Tài năng âm nhạc của vua Henry VIII
Một góc nhìn khác về Vua Henry VIII: Ông là người trị vì có tài năng âm nhạc nhất mà Anh quốc này từng có
Vua Henry VIII thường bị chỉ trích nặng nề vì cách ông đối đãi với những người vợ của mình. Tất nhiên là ông có lý lẽ cho những việc này. Nhưng cuộc đời của vị vua được cho là nổi tiếng nhất Anh quốc cũng được tô điểm và thêm thắt từ những truyền thuyết về ông trong nhiều thế kỷ. Ông không chỉ đơn giản là một nhà cai trị chuyên quyền, ông còn hơn cả một người đào hoa, ông là một nhân vật phức tạp không thể dễ dàng bị đóng khung vào một đặc điểm nào.
Theo cuốn “Music and Poetry in the Early Tudor Court” (Âm Nhạc và Thơ Ca của Vương Triều Tudor Thời Kỳ Đầu) của nhà âm nhạc học John Stevens, ngoài tài năng về đấu thương, có nhân chứng còn cho rằng Vua Henry VIII đã đạt được “những thành tựu ngoại hạng” về thể thao — và chưa hết, ông còn là một nhà thần học đã tranh luận công khai với nhà thần học Martin Luther. Ông không chỉ tạo thuận tiện về chính trị và kinh tế cho văn hóa Phục Hưng du nhập vào Anh quốc thời kỳ Tudor, mà còn là biểu tượng của thời kỳ Phục Hưng, đại diện cho hình mẫu của nhà quý tộc tri thức, uyên bác được các nhà văn thời đó lý tưởng hóa.
Ông cũng là một thi sĩ, một nhạc công.
Trong khi một số vị quân vương khác ở Anh quốc, như Nữ hoàng Elizabeth I, là những thi nhân giỏi, thì Vua Henry VIII là nhà cai trị có tài năng âm nhạc nhất mà quốc đảo này từng có. Ông Stevens tin rằng vị vua này ở một đẳng cấp riêng: “Trong phạm vi hiểu biết của chúng tôi, Vua Henry VIII là bậc quân vương cao quý duy nhất có thể tự tuyên bố rằng mình đồng thời là nghệ sĩ hát rong, thi sĩ và nhạc công thời cận đại.”
Thông qua sự bảo trợ hào phóng của mình, ông đã nâng tầm âm nhạc nước Anh lên một cấp độ mới về sự tinh tế, làm say mê các du khách ngoại quốc bằng sự tráng lệ của vương triều Tudor.
Một nhạc công điêu luyện
Niềm đam mê chơi nhạc thiên bẩm của Vua Henry được ghi lại lần đầu trong lịch sử là khi ông được cha mua cho một cây đàn luýt (lute) năm ông 7 tuổi. Trong suốt cuộc đời và triều đại của mình, nhà vua đã phát triển tài năng âm nhạc trên nhiều loại nhạc cụ khác, luyện tập mọi lúc và biểu diễn cùng các quý tộc khác trong phòng riêng của mình.
Kỹ năng điêu luyện của ông trong lĩnh vực này là cánh cửa dẫn vào thế giới kỳ lạ của các nhạc cụ thời kỳ Phục Hưng. Mặc dù vài nhạc cụ trong số đó là tiền thân dễ nhận biết của các nhạc cụ mà chúng ta đã quen thuộc thời nay, nhưng một số khác lại vô cùng khác biệt. Ngoài đàn luýt, nhà vua còn có tài chơi sáo, sáo dọc (recorder,) đàn regal (đàn organ di động,) đàn virginals (một loại đàn harpsichord nhỏ,) và kèn cornett (một loại nhạc cụ sơ khai thuộc bộ hơi có đặc điểm của cả sáo và kèn trumpet.) Trong một số sách minh họa về nhà vua, người ta thấy ông đang chơi hạc cầm, và có lần, ông còn chơi đàn ống luýt (lute-pipe) và ống gitteron (gitteron-pipe) — một công cụ tạo ra âm thanh bí ẩn mà có chuyên gia từng so sánh với chiếc kèn cornett. Sử gia Alison Weir nói rằng vị vua đã đặc biệt đặt mua “những chiếc trống kiểu Thổ Nhĩ Kỳ” từ thành Vienna để có thể chơi trong khi cưỡi ngựa.
Nhiều nhạc cụ của ông được trang trí bằng vàng, bạc, và đá quý. Một người hầu đặc biệt, Người Giữ Nhạc Cụ của Đức vua, có nhiệm vụ chăm lo cho bộ sưu tập khổng lồ này. Mặc dù chúng ta có một danh sách chính xác các nhạc cụ mà nhà vua sở hữu vào thời điểm ông băng hà, nhưng rất ít nhạc cụ từ thời kỳ này còn tồn tại tới nay.
Nhà soạn nhạc
Khả năng sáng tác của Vua Henry VIII cũng tốt như chơi đàn của ông. Ông được ghi nhận là người sáng tác bài hát nổi tiếng “Greensleeves” (Vai áo màu xanh), mặc dù tác phẩm lấy cảm hứng từ nước Ý này có lẽ đã không du nhập vào Anh quốc cho đến thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth. Về những tác phẩm mà chúng tôi chắc chắn rằng đức vua đã sáng tác, những bản nhạc lễ của ông đều bị thất lạc trừ một đoạn hợp xướng ngắn. Đây là điều đáng tiếc, vì bản thánh ca ngắn (motet) dành cho ba giọng nam còn sót lại là tác phẩm đầy khát vọng và [thể hiện] kỹ thuật điêu luyện nhất của ông.
Rất may là các sáng tác thế tục của Vua Henry vẫn được bảo tồn. Một bản thảo có niên đại từ đầu thế kỷ 16, có tên “Henry VIII Songbook,” (Tuyển tập các bài hát của Vua Henry VIII) là một nguồn tư liệu quan trọng trong âm nhạc của vương triều Tudor thời đầu. Nhan đề của cuốn sách này chính xác là một gợi ý: toàn bộ một phần ba trong số 100 tác phẩm trong này ghi là, “The King, H.VIII,” (Đức Vua, H.VIII) thể hiện quyền tác giả của ông. Bản thảo được biên soạn vào thời đầu triều đại của ông, vậy thì khi đó vị quân vương đang ở độ tuổi cuối 20 — không hơn — đã sáng tác nên.
Các nhạc phẩm của ông rất nổi tiếng vào thời kỳ đó, và được biểu diễn rộng rãi khắp vương quốc. Nổi tiếng nhất trong số này là bài hát “Pastime With Good Company” (Vui chơi cùng thân hữu), hay còn có tên là “The King’s Ballad” (Bản ballad của Nhà Vua). Bản nhạc này thể hiện khả năng phổ nhạc cho bài thơ gốc mà Vua Henry viết — một kỹ năng mà không một nhà thơ cận thần nào của ông làm được. Tác phẩm này được tôn vinh đến mức một giám mục của Giáo hội Anh thậm chí còn lấy đó làm một trong những bài giảng của mình.
Bài hát gói gọn quan điểm sống của chàng trai trẻ Henry. Nhà vua nổi tiếng thích theo đuổi thú vui săn bắn, ca hát, và khiêu vũ — nên thường khiến những quần thần điều hành quốc gia, các quan lại triều đình lớn tuổi, khôn ngoan hơn là phiền lòng. Đúng như tên gọi của mình, nhạc phẩm “Vui chơi cùng thân hữu” có ca từ thể hiện sự nhiệt huyết của Vua Henry đối với “tất cả các môn thể thao hấp dẫn.” Nhưng sẽ là một sai lầm khi đánh đồng cụm từ này với chủ nghĩa khoái lạc đơn thuần.
Trong khổ thơ thứ hai của bài hát, Vua Henry lập luận rằng bản tính mạnh mẽ giúp ông tránh được tội lười biếng: “Sự lười biếng là thủ lĩnh / Của tất cả các thói xấu.” Và trong khổ thơ cuối cùng, ông khám phá ra lợi ích của việc có những người bạn chân thành xung quanh để giữ cho đầu óc luôn nhạy bén:
Đồng hành cùng sự trung thực
Có đức hạnh, thói xấu phải tránh xa;
Bạn đồng hành là tốt hay xấu,
Mỗi người đều tự do lựa chọn:
Giao hảo với người tốt, và lánh xa kẻ xấu;
Tâm trí của ta sẽ
Gìn giữ đức hạnh, cự tuyệt tật xấu,
Theo cách này, ta chế ngự chính ta.
Nói cách khác, bằng hữu quanh bạn sẽ nói lên con người bạn. Có rất nhiều cận thần tư lợi trong triều đình cố gắng lấy lòng vị vua trẻ Henry bằng những lời xu nịnh tâng bốc. Vì vậy, đối với ông, khát khao có được “sự đồng hành trung thực,” đồng nghĩa là có được sự cai trị tốt đẹp. Dù vẫn chú ý đến lời khuyên của các cố vấn tài ba, nhưng ông cũng luôn giữ quan điểm của riêng mình.
Có lẽ, những mưu mô của cuộc sống chốn cung đình là lý do khiến Vua Henry thích những nhạc công hồn hậu xung quanh mình. Ông cho mời các chuyên gia người Burgundy nổi tiếng về viết bản thảo, mua nhạc cụ, và tham gia cùng đoàn tùy tùng của mình. Bà Weir viết, “bất cứ nơi nào ông đến, dù là chốn đông người hay chốn riêng tư, trong các nghi lễ quốc gia, khi ông đến và đi, và đặc biệt là vào các bữa ăn, đều có những nghệ sĩ hát rong biểu diễn, dàn đồng ca cất tiếng hát, hoặc hồi kèn ngân vang.”
Theo cuốn “The Early Tudor Court and International Musical Relations” (Vương triều Tudor thời kỳ đầu và Mối giao hảo trong âm nhạc quốc tế) của tác giả Theodor Dumitrescu, Vua Henry yêu thích các nhạc công đến mức ông thậm chí còn giao cho một số họ những nhiệm vụ chính trị — chẳng hạn như, ông phong cho một trong những người thợ chế tác đàn organ của mình làm nhà ngoại giao. Ông đưa những nhạc công tài năng về làm người giúp việc cho gia đình. Những người giỏi nhất trong số này thậm chí còn trở thành thành viên xuất chúng trong Cơ Mật Viện (Hội đồng cố vấn cho Quốc vương). Khi Vua Henry quyết định cho phép ai đó bước vào vòng thân cận nhất của mình, thì một giọng hát tuyệt vời quan trọng hơn dòng máu quý tộc.
Đam mê theo đuổi văn hóa của nhà vua phần lớn bị lu mờ bởi những hành vi sai lầm và sự hoang tưởng xuất hiện trong triều đại của ông sau này. Dẫu vậy, điều quan trọng nên nhớ đó là có đức hạnh và có cả tật xấu. Những thành tựu của Vua Henry VIII, cũng như bản tính biết công nhận và khen thưởng tài năng của ông, đã góp phần tạo nên nước Anh như ngày nay. Và dù sự huy hoàng trong triều đình của ông đã biến mất từ lâu, nhưng ký ức thì luôn còn đó.