Anthony Baus, Họa sĩ du hành thời gian về cội nguồn
Một họa sĩ với tư duy truyền thống và cách suy nghĩ vô cùng khoáng đạt
NEW YORK — Xuyên suốt hàng thiên niên kỷ, các nền văn minh đã trải qua vô số biến động thăng trầm để rồi sau cùng chỉ còn sót lại những tàn tích. Tàn tích hoang tàn nhường chỗ cho tự nhiên trỗi dậy. Cây cỏ vươn mình giữa những hoang tàn vỡ nát rải rác dọc theo các di tích còn lại của các nền văn minh dường như đã bị người đời quên lãng. Đó là một chủ đề mà họa sĩ Anthony Baus vô cùng tâm đắc.
Với ánh nhìn đầu tiên, những bức vẽ bằng bút kim màu mực của chàng họa sĩ như khơi gợi trong ta hình ảnh của Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại, tựa như những tác phẩm của Tiepolo- với những đường nét khoáng đạt và ngập tràn sự kịch tính. Quan sát kỹ hơn, qua các tác phẩm của anh, bạn sẽ thấy tòa nhà Manhattan của Thời Đại Độ Kim, hoặc công trình Bethesda Terrace ở Central Park, hoặc một chiếc xe đạp nhưng được đặt trong bối cảnh của thời kỳ khi mà xe đạp chưa được phát minh. Tất cả mang đến một cảm giác hoài cổ tuy những tác phẩm trên không thật sự chủ đích để lột tả sự hoài niệm.
“Bạn có thể tự hỏi: Một bản vẽ ngày nay trông như thế nào?” Baus nói trong studio của anh tại Grand Central Atelier (GCA), nơi anh dạy về phối cảnh và thiết kế. “Tôi không muốn lặp lại những thứ có sẵn, những gì quá rõ ràng trong một giai đoạn nhất định, mà quan trọng với tôi chính là việc khám phá ngôn ngữ của nghệ thuật.”
Tuy nhiên, phong cách nghệ thuật của Baus thiên về xu hướng truyền thống. Ngoài vô số tác phẩm cổ điển mà anh đã sao chép trong quá trình học hỏi, trực giác mách bảo anh rằng chúng ta không thể viễn ly với thời đại mà chúng ta đang sống, điều quan trọng là chúng ta vươn ra khỏi cái kén của chính mình.
Lớn lên ở Wisconsin, Baus bộc lộ tài năng thiên bẩm về nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ, anh thường xuyên vẽ tranh hoạt hình và vẽ những chủ đề mà anh thích. Anh nhận bằng BFA từ Đại Học Wisconsin – Milwaukee, tuy nhiên nơi đây chưa có khóa đào tạo phong cách cổ điển và phong cách tả thực. Ngay sau khi tốt nghiệp, anh đã đột phá và bắt đầu thực hiện sứ mệnh nghệ thuật của mình.
Trong khoảng ba năm, anh đã làm việc tại một công ty phục dựng, Urban Remains, cùng với Eric Nordstrum, người thành lập Bảo tàng BLDG. 51 ở Chicago. Lúc đó, Baus miệt mài quan sát những tàn tích, hoặc trực tiếp vào trong những tòa nhà sắp bị dỡ bỏ. Anh khôi phục các vật trang trí, cổ vật và những tàn tích nghệ thuật khác nhau từ những ngôi nhà cổ, hay những công trình thương mại, rạp hát cũ và rạp chiếu bóng của những năm đầu thế kỷ 20.
Những hiện vật đó khơi dậy sự tò mò của anh về lịch sử nghệ thuật. “Tôi không thể nói cho bạn biết ai là người đã vẽ Nhà Nguyện Sistine,” Baus nói. “Tôi biết một vài cái tên nổi tiếng, như Michelangelo và Raphael, nhưng tôi không thể nói rõ họ đã làm gì.”
Sau đó khi anh bắt đầu học tại GCA, ba người đồng nghiệp gồm Victor Chong, Abigail Tulis và David Troncoso đã ảnh hưởng đến anh. “Họ đều đang đọc những cuốn sách rất lôi cuốn về các họa sĩ thời Phục Hưng. Tôi và họ là những người đồng hội đồng thuyền,” Baus nói.
Anh bắt đầu tìm cội nguồn, để tìm ra ý nghĩa nhân sinh và những lời giải đáp cho những thắc mắc của đời người thông qua sự phóng tác nghệ thuật của chính mình. Cứ như thể anh đang ở trong một cỗ máy thời gian. Càng nghiên cứu sâu hơn, anh càng cố gắng khám phá đâu là nguồn cảm hứng sáng tác của các họa sĩ.
“Bạn có thể đạt được điều gì đó bằng cách suy tư về một tuyệt tác hội họa cổ, ngồi trước chúng, rồi nhìn chăm chú và chiêm nghiệm. Tôi không thể hiểu chúng một cách rõ ràng cụ thể, nhưng trong những tác phẩm ấy, luôn có những chỉ dấu, hay một câu chuyện, hoặc một khía cạnh về kỹ thuật vẽ tranh mà tôi muốn tìm hiểu,” Baus nói.
Mỏ neo của trí tưởng tượng
Baus dần dần bắt đầu xâu chuỗi các mảnh ghép, “giống như một nhà khoa học điên rồ,” anh nói. Đó là một quá trình liên tục đưa ra các manh mối trực quan cùng với những câu chuyện trên sân khấu của thế giới nội tâm, điều đó đã phản ánh những khám phá của anh với những nét vẽ uyển chuyển và những đường viền mượt mà. Cần phải có kỹ năng thượng thừa để mường tượng một khung cảnh và khắc họa nó một cách chân thực.
“Tôi dùng trí tưởng tượng của mình, nhưng tôi cũng sử dụng các quy tắc sẵn có,” Baus nói. “Luôn hữu ích nếu ta có thể tạo ra một không gian thực, nơi mọi thứ đều bị chi phối bởi trọng lực- chúng có cân nặng. Với những hiểu biết về phối cảnh, bạn rất dễ cân chỉnh. … Điều mang lại cho bạn tự do vì khi đó bạn không bị ràng buộc vào việc phải thể hiện chính xác những thứ mà bạn thấy.
Anh sáng tác bằng cách vẽ trực tiếp từ các mô hình thật tại GCA, sao chép các kiệt tác cũ, hoặc vẽ lại các tác phẩm thạch cao của thế kỷ 19 phỏng theo các tác phẩm gốc thời cổ đại tại các phòng tượng điêu khắc của Viện Kiến Trúc và Nghệ Thuật Cổ Điển ở Midtown.
Sự trầm lặng thường ngày của anh nhường chỗ cho cách nói chuyện sôi nổi khi anh giải thích ý nghĩa những bức tranh. Một trong số đó là tác phẩm “Chuyện ngụ ngôn về thiên nhiên và thủ pháp,” một nhân vật bên phải bức tranh đang vén một bức màn để nhắc nhở một người họa sĩ đang quay lưng lại với phong cảnh thiên nhiên, hãy hướng về tự nhiên để lấy cảm hứng. Khi họa sĩ bắt đầu nhìn vào thiên nhiên, anh liền nhận ra nhân vật ở ngoài cùng bên trái- phép ẩn dụ cho thủ pháp, nằm dựa vào một thiết bị chụp hình thời xưa, “cạn kiệt sức sống, như thể anh ta đã không được ăn trong nhiều ngày, anh ta bị bỏ lại ở góc đó,” Baus giải thích.
“Quan điểm của tôi rất rõ ràng. Tôi đứng về phía hai người này,” anh chỉ vào những hai nhân vật đại diện cho nghệ thuật và thiên nhiên.
Sau đó, anh cho xem những nghiên cứu vẽ bằng màu mực được ứng dụng trên một bức tranh lớn hơn- khắc họa hai phiên bản khác nhau khi họa sĩ Giotto- danh họa sống ở thế kỷ 13 gặp giáo viên của mình, Cimabue.
“Tôi nghĩ về Giotto như một tổ phụ. Là một họa sĩ, tôi nên biết những họa sĩ trước tôi đã làm gì và tại sao họ lại làm như vậy,” Baus nói. “Nhiều người không biết về Giotto, ngoại trừ những người nổi tiếng sau ông trong thời Phục Hưng”. Baus cho rằng câu chuyện trên là một ví dụ tuyệt vời mà ông dùng để nâng cao hiểu biết của công chúng, chỉ ra người họa sĩ đầu tiên đóng vai trò chuyển tiếp trước khi nghệ thuật bước vào giai đoạn đầu của thời Phục Hưng.
Một phiên bản khắc họa chân thực về một giai thoại của Giotto lúc ông còn là một người chăn cừu trẻ, ông đã vẽ bầy cừu của mình lên một tảng đá, khi Cimabue vô tình đi ngang qua, liền nhận ra rằng người này có tố chất và sẽ sớm vượt qua mình. Trong phiên bản thứ hai, Baus cho thấy Giotto cũng đang vẽ trên một tảng đá nhưng ngồi trên những đám mây lơ lửng giữa không trung, và được vây quanh bởi một nhóm những thiên thần. So sánh hai phiên bản, Baus cho biết phiên bản có thiên thần vui nhộn và thú vị hơn. Anh thường lấy biểu quyết từ các họa sĩ hoặc sinh viên khác làm cùng làm việc tại GCA để quyết định tác phẩm nào sẽ được vẽ ở kích thước lớn hơn.
Nội dung quyết định bố cục- “Đó là nguyên tắc tôi đặt ra để sắp xếp vị trí của mọi vật, và cũng là cách tôi học hỏi, cũng như để chia sẻ những câu chuyện với công chúng thông qua việc xem tranh. Khi đó mới là lúc tác phẩm của tôi của tôi hoàn thành … đó là trải nghiệm trọn vẹn,” Baus nói.
Anh tiếp tục giải thích những chi tiết vô cùng phức tạp nhằm tô điểm cho bức Santa Maria Maggiore (từng được gọi là “Đức Mẹ Tuyết”) mà anh đã bắt đầu vẽ ở Rome trong suốt mùa hè và đang hoàn thành nó trong studio của mình. Bốn chân đèn trong tác phẩm như một lời nhắc nhở rằng nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ thứ tư. Chân đèn thứ năm ngụ ý nhà thờ bị cháy rụi và được xây dựng lại vào thế kỷ thứ năm. Một số nhân vật trông như những tên cướp; những mảnh gỗ từ máng cỏ của Chúa Jesus; một số tín đồ thuần thành; một thi thể được mang vào nhà thờ; và một loạt các chi tiết khác ghép lại thành một bộ sưu tập các điển tích — tất cả gói gọn trong một bức vẽ. Những chi tiết này khiến mắt của người xem phải luôn di chuyển tìm kiếm, đồng thời khơi dậy sự tò mò và óc tưởng tượng.
Tìm kiếm những câu chuyện hấp dẫn
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Baus là việc chọn chủ đề và những câu chuyện mà anh muốn chia sẻ. Trước đây, khi nghệ thuật còn mang đậm màu tôn giáo, các họa sĩ luôn có một số chủ đề cụ thể để phóng tác, ví dụ như Thánh gia ở phương Tây, hoặc các vị Phật, Đạo, Thần ở phương Đông.
Ngày nay, việc tìm ra các chủ đề cuốn hút đối với những đối tượng công chúng khác nhau trở nên khó khăn hơn. Baus tự hỏi, “Đâu là những câu chuyện mà phần đông công chúng sẽ quan tâm? … Thật tuyệt nếu tác phẩm có thể được tiếp nhận bởi nhiều nhiều người,” anh trầm ngâm.
Một trong những tác phẩm cổ xưa đầu tiên mà anh khám phá là bức bích họa “Trường học Athens” của Raphael, vì “đó là một trong những tác phẩm hội họa tuyệt vời nhất,” anh nói.
Anh đang suy nghĩ về việc sáng tác nhiều tác phẩm mang tính đại chúng, có lẽ chúng trông như như một bức bích họa khổ lớn của Raphael hoặc tranh vẽ tường của Tiepolo, nhưng sẽ được thể hiện theo cách thức phù hợp với thời nay.
“Tôi đã suy nghĩ về làm thế nào để hội họa phù hợp với kiến trúc và vào thời nay, đâu là mối liên hệ giữa hai phạm trù trên?,” anh nói. Khi đi vào The Met hoặc vào Thư Viện Công Cộng New York trên Đại Lộ số 5, anh thấy rất nhiều khoảng trống trên tường với những đường nét kiến trúc phù hợp với việc khắc họa bức tranh tường cỡ lớn. Anh cho rằng có thể sẽ mất rất nhiều công sức và sự kiên nhẫn để thực hiện dự án mơ ước về một bức tranh lớn nơi công cộng.
“Đây là New York” là một loạt bài đi sâu vào cuộc sống của những người truyền cảm hứng ở thành phố New York. Xem loạt bài gốc bằng tiếng Anh tại đây: epochtim.es/TINY hoặc theo dõi tại @milenefernandez on Twitter, @milenejf trên Instagram.
Phương Du & Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: