Tam Thần Khí – Ba báu vật của Nhật Bản không một ai trên đời từng nhìn thấy trọn vẹn
Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, ở Nhật Bản, thuận theo sự phát triển của ngành sản xuất điện tử, cụm từ “Tam Thần Khí” (tiếng Nhật: “三種の神器”, có nghĩa là ba báu vật thiêng liêng) đã ra đời, và được lưu hành phổ biến, thực sự náo nhiệt trong mấy năm. Khi đó, “Tam Thần Khí” là chỉ tivi đen trắng, máy giặt và tủ lạnh. Lúc bấy giờ, những sản phẩm này giá cả không hề rẻ, không chỉ là vật yêu thích của thời đại, mà còn là hàng xa xỉ mà mọi người đều mong muốn, cũng được xem là biểu trưng của địa vị xã hội.
Thật ra, cụm từ “Tam Thần Khí” không phải là từ ngữ mới, mà là mượn cách nói cổ xưa để thuyết minh ẩn dụ về thời đại. “Tam Thần Khí” chân chính là chỉ ba báu vật được các Thiên Hoàng Nhật Bản đời đời truyền lại. Đó chính là ba Thần Khí: “Bát Chỉ Kính,” “Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc” và “Thảo Thế Kiếm.”
Trong lịch sử, “Thảo Thế Kiếm” và “Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc” gọi chung là “Kiếm tỷ,” được định vị là vật “đi cùng một thể với vương vị Thiên Hoàng,” tức không thể rời khỏi Thiên Hoàng. Còn Thần khí “Bát Chỉ Kính” là Thần thể của Nữ Thần Amaterasu, luôn được cất giữ ở trong Thần Cung Ise. Bởi vậy, “Tam Thần khí” không chỉ là vật ‘chí bảo’ truyền đời của Thiên Hoàng Nhật Bản, mà còn là biểu tượng của Vương thống, Đạo thống, quyền lực và địa vị của họ. Vì vậy, khi Thiên Hoàng băng hà hoặc nhường ngôi, người kế vị đều phải cử hành “nghi thức kế thừa” để tiếp nhận Thần khí.
Năm 2019, Thiên Hoàng Akihito của Nhật Bản nhường ngôi, Thiên Hoàng Naruhito kế vị, từ niên hiệu “Bình Thành” đổi làm niên hiệu “Lệnh Hòa.”
Ngày 01/05/2019, tại Hoàng cung ở Tokyo đã cử hành “Nghi thức kế thừa Kiếm tỷ” rất trang trọng. Thủ tướng Nhật Bản và các quan chức chủ chốt của chính phủ, các nhà lập pháp, người đứng đầu tư pháp và các thành viên trọng yếu của Hoàng gia đều tham dự. Trong buổi lễ, “Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc” và “Thảo Thế Kiếm” đã được truyền giao cho tân Thiên hoàng Naruhito, đánh dấu việc ông chính thức lên ngôi. Ngày 22/10 cùng năm, trong các nghi lễ lớn của nghi thức kế vị như “Nghi thức đăng quang tại chính điện,” “Kiếm tỷ” đều được theo bên cạnh Thiên hoàng Naruhito, biểu thị quyền uy của Thiên hoàng do Thần truyền cấp, bố cáo thiên hạ người kế vị đúng theo dòng dõi chính thống, hợp lễ pháp, tôn trọng ý chỉ của Thần.
Nguồn gốc của Tam Thần khí
Theo “Cổ Sự Ký” (năm 712) ghi chép, Thái Dương Thần Thiên Chiếu Đại Thần (Amaterasu, còn gọi là Nữ Thần Mặt trời), từng ẩn cư ở trong Thiên Nham Cung, một gian phòng bằng đá trên Thiên thượng. Bởi vậy, thế giới liền mất đi ánh sáng, trời đất rơi vào cảnh tăm tối. Đối với việc này, tám trăm vạn Thần tiên tập hợp, thương thảo đối sách. Tư Kiêm Thần đề nghị vị Thần chế tạo gương làm ra “Bát Chỉ Kính,” đồng thời dùng mọi cách để kêu gọi Nữ Thần Mặt Trời ra khỏi phòng đá. Trong tiếng ồn ào náo động, hô hoán của chúng thần, Nữ Thần Mặt Trời mở cửa phòng, nhìn thấy hình ảnh của mình phản chiếu trong chiếc gương treo ngoài cửa. Nữ Thần Mặt Trời cảm thấy kỳ lạ, muốn xem rõ ngọn ngành, liền đi ra khỏi phòng, thế là thế giới lại xuất hiện ánh sáng. Chiếc gương này về sau trở thành một trong “Tam Thần khí” – chính là “Bát Chỉ Kính.”
Theo tư liệu lịch sử ghi chép, “Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc” là vật trang trí làm giá đỡ cho “Bát Chỉ Kính”, do Ngọc Tổ lệnh cho Thần chế tác ra khi Nữ Thần Mặt Trời ẩn trong phòng đá. Tên của loại ngọc này bắt nguồn từ hình dạng và kích thước của nó. Hình dạng của nó giống như một cây cung, lại giống như một con cá âm dương, cho nên gọi là Câu; bát xích (8 thước) là hình dung độ lớn của ngọc thạch.
“Thảo Thế kiếm” là do Tố Tiên Ô Tôn (danh xưng này được ghi trong “Nhật Bản thư kỷ”; còn trong “Cổ sự ký” thì chính là vị Thần biển cả và bão tố Susanoo-no-Mikoto) lấy được từ thân thể của rắn khổng lồ tám đầu, khi ông mưu trí chém đầu nó. Đây thực sự là một món quà của Thiên thượng ban tặng. Sau đó, ông đem thanh kiếm này dâng tặng cho Nữ Thần Mặt Trời.
Quỳnh Quỳnh Chử Tôn (Ninigi-no-Mikoto) là cháu trai của Nữ Thần Mặt Trời, vâng mệnh Nữ Thần, giáng lâm xuống nhân gian, trông nom các vương quốc trên mặt đất. Đây là “Hậu duệ Mặt trời giáng lâm” được nói trong thần thoại và truyền thuyết Nhật Bản. Trước khi hạ thế, Nữ Thần Mặt Trời đã ban tặng cho ông ba báu vật, chính là “Tam Thần Khí” nói trên. Nữ Thần Mặt Trời dặn dò: “Chiếc gương này là linh hồn của ta, thờ cúng chiếc gương như thờ ta, khi bái lạy phải thanh tịnh thân tâm.” Ngày nay, trên bàn thờ của rất nhiều ngôi đền ở Nhật Bản, vật được thờ cúng không phải là tượng Thần, mà là một tấm gương; vào tháng Giêng còn cúng “bánh gương” (Kagami mochi). Những tập tục này đều bắt nguồn từ truyền thuyết về Tam Thần Khí.
Như vậy, “Tam Thần khí” vốn là vật sở hữu của Nữ Thần Mặt Trời trên Thiên Thượng, là do Quỳnh Quỳnh Chử Tôn, cháu của bà đã mang chúng từ Thiên Thượng xuống nhân gian. Hoàng gia Nhật Bản là dòng dõi kế thừa vạn đời: Nữ Thần Mặt Trời được xem là Thần tổ trên trời, cháu trai Quỳnh Quỳnh Chử Tôn của bà thụ mệnh hạ thế xuống trị vì nhân gian, là tằng tổ phụ (ông cố) của vị Thiên Hoàng đầu tiên của Nhật Bản – Thiên Hoàng Jimmu-tennō. Vì vậy, khi kế thừa vương vị, phải truyền lại “Kiếm tỷ” cũng không có gì khó hiểu.
Việc kế thừa và bảo quản Tam Thần khí
Quỳnh Quỳnh Chử Tôn là tằng tổ phụ của vị Thiên Hoàng đầu tiên của Nhật Bản – Thiên Hoàng Jimmu-tennō. Ông đã đem “Tam Thần Khí” truyền cho Thiên Hoàng Jimmu-tennō. Kể từ đó, “Tam Thần Khí” được truyền từ đời này sang đời khác, suốt đời không được rời xa Thiên Hoàng.
Từ Thiên Hoàng Jimmu-tennō đến đời Thiên Hoàng Sujin đời thứ 10, thì Thiên Hoàng và “Tam Thần Khí” là như hình với bóng, có thể gọi là “đồng sàng cộng điện” (chung giường trong một cung điện). Tuy nhiên, theo ghi chép của “Nhật Bản thư kỷ,” vì Thiên hoàng Sujin sợ uy quang của Nữ Thần Mặt Trời, liền đem “Thảo Thế Kiếm” và “Bát Chỉ Kính” ra khỏi cung điện.
Sau đó, ông lại nhận được chỉ dụ của Thần, yêu cầu đem “Ba vật Thần khí đặt chung một phòng.” Thế là, ông liền tạo ra vật mô phỏng, cất giữ bên mình và phân chia cúng tế Thần lực của chúng. Mặc dù chúng không phải vật thật, nhưng đối xử giống như với vật nguyên gốc, xem đó là một phần của Thần lực và Thần linh. Do đó, gọi nó là một bản sao, chứ không phải vật thay thế, hoặc phân thân.
Đến đời Thiên Hoàng thứ 11, Thiên Hoàng Suinin, “Bát Chỉ Kính” thật đã được chuyển đến Thần cung Ise, xem đó như thần thể của Nữ Thần Mặt Trời để thờ cúng, còn bản sao của nó được đặt trong cung điện hoàng gia. Bởi vì Nữ Thần Mặt Trời từng nói rằng “nhìn gương tức là đang nhìn ta,” nên trong số “Tam Thần Khí”, chỉ có “Bát Chỉ Kính” được cất giữ ở nơi sâu nhất của cung điện.
Trên đời chỉ có một “Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc,” không có bản sao, được cất giữ trong tủ Thần của “Phòng Kiếm tỷ” ở Ngự sở trong Hoàng cung. Còn “Thảo Thế Kiếm” thật thì được bảo quản trong đền Atsuta ở tỉnh Aichi, và bản sao của nó cũng được đặt trong “Phòng kiếm tỷ” cùng với “Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc.”
Tam Thần Khí không được phép lộ diện
Bình thường, “Tam Thần Khí được cất giữ trong mật thất. Chỉ có vào ngày 23/11 hằng năm khi cử hành “Lễ tế năm mới” thì mới được mang ra. Khi Thiên Hoàng tham gia cúng tế Thần Cung Ise, đôi khi “Kiếm tỷ” sẽ xuất hành cùng với Thiên Hoàng.
Tuy “Tam Thần Khí” hiện nay vẫn còn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một ai tận mắt nhìn thấy cả ba Thần Khí này. Ngay cả Thiên Hoàng cũng không được phép mở hộp bảo vật ở bên cạnh mình. Về điều này thì có rất nhiều lý do. Một cách giải thích phổ biến là: “Tam Thần khí” vốn là Thánh vật, vì vậy không được nhìn để giữ cho nó được thánh khiết, tránh không bị ô nhiễm bởi thế tục. Thường ngày, những người lo liệu điển chế quản lý Thần khí trong Hoàng cung sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các giới luật có liên quan. Họ đều là nhân viên Thần chức (những người giữ chức vụ tôn giáo trong các cơ sở tôn giáo, ví dụ như giáo sĩ, linh mục…).
Chuyện kể rằng vào thời Edo, từng có một vị giáo sĩ nhìn trộm kiếm Thần, kết quả vị này đã bị kết án lưu đày. Lại có thuyết nói, vào những năm đầu thời Meiji, Thiên Hoàng Meiji đã từng tận mắt nhìn thấy gương Thần. Nhìn thấy chiếc gương thần thánh như thế, Thiên Hoàng không khỏi cảm khái nói: “Con cháu của ta sẽ không thể nhìn thấy chiếc gương này nữa.” Kể từ đó, ngay cả Thiên Hoàng cũng không được nhìn.
Trong ba Thần khí, chỉ có “Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc” được đặt trong cung điện. Theo lời kể của vị thị giả quản lý khối ngọc này trong tang lễ của Thiên hoàng Shōwa, mặc dù không thể nhìn thấy khối ngọc thạch nhưng hai tay bê chiếc hộp, có cảm giác rất nặng; dường như bên trong đặt một vật tròn tròn, có kích thước bằng một đứa trẻ.
Thời gian và lịch sử là khắc nghiệt và vô tình, nhưng trái lại cũng rất công bằng. Vị Thần thời gian sẽ giữ lại những gì nên giữ, và loại bỏ những gì đáng bị đào thải.
Tu Thực thực hiện
Cổ Dung biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ