Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.33): Hội nghị Trùng Khánh
Mời quý vị đón đọc Loạt bài “Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch”
Hội nghị Trùng Khánh
Sau khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8/1945, Tưởng Công lập tức bắt đầu chuẩn bị cho việc tiếp nhận đầu hàng. Vào ngày 11, Chủ tịch Tưởng gọi Chu Đức, Tổng tư lệnh của Tập đoàn quân số 18, và ra lệnh cho ông “Án binh bất động chờ lệnh”, nhưng Chu Đức từ chối. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giành quyền tiếp nhận đầu hàng trước và tiếp quản các khu vực do quân đội Nhật Bản chiếm đóng, cũng như nhân sự và trang thiết bị. Khi đó, lực lượng chủ lực của quân đội quốc gia được phân bố ở phía Tây Nam, còn quân Cộng sản chiếm ưu thế ‘địa lợi’ ở các tỉnh duyên hải miền Đông và vùng Hoa Bắc phía sau lưng địch.
Sử học gia Tân Hạo Niên phát hiện ra rằng các hoạt động quân sự thực sự của quân đội cộng sản chống lại Nhật Bản bắt đầu sau khi Nhật Bản đầu hàng: Vào đêm ngày mùng 9 tháng Tám, khi Diên An tình cờ biết được tin Nhật Bản đầu hàng và Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, Mao Trạch Đông đã lập tức báo cáo với quân đội cộng sản Trung Quốc tại Diên An ban hành lệnh “thực hiện một cuộc hành quân quy mô lớn” chống lại lực lượng chiếm đóng của Nhật Bản. Kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến kéo dài 8 năm, Mao Trạch Đông đã ban hành mệnh lệnh “kháng Nhật” đầu tiên cho quân đội của mình. Mục đích của ông là ra lệnh cho quân đội của mình “mở rộng các vùng giải phóng của ĐCSTQ.” Trong mười tám giờ từ đêm ngày 10/08 đến chiều ngày 11/08, Mao Trạch Đông đã ban hành thêm bảy mệnh lệnh cho quân đội của mình, mục đích là “lập tức huy động một đội quân 200,000 người để đánh chiếm Trung Nguyên.”
Mao Trạch Đông thậm chí còn nhiều lần ra lệnh cho quân đội ĐCSTQ cưỡng ép tiếp nhận đầu hàng của Nhật Bản, mạnh tay cản trở quân đội chính phủ tiếp nhận đầu hàng, cưỡng bức “chiếm đóng và phá hủy các tuyến đường giao thông chính trên cả nước”, cưỡng chế tịch thu vũ khí của quân đội Nhật Bản, và “coi những người Trung Quốc chống lại việc tiếp nhận đầu hàng của ĐCSTQ là Hán gian và trừng phạt họ”. Đồng thời, với danh nghĩa “Tổng tư lệnh quân đội chống Nhật Bản tại các khu vực được giải phóng của Trung Quốc”, ông ta tự ý chỉ định địa điểm tiếp nhận đầu hàng và ra lệnh cho chỉ huy Nhật Bản Neiji Okamura “chỉ đầu hàng với quân đội cộng sản Trung Quốc.” Vào ngày 12/08, quân đội cộng sản Trung Quốc đã điều động binh lực bao vây 30.000 quân Nhật không sẵn sàng đầu hàng họ ở miền Hoa Bắc Trung Quốc và đánh một “trận đại chiến chống Nhật” chưa từng có. [Bài nói chuyện của Tân Hạo Niên “Ai là Tân Trung Quốc” (Phần 5)]
Ngoài những cân nhắc chiến lược tương ứng của mình, Hoa Kỳ và Liên Xô hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tránh được nội chiến. Tưởng Giới Thạch phán đoán tình hình và quyết định mời Mao Trạch Đông đàm phán, ‘lễ trước binh sau’ (đàm phán trước, không được mới dùng đến binh lực). Từ ngày 14 đến ngày 23/08, Tưởng Giới Thạch gửi điện ba lần, mời Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh để “cùng thương thảo đại cục”. Mao hết lần này đến lần khác thoái thác, không muốn tham dự. Stalin hy vọng Tưởng Công giữ thái độ trung lập giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, nên ông gọi điện cho Mao Trạch Đông và nghiêm khắc yêu cầu ông ta “lập tức đến Trùng Khánh để nói chuyện với Tưởng” và “sự an toàn của ông là trách nhiệm của Hoa Kỳ và Liên Xô.”
Trước mệnh lệnh của Stalin, Mao vô cùng bất bình, nhưng không còn cách nào khác. Vào ngày 25/08, ông chỉ thị cho Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình quay trở lại Sơn Tây ra tay tấn công quân đội quốc gia tại địa phương. Mao Trạch Đông nói: “Đừng lo lắng về sự an toàn của tôi ở Trùng Khánh. Các anh càng chiến đấu tốt, tôi sẽ càng an toàn và đàm phán sẽ càng tốt hơn.”
Ngày 28, Mao cùng Đại sứ Hoa Kỳ Hurley bay đến Trùng Khánh. Tại phi trường, Mao Trạch Đông đã có bài nói chuyện bằng văn bản: “Điều cấp bách nhất hiện nay là bảo đảm hòa bình trong nước. Việc thực hiện chính trị dân chủ và củng cố đoàn kết trong nước phải được giải quyết hợp lý trên cơ sở hòa bình, dân chủ và thống nhất, nhằm thực hiện thống nhất cả nước và xây dựng một nước Trung Quốc mới độc lập, tự do, thịnh vượng và vững mạnh. Tôi hy vọng rằng tất cả các đảng phái chính trị chống Nhật Bản và những người yêu nước ở Trung Quốc sẽ đoàn kết và làm việc cùng nhau để đạt được các nhiệm vụ trên. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới ông Tưởng Giới Thạch về lời mời của ông.” Ông ấy còn biểu hiện dáng vẻ của một “Sứ giả hòa bình”.
Ngày 04/09/1945, Tưởng Giới Thạch tái khẳng định chính sách xây dựng đất nước trong “Thư bố cáo kháng Nhật thắng lợi với toàn thể đồng bào”: “Sau khi kháng chiến chống Nhật kết thúc, Chính phủ Dân chủ hợp hiến không thể trì hoãn lâu hơn. Lý tưởng cao nhất của cách mạng dân tộc là nền chính trị của toàn dân.” “Trả lại chính quyền cho nhân dân.” “Điều kiện tiên quyết duy nhất để chúng ta hoàn thành việc thống nhất đất nước là quốc hữu hóa quân đội.” (“Thư bố cáo kháng Nhật thắng lợi với toàn thể đồng bào”, 1945)
“Hòa đàm Trùng Khánh” kéo dài 41 ngày đã kết thúc vào ngày 10/10 và hai bên đã ký “Hiệp định ngày 10 tháng 10”. Trong đó viết rằng: “Kháng chiến chống Nhật Bản đã kết thúc thắng lợi, và một giai đoạn mới của hòa bình xây dựng quốc gia sắp bắt đầu. Chúng ta phải cùng nhau hợp tác, dựa trên nền tảng hòa bình, dân chủ, đoàn kết và thống nhất, đồng thời hợp tác lâu dài dưới sự lãnh đạo của Tưởng Chủ tịch, kiên quyết tránh nội chiến, xây dựng một nước Trung Hoa mới độc lập tự do, phồn vinh và hùng mạnh, thực hiện triệt để Chủ nghĩa Tam Dân. Quốc gia hóa quân đội, dân chủ hóa chính trị, các đảng phái hợp pháp bình đẳng theo chủ trương của Chủ tịch Tưởng, và là cách duy nhất để đạt được mục tiêu xây dựng một quốc gia hòa bình.”
Trong cuộc hội đàm, Mao Trạch Đông đã cố gắng hết sức bày tỏ lòng thành với Tưởng Giới Thạch, nhiều lần hô to “Chủ tịch Tưởng muôn năm!” Trước khi rời Trùng Khánh, Mao Trạch Đông có bài nói chuyện: “Ngày nay Trung Quốc chỉ có một con đường, đó là hòa bình, và hòa bình là điều quan trọng nhất. Tất cả các kế hoạch khác đều là sai lầm.” “Hai Đảng Quốc dân và Cộng sản cùng với các đảng phái khác đoàn kết nhất trí, không sợ khó khăn. Với chủ trương hòa bình, dân chủ, đoàn kết và thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Tưởng Chủ tịch và nguyên tắc thực hiện triệt để Chủ nghĩa Tam dân thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.” (Nhật báo Tân Hoa Xã, ngày 09/10/1945)
Năm 1956, Tưởng Công nhớ lại tình hình lúc bấy giờ: “Mao Trạch Đông miệng nói rằng ông ta không có ‘kế hoạch khác’, nhưng trên thực tế, ông ta đang thực hiện ‘kế hoạch khác’. Kế hoạch của ông ta là gì? Sự thật sau đó là câu trả lời hay nhất cho câu hỏi này. Sau khi Mao Trạch Đông trở về Diên An, chưa đến một tháng, ông ta đã phá bỏ hoàn toàn tất cả các thỏa thuận nêu trên cũng như tất cả những lời hứa.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)
Trong thời gian cuộc đàm phán diễn ra, quân đội của Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình đã thực sự phát động chiến dịch Thượng Đảng ở Sơn Tây nhằm ngăn chặn đội quân Diêm Tích Sơn của quốc gia tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản và gây thiệt hại nặng nề cho quân đội quốc gia.
Tưởng Công nói: “41 ngày đàm phán này đã thu hút sự chú ý của cả nước và che giấu hành động thực sự của phỉ quân [ám chỉ quân đội ĐCSTQ]. Hành động thực sự của phỉ quân là gì? Theo nhật báo Tân Hoa Xã ở Trùng Khánh ra ngày 17/10, từ ngày 11/09 đến ngày 11/10, phỉ quân ở các nơi đã chiếm cứ 200 thành phố, kiểm soát một số thành trì trên các con đường ở Giao Tế, Tân Phổ, Lũng Hải, Bình Tuy, Bắc Ninh, Đức Thạch, Bình Hán và Đạo Thanh, phá hỏng các đường giao thông chính ở Hoa Bắc và Hoa Trung; đồng thời khống chế đường bờ biển từ Sơn Hải Quan đến Hàng Châu, dọc bờ sông Hoàng Hà từ Viên Khúc đến Vũ Trắc, cho đến hai tỉnh Giang Tô và An Nguy dọc bờ sông Dương Tử và các tuyến vận chuyển đường sông.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)
Cuộc đàm phán Trùng Khánh đã đặt nền móng cho chiến thắng quân sự của ĐCSTQ, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Mao Trạch Đông quan sát kỹ Tưởng Giới Thạch. Ông thấy rằng Tưởng Công thực tâm muốn hòa bình. Ông nói với Hồ Kiều Mộc rằng ông Tưởng “không có tâm theo đuổi chế độ độc tài, một lòng theo dân chủ.” Mao Trạch Đông còn nói: “Sức mạnh để thực thi chế độ độc tài của Quốc dân Đảng không lớn, chỉ như hạt bụi có thể bị thổi bay.” “Ông ấy không để tâm đến—dân chủ hay độc tài, hòa bình hay chiến tranh. Trong những tháng gần đây, tôi thấy ông ấy không có phương hướng.” “Tôi thấy ông Tưởng chưa bao giờ yếu như lúc này kể từ trước đến nay. Binh lực tan rã, các kênh thông tin không còn.” Đây là điều chưa từng xảy ra trong mười tám năm qua. Không thấy ông ta nói kiên quyết phản cách mạng nữa.” (“Hồ Kiều Mộc hồi ức Mao Trạch Đông”)
Tưởng Giới Thạch biết rõ rằng ĐCSTQ sẽ không từ bỏ. Vào ngày thứ hai sau khi “Hiệp định ngày 10 tháng 10” được ký kết, ông đã than thở trong nhật ký rằng “Đảng Cộng sản không những không có tín nghĩa mà còn không có nhân cách, thành tâm còn không bằng cầm thú”. Nhưng ông ấy vẫn cho ĐCSTQ một cơ hội để cải tà quy chính.
Vì để cướp chính quyền, ĐCSTQ vận động dân chủ một cách mạnh mẽ. Ngoài chiến lược quốc tế của riêng mình, Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản để thực hiện sự luân chuyển quyền lực. Để ngăn chặn quân đội quốc gia tiến lên phía bắc tiếp nhận vùng Đông Bắc, ĐCSTQ đã dỡ bỏ các tuyến đường sắt ở Hoa Bắc. Vào tháng 11/1945, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc báo cáo: “Vũ khí chính của ĐCSTQ là phá hoại nghiêm trọng các tuyến đường sắt ở Bắc Trung Quốc. Trong các cuộc đàm phán tiếp theo sau đàm phán Trùng Khánh, ĐCSTQ đã hứa rằng nếu quân đội quốc gia ngừng tiến lên phía bắc, quân đội cộng sản sẽ ngừng tấn công giao thông đường sắt. Tuy nhiên, chính phủ quốc gia đã từ chối đề nghị này vì họ tin rằng chính phủ quốc gia có quyền tiến quân và tiếp nhận đầu hàng. Vì vậy, xung đột vẫn không dừng lại và tiếp tục mở rộng. Vì thế, đại sứ quán tin rằng tình hình gần như vô vọng.”
Những nhân sỹ thân cộng sản ở Hoa Kỳ cũng đã tạo ra dư luận rộng rãi, ca ngợi ĐCSTQ và nói xấu chính phủ Quốc Dân Đảng. Thế hệ của Truman và Marshall thực sự đã tin vào lời dối trá là “Tưởng Công biển thủ viện trợ của Hoa Kỳ”. Trong nhật ký của mình vào ngày 22/01/1946, Tưởng Công nhận xét về Marshall: “Ông ấy không hiểu gì về tình hình đất nước chúng tôi và âm mưu của ‘ĐCSTQ’, và cuối cùng ông ấy sẽ phạm sai lầm lớn.” Ông cũng nói: “Cần phải biết sự ghẻ lạnh của các chính khách với chính trị của các nước khác. Nếu không có chính kiến kiên định thì không chỉ mắc sai lầm mà còn đưa đến tai họa khiến đất nước bị diệt vong.”
Nhiều năm sau, khi bà Tống Mỹ Linh nói về tình hình năm đó, bà nói: “Tổng thống Roosevelt đã bị các nhân viên và nhà ngoại giao thân cận lừa dối. Ông ấy thậm chí còn nói với tôi rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc chẳng qua chỉ là một kẻ ‘cải cách ruộng đất’ mà thôi.” “Khi đối phó với ĐCSTQ hay Đảng Cộng sản Nga, cho dù đó là Chu Ân Lai hay Stalin, những chính trị gia này của Hoa Kỳ giống như những trẻ nhỏ trong rừng.” “Vai diễn do Chu Ân Lai đảm nhận có thể nói là có hiệu ứng rất kịch tính. Anh ấy rất giỏi trong việc thu hút khán giả bằng cách khóc lóc thảm thiết vào thời điểm thích hợp nhất. Anh ấy cũng giành được thiện cảm của Tướng Marshall với diễn xuất đỉnh cao này. Ông Marshall thậm chí đã từng nói với tôi: ‘Trừ khi phải chịu oan ức tột cùng, nếu không thì không có người đàn ông nào lại dễ dàng rơi nước mắt.’” (Tống Mỹ Linh, “Đọc ‘Chiến tranh và Hòa bình’ của Tướng Wedemeyer”, 1987)
Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm thực hiện.
Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ