Tổng thống, Thiên hoàng, và một đêm giá lạnh ở tiểu bang Alaska
Tuần lễ này trong lịch sử: Chuyến dừng chân của Thiên hoàng ở Alaska là lần đầu tiên trong nhiều phương diện.
Vào ngày 15/07/1971, người dân Mỹ biểu tình ngồi trong căm phẫn khi Tổng thống Richard Nixon tuyên bố rằng ông sẽ viếng thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Từ lâu được biết đến như một người kiên quyết phản đối chủ nghĩa cộng sản, ngài tổng thống không cảm thấy quyết định này là một sự thay đổi lập trường đối với phe cộng sản, mà thay vào đó là tạo cơ hội để làm đòn bẩy kháng lại phe Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam, cũng như mang đến bước đi chiến lược kháng lại Liên bang Xô Viết. Chuyến công du đến Hoa lục của tổng thống diễn ra vào tháng Hai của năm tiếp theo, cũng là chuyến viếng thăm đầu tiên của một tổng thống đang tại vị.
Trước sự kiện làm thay đổi cục diện địa chính trị này, Tổng thống Nixon đã dự tính cho cuộc hội kiến mang tính lịch sử khác với một nhà lãnh đạo đến từ miền Viễn Đông.
Từ thù thành bạn
Hai mươi sáu năm trước lời tuyên bố của Tổng thống Nixon, Hoa Kỳ đã dự tính kết thúc cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Vào tháng 05/1945, cuộc chiến tranh ở châu Âu kết thúc khi phe Đồng minh chiếm lĩnh Berlin. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương vẫn còn tiếp diễn nhiều tháng, có lẽ là nhiều tháng nữa mới kết thúc. Mặc dù Hoa Kỳ chỉ huy thành công chiến dịch nhảy đảo (island-hopping) của mình, nhưng thiệt hại nhân mạng rất lớn. Lúc bấy giờ, lục địa Nhật Bản nằm trong tầm ngắm của chiến dịch này. Vào ngày 26/07, tại thành phố Potsdam của Đức quốc, Hoa Kỳ, Anh quốc, và Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Nhưng tầng lớp lãnh đạo của Đại Nhật Bản Đế Quốc lựa chọn chiến đấu.
Vào ngày 06 và 09/08/1945, những chiếc oanh tạc cơ của Hoa Kỳ lần lượt bay qua thành phố Hiroshima và Nagasaki, thả xuống những quả bom nguyên tử. Người Nhật Bản bị ép buộc đầu hàng hoặc có thể phải chứng kiến nền văn minh của mình kết thúc. Thiên hoàng Nhật Bản Hirohito đã có hành động can thiệp trước nay chưa từng có vào quy trình của chính phủ. Thiên hoàng tiếp tục thực hiện một hành động chưa từng có khác khi tuyên bố công khai với thần dân của mình rằng Nhật Bản đã đầu hàng.
Lục quân Hoa Kỳ dưới sự dẫn dắt của Đại tướng Douglas MacArthur đã chiếm đóng Nhật Bản cho đến năm 1952, tiến hành các cuộc cải cách quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội. Một trong những thỏa thuận được ký kết giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ trước khi việc chiếm đóng bắt đầu là ngài Hirohito vẫn giữ ngôi vị Thiên hoàng Nhật Bản, ngay cả khi đó chỉ là ngôi vị bù nhìn.
Vào ngày đầu năm mới 1946, Thiên hoàng Hirohito đã thực hiện một buổi phát sóng công khai khác được gọi là “Declaration of Humanity” (Bản tuyên ngôn của Nhân loại), tuyên bố mối quan hệ giữa ngài và thần dân của mình là “không dựa trên quan niệm sai lầm rằng Thiên hoàng là đấng thần linh, và rằng người dân Nhật Bản thượng đẳng hơn các chủng tộc khác và có sứ mệnh thống trị thế giới này.”
Ngài Hirohito vẫn giữ ngôi vị Thiên hoàng Nhật Bản trong vài thập niên nữa, và Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia ở châu Á không chịu ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết. Trung Quốc, Cambodia, Lào, Bắc Hàn, Việt Nam, và những quốc gia khác đã chọn đi theo [mô hình] các chính quyền cộng sản kiểu Xô Viết (một số nước còn cực đoan hơn những nước khác). Khi việc chiếm đóng của Mỹ quốc gần kết thúc, thì Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, và Nhật Bản trở thành kho quân nhu cho binh lính Liên Hiệp Quốc chiến đấu với phe Bắc Hàn được Liên Xô hậu thuẫn.
Xét đến giai đoạn lịch sự ngắn ngủi và khắc nghiệt giữa Nhật Bản và Mỹ quốc từ năm 1941 đến năm 1945, mối quan hệ giữa hai quốc gia [lúc này] đã trở nên khá hữu hảo. Trung Quốc, đất nước từng ký vào Tuyên ngôn Potsdam (Potsdam Declaration), lúc bấy giờ đã do chính quyền cộng sản vận hành, trong khi Nhật Bản trở thành một quốc gia dân chủ. Khi Tổng thống Nixon tuyên bố rằng ông theo đuổi các mối bang giao với Trung Quốc, bao gồm thương mại kinh tế, thì người Nhật Bản bị kích động là điều dễ hiểu.
Một chuyến công du hoàng gia
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ sau Đệ nhị Thế chiến và Thiên hoàng Hirohito cùng Hoàng hậu Nagako được dự kiến sẽ công du châu Âu để củng cố các mối quan hệ giữa Nhật Bản với các quốc gia đồng dân chủ. Trong suốt mùa thu năm 1971, Thiên hoàng và Hoàng hậu đã viếng thăm Đan Mạch, Bỉ, Pháp quốc, Anh quốc, Hà Lan, và Đức quốc. Chuyến công du Đức quốc là một sứ mệnh ngoại giao quan trọng được thực hiện giữa thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Trước khi vợ chồng Thiên hoàng đến châu Âu, họ dừng nghỉ ngơi ở Alaska. Tổng thống Nixon cho rằng chuyến dừng chân này là sáng suốt và cần thiết về mặt địa chính trị. Ông đã lên lịch trình để hội kiến Thiên hoàng Hirohito và Hoàng hậu. Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân thực hiện chuyến hành trình dài 4,200 dặm trong vòng hai ngày để đến thành phố Anchorage, tiểu bang Alaska.
Vào tuần lễ này trong lịch sử, ngày 26/09/1971, [chuyến bay của] Thiên hoàng Hirohito hạ cánh xuống thành phố Anchorage lúc 10 giờ đêm, và ngài nán lại đó cho đến khi rời đi trên chuyến bay nối chuyến lúc 11 giờ 40 phút đêm. Đó là lần đầu tiên Thiên hoàng Hirohito hay bất cứ vị quốc vương Nhật Bản nào đặt chân lên địa phận Mỹ quốc. Kỳ thực, ngài Hirohito chưa bao giờ đặt chân đến quốc gia khác với tư cách là Thiên hoàng (ngài từng công du châu Âu khi còn giữ ngôi Thái tử, và cũng là thành viên đầu tiên của hoàng gia Nhật Bản từng ra khỏi đất nước này). Mặc dù cuộc hội ngộ giữa Thiên hoàng Hirohito và Tổng thống Nixon chỉ kéo dài 50 phút, nhưng khoảnh khắc đó đã đi vào lịch sử.
“Chuyến công du của ngài tượng trưng cho vị thế ngày một cao của Nhật Bản trong các vấn đề thế giới. Chúng ta hội kiến tại thành phố Anchorage, tiểu bang Alaska, một địa điểm có khoảng cách xấp xỉ như giữa thủ đô Tokyo và Hoa Thịnh Đốn. Và điều này nhắc nhở chúng ta rằng trong một phần tư thế kỷ vừa qua chúng ta đã và đang xây dựng cấu trúc về các mối quan hệ chính trị, kinh tế, và văn hóa nối liền khoảng cách giữa hai đất nước,” Tổng thống Nixon tuyên bố trong bài diễn văn tại Căn cứ Không quân Elmendorf của thành phố Anchorage.
“Và chúc cho cuộc hội kiến mang tính lịch sử này, cuộc hội kiến đầu tiên trong lịch sử giữa Thiên hoàng Nhật Bản và Tổng thống Hoa Kỳ, sẽ là minh chứng cho khoảng thời gian sắp tới hai dân tộc vĩ đại của chúng ta quyết tâm hợp tác với nhau trong tình hữu nghị vì hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực Thái Bình Dương và vì tất cả người dân trên thế giới.”
Trong bài diễn văn được chuẩn bị sẵn của mình, Thiên hoàng Hirohito đã hồi đáp tương tự: “Tôi không có bất cứ nghi ngờ nào về việc các mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước chúng ta, vốn được vun đắp trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua, sẽ ngày càng được củng cố bằng sự hợp tác và quan hệ mật thiết giữa hai Chính phủ và người dân hai nước. Một lần nữa, tôi gửi lời cảm ơn đến ngài Tổng thống, vì tấm thịnh tình của ngài và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi vì sự thịnh vượng của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times