Tại sao người xưa dùng ‘tấc’ để đo thời gian?
Từ xa xưa, ở Trung Quốc đã có câu tục ngữ “Nhất thốn quang âm nhất thốn kim, nhất kim nan mãi thốn quang âm” (Một tấc thời gian đáng giá một tấc vàng, một tấc vàng không mua được một tấc thời gian). Vậy, sao lại dùng “tấc” để nói về thời gian?
Người xưa dùng “thốn” (tấc) để chỉ sự ngắn ngủi và nhỏ bé, dùng “âm” để chỉ bóng của mặt trời. “Thốn âm” là hình ảnh ẩn dụ chỉ một thời gian rất ngắn. Lấy “thốn” (tấc) để đo “thời gian”, điều này có nguồn gốc từ một công cụ xem giờ sử dụng trong nghi lễ vào thời Trung Quốc cổ đại – đồng hồ mặt trời.
Theo các ghi chép trong thư tịch, từ trước thời nhà Hán, người Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng đồng hồ mặt trời để theo dõi thời gian. Đồng hồ mặt trời bao gồm một đĩa và một kim chỉ. Nó được làm bằng đá, bốn phía có 12 độ, như Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, v.v., được sử dụng để chỉ thời gian. Kim đồng hồ mặt trời được làm bằng đồng, đứng ở chính giữa và vuông góc với mặt đồng hồ.
Từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, bóng của kim đồng hồ mặt trời thay đổi từ dài sang ngắn, và từ ngắn sang dài, nó chỉ vào vị trí tỷ lệ trên mặt đồng hồ để có thể biết rằng đó là những thời điểm khác nhau trong ngày. “Thốn quỹ” là dùng để chỉ cái bóng dài một tấc, ám chỉ thời gian. “Nhất thốn quang âm” chính là thời gian để bóng của kim đồng hồ trên đồng hồ mặt trời di chuyển đi một tấc, thường được dùng để chỉ thời gian rất ngắn ngủi.
Đem “thốn âm” (tấc thời gian) so sánh với “thốn kim” (tấc vàng), khuyên răn mọi người quý trọng từng chút thời gian, khẩn trương học hỏi tri thức. Trong “Hoài Nam Tử. Hậu đạo huấn” viết: “Vậy nên thánh nhân không quý ngọc bích dài cả thước (ngọc khí hình tròn, đường kính một thước, thời Tiên Tần, ngọc bích này trị giá liên thành), mà xem trọng thời gian, thời gian khó có được mà lại dễ mất đi”. “Tấn thư, Đào Khản truyện” cũng giảng nói: Thường ngữ nhân viết: Đại Vũ thánh giả, nãi tích thốn âm, chí ư chúng nhân, đương tích phân âm. (Tạm dịch: Người ta thường nói rằng: bậc thánh nhân như Đại Vũ, từng tấc bóng mặt trời. Còn người thường nhân, đang quý tiếc từng phân bóng mặt trời).
Sau thời nhà Hán và nhà Đường, những từ như “thốn âm”, “thốn quỹ” và “phần âm” bắt đầu xuất hiện trong thơ văn. Thi nhân thời Mạt Đường là Vương Trinh Bạch, trong những năm thiếu thời đọc sách ở thư viện động Bạch Lộc dưới chân núi Ngũ Lão, Điếm Sơn, Giang Tây đã viết hai bài thơ về động Bạch Lộc, một bài trong số đó có câu:
“Độc thư bất giác xuân dĩ thâm, Nhất thốn quang âm nhất thốn kim”
Tạm dịch:
Đọc sách chẳng rõ xuân về đến
Một tấc thời gian một tấc vàng
Phương Lâm thực hiện
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ