Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ vượt qua 1 ngàn tỷ USD trong nửa đầu năm tài khóa 2024
An sinh xã hội là khoản chi lớn nhất trong ngân sách, tuy nhiên tiền lãi vay vẫn tiếp tục tăng.
Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đã lên tới 1 ngàn tỷ USD trong sáu tháng đầu năm tài khóa 2024. Đây là lần thứ năm liên tiếp chính phủ liên bang ghi nhận mức thâm hụt hơn ngàn tỷ USD.
Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, trong tháng Ba năm nay, mức thâm hụt liên bang là 236 tỷ USD, giảm 38% so với mức thâm hụt 378 tỷ USD của tháng Ba năm 2023.
Do đó, chênh lệch ngân sách từ đầu năm tài khóa đến nay là 1.065 ngàn tỷ USD, giảm 36 tỷ USD so với cùng thời kỳ năm ngoái. Thâm hụt liên bang luân phiên trong 12 tháng đã lên tới 1.7 ngàn tỷ USD, giảm 37 tỷ USD so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Là một phần của nền kinh tế, thâm hụt chiếm 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Từ tháng 10/2023 tới tháng 03/2024, doanh thu thuế đã tăng 7% lên mức cao nhất trong lịch sử là 2.2 ngàn tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian, chi tiêu tăng 3% lên 3.2 ngàn tỷ USD.
Khoản mục chi tiêu chính của chính phủ liên bang là An sinh Xã hội, với mức tăng khoảng 8% so với năm trước lên 741.5 tỷ USD trong nửa năm tài khóa 2024. Tiếp theo là y tế (449 tỷ USD) và quốc phòng (433 tỷ USD).
Các khoản thanh toán lãi vay là một khoản chi tiêu đáng kể đối với Hoa Thịnh Đốn, tăng 36% so với cùng thời kỳ năm trước, lên tới 522 tỷ USD.
Trong tháng Ba, chi phí lãi ròng là 79 tỷ USD, là mức chi lớn thứ ba và cao hơn mức 70 tỷ USD của chi tiêu quốc phòng.
Các quan chức Bộ Ngân khố dự báo tổng số tiền lãi phải trả sẽ vượt quá 1.1 ngàn tỷ USD.
Theo bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, mức nợ này là không bền vững.
“Chúng ta hiện đã đi được nửa năm tài khóa và những con số hôm nay từ Bộ Ngân khố nhắc nhở chúng ta rằng còn nhiều việc cần phải làm,” bà MacGuineas nói. “Việc vay hơn một ngàn tỷ USD chỉ trong sáu tháng khó có thể được xem là bền vững và rất có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó rất không ổn.”
Để quản lý chi tiêu được tài trợ bằng thâm hụt tại thời điểm có chi phí đi vay cao hơn, Bộ Ngân khố dự kiến phát hành khoảng 1 ngàn tỷ USD chứng khoán nợ từ tháng Một đến tháng Sáu. Thách thức đối với chính phủ Hoa Kỳ là nhu cầu công khố phiếu đã trở nên mờ nhạt.
Phiên đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 10 năm diễn ra hôm 10/04 cho thấy nhà đầu tư trong và ngoài nước ngần ngại mua công khố phiếu của Hoa Kỳ trước số liệu lạm phát nóng hơn dự kiến. Nhu cầu yếu dẫn đến lãi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm là 4.56%.
Liệu điều này có buộc Hệ thống Dự trữ Liên bang phải bắt đầu việc mua lại công khố phiếu hay không thì vẫn còn phải chờ xem. Các quan chức đã bày tỏ sẵn sàng giảm bớt nỗ lực thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khi bảng cân đối kế toán đã giảm khoảng 1.4 ngàn tỷ USD kể từ tháng Ba năm 2022, xuống còn 7.439 ngàn tỷ USD.
Dữ liệu của CBO
Trước khi dữ liệu chính thức của Bộ Ngân khố được công bố, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã công bố Bản đánh giá Ngân sách Hàng tháng cho tháng Ba.
Cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái này báo cáo rằng thâm hụt liên bang đã lên tới 1.1 ngàn tỷ USD trong nửa đầu năm tài khóa 2024, giảm 37 tỷ USD so với cùng thời kỳ năm trước.
Từ tháng Mười đến tháng Ba, doanh thu tăng 7% so với cùng thời kỳ năm ngoái và chi tiêu tăng 3%.
Một phát hiện đáng chú ý từ bản đánh giá hàng tháng của CBO là lãi ròng của khoản nợ đã lên tới 440 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm tài khóa 2024, tăng 43% so với cùng thời kỳ năm trước. Để so sánh, chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Ba là 412 tỷ USD, tăng 8% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, các quan chức CBO đã nhiều lần nêu lên rằng mức thâm hụt ngân sách sẽ cao hơn nếu không có nhiều khoản bị chuyển sang năm khác trong lịch trình thanh toán.
CBO lưu ý, “Vì ngày 01/04/2023 rơi vào cuối tuần, nên chi tiêu trong nửa đầu năm tài khóa 2023 đã bị tăng lên do việc chuyển các khoản thanh toán sang tháng Ba năm 2023; số tiền đó lớn hơn số tiền được chuyển từ tháng Mười sang tháng 09/2022, làm tăng chi tiêu ròng trong năm tài khóa 2023.”
Tuy nhiên, CBO dự đoán thâm hụt ngân sách là 1.5 ngàn tỷ USD cho năm tài khóa hiện tại, giảm so với mức 1.7 ngàn tỷ USD của một năm trước.
Trong một báo cáo khác vào tháng trước, CBO dự đoán nợ quốc gia sẽ vượt 54 ngàn tỷ USD trong thập niên tới.
Cảnh báo về nợ quốc gia
Nhiều nhân vật nổi tiếng đã cảnh báo về hậu quả của việc nợ quốc gia ngày càng tăng, gần đây đã lên tới 34.6 ngàn tỷ USD.
Ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của đại công ty quản lý đầu tư BlackRock, đã viết trong bức thư thường niên gửi các cổ đông rằng “nhiều nhà lãnh đạo hơn nên chú ý đến khoản nợ ngày càng tăng của Mỹ.”
Ông Fink nói: “Có một kịch bản tồi tệ khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu giống như nền kinh tế Nhật Bản vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi nợ vượt quá GDP và dẫn đến thời kỳ thắt lưng buộc bụng và trì trệ.”
Bất chấp những lo ngại của mình, ông cho biết ông không tin rằng một cuộc khủng hoảng nợ là không thể tránh khỏi. Ông nói rằng Hoa Kỳ cần kết hợp giữa tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, và “các chính sách ủng hộ tăng trưởng.”
Theo Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon, Hoa Kỳ cần “tối đa hóa tăng trưởng kinh tế” để đối diện với “vấn đề nợ và thâm hụt vượt mức.”
“Trong hơn hai thập niên, kể từ năm 2000, nước Mỹ đã tăng trưởng ở mức 2%,” ông Dimon viết trong thư gửi cổ đông thường niên gần đây. “Lẽ ra chúng ta phải cố gắng và đạt được mức tăng trưởng 3%. Nếu chúng ta làm như vậy, thì GDP trung bình trên dân số ngày nay sẽ cao hơn 16,000 USD, từ đó sẽ chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, giáo dục, và các dịch vụ khác tốt hơn.”
Các cử tri cũng bày tỏ những lo lắng tương tự xung quanh tình trạng nợ nần và thâm hụt ngày càng tăng.
Một cuộc khảo sát gần đây của nhóm chiến lược Blueprint ủng hộ Đảng Dân Chủ cho thấy hầu hết cử tri đều lo ngại về những thách thức tài khóa này, với 26% số người được hỏi cảm thấy “hết sức lo ngại.”
Nhóm lưu ý: “Cuộc thăm dò cho thấy các cử tri hiện gần như chia rẽ đồng đều về việc họ tin tưởng hơn vào Tổng thống Biden hay cựu Tổng thống Donald Trump để giảm thâm hụt.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times