Du hành xuyên không trong văn học
“Tôi sẽ chế tác cỗ máy thời gian
Hòng cải biến dĩ vãng xa hun hút
Để nán lại một vài giây phút
Chỉ để bên em, Ai Cập nữ hoàng
Trên chiếc máy thời gian bé nhỏ”
Đó là những ca từ trong bài hát nổi tiếng ra đời năm 1960 – ‘Cỗ máy thời gian,’ do tác giả Dante & the Evergreens sáng tác. Nội dung của tác phẩm, phần nào đó, nói lên khát khao được du hành thời gian của nhân loại.
Từ lâu, Hollywood đã ra mắt hàng chục bộ phim xoay quanh chủ đề xuyên không, như Back to the Future, Kate & Leopold”, Groundhog Day, và Terminator với những nhân vật chính được có thể quay về quá khứ hoặc hướng đến tương lai.
Có nhiều truyền thuyết xuyên suốt lịch sử nhân loại từng đề cập về những nhân vật với những trải nghiệm dịch chuyển giữa các thời đại. Ví như trong sử thi Mahabharata, đức vua Kakudmi đưa con gái của mình đến gặp thần sáng tạo Brahma, hòng xin lời khuyên cho một hôn lễ tốt đẹp. Điều lạ lùng ở đây là dù nhà vua và công chúa dù chỉ ở bên thần Brahma trong một thời gian ngắn, sau đó, họ phát hiện ra rằng nhiều năm thật sự đã trôi qua tại trần gian.
Xin được quay nhanh đến chiến trường Cedar Creek (gần nhà tôi tại tiểu bang Virginia) – trận đánh đỉnh cao mang ý nghĩa quyết định trong Chiến dịch Thung lũng (1864) thời Nội chiến Hoa Kỳ. Tại đây, tôi đã chứng kiến một màn tái hiện của trận Cedar Creek với hơn một trăm chiếc lều được bố trí rải rác dưới thung lũng, tất cả trông hệt như những gì diễn ra trên chiến trường cách đây 150 năm. Trên yên ngựa, một thuộc cấp của một vị tướng phe Liên minh vừa băng ngang, đâu đó lại xuất hiện một cô gái trẻ trong bộ trang phục xanh lam – có lẽ cô ta là người duy nhất nằm ngoài trận chiến này. Và rồi tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với một trong những “sĩ quan” – trang phục của anh mô phỏng theo một thành viên của phe thiếu tướng liên minh miền Bắc – Sheridan. Anh khoác lên bộ trang phục tự thiết kế và để bộ râu như diễn viên Van Dyke. Kiểu tóc của anh một giống hệt như hình ảnh của vị thiếu tá trong bức ảnh mà anh cho tôi xem.
Những sự kiện tái hiện những trận đánh như thế này với mục đích chính nhằm tôn vinh lịch sử, mặt khác, đó cũng là cách mà con người có có thể thỏa khát khao phiêu lưu về quá khứ.
Máy tính vượt thời gian
Suốt hai thế kỷ, du hành vượt thời gian là một đề tài được khai thác bởi nhiều tác giả.
Trong tác phẩm Rip Van Winkle của tác giả Washington Irving, một người trúng phải bùa chú khiến anh ngủ mê trong 20 năm và khi thức dậy, anh ở đang về phe đối địch trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Tác phẩm A Christmas Carol của tác giả Charles Dickens dựng lên nhân vật lão già bủn xỉn – Ebenezer Scrooge, người đã du hành vào quá khứ và cả tương lai, những cuộc phiêu lưu này đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Tác phẩm A Connecticut Yankee in King Arthur’s Court của Mark Twain, đã đưa một người đàn ông của thế kỷ 19 quay trở lại thời của những hiệp sĩ với những trận đấu kiếm và những câu chuyện tâm linh huyền hoặc.
Golf in the Year 2000 là cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1892 của tác giả J. McCullough, trong tác phẩm, Alexander Gibson là người chơi golf tài ba, được dịch chuyển từ năm 1892 đến năm 2000, nơi mà anh đã chứng kiến những “kỳ quan” như tàu cao tốc và đồng hồ kỹ thuật số. Tại đây, anh ta phát hiện rằng phụ nữ đã giành những công việc vốn dĩ chỉ dành cho đàn ông, buồn cười thay, điều này lại khiến những người đàn ông phải chơi golf để giết thời gian. Hay với tác phẩm The Time Machine, tiểu thuyết được phát hành vào năm 1895 của tác giả H.G. Wells, kể về một tương lai mà loài người phát triển thành nhóm người Eloi hiền lành và nhóm người Morlocks hung bạo.
Trong thế kỷ 20, các văn sĩ đã tiếp tục đào sâu về chủ đề du hành thời gian, họ mải mê phóng tác dựa trên khát khao nhằm tìm kiếm ý nghĩa của quá khứ và mong muốn khám phá những điều đang chờ đợi tại tương lai. Tác phẩm A Sound of Thunder của tác giả Ray Bradbury, truyện ngắn kể về những người thợ săn được đưa vào quá khứ xa xôi để tìm và diệt một con khủng long bạo chúa, và điều này đã gây hậu quả thảm khốc vì nó dẫn đến việc thay đổi lịch sử. Tác giả Audrey Niffenegger lại pha trộn giữa yếu tố lãng mạn và nội dung khoa học viễn tưởng trong tác phẩm The Time-Traveler’s Wife, truyện kể về một người chồng vô tình xuyên không và người vợ muộn phiền của anh.
Và kế đó là Jack Finney (1911–1995)
Thời gian
Jack Finney, xuất thân từ một nhân viên quảng cáo, là tác giả chuyên viết về chủ đề khoa học viễn tưởng. Ông đã trình làng tiểu thuyết The Body Snatchers, tác phẩm đã thành công vang dội và được dựng thành nhiều bộ phim. Đặc biệt, tiểu thuyết Time and Again (1970) là thành công lớn nhất của Jack Finney với thể loại khoa học viễn tưởng.
Trong Time and Again, vào năm 1970, họa sĩ vẽ quảng cáo Si Morley được mời tham gia vào một thí nghiệm tối mật của chính phủ nhằm đưa con người du hành về quá khứ. Morley đã vượt qua sự tuyển trạch của các giám đốc dự án và sau đó được chuyển đến sống tại tòa nhà chung cư The Dakota, nơi anh ta được cấp mọi thứ anh cần, bao gồm cả báo chí từ năm 1882. Tại đây, anh bị này thôi miên, và Morley thấy mình được đưa trở về New York vào cuối thế kỷ 19.
Xuyên suốt hành trình xuyên không, Si trải qua một số cuộc phiêu lưu. Anh đã đối mặt với một kẻ tống tiền, đã thoát chết trong gang tấc từ một trận hỏa hoạn thảm khốc, đã vẽ rất nhiều bức vẽ về con người, đường phố và các tòa nhà của thành phố (sách có đính kèm những bức vẽ vẽ của Si), và đã đem lòng yêu Julia Charbonneau, cháu gái của bà chủ của khu nhà trọ nơi anh thuê phòng.
Và anh nhận ra mục đích của chính phủ chính là thay đổi quá khứ chứ không phải đơn thuần chỉ là khám phá nó. Chính phủ giải thích với Si rằng: “Đó là một cơ hội tuyệt vời để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, thứ đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiện tại của chúng ta.”
Nhưng người khởi phát dự án du hành thời gian, Tiến sĩ Danziger, đã từ chức nhằm phản đối kế hoạch xấu xa này và van nài Si hãy vô hiệu hóa toàn bộ quá trình. Điều này khiến Si phải đối mặt với một số tình huống khó xử giữa việc tuân lệnh thượng cấp hay làm theo lời cầu xin của tiến sĩ Danziger? Nếu anh ta chọn hành động sau, vậy anh phải làm thế nào để kết thúc dự án? Và liệu anh ta nên ở lại năm 1882 để được bên Julia hay quay trở lại cuộc sống của mình tại Manhattan?
Ma thuật
Công việc tái hiện vô cùng tỉ mẫn của tác giả Finney về Old New York và cốt truyện cũng như nhân vật trong tác phẩm Time and Again thật tuyệt. Ông đã thành công trong việc miêu tả về trang phục, những chiếc xe trên đường phố, những tòa nhà trong thành phố, trang trại, bữa trưa và cung cách giải trí của người dân, như thể cuộc sống của cả thành phố được tóm gọn và trình bày rõ nét với đọc giả, điều mà ít tiểu thuyết gia nào có thể làm được.
Và Si nhận ra những khác biệt đáng kể của những con người thuộc về hai thời đại.
“Tôi tin rằng đó không phải là vấn đề về trang phục, về cách trang điểm hay kiểu tóc. Điểu khác biệt nằm ở khuôn mặt, người ngày nay rất khác người xưa; gương mặt họ nhìn hao hao và kém sinh động …. Hãy để ý nét biểu cảm của các quý cô khi họ bước đi dọc theo thủ phủ mua sắm Ladies ‘Mile, khi họ ra vào những cửa hàng tráng lệ (ngày nay đã không còn), bạn có thể cảm nhận được niềm vui trong mắt họ khi họ bước qua, niềm vui dù khi họ ở ngoài trời lạnh buốt, trong một thành phố mà họ yêu thích … “
Điều thú vị trong phép so sánh giữa năm 1882 và năm 1970 là việc chỉ ra mức độ mà chúng ta đã thay đổi trong 50 năm. Nói về thế giới hiện đại, Si nhận thấy: “Những khuôn mặt bây giờ không có cái nhìn đó; khi họ ở một mình, biểu hiện của họ trống rỗng và khép kín.” Vậy anh ta sẽ nghĩ gì về thời đại mà chúng ta đang sống, khi những người đi bộ trở nên cô độc hơn bao giờ hết, họ bị giam hãm với điện thoại và tai nghe.”
Sau Time and Again, tác giả Finney đã sáng tác phần tiếp theo có tựa đề From Time to Time và ông còn xuất bản một tuyển tập truyện ngắn về du hành xuyên không có tựa đề About Time. Trong hai cuốn tiểu thuyết được nhắc đến sau này, tương tự như trong Time and Again, ông đã thể hiện sự đa cảm của mình đối với quá khứ. Điều tôi yêu thích nhất của bộ truyện About Time là tập truyện Where the Cluetts Are, trong đó nhân vật Sam và Ellie Cluett đã lên kế hoạch xây một ngôi nhà có kiến của những năm 1880 để thỏa mãn khát khao được sống quá khứ. Câu chuyện kết thúc bằng chi tiết: “Ellie và Sam đang sống trong quá khứ xa xôi. Ngôi nhà bị ám bởi bóng ma xưa cũ của chính nó. Và bóng ma đã dễ dàng khống chế gia đình nhà Cluetts; Tôi chắc rằng họ rất sẵn lòng để đầy hàng bóng ma.”
Cám dỗ mang tên hoài niệm
Sẽ thật phiến diện khi nhìn vào quá khứ qua lăng kính màu hồng, đó là một thứ cám dỗ mà theo tôi thì chính mình và những đọc giả khác dễ dàng dính mắc. Xét về nhiều mặt, cuộc sống vào năm 1882 mà tác giả Finney khắc họa là thứ đơn thuần và ít vướng bận với công nghệ hơn rất nhiều so với thời đại của chúng ta, nhưng thứ mà tôi đang băn khoăn là liệu mình có muốn sống trong một thế giới không có thuốc kháng sinh, vòi hoa sen nước ấm, xe hơi và cả máy tính?
Dĩ nhiên là không.
Tác giả Edward Arlington Robinson bắt đầu tác phẩm Miniver Cheevy với hai câu thơ sau:
Miniver Cheevy, sinh ra với nỗi bất bình,
Lãng phí thanh xuân, than van về thời cuộc
Khóc than sao anh lại được sinh ra
Anh chắc phải có lý do
Miniver yêu những ngày xưa cũ
Khi thanh gươm sáng lóa trên chiến mã kiêu hùng
Mường tượng rõ dáng người dũng sĩ
Đủ làm anh khấp khởi vui mừng
Và tác giả Robinson kết luận rằng:
Miniver Cheevy, sinh nhầm thời
Gãi đầu ngơ ngẫn chuyện xa xăm
Mặc nhiên số phận, anh ho khạc
Anh cứ say để quên chuyện thế gian
Đừng ai muốn trở thành Miniver Cheevy
Bài học và Niềm vui
Dù sao, theo nhiều nhà nghiên cứu, việc hoài niệm ít nhiều cũng mang đến những lợi ích nhất định như động viên chúng ta trong những tình hướng tiêu cực, làm tăng cảm nhận về tính liên tục với quãng đời trước đây, và hướng chúng ta đến hy vọng trong tương lai.
Điều này cũng đúng như khi chúng ta thưởng thức những tiểu thuyết như Time and Again hoặc những bộ phim như Kate and Leopold. Tổ tiên của chúng ta với lối sống của họ, đôi khi cũng xưa như thời Nữ hoàng Ai Cập trong bài hát Cỗ máy thời gian. Họ có thể cho chúng ta những hiểu biết và sự khôn ngoan nếu chúng ta có đôi tai để nghe và đôi mắt để nhìn.
Và đây là một bài học về thời gian của nhà sử học người Mỹ, Alice Morse Earle (1851–1911): “Ngày hôm qua là lịch sử. Ngày mai là một điều bí ẩn. Hôm nay là một món quà. Đó là lý do tại sao nó được gọi là hiện tại (đây là phép chơi chữ, “present” vừa có nghĩa là “món quà”, vừa mang nghĩa “hiện tại”.)
Nghe có vẻ đúng.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: