Suy ngẫm về Johannes Vermeer, họa sĩ bậc thầy kiệt xuất người Hà Lan
Triển lãm ‘Suy ngẫm về Johannes Vermeer’ tại Phòng Tranh Các Bậc Thầy Xưa ở Dresden, Đức.
Kể từ năm 1742, du khách đã rất thích thú khi nhìn thấy bức “Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở” của Johannes Vermeer tại Phòng Tranh Các Bậc Thầy Xưa ở Dresden, Đức. Nhưng bối cảnh trong bức tranh này lại không giống với bức tranh khi xuất xưởng của của họa sĩ Vermeer vào khoảng năm 1659.
Năm 1742, đại điện của Saxony và vua Ba Lan, Augustus III, đã mua 30 bức tranh từ Hoàng tử Carignan ở Paris, và bức tranh “Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở” là quà tặng cho nhà vua.
Khi phòng triển lãm mua lại bức tranh, nó được cho là tác phẩm của họa sĩ Rembrandt vì bức tường trắng trống trải ở phần nền của bức tranh rất giống với phong cách của họa sĩ Rembrandt, giám tuyển triển lãm Uta Neidhardt giải thích qua điện thoại. “Tôi nghĩ khi mọi người nhìn thấy… bức tranh chất lượng cao thế này, nhưng không đề tên [trên đó],… họ nghĩ đó có thể là của Rembrandt,” cô nói thêm.
Tôn vinh Tình yêu Một thời Đã mất
Trong nhiều thế kỷ, bức tranh vẽ một cô gái trẻ đang mải mê đọc một bức thư. Bối cảnh trống trải cho người xem cảm giác về sự đơn độc, đồng thời nhấn mạnh hơn vào sự tập trung của cô ấy vào nội dung của bức thư.
Nhưng bức tường trống trải đó thực ra đã được sơn phủ lên, làm thay đổi trạng thái ban đầu của bức tranh. Mãi đến những năm 1860, bức tranh mới được công nhận là của họa sĩ Vermeer. Và mãi đến năm 2017, các chuyên gia mới nhận ra rằng bức tranh đã bị sơn phủ lên hàng thập kỷ sau khi Vermeer vẽ.
Bây giờ, bức tranh đã được phục hồi theo đúng ý đồ của Ngài Vermeer. Và kể từ năm 2017, các nhà phục chế đã loại bỏ các lớp cáu bẩn và sơn phủ để lộ ra một bức tranh sống động với ý nghĩa hoàn toàn “mới”: tình yêu. Màu sơn phủ đã che giấu một bức tranh đóng khung thần Cupid mà Vermeer đã vẽ ban đầu như một manh mối quan trọng chỉ ra rằng cô gái đang đọc một bức thư tình.
Để tôn vinh một Vermeer “mới”, khoảng 60 kiệt tác của họa sĩ Hà Lan được tập hợp lại cho triển lãm ‘Suy ngẫm về Johannes Vermeer’ tại Phòng Tranh Các Bậc Thầy Xưa.
‘Suy ngẫm’
Neidhardt cho biết triển lãm có chín phòng. Mỗi phòng đều thể hiện hoàn cảnh nghệ thuật mà Ngài Vermeer đắm chìm trong đó và sự phát triển phong cách trong các bức tranh của ông, đặc biệt là những bức mà ông đã vẽ trong cùng thời kỳ với “Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở”, là tác phẩm điểm nhấn của triển lãm. Ngoài ra, các bản in, bản vẽ, tác phẩm điêu khắc và đồ nội thất từ thời họa sĩ Vermeer cũng được trưng bày cho thấy những ảnh hưởng phong phú xung quanh người họa sĩ này.
Neidhardt giải thích rằng vào nửa sau của thế kỷ 17, Cộng Hòa Hà Lan (tên chính thức là Cộng Hòa Hà Lan Thống Nhất), ngày nay là Bắc Hà Lan, theo đạo Calvin, trái ngược với phần phía nam của Hà Lan, là nơi Công giáo La Mã dưới sự trị vì của Chế độ quân chủ Habsburg Tây Ban Nha.
Ngài Vermeer sống ở miền Bắc, ở Delft, nơi có nhiều họa sĩ chuyên vẽ tranh phong tục. Các họa sĩ ở các thị trấn xung quanh — Leiden, Amsterdam, Rotterdam, và Dordrecht — cũng chuyên về chủ đề tương tự.
Neidhardt giải thích rằng, trước đây, tranh sinh hoạt đời thường mô tả nhiều nhân vật. Ví dụ, những người lính trong một phòng canh hoặc nhóm bạn từ năm đến mười người. “Nhưng những cảnh tập trung vào các nhân vật nữ đơn lẻ hoặc một cặp đôi: một quý ông và một quý bà bên nhau,… những cảnh tập trung với mô tả chi tiết về nội thất với một số tĩnh vật… và cửa sổ đang mở (chủ yếu là bên trái), chúng rất hiện đại vào những năm 1650, 1660 và 1670,” cô nói.
Ngài Vermeer đã lấy rất nhiều ý tưởng từ các đồng nghiệp của mình, Neidhardt nói. Ví dụ, Gerard ter Borch rất quan trọng đối với Vermeer, và Pieter de Hooch từ Delft cũng vậy. Vermeer “lấy ý tưởng… nhưng ông ấy đã phát triển chúng theo cách hư ảo nhất. Vì vậy, ông giỏi hơn tất cả họ. Ông đã vượt qua họ ở chất lượng bức tranh của mình, và vẻ ngoài của sự vật mà ông có thể nhìn thấy. Khi Vermeer nhìn vào bề mặt của một cái đĩa, hoặc một tấm rèm, hoặc chiếc váy của một cô gái, hoặc mái tóc của cô ấy, hoặc khuôn mặt của cô ấy, ông nhìn thấy nhiều thứ hơn những người khác, và có thể khắc họa nó với sự trợ giúp của màu sơn trên vải phẳng,” cô nói.
Phong cách tranh sinh hoạt đời thường của Vermeer
“Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở” đánh dấu sự thay đổi trong phong cách vẽ tranh của họa sĩ Vermeer. Trước đây, ông đã tập trung vào việc tạo ra các bức tranh lịch sử, chẳng hạn như thần thoại “Diana và các nữ thần Nymph”, được trưng bày trong triển lãm.
Utrecht Caravaggism cũng được trưng bày là một ví dụ hiếm hoi về phong cách hội họa ban đầu mà ông chỉ thử một lần. Đó là các tác phẩm của các họa sĩ Hà Lan đến từ thành phố Utrecht với phong cách ảnh hưởng bởi họa sĩ người Ý Caravaggio. Neidhardt giải thích rằng “Tú bà” được vẽ dưới ảnh hưởng đó bằng cách sử dụng những cảnh khá bỗ bã, kịch tính và rất chân thực giống với Caravaggio.
Trái ngược với Caravaggio, tác phẩm của họa sĩ Vermeer được dẫn dắt bởi một cảm quan nghệ thuật thanh thoát. Nhiều bức tranh của ông vẽ những nhân vật đơn độc chìm đắm trong suy tư. Neidhardt nói: “Bức tranh của chúng ta, ‘Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở’, là một trong những bước đầu tiên trong quá trình phát triển phong cách mới của ông. Ông bắt đầu vẽ nội thất với một hoặc hai nhân vật, trong đó tập trung vào một góc của căn phòng hoặc hoàn toàn vào chính nhân vật đó, giống như trong bức “thiếu nữ đeo khuyên tai ngọc,” cô giải thích.
Để làm nổi bật sự thay đổi phong cách của họa sĩ Vermeer, Neidhardt đã cẩn thận lựa chọn một số tác phẩm chính cho triển lãm, mà Ngài Vermeer đã vẽ vào đầu những năm 1660. Mỗi bức tranh đều có phong cách tương tự như bức “Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở” và mỗi bức vẽ có một người phụ nữ ở một mình và một cửa sổ ở phía bên trái của bức tranh (mặc dù trong bức “Người đọc thư áo xanh”, cửa sổ bị khuất khỏi tầm nhìn).
Những bức tranh có phong cách tương tự bao gồm “Người phụ nữ đeo vòng ngọc trai” từ Bảo tàng Nhà nước ở Berlin; “Người phụ nữ cầm cân” từ Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Quốc Gia, Washington; và “Người đọc thư áo xanh” từ bảo tàng Rijksmuseum, Amsterdam.
Tranh trong tranh
Họa sĩ Vermeer đã vẽ nhiều họa tiết lặp lại trong các tác phẩm của mình, và những người cùng thời xem tranh của ông sẽ hiểu được ý nghĩa của chúng. Ví dụ, trong bức “Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở”, chúng ta có thể thấy một lá thư, hình ảnh phản chiếu của cô gái và một tấm rèm ở bên phải bức tranh. Những chủ đề này được trưng bày tại triển lãm. Nhiều tác phẩm có một bức tranh trên phông nền, một cách mà họa sĩ Vermeer sử dụng để củng cố thông điệp của tác phẩm.
Hơn 10 năm sau khi Ngài Vermeer vẽ bức “Cô gái đọc thư trước cửa sổ mở”, ông đã vẽ bức “Người phụ nữ bên đàn Virginal”, hiện thuộc sở hữu của Phòng Trưng Bày Quốc Gia, London. Đáng chú ý, bức tranh thần Cupid giống nhau xuất hiện trên nền của cả hai bức tranh. Theo trang web của Thư Viện Quốc Gia, thần Cupid trong sách minh họa năm 1608, tượng trưng cho tình yêu chung thủy. Trong bức tranh ở London, không có bức thư tình nào mà chỉ có một chiếc ghế trống, chỉ ra rằng người thiếu nữ bên đàn Virginal đang chờ đợi người thương cùng tấu một bản nhạc.
Neidhardt giải thích rằng Vermeer thường vẽ những chiếc ghế trống trong tranh của mình, nó cho thấy rằng người phụ nữ đang chờ đợi hoặc đang chào đón một người đàn ông.
Một loại hình ảnh khác xuất hiện trên nền bức “Người phụ nữ cầm cân” của Vermeer. Ở đây, đức tin là chủ đề của bức tranh. Một người phụ nữ đứng ở chiếc bàn gần cửa sổ đang mở. Trên bàn, có một hộp trang sức đang mở và một thứ có lẽ bằng nhung sang trọng. Cô ấy mải tập trung vì giữ thăng bằng trên tay khi tính toán ổn định và giữ cái cân, một sự hài hòa hoàn hảo. “Nếu nhìn kỹ, chiếc cân trống rỗng. Không có vàng hay bột,” Neidhardt nói. Neidhardt nói thêm rằng cô ấy đang cân bằng những chiếc cân trống rỗng, có lẽ để biểu thị rằng cô ấy đang cân bằng cuộc sống của mình.
Hậu cảnh là bức tranh Phán Xét Cuối Cùng. Vermeer đã khéo léo phản chiếu và nhấn mạnh lại ý đồ mà ông đang truyền đạt ở phía trước, đó là sự cân bằng, có lẽ là sự cân bằng giữa niềm tin và những cám dỗ của thế giới.
Triển lãm ‘Suy ngẫm về Johannes Vermeer’ tại Phòng Tranh Các Bậc Thầy Xưa ở Dresden, Đức, hiện đang diễn ra cho đến ngày 02/01/2022. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập Gemaeldegalerie.SKD.museum
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: