Bà Yellen: ‘Các chuỗi cung ứng quá tập trung’ của Trung Quốc đe dọa việc làm và các khoản đầu tư xanh của Hoa Kỳ
Bộ trưởng Ngân khố cho biết: ‘Nếu nợ được ổn định tương ứng với quy mô nền kinh tế, thì chúng ta đang ở mức chấp nhận được.’
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết “các chuỗi cung ứng quá tập trung” của Trung Quốc đe dọa việc làm của Hoa Kỳ và các khoản đầu tư to lớn của chính phủ đương nhiệm vào ngành năng lượng xanh của quốc gia.
Hôm 13/06, lên tiếng tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, bà Yellen cảnh báo các chính sách thương mại của Bắc Kinh “có thể cản trở đáng kể đến những nỗ lực xây dựng một mối quan hệ kinh tế lành mạnh của chúng ta.”
“Quy mô trợ cấp và chính sách công nghiệp của Trung Quốc là khó định lượng do thiếu minh bạch, nhưng ngay cả những ước tính thận trọng cũng cho thấy rằng chúng vượt xa các quốc gia khác. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy các nền kinh tế từ thị trường phát triển đến thị trường mới nổi đều tiến hành các cuộc điều tra thương mại [đối với Trung Quốc],” bà nói trong bài diễn thuyết đã chuẩn bị trước của mình với các giám đốc điều hành và lãnh đạo doanh nghiệp ở Wall Street.
Bà Yellen dám chắc rằng tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đem đến nguy cơ khiến các chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ phải “tập trung quá mức,” gây ra nhiều lo ngại về kinh tế và an ninh quốc gia.
Bà nói: “Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện một loạt các hoạt động thương mại không công bằng—từ các chính sách hạn chế đầu tư đến cưỡng ép kinh tế—làm suy yếu thêm sự cạnh tranh công bằng.”
Vị quan chức chính phủ cấp cao này cho rằng chính phủ Hoa Kỳ phải ứng phó khi các hoạt động trợ cấp của ngoại quốc gây đe dọa tới các lĩnh vực chiến lược của các công ty trong nước, chẳng hạn như năng lượng xanh. Bà lưu ý rằng việc Tòa Bạch Ốc hành động để giải quyết những lo ngại này không có nghĩa là Hoa Kỳ đang tham gia vào một chiến dịch tách rời [khỏi Trung Quốc].
“Tổng thống Biden và tôi không chấp nhận quan điểm cho rằng việc ‘tách rời’ sẽ hoàn toàn có lợi cho nền kinh tế Mỹ,” Bộ trưởng Ngân khố cho biết. “Đồng thời, chúng ta chỉ có thể nhận ra những lợi ích tiềm tàng của mối quan hệ kinh tế của mình nếu có một sân chơi bình đẳng.”
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, chính phủ liên bang đã ký dự luật để bao gồm cả Đạo luật Giảm Lạm phát và Đạo luật CHIPS và Khoa học, vốn chi hàng trăm tỷ dollar cho các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu.
Trong chuyến công du đến Trung Quốc hồi tháng Tư, bà Yellen bày tỏ lo ngại về các khoản trợ cấp năng lượng xanh của Trung Quốc. Những lo ngại này đã khiến chính phủ phải công bố nhiều đợt tăng thuế đối với hàng nhập cảng Trung Quốc trị giá 18 tỷ USD sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm nay.
Các quan chức Hoa Kỳ đã tăng thuế đối với xe điện (EV) của Trung Quốc từ 25% lên 100%. Mặc dù có rất ít xe điện Trung Quốc trên đường sá Hoa Kỳ, nhưng các nhà lãnh đạo thương mại lo ngại rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ bán phá giá những chiếc xe điện giá rẻ được trợ cấp vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Ngoài ra, Hoa Thịnh Đốn còn áp dụng các mức thuế cao hơn đối với chất bán dẫn của Trung Quốc, tăng từ 25% lên 50% vào năm 2025. Hoa Kỳ cũng tăng thuế từ 7.5% lên 25% đối với nhôm và thép nhập cảng.
‘Một mức chấp nhận được’
Trước khi xuất hiện tại Câu lạc bộ Kinh tế, bà Yellen đã ngồi lại với ông Andrew Ross Sorkin của CNBC trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Squawk Box.”
Cuộc phỏng vấn này tập trung vào khoản nợ quốc gia đang phình lên, mà gần đây đã vượt quá 34.7 ngàn tỷ USD.
Mặc dù lãi suất cao hơn đang làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ chồng chất này, nhưng bà Yellen tin rằng các khoản nợ quốc gia đang gia tăng này sẽ có thể kiểm soát được nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
“Nếu nợ được ổn định tương ứng với quy mô của nền kinh tế, thì chúng ta đang ở mức chấp nhận được,” bà nói với mạng lưới tin tức kinh doanh này hôm 13/06. “Tôi nhìn nhận việc này theo hướng là chúng ta cần xem xét chi phí lãi vay thực sự của khoản nợ. Đó mới thực sự là gánh nặng.”
Bộ Ngân khố đã công bố số liệu ngân sách mới nhất và báo cáo rằng trong tháng Năm, thâm hụt ngân sách đã lên tới 347 tỷ USD, nâng mức thiếu hụt công khố từ đầu năm đến nay lên 1.2 ngàn tỷ USD.
Theo Báo cáo Kho bạc Hàng tháng, chi phí lãi ròng từ đầu năm đến nay của công khố đã lên tới 601 tỷ USD, vượt quá chi tiêu của chính phủ liên bang cho chăm sóc sức khỏe, quốc phòng, và giáo dục. Bộ Ngân khố dự báo rằng các khoản thanh toán lãi sẽ có tổng trị giá khoảng 1.14 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa này.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái, đã cảnh báo về tình trạng nợ và thâm hụt ngày càng tăng của Hoa Kỳ.
Nếu không có những cải tổ tài khóa đáng kể, thì chính phủ sẽ tích lũy thêm hàng chục ngàn tỷ USD nợ trong 30 năm tới, chiếm đến 166% tổng sản phẩm quốc nội, CBO dự báo trong Triển vọng Kinh tế và Ngân sách Dài hạn tháng Ba của mình.
Tuy vậy, bà Yellen nói rằng đề xướng của tổng thống sẽ giải quyết được tình hình này.
“Trong ngân sách mà tổng thống trình bày cho năm tài khóa sắp tới, ông ấy đề xướng giảm thâm hụt 3 ngàn tỷ USD trong thập niên tới,” bà cho biết. “Về cơ bản, điều đó đủ để giữ cho tỷ lệ nợ trên thu nhập ổn định, và gánh nặng lãi suất này sẽ được làm cho ổn định.”
Ngân sách Tòa Bạch Ốc cho năm tài khóa 2025 dự báo rằng nợ quốc gia sẽ là khoảng 45 ngàn tỷ USD vào năm 2034, với thâm hụt lũy kế là 16.3 ngàn tỷ USD và hơn 12.5 ngàn tỷ USD tiền lãi tích lũy phải trả.
Việc tăng các chi phí tài chính đang gây thêm căng thẳng cho tài chính liên bang.
Lãi suất nợ quốc gia trung bình đang là 3.2%, mức cao nhất trong vòng 14 năm, trong đó khoảng 6 ngàn tỷ USD nợ có lãi suất trung bình trên 5%. Trong 12 tháng tới, khoảng 9 ngàn tỷ USD nợ quốc gia sẽ đáo hạn, có nghĩa là Bộ Ngân khố sẽ phải tái cấp vốn cho khoản nợ này với mức lãi suất cao hơn.
Những ước tính của Bộ Ngân khố hồi tháng Tư xác nhận rằng chính phủ liên bang dự định vay gần 1 ngàn tỷ USD trong nửa cuối năm tài khóa này để quản lý tình trạng thâm hụt và chi phí lãi vay đang gia tăng.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang hôm 12/06, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã giữ nguyên lãi suất chính sách của họ trong khoảng từ 5.25% đến 5.5%, mức cao nhất trong 23 năm.
Bất chấp các áp lực lạm phát đang giảm xuống, ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu rằng họ dự định thực hiện chỉ một đợt cắt giảm lãi suất 1/4 điểm trong năm nay, giảm xuống từ 3 điểm.