đầu tiên chuyên viết theo thể hokku, là những bài thơ ngắn với câu dẫn thường dài hơn. Còn Shiki là nhà thơ đã làm nên bước nhảy vọt cho thơ haiku hiện đại, như một thể thơ độc lập.
Sau đây là một tác phẩm mẫu mực của họ. Xin lưu ý rằng bản dịch không thể tuân theo số lượng âm tiết 5/7/5 như trong bản gốc tiếng Nhật. Hãy bắt đầu với Basho, ông được nhiều người coi là nhà thơ vĩ đại nhất trong giới làm thơ haiku:
Một ánh chớp —
xuyên bóng tối
tiếng vạc trong đêm
Ta có thể bỏ qua một số điểm đáng lưu tâm khi xem qua bản dịch của tác phẩm haiku này:
Khi đọc lần đầu, những câu thơ dưới đây dường như ngụ ý rằng thời gian đang trôi:
Xuân đang qua.
Chim khóc nỉ non và mắt cá
Vương đầy lệ.
Tuy nhiên, trong một bài viết trực tuyến “Tuyển tập thơ haiku nổi tiếng của Matsuo Basho,” tác giả đã diễn nghĩa cho câu ‘Xuân đang trôi qua’, theo ông, nó thường có mang hàm ý là một cuộc chia ly vĩnh viễn. Những con chim và những con cá tượng trưng cho Basho và những người bằng hữu.”
Trong tác phẩm haiku này, Buson đã mang sức nặng của một chiếc chuông do con người chế tác đặt cạnh một cánh bướm mỏng trong đêm:
Trên chiếc chuông chùa hàng tấn nặng
Bướm đêm xếp cánh say giấc nồng,
Ngồi yên.
Một vài tâm hồn đơn độc — và tôi — là một trong số độc giả cảm nhận được sự đặc biệt trong một tác phẩm của Buson:
Không có việc chi làm,
Cô đơn tôi và tôi —
Bầu bạn cùng trăng sáng.
Kobayashi Issa, người đã viết hơn 20,000 bài thơ haiku, với nội dung xoay quanh những loài côn trùng và các sinh vật nhỏ, gồm cả tác phẩm vui nhộn này:
Vo ve chú muỗi bên tai—
Chú cho rằng
Phải chăng tôi điếc?
Và ở đây Masaoka Shiki cũng viết về côn trùng, nhưng với bài thơ này, đó là tiếc nuối:
Sau khi kết liễu
một chú nhện, tôi cảm thấy cô đơn làm sao
trong buốt lạnh của màn đêm!
Thơ Haiku vượt qua Thái Bình Dương
Trong hơn một thế kỷ, các nhà thơ tại Anh quốc và Hoa Kỳ đã thử sức với thể loại thơ haiku này. Dưới đây là tác phẩm của tác giả R.M. Hansard, bài thơ này đã đoạt giải trong cuộc thi haiku năm 1899:
Cơn gió tây thầm thì,
Khẽ rung đôi mi mùa xuân:
Đôi mắt nàng, Primroses.
Trong thế kỷ 20, nhiều thi nhân đến từ những quốc gia sử dụng Anh ngữ cũng bị haiku mê hoặc. Bởi lẽ, thể thơ này, dù ít từ, nhưng dường như nó mang trong mình ma thuật, nó giúp khơi gợi nhiều lối diễn giải khác nhau. Đôi khi các nhà thơ phải tuân theo các quy tắc về dạng thơ, và trong những trường hợp khác, họ lại tự định ra hình thức để phù hợp với dụng ý của mình.
Đây là một bài haiku, “Mất ngủ ở Crown Point” của Richard Wilbur, tuân theo luật thơ haiku, điều này khởi phát một trận đấu bò bất chấp cả thời tiết và địa hình:
Suốt đêm, tại đất này
Lao vào trong ồn ã
Vật lộn cùng cơn gió.
Tại trang web của Hiệp hội Haiku Hoa Kỳ, chúng tôi tìm thấy một tác phẩm đoạt giải của Amy Losak, người đã sáng tác senryu, một nhánh của haiku nhưng mang màu sắc trào lộng châm biếm:
ấp ủ
vượt qua nhiều biến cố địa cầu
đàn ve sầu rền rĩ.
Bài thơ mang tới một nụ cười hàm tiếu, hệt như cách tôi đang tĩnh tại tại tiểu bang Virginia này, chúng tôi đã có một mùa hè đong đầy tiếng ve sầu bất chấp những rắc rối và dịch bệnh.
Sách giáo khoa “Văn học” của Kennedy X.J. và Dana Gioia có bài thơ “Trong ga tàu điện ngầm,” bài thơ của Ezra Pound đã được rút ngắn từ 30 dòng xuống còn 2 câu sau:
Những gương mặt xuất hiện trong đám đông;
Những cánh hoa trên nhành cây đen ẩm.
Hai câu này liệu có đủ tiêu chuẩn để được gọi là haiku? Không bàn về mặt kỹ thuật. Cũng không bàn phải về cách sắp xếp tuyến tính của bài thơ và số lượng âm tiết. Tuy ngắn gọn nhưng nội dung bài thơ xoay quanh thiên nhiên và sở hữu những điểm nhấn đắt giá. Một số người có thể coi bài thơ này, nếu không muốn nói là haiku, ít nhất cũng là một người anh em ruột thịt với haiku.
Một lời cảm ơn đặc biệt
Nguồn cảm hứng của bài viết này là Maria Dios, một thi nhân và đồng thời là người yêu thơ haiku, người đã đóng góp bài viết cho The Epoch Times nhằm khuyến khích đọc giả viết một bài báo với nội dung “thật thú vị khi sáng tác theo quy tắc 5/7/5!”
Lớn lên ở Maplewood, New Jersey — cô trân trọng các giáo viên tiếng Anh thời trung học vì họ đã khuyến khích cô viết — Maria sở hữu một số tác phẩm được đăng trên The New York Times trước khi tờ báo đó ngừng xuất bản thơ.
Cô đã sáng tác những bài thơ haiku này khi đang lái xe đến chỗ làm, lúc băng qua vùng nông thôn New Jersey, băng qua những khu rừng, băng qua những cánh đồng và băng qua những khu vườn. Cô là tác giả của loạt bài “Bạn có yêu thích một bài thơ không?” Hiện cô đã nghỉ hưu và hy vọng sẽ đứng lớp giảng dạy về thơ khi đại dịch qua đi.
Dưới đây là một vài bài thơ tôi yêu thích mà cô đã gửi cho tôi:
Đóa tulip huyết dụ
Đóa tulip huyết dụ,
như chiếc ly đỏ sậm
luôn sánh đầy
—————————–
Châm cứu
Rất nhiều kim châm
chuyện trò với nhau trong thinh lặng
Mặc kệ tôi nằm đó nghỉ ngơi.
—————————–
Điều sâu lắng
Không thể viết về tình,
vì tình quá mãnh liệt, còn tôi không thể
ngừng nhớ nhung.
—————————–
Gần cuối email của mình, Maria viết, “Từ tự nhiên, đến mỗi ngày, đến tình yêu: Tôi đã yêu haiku vì nó rất đơn giản và vui nhộn, tôi có thể sáng tác ngay tại chỗ và thậm chí coi nó là một trò chơi để chơi cùng những người khác.”
Bạn hãy thử một lần xem
Tại sao bạn không thử làm theo gợi ý của Maria và tự tay làm một đoạn thơ haiku?
Trong tác phẩm “Văn học,” Kennedy và Gioia đã trình bày một số mẹo vặt để giúp đọc giả có thể sáng tác những bài thơ ngắn này. “Hãy khiến mỗi từ đều trở nên đắt giá. Hãy dùng vài tính từ, tránh các liên từ không cần thiết. Hãy đặt bài thơ của bạn ở thì hiện tại,” họ nói với chúng tôi, và luôn nhắc chúng tôi về lời khuyên của Basho, “Haiku đơn giản là những gì đang xảy ra, tại nơi đây và vào lúc này.” Những bài thơ cũng nhắc nhở chúng ta rằng haiku tự nhiên liên quan đến “những gì ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy hoặc chạm vào,” nhưng cũng cần “khiến cho người đọc cảm nhận được điều gì đó.”
Trong phần Giới thiệu của Loạt bài “Bạn có yêu thích thơ?” Maria nhấn mạnh: “Sáng tác thơ ca là một trải nghiệm kỳ bí, là một điều thú vị, là một liều thuốc giảm căng thẳng, là một khám phá, là tất cả những điều này đối với tôi. Tôi có thể yêu thích ngẫu nhiên một bài thơ vô danh cũng như một bài thơ nổi tiếng.”
Hãy làm theo đề xuất dưới đây
Trong ba năm, tôi đã làm thơ, nhiều bài theo thể loại sonnet, và tôi cũng sáng tác theo những lối làm thơ khác. Một số tác phẩm đã được đăng trên một số tạp chí, nhưng điều hạnh phúc là tôi đang viết thơ cho chính cho tôi. Maria đặc biệt lưu tâm đến khía cạnh thần bí, sự thú vị và sự khám phá mà thơ ca mang lại.
Cuối cùng, tôi cũng không rõ vì sao mình đã ngừng làm thơ – nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác ấy tuyệt vời như thế nào khi mang một theo bài thơ không chỉ trong túi áo mà cả trong tâm trí tôi, mày mò với nó, chạm khắc những đường nét hoàn hảo cho nó, cắt đi chỗ này và thêm vào chỗ kia.
Như được động viên bởi sự nhiệt tình đến từ Maria, chiểu theo lời khuyên của Kennedy và Gioia, tôi đã sáng tác bài haiku này trong vài phút khi hoàn thành bài viết này:
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times