Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.40): Mục đích và ý nghĩa chính của việc học
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
幼而學,壯而行,
上致君,下澤民。
揚名聲,顯父母,
光於前,裕於後。
人遺子,金滿籯,
我教子,惟一經。
勤有功,戲無益,
戒之哉,宜勉力。
Âm Hán Việt
Ấu nhi học, Tráng nhi hành,
Thượng trí quân, Hạ trạch dân.
Dương danh thanh, Hiển phụ mẫu,
Quang vu tiền, Dụ vu hậu.
Nhân di tử, Kim mãn doanh,
Ngã giáo tử, Duy nhất kinh.
Cần hữu công, Hí vô ích,
Giới chi tai, Nghi miễn lực.
Tạm dịch
Còn nhỏ chăm học, lớn lên thực hành,
Trên gắng giúp Vua, dưới vì lợi dân.
Thanh danh lừng lẫy, vinh hiển mẹ cha,
Rạng rỡ tổ tiên, tạo phúc con cháu.
Người thường cho con, vàng bạc đầy rương,
Ta dạy bảo con, chỉ Tam Tự Kinh.
Chăm chỉ dốc công, chơi đùa vô ích,
Để ý dè chừng, nên gắng nỗ lực.
Từ vựng
(1) tráng (壯): lớn, lớn lên.
(2) hành (行): nỗ lực thực hiện, thực hành.
(3) trí (致): hết sức, tận lực, nỗ lực, gắng sức, cố gắng, ráng.
(4) trạch dân (澤民): ban ân trạch cho bách tính, tức tạo phúc cho bách tính.
(5) dương (揚): biểu dương, tiếng tăm lừng lẫy.
(6) thanh danh (名聲): thanh danh, danh dự, danh vọng, uy tín.
(7) hiển (顯): vinh hiển, hiển đạt, hiển hách, vinh diệu, huy hoàng, làm vẻ vang, làm rạng rỡ.
(8) quang (光): vinh diệu, quang diệu, vinh quang.
(9) tiền (前): chỉ tổ tiên.
(10) dụ (裕): phong phú sung túc có thừa, chỉ phúc ấm (phúc do cha ông đem lại).
(11) hậu (後): chỉ con cháu đời sau.
(12) di (遺): lưu lại, để lại.
(13) mãn (滿): tràn đầy, dồi dào, phong phú, toàn bộ đầy đủ.
(14) doanh (籯): rương tre, cái hòm bằng tre.
(15) duy (惟): vẻn vẹn, chỉ có.
(16) nhất kinh (一經): một bộ kinh thư, ở đây chỉ “Tam Tự Kinh”.
(17) cần (勤): chăm chỉ, siêng năng, cần cù, chuyên cần tiến tới.
(18) công (功): thu hoạch.
(19) hí (戲): vui đùa, chơi đùa, vui chơi.
(20) vô ích (無益): không có ích gì.
(21) giới (戒): phòng bị, cảnh giác, dè chừng, cấm giới.
(22) tai (哉): quá, thay, chăng, ư (trợ từ ngữ khí, biểu thị cảm thán).
(23) nghi (宜): nên, cần phải.
Dịch nghĩa tham khảo
Một người lúc còn nhỏ nỗ lực học tập, sau khi lớn lên phải dốc sức thực hành, phát huy học vấn có được. Trên có thể phò tá Vua, dốc sức vì quốc gia; dưới tạo phúc cho nhân dân, mưu cầu lợi ích cho bách tính. Như vậy không những biểu dương thanh danh của mình, đồng thời cũng làm cha mẹ vinh hiển, lại còn làm rạng rỡ tổ tiên, tạo phúc cho con cháu đời sau.
Người thường để lại cho con cháu vàng bạc tiền của đầy rương, còn điều mà chúng ta dạy bảo cho con cháu là phải nghiên cứu đọc sách “Tam Tự Kinh” để minh bạch đạo lý xử sự làm người. Chỉ cần nỗ lực học tập thì nhất định sẽ có thu hoạch tốt, nếu như chỉ lo chơi đùa không chịu vươn lên, thì nhất định sẽ không có kết quả tốt. Cho nên chúng ta cần phải chú ý dè chừng, đồng thời cần phải nỗ lực, làm vậy mới đúng.
Đọc sách luận bút
Đây là bài học cuối cùng của “Tam Tự Kinh”, cũng là bài khuyến khích học tập cuối cùng. Mục đích và ý nghĩa chính của việc đọc sách nghiên cứu học vấn chính là để sau này lớn lên có thể giúp Vua quản lý tốt quốc gia, cứu trợ bách tính, vì phúc lợi của muôn dân thiên hạ. Đây chính là mục tiêu và chí lớn của nho sinh các triều đại. Đây cũng là ý nghĩa khai sáng cho trẻ em, ý nghĩa chính của cuốn “Tam Tự Kinh”, là sau này phải nhớ kỹ mục đích đọc sách của mình, phải nghiên cứu học hỏi, chăm chỉ đọc sách thật tốt, nếu không cả đời sẽ tầm thường vô vị, sống không chút giá trị. “Tam Tự Kinh” lấy “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên” [1] làm mở đầu, chỉ ra gốc rễ giáo dục là để bảo vệ bản tính thiện lương của con người. Nói cách khác, người đọc sách tiếp thụ giáo dục là để hiểu được làm người thiện lương như thế nào. Dù cho sau này lớn lên có nghiên cứu học vấn để trị vì quốc gia, cũng là dựa vào điểm này. Bởi vì tiến thêm một bước nữa nghiên cứu Tứ thư, Ngũ kinh, để trở thành bậc quân tử có tu dưỡng phẩm hạnh đoan chính, sau đó mới nghiên cứu lịch sử, dùng trí tuệ và bài học kinh nghiệm của lịch sử làm tấm gương, minh bạch yếu lĩnh của việc trị quốc, lấy đạo đức cao thượng để phát huy tài trí, như thế mới có thể dốc sức vì quốc gia bách tính, cả đời tận sức ‘dĩ đức phục nhân’ (lấy đức thu phục lòng người), làm việc thiện, cứu tế muôn dân thiên hạ. Đây là chí lớn của nho sinh, cũng là lấy thiện làm cơ điểm.
Do vậy người ta nói “Tam Tự Kinh” là một bộ “Luận Ngữ” phổ thông, viết ra các tôn chỉ giáo dục, mục tiêu cuối cùng của Khổng Tử, và cả các trình tự cùng phương pháp làm sao từng bước đi sâu vào học tập của ông. Đồng thời các bài học cũng rất là phổ thông giản dị, khiến cho nó có thể trở thành kim chỉ nam cho việc tự học Nho học.
Mấy câu cuối nói về tầm quan trọng của giáo dục, để cha mẹ và con trẻ đều hiểu rõ rằng học tập kinh thư hiểu được đạo lý làm người còn đáng quý hơn vàng. Dùng lời động viên chăm học này để làm lời kết.
Cả bộ kinh thư chính là xoay quanh việc khuyến thiện cho tới khuyến học, cũng là chỗ bản chất nhất của giáo dục truyền thống, đó là giáo dục truyền thống chưa từng đặt kỹ năng ở vị trí thứ nhất. Còn ngày nay giáo dục chính là đảo lộn gốc ngọn, cho nên cả xã hội mới xuất hiện rất nhiều loạn tượng và vấn đề làm người ta đau đầu, xem ra quay về truyền thống là điều bắt buộc phải làm.
Câu chuyện “Sư Khoáng khuyến học”
Sư Khoáng là một nhạc sư mù của nước Tấn. Ông rất giỏi phân biệt âm luật. Trong “Lã Thị Xuân Thu – Trường Kiến” ghi rằng: Tấn Bình Công đúc ra một cái chuông lớn, mời nhạc công đến giám định, họ đều cho rằng âm điệu là chuẩn. Chỉ có Sư Khoáng nói: “Âm điệu không chuẩn, xin đúc lại một lần nữa.” Bình Công nói: “Tất cả nhạc công đều cho rằng là chuẩn.” Sư Khoáng nói: “Hậu thế có người hiểu được âm điệu, sẽ biết chuông điệu không chuẩn.” Sau đó Sư Quyên – nhạc sư nước Vệ đã chứng thực, quả nhiên chuông điệu không chuẩn.
Sư Khoáng không chỉ là một nhạc sư, ông còn thường khuyên can Tấn Bình Công, bày tỏ chủ trương trị quốc của mình. Sau đây là câu chuyện Sư Khoáng khuyến học được ghi chép trong “Thuyết Uyển – Kiến Bản”.
Có một ngày, Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Ta đã bảy mươi tuổi, rất muốn học tập, nhưng chỉ sợ rằng tuổi đã già, quá muộn.” Sư Khoáng nói: “Vậy ngài vì sao không đốt ngọn nến này?” Bình Công nói: “Bề tôi nào lại có thể tùy tiện giễu cợt quân vương như vậy?” Sư Khoáng nói: “Hạ thần mù lòa nào dám giễu cợt quốc quân chứ? Hạ thần nghe nói, thuở thiếu thời hiếu học, tựa như mặt trời lúc rạng đông, dương khí sung túc; khi tráng niên hiếu học, tựa như nắng chiếu giữa trưa, chói chang nóng bỏng; khi tuổi già hiếu học, tựa như ánh sáng ngọn nến. Ánh sáng ngọn nến mặc dù không bì kịp ánh sáng mặt trời, nhưng mà đi trong bóng tối, thì cái nào tốt hơn ạ?” Tấn Bình Công nghe xong khen ngợi Sư Khoáng “Nói hay lắm!”
Câu chuyện “Gậy sắt mài thành kim may”
Lý Bạch là nhà thơ nổi tiếng đời Đường. Lúc nhỏ ông rất ham chơi, cảm thấy mỗi ngày đọc sách trong lớp là việc rất buồn tẻ, cho nên thường bỏ sách xuống trốn ra ngoài chơi.
Có một ngày, ông lại trốn học, một mình đi chơi bên ngoài, sau đó đi tới bờ sông, đột nhiên, ông nhìn thấy phía trước có một bà lão ngồi xổm bên cạnh một khối đá lớn, cầm một cây chày sắt mài đi mài lại trên tảng đá. Lý Bạch rất tò mò, liền đi tới hỏi bà lão đang làm gì? Bà lão cười nói: “Ta đang mài một cây kim thêu hoa đấy!” Lý Bạch kinh ngạc hỏi: “Một cây chày sắt to như thế, làm sao có thể mài thành một cây kim thêu rất nhỏ được ạ?” Lúc này bà lão ngẩng đầu lên, nhìn Lý Bạch nói: “Đúng vậy! Cái chày này vừa thô vừa to, muốn mài nó thành kim là rất khó khăn. Thế nhưng ta mỗi ngày mài đi mài lại không ngừng, đến một ngày nào đó, ta sẽ mài nó thành cây kim thôi. Cháu nhỏ, chỉ cần hạ công phu sâu dày, gậy sắt cũng có thể mài thành cây kim đấy!”
Lý Bạch nghe lão bà nói tới đây bỗng nhiên minh bạch. Ông nghĩ: “Đọc sách và mài kim chẳng phải cũng giống nhau sao? Tại sao ta không nỗ lực học tập thật tốt?” Từ đó về sau, ông không còn trốn học nữa, lại lập chí phải đọc sách thật tốt, sau đó trở thành một nhà thơ nổi tiếng.
Chú thích:
[1] Con người sinh ra vốn tính thiện lương, tính ban đầu giống nhau, nhưng đến khi lớn lên, vì hoàn cảnh riêng khác nhau, những gì học tập cũng khác nhau; tại hoàn cảnh con người tốt thì sẽ thành tốt, tại hoàn cảnh con người không tốt sẽ dễ dàng học cái xấu, thế là tính tình ban đầu phát sinh sai biệt.