Những bức chân dung quyền lực của các Triều đại Tudor
Thông qua nghệ thuật của mình, triều đại Tudor dường như đang thực hiện chuyến công du hoàng gia kéo dài một năm trên khắp Hoa Kỳ bằng cuộc triển lãm: “The Tudors: Art and Majesty in Renaissance England” (Vương triều Tudor: Nghệ thuật và Hoàng quyền trong thời kỳ Phục hưng Anh). Triển lãm này diễn ra tại Bảo tàng Legion of Honor, thuộc Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco từ ngày 24/06 cho đến ngày 24/09. “The Tudors” là triển lãm lớn đầu tiên ở Hoa Kỳ trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, trang sức, áo giáp, thảm trang trí, các bản thảo, đồ vật bằng sứ và kim loại quý của thời Tudor.
Triều đại Tudor chỉ kéo dài ba thế hệ, từ cuối thế kỷ 15 đến những năm đầu thế kỷ 17, nhưng đây là gia tộc cai trị Vương quốc Anh nổi tiếng nhất trên thế giới. Trong triều đại trị vì đầy biến động của mình, Anh quốc đã vươn lên từ chế độ phong kiến trung cổ để trở thành một cường quốc quốc tế thông qua giao thương hàng hải, phong trào Kháng Cách, và Phục hưng Anh quốc.
Triều đại hỗn loạn của gia tộc này bắt đầu với việc chiếm ngai vàng của những người sáng lập; vua Henry VIII tuyệt giao với Giáo hội Công giáo La Mã; và tiếp theo là Nữ hoàng Mary I và Nữ hoàng Elizabeth I kế vị, hai nữ hoàng đầu tiên trị vì nước Anh. Theo bà Cory Korkow, nhà giám tuyển tranh và tác phẩm điêu khắc Âu Châu tại Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, các bậc quân vương Tudor đều hiểu giá trị của việc bang giao và quảng bá nghệ thuật.
Bức chân dung đầy quyền uy của vua Henry
Ông Adam Eaker, đồng giám tuyển triển lãm của Bảo tàng The Met, viết trong cuốn danh mục triển lãm rằng “Các bức chân dung của Vua Henry VIII là lời tuyên bố về quyền lực của ông, những cung điện xa hoa mà ông đang ngự trị, cũng như sự thịnh vượng và quyền lực mà ông cai quản.” Bức chân dung toàn thân “Vua Henry VIII,” do xưởng của họa sĩ Hans Holbein Con vẽ, là một sự chuyển hướng hoàn toàn so với phong cách vẽ chân dung Hoàng gia Anh thời đầu, cũng là hiện thân cho lời tuyên bố trên.
Vua Henry được khắc họa trong tư thế đứng trực diện với dáng vẻ hiếu chiến, thái độ kiêu ngạo lấp đầy bức tranh. Vóc dáng của ông là một thế mạnh với lồng ngực lớn đường bệ. Đôi chân ông đứng vững chãi trên tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảng, một tay nắm chặt chiếc găng tay và tay kia đặt hờ gần con dao găm. Sự giàu có của nhà vua được thể hiện qua bộ trang phục thêu thùa lộng lẫy và những món đồ trang sức lấp lánh tô điểm cho ông từ đầu đến tay.
Khung cảnh tráng lệ của cung điện được minh họa bằng màu sắc sống động, gồm cả những bức tường dường như được ốp bằng đá khổng tước malachite và đá lửa porphyry cùng bức màn gấm hoa văn phủ xuống đầy khoa trương. Một góc tường được chạm khắc hình vỏ sò bao quanh đầu nhà vua, làm nổi bật ánh nhìn mãnh liệt, đầy uy quyền. Họa sĩ có thể truyền tải được sức mạnh và quyền uy to lớn của nhà vua mà không cần đưa vào các biểu tượng hoàng gia theo truyền thống, như quyền trượng hay vương miện.
Bức tranh đặc biệt này dựa trên một tác phẩm nguyên tác của họa sĩ người Đức gốc Thuỵ Sĩ là Hans Holbein Con, bức tranh gốc được trưng trong phòng khánh tiết của cung điện và bị hư hại trong một trận hỏa hoạn. Họa sĩ Holbein là một trong những danh họa vẽ chân dung vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng. Ông từng là họa sĩ cung đình của vua Henry và được nhà vua trọng vọng vì tài nghệ vẽ khuôn mặt rất tự nhiên. Ông Holbein cũng là nhà thiết kế trang sức tài hoa và có thể đã chế tác một số món trang sức cho nhà vua trong bức tranh này.
Họa sĩ Holbein nổi tiếng về tài nghệ vẽ tranh sơn dầu, một phương pháp cho phép tạo nên các chi tiết và tạo hình hiếm có, cùng khả năng khắc họa các nhân vật trong không gian ba chiều với chiều sâu tâm lý của họ. Như Tiến sĩ Charlotte Bolland, giám tuyển cấp cao tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia London miêu tả trong chương trình podcast “If Jewels Could Talk” (Nếu trang sức có thể trò chuyện), ngắm nhìn các họa phẩm chân dung hoàng gia xuất sắc của vương triều Tudor có thể khiến chúng ta “thấy như mình đang gặp họ trực diện vậy.”
Bức chân dung uy quyền của nữ hoàng Mary Tudor
Trong những bức tranh chân dung của những người kế vị vua Henry, đáng chú ý là bức họa Nữ Hoàng Mary Đệ nhất. Nữ hoàng Mary là người con duy nhất còn sống của Vua Henry VIII sau cuộc hôn nhân của ông với Hoàng hậu Katherine xứ Aragon. Khi Vua Henry ly hôn hoàng hậu Katherine để cưới bà Anna Boleyn, mẫu thân của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất sau này, ông đã đoạn tuyệt với Nhà thờ Công giáo La Mã và tuyên bố bà Mary là con ngoài giá thú.
Việc bà Mary có thể cai trị vào một ngày nào đó dường như là bất khả thi, đặc biệt là sau khi em trai cùng cha khác mẹ của bà ra đời và là người thừa kế nam. Tuy nhiên, trước khi Vua Henry qua đời, bà Mary, cùng bà Elizabeth, người cũng bị tuyên bố là con ngoài giá thú, lại được thêm lại vào danh sách kế vị. Em trai của họ, người kế vị vua cha Henry VIII, đã qua đời ở tuổi thiếu niên, và bà Mary, người luôn trung thành với Công Giáo, đã đấu tranh chống lại một đối thủ theo đạo Tin Lành muốn chiếm ngai vàng. Tranh chân dung đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện quyền lực của bà với vai trò là người kế vị vua Henry.
Bức tranh “Mary Tudor, Queen of England” (Mary Tudor, Nữ hoàng Anh) của họa sĩ Antonis Mor và Xưởng vẽ, được sáng tác một năm sau khi Nữ hoàng Mary lên ngôi. Một số bản sao của bức tranh được Thánh Chế La Mã Charles V uỷ thác vẽ, nhân dịp hôn lễ của Nữ hoàng Mary với con trai ông, Vua Philip II của Tây Ban Nha. Vì họa phẩm này là biểu tượng liên minh bang giao giữa Anh quốc và Tây Ban Nha, nên cần làm nổi bật sức mạnh của nhân phẩm, địa vị, và quyền lực của tân nữ hoàng. Họa sĩ người Hà Lan Mor là người vẽ chân dung thành công nhất vào thời của ông, những nét vẽ chi tiết cùng màu sắc phong phú này được lấy cảm hứng từ danh họa Holbein.
Trong bức tranh “Mary Tudor, Nữ hoàng Anh,” nữ hoàng ngồi trong tư thế cho thấy gần như toàn thân. Chiếc ghế nhung đỏ là biểu tượng hoàng gia, được thêu bằng chỉ vàng. Bà ngồi thẳng cương nghị và nhìn trực diện với người xem một cách đầy uy quyền. Một tay bà cầm bông hồng đỏ trắng, biểu tượng di sản của vương triều Tudor. Vai trò dẫn đầu nổi bật của hoàng gia Anh được cân bằng bởi viên ngọc nữ hoàng đeo trên cổ, do vị hôn phu người Tây Ban Nha tặng bà. Tay còn lại của Nữ hoàng Mary cầm một chiếc găng tay, giống như cha bà trong bức chân dung của danh họa Holbein. Nữ hoàng Mary yêu thích trang sức và phục trang cầu kỳ, chiếc váy có hoa văn hình lá đi kèm các phụ kiện nạm ngọc trai và đá quý cho thấy rõ điều này. Họa sĩ Mor không tâng bốc Nữ hoàng Mary, mà mô tả chân thực cả những nét bình dị và sắc sảo đặc trưng của bà.
Nữ hoàng ‘Nghe và Nhìn thấy tất cả’ Elizabeth Đệ nhất
Nữ hoàng Mary qua đời chỉ sau năm năm trị vì và người em cùng cha khác mẹ theo đạo Tin Lành của bà là Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất lên kế vị. Quan phu (người đàn ông góa vợ) của Nữ hoàng Mary theo đuổi Nữ hoàng Elizabeth, nhưng bà quả quyết làm một “Nữ hoàng Đồng trinh” và không bao giờ kết hôn. Thực tế là căng thẳng giữa Anh quốc và Tây Ban Nha lên đến đỉnh điểm và Tây Ban Nha đã cử Hạm đội Armada bất khả chiến bại đến để lật đổ Nữ hoàng Elizabeth và khôi phục Công Giáo ở quốc gia này.
Hạm đội này đã bị Hải quân Hoàng gia của Nữ hoàng Elizabeth đánh bại hoàn toàn. Đây được xem là một trong những chiến công vĩ đại nhất dưới thời trị vì của bà. Những chiến công của hải quân thường được trao tặng huân chương kỷ niệm, và chiến tích đánh bại Hạm đội Tây Ban Nha được tôn vinh bằng một Huy chương vàng đẹp mắt, được cho là do họa sĩ vẽ tranh tiểu họa và thợ kim hoàn tài danh người Anh Nicholas Hilliard chế tác. Việc đưa “Huân chương chân dung Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất cùng câu chuyện ngụ ngôn về những mối nguy hiểm được ngăn chặn” cỡ nhỏ vào triển lãm “The Tudors” cho thấy những bức chân dung hoàng gia không nhất thiết phải có kích thước lớn mới thể hiện quyền lực quân chủ.
Một trong những bức chân dung cuối cùng được trưng bày ở triển lãm này là bức “Elizabeth I (The Rainbow Portrait)” (Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất — Bức chân dung cầu vồng) bí ẩn đầy quyến rũ, được cho là của họa sĩ người Flemish Marcus Gheeraerts Con sáng tác một năm trước khi Nữ hoàng băng hà. Những bức chân dung được vẽ trong triều đại của Nữ hoàng Elizabeth hiếm khi khắc họa chính xác độ tuổi của bà. Thay vào đó, bà thường được miêu tả nhiều hơn ở tuổi cao niên, với một vẻ đẹp gần như siêu nhiên, vượt thời gian, để từ đó tránh được những câu hỏi về người kế vị tiếp theo đồng thời vun bồi lý tưởng và hình ảnh trinh nữ của bà. Thể loại chân dung này đã định hình nên hình ảnh trường cửu của Nữ hoàng Elizabeth, và “Bức chân dung cầu vồng” là một ví dụ điển hình.
“Bức chân dung cầu vồng” là một trong những họa phẩm được phân tích và tranh luận nhiều nhất vì tính hình tượng phức tạp. Những biểu tượng bắt mắt nhất xuất hiện trên chiếc áo choàng màu cam của bà, được trang trí bằng những hình ảnh tai và mắt. Các học giả đã đưa ra loạt giả thuyết về hình tượng cơ thể này, gồm cả suy đoán đây là tượng trưng cho mạng lưới giám sát rộng lớn mà nữ hoàng đã thiết lập để bảo đảm rằng “Nữ hoàng đang nghe và nhìn thấy mọi thứ.” Họa phẩm này cũng phản ánh các tập tục văn hoá của triều đình thời Elizabeth, bao gồm những chuyến công du của hoàng gia cùng các hoạt động giải trí khoa trương và quà tặng xa hoa.
Bức chân dung này có lẽ do một chính khách nổi tiếng đặt vẽ nhân dịp kỷ niệm Nữ hoàng ghé thăm tư dinh của ông. Trong tác phẩm này, nữ hoàng mặc trang phục hóa trang với chiếc áo choàng thêu hoa (có cả loài hoa Păng-xê mà bà yêu thích) và chiếc mũ đội đầu cầu kỳ bắt nguồn từ chiếc mũ của nhân vật “Trinh nữ Ba Tư” trong một cuốn sách phục trang đương thời. Trong những chuyến thăm hoàng gia của Nữ hoàng Elizabeth đến tư dinh của các cận thần, bà thường nhận được những món quà xa hoa mang tính biểu tượng, bao gồm y phục, và một số món quà trong đó có thể liên quan tới trang phục của bà trong bức chân dung này. Trong tranh, nữ hoàng cầm một chiếc cầu vồng với dòng chữ Latin có nghĩa tán dương là “không có mặt trời thì chẳng có cầu vồng.” Người ta suy đoán rằng họa tiết của bức tranh lấy cảm hứng từ những bài thơ ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth vào cuối triều đại của bà.
“The Tudors: Art and Majesty in Renaissance England” (Các Vương triều Tudor: Nghệ thuật và Hoàng quyền trong thời kỳ Phục hưng Anh) là một triển lãm lôi cuốn nhằm khám phá các chủ đề như quyền lực chính trị và tôn giáo trong chính quyền thông qua nghệ thuật. Điểm nhấn của buổi triển lãm này là các bức chân dung quân chủ được sáng tác để nâng cao “thương hiệu” của các nhà cai trị, được tái hiện thông qua những mô tả đặc sắc của các giám tuyển. Bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm nghệ thuật và đồ vật lộng lẫy, cùng với những bức chân dung trong cuộc triển lãm dường như đưa người xem đến vương triều Tudor vậy.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times