Câu chuyện thành ngữ: Trâu sợ bóng trăng
Thành ngữ: Ngô ngưu suyễn nguyệt (trâu sợ bóng trăng) ý ví von sự sợ hãi quá mức hoặc miêu tả việc đưa ra phán đoán sai lầm khi chưa hiểu rõ đầu đuôi chân tướng sự việc
Thành ngữ tương quan: Không rét mà run, hoặc: chỉ hươu bảo ngựa
Trung Quốc đại lục chỉ tại vùng sông Hoài thuộc Trường Giang mới có trâu nước, nơi vùng sông Hoài ngày xưa được gọi là Ngô vì vậy mà trâu ở đó còn được gọi là trâu Ngô. Trâu nước có một cặp sừng vừa cong vừa lớn, rất thích lăn lộn trong bùn nước, tuy nhiên nó lại rất sợ nóng. Khí hậu phương Nam rất nóng bức, mặt trời lại chói chang, trâu nước vừa trông thấy mặt trời thì toàn thân liền phát nóng, hơi thở hổn hển. Có một lần trâu nước nhìn thấy mặt trăng thì tưởng rằng đó là mặt trời, vì vậy mà vô cùng sợ hãi, ngay lập tức hơi thở trở nên gấp gáp, do vậy mà mới có câu “Trâu sợ bóng trăng”.
Người đời sau sử dụng câu thành ngữ này để chê cười những người khi gặp việc gì cũng sợ hãi quá mức, đồng thời câu thành ngữ còn được dùng để khuyên người đời không nên chỉ dựa vào sự phỏng đoán mà đưa ra kết luận sai lầm, cũng không nên vội vàng đánh giá một sự việc khi chưa tìm hiểu chân tướng của sự việc đó.
Trích từ “ Văn học vỡ lòng dành cho trẻ em” của nhà sách Hoa Nhất
Biên dịch: Oanh Lê