Những bậc thầy được Thần lựa chọn
Trước đây, chúng tôi đã giới thiệu câu chuyện về thần đồng hội họa người Mỹ Akiane, rất nhiều người cảm thấy rất thần kỳ và cho rằng đây là cách giải thích đúng nhất cho từ “thiên tài”. Thật ra, Trung Quốc cổ đại cũng có một vị họa sĩ nổi tiếng cũng có được sự ưu ái của Thượng đế như Akiane, hơn nữa phương thức hội họa của ông ấy vô cùng đặc biệt, vậy ông ấy là ai?
Chỉ họa đại sư Cao Kỳ Bội trong mộng học vẽ hiện thần tích
Đại họa gia Cao Kỳ Bội sống vào thời kỳ hưng thịnh nhất dưới thời vua Khang Hy và Càn Long vào những năm đầu nhà Thanh, là ông tổ của môn Chỉ họa. Cái gọi là chỉ họa chính là việc vẽ tranh bằng ngón tay thay vì bút lông. Các bức tranh chỉ họa của Cao Kỳ Bội có bố cục phóng khoáng, kỹ thuật ngón tay đa dạng, nét vẽ thần thánh, vận dụng màu sắc đầy bất ngờ và tự nhiên. Người đời sau nhận xét các tác phẩm tranh của ông siêu phàm nhập thánh, người thường rất khó mô phỏng, bởi vì sự phụ của ông là một vị đại thần tiên.
Vậy ông làm cách nào mời được thần tiên đến dạy vẽ cho mình?
Cao Kỳ Bội xuất thân dòng dõi quan thần nhà Thanh, sau này cũng dấn thân vào con đường quan lộ, nhưng nghề nghiệp lý tưởng trong lòng ông là muốn làm một họa sư. Ông bắt đầu học vẽ từ năm 8 tuổi, và khi nhìn thấy những bức tranh đẹp, ông sẽ không bỏ qua cơ hội sao chép lại. Sau hơn mười năm miệt mài khổ luyện, Cao Kỳ Bội đã đọc vô số tranh, tác phẩm tranh sao chép chứa đầy cả hai hòm, và trở thành nhà thưởng thức và giám định thư họa có tiếng, nhưng các tác phẩm của riêng ông thì vẫn còn mờ nhạt. Mặc dù như vậy, ông vẫn miệt mài luyện tập và cảm thấy rất thích thú vui vẻ với điều này..
Đó chính là cái gọi là tinh thành sở chí, kim thạch vi khai (người thành tâm thành ý có thể làm cho kim cương tan vỡ). Sự chân thành của Cao Kỳ Bội đã cảm động đến một vị lão thần tiên. Vì vậy, vị thần tiên này bèn hạ phàm và dạy ông vẽ tranh.
Một ngày nọ, trong giấc ngủ mơ màng, ông gặp một ông lão nói với mình rằng: “Kiếp trước ngươi là một họa sư, Thượng đế an bài cho ngươi kiếp này nhờ hội họa mà nổi tiếng”. Tiếp đó ông lão đưa Cao Kỳ Bội đến một gian nhà đất kỳ lạ. Sau khi bước vào, bốn bức tường đều là những bức tranh kỳ dị mỹ lệ, núi non trùng điệp, thác nước trong vắt, cổ thụ ngút trời, mênh mang rừng trúc, trân cầm dị thú, biến ảo ẩn hiện, khiến người ta khó lòng xem hết được.
Ông lão bảo với Cao Kỳ Bội đó gọi là tranh trong tranh, rồi kiên nhẫn phân tích lý thuyết và phương pháp vẽ tranh cho ông, Cao Kỳ Bội nghe xong thì trong lòng sáng tỏ thông suốt. Ông liền muốn thử sao chép bức tranh trên tường. Nhưng trong gian nhà đất trống không, chỉ có một chậu nước. Cao Kỳ Bội lanh trí dùng tay chấm nước vẽ tranh.
Khi thấy Cao Kỳ Bội luyện được tương đối rồi, ông lão liền nói rằng nghệ thuật vẽ tranh đã thành tựu, bây giờ Cao Kỳ Bội có thể quay về rồi. Liền sau đó ông theo đường cũ mà trở về, vừa về đến nhà thì cũng là lúc ông tỉnh giấc.
Tất cả chúng ta có thể đều từng có trải nghiệm tượng tự rằng những cảnh chúng ta đã thấy trong giấc mơ của mình, bất kể nó chân thực như thế nào vào thời điểm đó thì cũng đều sẽ sớm bị lãng quên khi chúng ta thức dậy. Tuy nhiên, những kỹ thuật vẽ tranh mà Cao Kỳ Bội học được trong giấc mơ sau khi tỉnh lại đều được ông nhớ hết sức rõ ràng. Trong lòng ông không tránh khỏi một sự vui mừng khôn xiết.
Tuy nhiên, khi nhấc cọ vẽ lên, ông lại giống như trước đây, rõ ràng toàn thân đầy bản lĩnh nhưng lại không thể nào sử dụng được. Cao Kỳ Bội cảm thấy vô cùng buồn rầu khó chịu.
Mấy ngày sau, một ngày nọ, ông lại nhớ lại giấc mơ của mình, nhớ lại khoảnh khắc nhúng ngón tay vào nước để vẽ, trong lòng chợt lóe lên một cảm hứng, chi bằng dùng ngón tay chấm mực vẽ xem sao? Không ngờ,thử nghiệm này quả thật thành công. Ý tưởng tuôn trào, muốn vẽ gì đều có thể ngay lập tức có thể “hạ bút thành văn”, phong cảnh, hoa lá chim muông, nhân vật, tất cả đều tràn đầy linh khí, dường như có thần trợ giúp. Từ đó trở đi, Cao Kỳ Bội dùng ngón tay thay bút, trở nên nổi tiếng kiệt xuất trong giới hội họa, khai sáng trường phái vẽ tranh chỉ họa. Họa sĩ hiện đại nổi tiếng Phan Thiên Thọ là một trong những họa sĩ tài ba kiệt xuất thuộc trường phái này.
Các tác phẩm của Cao Kỳ Bội tràn đầy sức sống, với chủ đề rộng lớn, hình tượng sinh động, kỹ xảo toàn diện và hàm ý sâu xa. Và điều khiến người đời tấm tắc khen ngợi về sự thần kỳ trong tài hoa của ông đó là các bức họa do ông vẽ còn có thể hiển hiện thần tích.
Thời đó, hàng năm vào đêm giao thừa và ngày tết đoan ngọ, người ta đều treo tranh vẽ Chung Quỳ, đêm giao thừa thì để xua đuổi tà ma, tết đoan ngọ thì để đánh đuổi ôn thần.
Cao Kỳ Bội rất thích vẽ chân dung của Chung Quỳ. Mỗi năm vào ngày tết đoan ngọ ông đều vẽ tặng cho người thân và bạn bè. Mỗi bức chân dung đều thần sắc uy nghiêm, khiến người ta trông thấy phải kinh sợ. Bức ” Sự giận sự của Chung Quỳ” là tác phẩm được ông vẽ năm 68 tuổi. Trong ảnh, Chung Quỳ đỉnh thiên lập địa, bất nộ tự uy. Trong ánh mắt có một sức mạnh khiến tất cả yêu ma, quỷ quái phải khiếp sợ.
Người ta nói rằng những họa sư hàng đầu có thể truyền sức sống cho những bức tranh và khiến chúng trở nên “có sự sống”. Bức họa Chung Quỳ của Cao Kỳ Bội không chỉ sống động như thật mà còn thực sự có thể xua đuổi tà ma.
Có một người tiểu thiếp họ Tra ngày nọ bỗng nhiên phát điên, nói rằng nhìn thấy một người đàn ông mặc áo choàng xanh, râu dài xuất hiện trong mắt mình, cô ta sợ đến mức ngất đi. Trong cơn hoảng loạn, gia đình nhớ ra có bức chân dung của Chung Quỳ do Cao Kỳ Bội vẽ, liền nhanh chóng đem đến giường và thắp hương âm thầm cầu nguyện, nói ra thật đáng kinh ngạc, bệnh tình của người tiểu thiếp nhanh chóng biến mất.
Ngoài ra còn có vị Trác tiên sinh – từng đảm nhận chức thái thú Ninh quốc, gian nhà chính cứ đêm đến lại không yên, có thứ gì đó đang phá rối, sau khi treo bức tranh Chung Quỳ của Cao Kỳ Bội thì gian nhà ngay lập tức yên ổn.
Mọi người không biết Chung Quỳ được vẽ bởi Cao Kỳ Bội có thật là bước ra từ trong tranh để trừ yêu diệt ma hay không, nhưng chỉ cần treo tranh lên thì có thể bảo vệ cả nhà được bình an, nói thế nào thì cũng là thần tích. Vì vậy, người đến cầu tranh ùn ùn kéo đến. Cao Kỳ Bội ai đến cũng không từ chối, đều khiến mọi người ra về trong mãn nguyện. Những bức tranh đầy ý tưởng và cảm hứng, thần thánh và đầy chất lượng. Vào thời điểm đó, từ đại nội Thanh triều cho đến phủ nha của quan thần trong triều đều treo tranh của ông, có thể nói là tài năng nổi bật có một không hai.
Tuy nhiên, bản thân Cao Kỳ Bội luôn tỏ ra rất khiêm tốn và không bao giờ che giấu việc học vẽ tranh trong mộng của mình. Ông cũng vì việc này mà đặc biệt khắc một con dấu, trên đó khắc dòng chữ: “họa tùng mộng đắc, mộng tự tâm thành” (Tranh đắc được từ trong mộng, mộng từ tâm mà thành), nhắc nhở thành tựu hội họa của bản thân đều do an bài của Thượng đế.
Bậc thầy đúc kiếm trong mộng học được bí quyết
Thật ra, không phải chỉ có hội họa, mà những người trong các ngành nghề khác chỉ cần thành tâm nghiên cứu học hỏi thì đều nhận được sự phản hồi và thành toàn từ Thượng đế. Sau đây câu chuyện tiếp theo mà tôi muốn giới thiệu với mọi người là trải nghiệm thần kỳ về việc học được tài nghệ của bậc thầy đúc kiếm đẳng cấp thế giới – Trần Thế Thông. Trần Thế Thông từng là thư ký của Hội đồng Phát triển Văn hóa của Cơ quan Hành pháp Đài Loan, là một người say mê võ hiệp, khát vọng cả đời của ông là “sở hữu một thanh bảo kiếm thực sự”. Vì vậy, sau tuổi trung niên, ông quyết định từ chức và bắt đầu nghiên cứu thuật đúc kiếm.
Vậy trình độ đúc kiếm của Trần Thế Thông ra sao? Nói theo cách của ông thì là: “Không đâu có thể gặp được bảo kiếm thật sự, hiện nay chỉ có một mình tôi là có thể đúc được bảo kiếm thật sự mà thôi.” Xem ra khẩu khí quả là không nhỏ, nhưng ông ấy thật sự là người có thực lực. Bảo kiếm do Trần Thế Thông đúc ra không những có thể chém vỡ đá mà còn bật thẳng trở lại ngay sau khi bị bẻ cong. Bảo kiếm được mài nhân tạo của ông có kích thước 69,5 cm từ phần bảo vệ tay đến mũi kiếm. Nó bắt buộc phải phải phù hợp với kích thước cát tường nhất của thước Lỗ Ban. Có một lần, một kỹ sư người Đức phát hiện ra ông ấy có thể mài thanh kiếm dài 69,5 cm bằng tay, người kỹ sư ngạc nhiên nói rằng: “Kỹ thuật cao siêu nhất trên thế giới cũng không vượt quá 36cm”. Vì vậy, các sản phẩm bảo kiếm do Trần Thế Thông làm ra đều được tán dương bởi các nhà chuyên gia, nhà sưu tập thậm chí là cho đến các siêu sao quốc tế.
Vậy Trần Thế Thông “nửa đường đổi nghề” nghiên cứu đúc kiếm, ông đã làm cách nào để đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật đúc kiếm như vậy?
Bảo kiếm từ xưa đến nay vốn là pháp khí trảm yêu trừ ma của Phật giáo và Đạo giáo. Ở tuổi trung niên, khi Trần Thế Thông bắt đầu đúc kiếm thì kỹ thuật đúc kiếm ở Trung Quốc đã biến mất ít nhất 3000 năm. Trần Thế Thông thực sự đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, nhưng ông cho biết phần lớn những kỹ năng cao của quá trình đúc tạo bảo kiếm và bảo đao là do Thần tiên xuất hiện trong mộng chỉ bảo cho mình. Khi được phỏng vấn, Trần Thế Thông đã mô tả hết sức súc tích về những giấc mộng huy hoàng của mình, ông cũng nói rằng hầu hết người hiện đại đều sẽ không tin vào những điều này.
Thần Thế Thông nói: “Điều huyền hoặc là họ đều đợi đêm đến mới hiện ra để truyền dạy. Những người đúc kiếm chúng tôi tôn thờ Âu Dã Tử, tổ sư của ngành đúc tạo kiếm thép của Trung Quốc, thật ra chỉ cần chúng ta đối với thế giới tâm linh có sự thành kính thì họ tự nhiên sẽ xuống truyền dạy, âm thầm dạy bảo chúng ta”. Tổ sư dạy nhiều nhất là Kiếm Vương Thất Tinh Kiếm trong cổ thư. Tương truyền, đó là pháp khí của một trong bốn vị Thần Tứ Đại Thiên Vương bên cạnh Phật tổ. Vì kỹ thuật cao siêu nên từ lâu đã bị thất truyền.
Trần Thế Công nói: Kiếm được chia thành kiếm sống và kiếm chết, kiếm sống hấp thụ nhân khí và tinh hoa của nhật nguyệt nên tố chất của người thợ đúc kiếm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của kiếm. Vì vậy, đối với ông mà nói, bài tập cần thiết trước khi mài kiếm là phải ngồi đả tọa, đến khi đạt đến trạng thái tâm vô quái ngại, tâm cảnh sáng trong, thì mới có thể tâm bình khí hòa và chuyên tâm nhất ý, sau đó mới có thể bắt đầu công việc mài kiếm.
Cụ ông người Hàn Quốc được Khổng Tử và Mạnh Tử dạy chữ Hán
Cuối cùng, lại giới thiệu với mọi người thêm một câu chuyện thần kỳ về một người trong mộng được Khổng Tử và Mạnh Tử dạy chữ Hán. Năm 2014, ông Văn Tướng Hạo, người Hàn Quốc, 95 tuổi đã xuất bản tập thơ tiếng Hán đầu tiên của mình là “Lưỡng bạch đường tập”. “Lưỡng bạch đường” này là tên tự của Văn lão tiên sinh. Tập thơ này này dày hơn 90 trang và tập hợp hơn 2.000 bài thơ chữ Hán của ông. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là trình độ thơ ca tiếng Hán của cụ ông người Hàn Quốc này là học được từ trong giấc mộng.
Theo lời tự giới thiệu của Lưỡng Bạch Đường tiên sinh, ông lúc nhỏ chưa từng được đến trường,nhưng lại được Khổng Tử, Mạnh Tử và các nhà hiền triết khác xuất hiện trong mộng dạy chữ Hán. Ông nói: “Từ năm sáu tuổi, Khổng Tử và Mạnh Tử đã xuất hiện trong giấc mơ và lần lượt dạy tôi học chữ Hán và các kinh sách của Nho gia. Nếu không chịu khó học tập, tôi còn bị phạt đánh đòn nữa! Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, chỗ bị đánh còn tím bầm và rất đau”.
Với trải nghiệm thần kỳ trong giấc mơ, Lưỡng Bạch Đường tiên sinh không chỉ học được chữ Hán mà còn nhiều lần đoạt giải trạng nguyên thơ Hán trong các cuộc thi thơ chữ Hán của Hàn Quốc hàng năm. Lưỡng Bạch Đường tiên sinh còn kể lại một câu chuyện kỳ lạ xảy ra vào một năm nọ khi ông tham gia cuộc thi thơ chữ Hán. Một đêm trước khi diễn ra cuộc thi thơ chữ Hán, Lưỡng Bạch Đường tiên sinh đã mơ thấy đề thi và tất cả cách luật yêu cầu.
Kết quả là vào cuộc thi ngày hôm sau, ông đã nhanh chóng hoàn thành bài thi của mình. Lúc đó, người dẫn chương trình của đài truyền hình MBC Hàn Quốc đã hỏi ông rằng: “Làm cách nào mà ông có thể hoàn thành bài thi nhanh đến vậy, trong khi những người khác vẫn đang vắt óc suy nghĩ?” Lúc ông kể sự thật với phóng viên thì họ nói: “Ngài đừng đùa nữa”.
Cụ ông Lưỡng Bạch Đường nói, “kỳ ngộ trong mộng” của ông thường không nói ra bên ngoài, vì đây là vấn đề mà khoa học hiện đại khó có thể giải thích được và quan niệm của người thường khó có thể chấp nhận được. Ông kể: “Hồi nhỏ tôi nói với người trong thôn rằng tôi ở trong mộng đã học được chữ Hán, bọn họ đều cho rằng tôi nói dối và đều nghĩ rằng tôi có vấn đề về tinh thần”. Từ đó về sau ông giữ kín bí mật về chuyện học chữ Hán trong mơ của mình.
Vì có kiến thức uyên thâm về Hán văn và Nho học, ông từng làm giáo viên Hán văn tại trường đại Đại học Nho gia cao nhất tại Hàn Quốc – Sungkyunkwan. Hơn chín mươi tuổi, Lưỡng Bạch Đường tiên sinh với sức khỏe dồi dào vẫn ở nhà dạy Hán văn cho học sinh. Theo lời giới thiệu của ông, học sinh của ông có hơn 1000 người, và hầu hết tất cả những học sinh này đều đã trở thành giáo viên Hán văn ở các trường học trên khắp Hàn Quốc. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee cũng từng là học trò của ông.
Lưỡng Bạch Đường tiên sinh rất tôn kính các vị thần và các nhà hiền triết cổ đại, việc ông phải làm hàng ngày là mặc Hàn phục và kính cẩn cúi bái lạy thiên địa thần và Khổng Tử. Điều mà Lưỡng Bạch Đường tiên sinh yêu thích nhất chính là đọc sách. Ông nói rằng ông đọc sách không phải vì để trở thành Nho sinh mà vì để tu chính lại tâm mình, thông qua việc học tập các vị thánh hiền để quy chính lại bản thân.
Theo dõi Bí Ẩn Chưa Có Lời Giải:
- Telegram: https://t.me/wjzmchannel
- Youtube link: https://www.youtube.com/watch?v=_crk-V8waYQ&list=UUzvQZ1p_-AXgAWiyHhE7CxQ
- Chào mừng đến với kênh Youmaker: https://www.youmaker.com/c/UnsolvedMystery
- Theo dõi kênh Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCzvQZ1p_-AXgAWiyHhE7CxQ
Lê Oanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: