Thi nhân thời Đường cả đời thi hỏng: Mấu chốt để thay đổi vận mệnh nằm ở đâu?
Có một số người rất tài hoa, nhưng suốt đời không có duyên đỗ đạt, hoặc không thuận lợi trên đường quan vận, thi nhân mệnh khổ Giả Đảo thời Đường là một ví dụ. Có thể nhìn ra được điều gì từ trong câu chuyện này? Tài năng ấy có đủ để thay đổi vận mệnh hay không?
Giả Đảo (779-843 TCN là thi nhân mệnh khổ thời Đường, tự là Lương Tiên, người Phạm Dương (nay là thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc), là người cùng thời với Hàn Dũ, một trong tám nhà thơ lớn thời Đường Tống. Ông được xưng là “thi nô”, tự gọi mình là Kiệt Thạch Sơn nhân.
Thuở nhỏ, ông sống cảnh bần hàn, mấy lần hỏng thi, thấy cuộc đời trống rỗng nên xuất gia làm tăng, lấy pháp danh là Vô Bản. Ông đến Đông Đô Lạc Dương, không lâu sau lại đi Kinh đô Trường An, trú ở chùa Thanh Long. Lúc ấy có lệnh cấm đối với tăng nhân xuất gia, sau giờ ngọ chúng tăng không được rời khỏi chùa, Giả Đảo cảm thấy đau lòng bởi bản thân chẳng tự do bằng bò dê, nên làm thơ rằng: “Bất như ngưu dữ dương, độc đắc nhật mộ quy” (ý rằng: Bản thân còn không được như trâu và dê, rong ruổi đến hoàng hôn mới trở về).
Ông từng than thở: “Người có thể hiểu được lòng ta, chỉ có ẩn sĩ ở đỉnh Bạch Các, Tử Các núi Chung Nam mà thôi.” Giả Đảo có ngôi nhà tranh ở trong núi Nhạc Tung, muốn quay về đó mà không được, liền tạm lưu lại Trường An. Ông dành hết trí lực vào việc sáng tác thơ ca, dù lúc ra ngoài, ở nhà, lúc ăn cơm, thậm chí lúc ngủ, đều không ngừng suy tư ngẫm nghĩ. Mà lúc ông dốc lòng khổ ngâm, thì chẳng hề để ý đến hoàn cảnh xung quanh.
Có lần ông cưỡi con lừa ốm yếu cầm tán che, đi trên con đường lớn ở Kinh đô. Lúc ấy gió thu đang thổi mạnh, mỗi lần gió thổi đến, lá khô trên cây rơi khắp các con đường ở Trường An, thế là ông ngâm nga: “Lạc diệp mãn Trường An”, nghĩ tiếp câu sau, mông lung mà vẫn chưa được. Bỗng nhớ đến dùng vế đối “Thu phong xuy Vị thủy”, nhất thời vui sướng cuồng nhiệt, vì thế mà không biết tránh khi Kinh Triệu Doãn (Lưu Tê Sở) đang xuất hành. Thế là ông bị áp giải suốt một đêm, sang ngày thứ hai mới được thả.
Lần đầu đến Trường An tham gia khảo thí khoa cử, Giả Đảo ngồi trên lưng lừa đọc câu thơ: “Minh túc trì trong thụ, tăng suy nguyệt hạ môn.” Tiếp đó, lại muốn đổi chữ “suy” (đẩy) thành “xao” (gõ). Sau khi đọc lại, một mặt đọc to lên, một mặt dùng tay thể hiện tư thế gõ cửa và đẩy cửa, chưa định đoạt được dùng gõ hay đẩy. Người qua đường thấy cảnh này của Giả Đảo đều kinh ngạc không thôi.
Lúc ấy Hàn Dũ lên kinh nhận chức Triệu Doãn đi ngang qua, đội ngũ xe ngựa chỉnh tề. Giả Đảo đương lúc chuyên tâm chọn lựa “suy” hay “xao” nên không biết, bất giác bị đẩy vào trong hàng xe ngựa thứ ba. Tướng sĩ xung quanh lôi Giả Đảo đến trước mặt Hàn Dũ hỏi tội.
Giả Đảo đem chuyện chưa định được dùng “suy” hay “xao” trong bài thơ nói hết cho Hàn Dũ nghe, nói bản thân đặt tâm tư bên ngoài cảnh vật, nên không biết tránh đội ngũ xe ngựa của Triệu Doãn đại nhân đi qua.
Hàn Dũ lập tức nói: “Dùng ‘xao’ tốt hơn.” Thế rồi cùng Giả Đảo ngồi xe ngựa trở về. Hai người cùng thảo luận đạo làm thơ, Hàn Dũ đem phép làm thơ văn truyền thụ lại cho Giả Đảo. Từ đó Giả Đảo trở thành môn sinh của Hàn Dũ. Sau này, Giả Đảo rời khỏi cửa Phật hoàn tục, đặt hết trí lực vào thi cử, nhưng mãi vẫn không đỗ đạt.
Năm thứ hai niên hiệu Trường Khánh (năm 822), Giả Đảo 43 tuổi, lần nữa bước vào trường thi, khắp trường có hơn 800 sĩ tử tham gia ứng thí, đều là đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Giả Đảo nửa đời chẳng đỗ đạt, tự thấy thương hại bản thân, nên đã làm một bài thơ vịnh vật gửi tình – “Bệnh thiền” thể hiện tâm cảnh của hàn sĩ không gặp thời, thơ rằng:
“Bệnh thiền phi bất đắc, hướng ngã chưởng trung hành. Sách dực dưu năng bạc, toan ngâm thướng cấp thanh. Lộ hoa nghi tại phúc, trần điểm ngộ xâm tinh. Hoàng tước tính diên điểu, câu hoài hại nhĩ tình.”
[Giải nghĩa: Một con ve sầu ốm yếu không bay được, bò về phía lòng bàn tay tôi. Cánh tuy đã xẻ nhưng vẫn mỏng manh, tiếng rên rỉ vô cùng rõ ràng. Sương đọng trên bụng nó, bụi bay vô tình vào mắt nó, quá nhiều thứ trở ngại và ngoài ý muốn đã cản trở việc bay của nó, nó không thể bay được nữa, thậm chí bước đi còn loạng choạng. Ve sầu ốm yếu, ve sầu bị bệnh! Kẻ tiểu nhân (vàng anh) và diều hâu hung dữ (diên) đắc ý, đều có ý đồ hãm hại bạn!] [1].
Những người không thích Giả Đảo nói rằng bài thơ này châm biếm các quan trong triều, hơn nữa còn tấu lên trên rằng mười người bao gồm Giả Đảo và Bình Tăng làm loạn trường thi. Cuối cùng, mười người này bị biếm thành “mười kẻ xấu trên trường thi”, bị hủy bỏ tư cách khảo thí. Khoa cử cuối cùng Giả Đảo tham gia ứng thí kết thúc bằng việc bị trục xuất khỏi kinh đô, cả đời không đỗ đạt.
Sau đó, Giả Đảo gửi thân vào chùa Pháp Càn, nơi tăng nhân trú ở, ông thường tụ hội yến ẩm cùng các văn nhân như Đào Hợp, Vương Kiến, Trương Tịch, Ung Đào. Một hôm, Đường Huyền Tông mặc thường phục đến chùa Pháp Càn, nghe thấy tiếng ngâm thơ trong lầu chuông, nên bước lên lầu, đọc được quyển thơ trên bàn của Giả Đảo.
Giả Đảo không biết Hoàng Đế, nên lúc đó sắc mặt thay đổi, xắn tay áo, liếc nhìn người lạ trước mặt, cầm lấy quyển thơ nói: “Tiên sinh, người ăn mặc hoa mỹ như ngài cũng phải tự biết đủ, hiểu cái này làm gì?” Cũng may Hoàng Đế là người bao dung, sau đó tự mình xuống lầu rời đi. Sau đó, khi Giả Đảo mới phát giác có điều gì đó không ổn, vô cùng sợ hãi, bèn vội vã vào cung để thỉnh tội, điều này khiến Hoàng Đế vô cùng ngạc nhiên.
Vào thời Đường Văn Tông, Giả Đảo bị vu oan, biếm xuống làm Chủ bạ huyện Trường Giang ở Toại Châu. Những năm đầu niên hiệu Hội Xương, ông từ Tham quân thương ti Phổ Châu được thăng làm Tham quân hộ ti, nhưng chưa kịp tiếp nhận mệnh lệnh này thì đã qua đời, thọ 65 tuổi. Khi Giả Đảo sắp mất, trong nhà không còn đồng nào, chỉ có một con lừa ốm yếu và một chiếc Cổ Cầm mà thôi. Khi hay tin ông qua đời, những người yêu mến tài thơ của ông đều xót xa cho mệnh đời bạc bẽo của con người này.
Nhìn vào lịch sử hỏng thi cả đời của Giả Đảo có thể thấy được, biểu hiện của vận mệnh và Tâm là nhất quán với nhau. Mạnh Kỳ đã nói trong “Bổn sự thi – Oán phẫn” rằng: Giả Đảo hỏng thi, nỗi oán hận trong lòng rất sâu sắc, ông ấy đã viết một bài thơ rằng, “Phá khước thiên gia tác nhất trì, bất tài đào lý chủng sắc vi. Sắc vi hoa lạc thu phong hậu, kinh cức mãn đình quân thủy tri” (Phá ngàn nhà để làm bể, không trồng đào, mận, mà trồng tường vi. Sau khi hoa tường vi rụng trong gió thu, triều đình đầy gai góc mới biết được). Từ đó, mọi người đều ghét sự cao ngạo của ông, cũng vì thế cả đời Giả Đảo không đỗ đạt, ôm trong lòng sự tiếc nuối mà qua đời.
Cổ ngữ có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng do tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt.” “Tướng” trong câu này được cho là tướng mạo, tướng số, cũng có thể là chân tướng, giả tướng các loại của thế giới bên ngoài, nó sẽ thay đổi theo niệm đầu thiện-ác của mỗi người. Cho nên, nếu một người muốn thay đổi vận mệnh của mình, con đường tắt tốt nhất chính là thay đổi tâm tính, sửa đổi cho tốt hơn.
Bùi Độ (tự là Trung Lập, 765-839), một người cùng thời với Giả Đảo thời nhà Đường, khi còn trẻ cũng rất nghèo. Một ngày nọ, Thiền sư Nhất Hạnh gặp Bùi Độ trên đường, thấy ông mắt trợn ngược, miệng nhăn nheo, là tướng xin ăn trên đường, cuối cùng sẽ chết đói. Thiền sư khuyên Bùi Độ hãy chăm chỉ làm việc thiện. Vài ngày sau, Bùi Độ nhặt được một chiếc thắt lưng ngọc ở chùa Hương Sơn, bèn mang nó trả lại cho chủ nhân đánh mất. Người phụ nữ mất đai ngọc cảm kích rơi lệ, vì đây là vật dùng để bán cứu mạng cha mình.
Sau này, Bùi Độ tình cờ gặp lại Thiền sư Nhất Hạnh, đại sư nhìn thấy khuôn mặt của Bùi Độ đã hoàn toàn thay đổi, đôi mắt trong veo, ấn đường tỏa sáng, hoàn toàn khác xưa. Thiền sư nói với ông rằng trong tương lai nhất định sẽ xuất tướng. Bùi Độ nghĩ rằng Thiền sư Nhất Hạnh đang nói đùa. Thiền sư vui vẻ nói: “Thân cao bảy thước không bằng mặt bảy tấc, mặt bảy tấc không bằng mũi ba tấc, mũi ba tấc không bằng tâm một điểm.”
Sau này Bùi Độ liên tiếp trở thành trọng thần bốn triều Hiến, Mục, Kính, Văn của nhà Đường, gọi là “tương tướng toàn tài”, trong “Tân Đường thư” ca ngợi ông là “Đức nghiệp to lớn sánh tựa Quách Phần Dương (Quách Tử Nghi)”, “việc của bốn triều, trước sau đều toàn đức.”
Chú thích:
[1] Bàn sơ về bối cảnh văn hóa của bài thơ “Bệnh thiền”: ve sầu sống trên cành cao, vứt bỏ hang ổ, uống sương trong và vứt bỏ thức bẩn, trong mắt sĩ tử hẳn nhiên tựa như bậc quân tử ở trên chỗ cao sang một mình, không cầu mong điều gì, cũng ít ham muốn, nên nó đã trở thành biểu tượng cho nhân cách cao thượng trong số các bài thơ vịnh vật thời xưa. Tuy nhiên, ve sầu tuy có đức tính cao quý, trong sáng, nhưng ở đời thường lẻ loi, bất hòa nên đã trở thành đồng nghĩa với u uất, oán hận, nhất là đối với những người hoạn nạn, thất thế càng như vậy. Từ hoàn cảnh Giả Đảo viết gửi gắm vào bài thơ có thể thấy, ông nửa đời ứng thí không đỗ đạt, rơi vào hoàn cảnh khốn đốn, gửi gắm vào “con ve sầu ốm yếu” mà giãi bày sự bi phẫn của bản thân khi ôm tài nhưng lại không đỗ đạt. Mà phép ẩn dụ của chim vàng anh và diều hầu còn có ý nghĩa khác.
Tài liệu tham khảo: