Tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội Hoa Kỳ đều thể hiện sự ủng hộ dự luật về mức trần nợ bất chấp sự phản ứng dữ dội
Tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội đã thể hiện sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận về mức trần nợ của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) bất chấp phản ứng dữ dội từ các thành viên của lưỡng đảng.
Hôm 27/05, sau nhiều tháng bế tắc, ông McCarthy đã thông báo rằng ông và Tổng thống Joe Biden đã đạt được “một thỏa thuận về nguyên tắc” để nâng mức trần nợ “xứng đáng với người dân Mỹ.” Ngoài việc nâng mức trần nợ này, dự luật sẽ giới hạn chi tiêu phi quốc phòng ở mức trước đây, thắt chặt các yêu cầu công việc để được nhận trợ cấp từ chính phủ, thu hồi quỹ cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng, cùng các biện pháp khác.
Kể từ đó, hầu hết các nhà lãnh đạo Quốc hội đã thể hiện sự ủng hộ đối với thỏa thuận này, được gọi là là Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa, ngay cả khi dự luật này vấp phải sự chỉ trích từ cả cánh tả và cánh hữu.
Đối với những người theo phái cấp tiến như Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington), lãnh đạo Nhóm Cấp tiến của Quốc hội, gói dự luật này quá thiên về cánh hữu.
Tương tự như vậy, phe cánh hữu của Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích thỏa thuận này là một “cuộc đầu hàng” phe cánh tả, cho rằng thỏa thuận đã nhượng bộ quá nhiều cho Đảng Dân Chủ.
House Freedom Caucus, một lực lượng mạnh mẽ trong Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, cũng đã lên tiếng báo động về thỏa thuận này.
Các Dân biểu Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado), Chip Roy (Cộng Hòa-Texas), Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona), Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky), Dan Bishop (Cộng Hòa-North Carolina), và Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina), và những người khác, từng nói rằng họ sẽ không ủng hộ gói dự luật này.
Nhưng bất chấp sự bất đồng của lưỡng đảng đối với gói dự luật này, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội đều bày tỏ sự ủng hộ.
Ông McCarthy, người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Đảng Cộng Hòa với các thành viên Đảng Dân Chủ về thỏa thuận này, nói rằng dự luật này “có rất nhiều điều trong số đó là tích cực.”
Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York), và Phó Lãnh đạo Đa số Thượng viện Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota) đã gọi đó là “một chuỗi chiến thắng mang tính lịch sử” trong một tuyên bố.
Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) đã lảng tránh bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, ông gợi ý rằng dự luật này sẽ giúp “tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc,” và gợi ý rằng ông mong đợi sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ dành cho thỏa thuận này.
Các bản tin cũng cho rằng Dân biểu Steny Hoyer (Dân Chủ-Maryland), cựu Phó Lãnh đạo Đa số Hạ viện, đã vận động sự ủng hộ cho thỏa thuận này ở hậu trường.
Gói dự luật này cũng đã đạt được sự ủng hộ của hai nhà lãnh đạo hàng đầu tại Thượng viện.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) ca ngợi ông Biden vì đã đàm phán để chấm dứt sự bế tắc này, nói với Thượng viện chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra vào cuối tuần này.
“Tôi xin cảm ơn Tổng thống Biden vì đã bảo vệ nền kinh tế Mỹ và phục vụ các gia đình Mỹ bằng cách loại bỏ mối đe dọa vỡ nợ,” ông Schumer viết trong một bức thư gửi các thượng nghị sĩ.
Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) lặp lại lời khen ngợi này.
“Thượng viện phải hành động nhanh chóng và thông qua thỏa thuận này mà không có sự chậm trễ không cần thiết,” ông McConnell nói trong một tuyên bố hôm 28/05, có lẽ đồng thời cảnh báo những người khác trong hội nghị của ông về việc cố gắng trì hoãn dự luật bằng các thủ tục chậm trễ.
Với sự ủng hộ rộng rãi như vậy từ các nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, thỏa thuận này dường như sẽ dễ dàng thông qua tại Quốc hội.
Ông Biden đã nói ông không mấy lo lắng rằng gói dự luật này sẽ không đi đến bàn làm việc của ông.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times