Tết Trung thu thời xưa không tặng bánh, vậy bánh trung thu phổ biến từ khi nào?
Nói đến tặng quà Trung thu là nói đến một cảnh lễ lớn trong Tết Trung thu đã có từ bao đời nay. Nguồn gốc của việc tặng quà trong Tết Trung thu rốt cuộc đã có từ bao giờ?
Tết Trung thu truyền thống và hiện đại đều có phong cách tặng quà khác nhau, điểm khác biệt giữa hai thời đại này là gì? Thời xưa vào Tết Trung thu người ta không tặng bánh trung thu, vậy họ tặng gì? Bánh Trung thu trở nên phổ biến từ bao giờ? Và hình dạng có khác so với bây giờ hay không?
Tết Trung thu xưa và nay
Tết Trung thu xưa và nay có phong tục chúc mừng và tặng quà rất khác nhau. Tại sao lại gọi là Trung thu? Ngày Thu phân do Mặt trời mang đến, theo tiết khí chính là ngày “Trung thu”, tức điểm giữa của mùa thu, rơi vào ngày “ngày dài bằng đêm” trong mùa thu (Theo Dương lịch hiện tại là vào khoảng ngày 23/09). Còn trong dân gian, ngày Rằm trong tháng Trung thu (ngày 15/08 Âm lịch hiện nay) được gọi là “Tết Trung thu”.
Người xưa rất coi trọng ngày Trung thu của một năm, tức là ngày Thu phân. Vào ngày này, người ta cử hành lễ Tế Nguyệt (lễ cúng trăng) để tỏ lòng thành kính. Lễ Trung thu Tế nguyệt cũng lâu đời như lịch sử văn hóa Trung Hoa vậy. Từ cuốn “Đại đới lễ” có thể thấy rằng, vào thời cổ đại, các triều đại Hạ, Thương và Chu vào mùa thu đều có lễ Tế Nguyệt, tục gọi là “tịch Nguyệt”. Cuốn “Chu lễ chú sớ” ghi chép rằng: “Thiên tử thường xuân phân triều nhật, thu phân tịch nguyệt” (Thiên tử vào mùa xuân Tế mặt trời, mùa thu Tế mặt trăng). Từ nhà Hạ, Thương, Chu, mãi cho đến nhà Thanh, vào Tết Trung thu đều cử hành lễ Tế Nguyệt, “Thu phân, tịch nguyệt ư tây giao”, do Hoàng đế dẫn trăm quan đến Tế bái Thần Mặt trăng ở ngoại thành phía Tây cung điện. Cội nguồn của tục Tế trăng vào Tết Trung thu chính là xuất phát từ nghi lễ “Thu phân tịch nguyệt” của người xưa.
Thuật ngữ Tết Trung thu xuất hiện vào thời nhà Đường. Vào cuối triều đại nhà Đường đầu triều đại nhà Tống, có một người vô danh hát bài “Động tiên ca” rằng: “Quế phong cao xứ, tiệm cận trung thu tiết” (Gió thổi cây quế nơi cao, Tết Trung thu sắp đến rồi). Trong những năm Khai Nguyên triều Đường, vào Tết Trung thu đã có tục đi chơi đêm ngắm trăng, Hoàng đế Đường Huyền Tông rất thích ở trong cung thưởng nguyệt. Tuy nhiên trong các ngày lễ chính thức được cuốn “Thông điển” thời Đường ghi lại, thì lại không có Tết Trung thu.
Vào thời Bắc Tống, Tết Trung thu đã là một lễ hội lớn, rất vui vẻ và náo nhiệt. Các cửa tiệm đường phố ở kinh đô được trang trí đầy màu sắc bằng các tấm thổ cẩm, những quán rượu cũng lung linh cờ hiệu. “Đông kinh mộng hoa lục” ghi rằng, “trước Tết Trung thu, các cửa hàng đều bán rượu mới, mặt tiền và nhà lầu được trang trí sặc sỡ bằng hoa, gấm, bên trên là các bức vẽ Thần Tiên thưởng rượu”. Đến tối thì điểm nhấn là đi dạo chơi trăng, “Đêm Trung thu, nhà giàu trang trí đài cao, người người thi nhau đặt quán rượu xem trăng”. Người và xe tập trung ở chợ đêm, thành phố náo nhiệt không ngủ.
Thời Nam Tống cũng sôi nổi đón Tết Trung thu. Cuốn “Mộng lương lục” của Ngô Tự Mục ghi rằng: “Tết Trung thu là vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, ngày này vào đúng giữa thu, nên gọi là Trung thu. Buổi đêm trăng sáng hơn bình thường, nên gọi là Nguyệt tịch”. Vào ngày này, ngoài việc leo lên lầu và đình để thưởng trăng, người dân Hàng Châu không có giờ giới nghiêm vào ban đêm, “Khách đến chơi trăng, lang thang trong phố, đêm muộn vẫn không hết”.
Người xưa không tặng bánh Trung thu, vậy thì tặng thứ gì?
Nói về những món quà trong ngày Tết Trung thu, người xưa không tặng bánh Trung thu, vậy họ tặng thứ gì? Vào ngày Thu phân, Vua Chu vừa dâng lễ tế Mặt trăng, vừa đồng thời quan tâm đến bách tính, đây là Lễ chế thời nhà Chu. Thời đó, mọi người rất kính trọng người cao tuổi, nên trong Tết Trung thu sẽ tặng cơm cháo chăm sóc người già, mà không phải là bánh Trung thu. Cháo là món bổ dưỡng, tốt cho tiêu hóa, thích hợp cho người già. Loại Lễ chế này vẫn được lưu lại cho đến thời Đường. Cuốn “Tuế hoa kỷ lệ” của Hàn Ngạc thời Đường đã ghi chép lại việc kính lão vào Tết Trung thu, mọi người biếu những người già thức ăn và gậy chống. Vào thời này, bánh Trung thu vẫn chưa phải là một món quà thời thượng trong dịp Tết Trung thu.
Đến thời nhà Tống, bánh Trung thu đã xuất hiện, nhưng cũng không phải là tặng phẩm lễ hội trong Tết Trung thu. Vào thời Nam Tống, bánh Trung thu thường được bán ở trong chợ của kinh thành Tiền Đường (Hàng Châu), nhưng không phải là một chiếc bánh nướng Trung thu mà là một món bánh hấp. Cuốn “Võ lâm cựu sự” của Chu Mật thời Tống liệt bánh này vào loại thức ăn hấp, cùng với các loại bánh như bánh bao, bánh nhân đậu đỏ, bánh bao lá sen, v.v., là một món ăn vặt của thường dân, bốn mùa đều có.
Bánh Trung thu phổ biến từ khi nào?
Ăn bánh Trung thu đã trở thành một phong tục dân gian trong Tết Trung thu, việc tặng bánh Trung thu đã trở thành hình ảnh thường thấy trong Tết Trung thu từ khi nào? Câu nói vào thời nhà Nguyên, “Bát nguyện thập ngũ sát thát tử” (ngày Rằm tháng tám giết quân Thát Đát, tức Mông Cổ) đã được truyền lại cùng với bánh Trung thu, nhưng nó không hề được lưu trong sử sách. Vào thời nhà Minh, Tết Trung thu còn được gọi là “Tết đoàn viên”. Người dân thường làm những chiếc bánh Trung thu vừa lớn vừa tròn để cúng trăng, đồng thời gửi lời cầu chúc “trăng rằm, bánh tròn, người người đoàn viên” dâng lên Thần Mặt trăng.
Những chiếc bánh trung thu lúc đó to như thế nào? Cuốn “Đế kinh cảnh vật lược” của Lưu Đồng nói rằng “bánh có đường kính bằng hai thước”, sau khi Tế trăng, mỗi người nhất định đều phải ăn. Bánh Trung thu còn là món quà hay để người thân, bạn bè tặng nhau, gửi bánh Trung thu là gửi lời chúc phúc “đoàn viên”. Cuốn “Trung thu nhật cung thuật” của thi sĩ Hạ Nhật đời Minh miêu tả rằng “nguyệt bính hoàng kim tự”, nghĩa là bánh trung thu giống như vàng, vậy tất phải là làm bằng cách nướng.
Phong tục Tết Trung thu vào thời nhà Thanh là sự tiếp nối theo phong tục nhà Minh. Cuốn “Thanh gia lục” của Cố Lộc trích lời sách “Ngô huyện chí” rằng, “bánh được bán trong Tết Trung thu được gọi là bánh Trung thu”. Cuốn “Yến kinh tuế thời ký – Nguyệt bính” của Phú Sát Đôn Sùng ghi chép, khắp nơi đều dùng bánh Trung thu để Tế trăng. Chiếc bánh Trung thu lớn thời đó có đường kính hơn một thước, bên trên bánh có các hình dạng như cung trăng, con cóc và Thỏ ngọc. Sau lễ Tế trăng, các thành viên trong gia đình chia nhau bánh Trung thu, mỗi người một phần, cũng cần để phần cho người đi xa, có người giữ bánh Trung thu đến đêm mới ăn, gọi là “bánh đoàn viên”.
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ