Những chuyến thám hiểm của người Mỹ đã thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới
Thế kỷ 19 là thời kỳ Mỹ quốc mở rộng lãnh thổ. Hai mươi năm sau khi ký Hiệp định Paris năm 1783, Hoa Kỳ đã mua Louisiana (thuộc lãnh thổ của Pháp) giúp quốc gia mới nhân đôi diện tích. Một năm sau đó, cuộc thám hiểm của ông Lewis và ông Clark đã được bắt đầu. Ba mươi năm sau chuyến thám hiểm này, ký giả kiêm nhà thám hiểm J. N. Reynolds đã đứng trước Quốc hội kêu gọi cơ quan chính trị tài trợ một chuyến thám hiểm hàng hải tới Thái Bình Dương và Biển Nam.
Ký giả Reynolds đã hoàn thành bài phát biểu tường tận của mình, ông nói rằng châu Âu “đã ném những viên ngọc quý của mình xuống nước, và gia tài đổi lại là một thế giới mới, mà từ đó sinh ra một chủng tộc đem đến hy vọng mới về tự do, khi mà tự do đã gần như biến mất; và rồi họ đang nỗ lực để trao lại cho châu Âu, bằng sự quan tâm và thịnh tình, những tia sáng đã nhận được từ châu Âu.”
Thành lập đoàn thám hiểm vĩ đại
Một tháng sau bài diễn văn của ký giả Reynold, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi Đạo luật Ngân sách Hải quân, trao quyền cho tổng thống tổ chức một đoàn thám hiểm để khám phá Thái Bình Dương và Biển Nam. Nhưng những đấu đá chính trị đã dẫn đến sự chậm trễ, nhưng cuối cùng việc uỷ nhiệm thành lập đoàn thám hiểm cũng đã trao cho ông Martin Van Buren, người đã giao cho Bộ trưởng Chiến tranh Joel Poinsett tổ chức chuyến đi.
Ông Poinsett không mất nhiều thời gian để tìm kiếm người dẫn đầu đoàn thám hiểm này. Trung úy Charles Wilkes, người đứng đầu Kho Lưu trữ Biểu đồ và Dụng cụ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vốn không phải là lựa chọn đầu tiên của ông. Trên thực tế, ông Wilkes là lựa chọn thứ năm của Bộ trưởng Poinsett.
Vị sĩ quan hải quân 40 tuổi này là một người có mục tiêu nghiêm túc và ý chí kiên định. Sau này, ông đã trở thành Chuẩn Đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã chứng minh mình chính là người mà đoàn thám hiểm cần. Ông tính toán những thứ ông cần, gồm 6 con tàu và 346 thủy thủ.
Những con tàu của ông gồm soái hạm Vincennes, một con tàu chiến nặng 780 tấn; tàu chiến Peacock nặng 650 tấn; thuyền hai buồm Porpoise nặng 230 tấn; tàu hậu cần Relief; hai chiếc thuyền buồm (schooners) là Sea Gull và Flying Fish. Trong số 346 người đàn ông, có 82 sĩ quan và thủy thủ đoàn, một nhóm chín nhà khoa học, nhà tự nhiên học, và cả nghệ sĩ. Trong chín người này có nhà ngôn ngữ học Horatio Hale thuộc trường đại học Harvard; các nhà tự nhiên học Charles Pickering và Titian Peale thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên ở Philadelphia; nhà nghiên cứu động vật thân mềm Joseph Couthouy ở Boston; nhà nông nghiệp học nổi tiếng người Scotland William Brackenridge; nhà thực vật học William Rich; nhà địa chất học và khoáng vật học James D. Dana; và các nghệ sĩ là James Drayton và Alfred T. Agate.
Vào ngày 18/08/1838, Đoàn Thám hiểm của Hoa Kỳ (còn được gọi là Đoàn thám hiểm Ex. Ex. hoặc Đoàn thám hiểm Wilkes) rời cảng Hampton Roads, tiểu bang Virginia để bắt đầu sứ mệnh khảo sát và khám phá kéo dài bốn năm. Đây cũng là chuyến đi vòng quanh thế giới cuối cùng hoàn toàn bằng năng lượng từ những cánh buồm.
Như Bộ trưởng Hải quân James Kirke Paulding đã nói với ông Wilkes rằng, đây là một cuộc thám hiểm “không phải để chinh phục mà để khám phá. Mục đích của chuyến đi này là vì hòa bình. Họ cần mở rộng đế chế Thương mại và Khoa học.”
Từ các quần đảo cho đến những tảng băng trôi
Sáu con tàu lớn đã thực hiện chuyến đi dài băng qua Đại Tây Dương để khám phá quần đảo Madeira ngoài khơi bờ biển tây bắc châu Phi, sau đó đến quần đảo núi lửa Cape Verde nằm gần bờ biển phía tây châu Phi. Đoàn thám hiểm Ex. Ex. đã đi dọc bờ biển về phía Nam Mỹ, neo đậu ở thành phố Rio de Janeiro khoảng 45 ngày, rồi di chuyển dọc theo bờ biển về cực nam của quần đảo Tierra del Fuego. Trưởng đoàn Wilkes quyết định chia sáu con tàu thành ba nhóm. Soái hạm Vincennes khảo sát mũi cực nam Cape Horn, tàu Relief sẽ mạo hiểm đi vào Eo biển Magellan để khảo sát và vẽ các bến cảng khác nhau. Ông Wilkes chuyển từ tàu Vincennes sang tàu Porpoise để chỉ huy. Con tàu Porpoise đi cùng tàu tiếp liệu Sea Gull, thám hiểm từ phía đông nam tới Nam Cực. Còn tàu Peacock đi cùng tàu tiếp nhiên liệu Flying Fish, hướng về phía tây nam để đến Nam Cực với hy vọng vượt qua chuyến thám hiểm của thuyền trưởng James Cook vào năm 1774. Ngày 22/02/1839, các con tàu đã khởi hành.
Chỉ huy Wilkes và thủy thủ đoàn của ông đã nhìn thấy núi băng trôi lần đầu tiên vào ngày 01/03. Thời tiết mùa thu rất thuận lợi, nhưng khi họ đến gần Nam Cực hơn, thời tiết thay đổi thành vùng sương mù dày đặc và gió giật khắc nghiệt. Trong khi đang khám phá Palmer’s Land, thời tiết nhanh chóng trở nên nguy hiểm hơn. Đến ngày 05/03, chỉ huy Wilkes và các sĩ quan của ông đã quyết định quay trở lại Cảng Orange. Bị màn sương mù bao phủ, con tàu Porpoise suýt đâm vào nhiều núi băng trôi và suýt bị mắc cạn ở đảo Elephant.
Tàu Peacock và tàu Flying Fish gặp nhiều nguy hiểm hơn, thậm chí là thảm kịch. Một trận cuồng phong ập tới đẩy hai con tàu tách xa nhau. Vào ngày 11/03, tàu Peacock đã nhìn thấy núi băng đầu tiên và có một thủy thủ đầu tiên trong đoàn thiệt mạng do rơi từ đỉnh của cột buồm chính xuống đại dương lạnh giá. Lướt qua mê cung của những núi băng, các con tàu bị tách rời cuối cùng đã kết nối lại. Sau hai tuần đi dọc theo Nam Cực, các thuyền trưởng quyết định quay trở lại.
Trên một hành trình tương đối ít rủi ro hơn, tàu Relief gần như bị lạc khi có một cơn bão ập đến, buộc phải trú ẩn tại Đảo Noir gần mũi phía nam của Chile. Con tàu bị mất cả hai mỏ neo, nhưng đã tìm cách để đến được điểm hẹn tiếp theo ở Valparaiso, Chile. Đoàn thám hiểm Ex. Ex. thử vận may của mình với Nam Cực một ngày sau đó.
Trưởng đoàn Wilkes được thông báo rằng tàu Peacock đã đến Valparaiso, nhưng không biết rằng tàu Relief cũng đã tới được đó. Tàu Vincennes và Porpoise giong buồm về phía bắc để đến Valparaiso. Tàu Flying Fish và Sea Gull khởi hành vài ngày sau đó là ngày 28/04. Hai con tàu nhỏ này đã bị những cơn bão vùi dập và tàu Flying Fish chạy thoát trở lại cảng Orange, nhưng bi kịch là tàu Sea Gull đã mất tích cùng tất cả 18 thủy thủ ở gần mũi Cape Horn.
Năm chiếc tàu còn lại đã đến được Valparaiso. Tàu Relief không còn đủ an toàn để đi biển nên quay trở lại Hoa Kỳ. Chỉ còn lại bốn con tàu, hạm đội đã giong buồm qua Thái Bình Dương, gặp gỡ và khám phá các hòn đảo dọc đường đi. Vào giữa tháng Tám, họ cố ghé vào bờ giữa Quần đảo Tuamotu nhưng bị người bản địa đánh bại bằng giáo và gậy gộc. Thay vì cố đổ bộ vào đất liền, các con tàu tiếp tục giong buồm, và cuối cùng cũng gặp được những người bản xứ thân thiện. Các nhà khoa học và các nhà khảo sát đã đặt chân lên hòn đảo Tahiti, quần đảo Samoa, và quần đảo Fiji. Tháng Mười Một, các con tàu khởi hành đến Sydney, họ sẽ ghé thăm lục địa này và các hòn đảo xung quanh, đồng thời lên kế hoạch cho nỗ lực thứ hai ở vùng Nam Cực.
Trở lại Nam Cực
Một ngày sau lễ Giáng sinh năm 1839, ba con tàu lớn nhất — Vincennes, Peacock, và Porpoise ― tiến về Nam Cực. Vào ngày 09/01, chỉ huy Wilkes nhận thấy các con tàu đã đi qua đảo Emerald, “nhưng không nhìn thấy hòn đảo này … do đó tôi suy đoán rằng hòn đảo này không tồn tại trong khu vực mà nó được ghi nhận.” Ông Wilkes đã đúng. Đảo Emerald là một trong nhiều địa điểm được các nhà thám hiểm trước đây ghi nhận mà không thực sự tồn tại.
Vào ngày 11/01, thủy thủ đoàn kinh qua một vùng “sương mù dày đặc” làm giảm tầm nhìn của họ xuống một phần tư dặm và “gần như không thể nhìn được xa hơn chiều dài của con tàu.” Vào ngày 16/01, chỉ huy Wilkes cho biết cả ba con tàu đều đã thấy đất liền và “có thể nhìn thấy rõ các ngọn núi.” Đã có một cuộc tranh luận giữa trưởng đoàn Wilkes và nhà thám hiểm người Pháp Dumont d’Urville, về việc ai là người đã phát hiện ra đất liền đầu tiên, nhưng nghi vấn dường như đã được giải đáp vào năm 1910 nhờ Chuẩn đô đốc John E. Pillsbury, người ủng hộ ông Wilkes.
Đoàn thủy thủ đi thuyền dọc theo vùng ven biển với hy vọng nhìn được hòn đảo ở cự ly gần nhất nhằm xác định liệu Nam Cực có phải là một lục địa hay không, hay là một tập hợp các hòn đảo như từng được giả định trước đó. Khi các thành viên của đoàn thám hiểm thăm dò vùng nước băng giá và cố tránh các núi băng, thì một cơn bão nổi lên. Lúc 2 giờ chiều ngày 28/01, trưởng đoàn Wilkes nhận thấy áp suất không khí trên áp kế của mình đã giảm xuống. Ba giờ sau, một cơn cuồng phong ập đến. Các thuyền trưởng vội thu buồm lại. Đến 8 giờ tối, ông Wilkes nhận thấy những cơn gió “rất mạnh” và một “cơn bão tuyết dữ dội” trút xuống đoàn thủy thủ khiến tầm nhìn của họ không quá chiều dài hai con tàu. “Lạnh thấu xương, và mọi tia nước va vào con tàu đều hóa thành băng ngay lập tức.” Đến 10 giờ 30 phút tối, các con tàu giờ đây đã bị những núi băng “bao vây dày đặc” và họ đã “nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc.” Những cánh buồm được thu ngắn lại lần nữa. Đến nửa đêm, chỉ huy Wilkes ra lệnh cho tất cả thủy thủ di chuyển lên boong tàu. Những người đàn ông chạy qua boong tàu đã đóng băng để đến vị trí của mình, khi con tàu bị gió và sóng hất tung.
“Tôi cảm thấy cả sự thận trọng lẫn tầm nhìn xa đều không giúp ích bảo vệ con tàu và thủy thủ đoàn.” Trưởng đoàn Wilkes viết. “Tất cả những gì có thể làm là chuẩn bị cho bất cứ tình huống khẩn cấp nào có thể xảy ra, bằng cách giữ mọi người ở đúng vị trí của họ.”
Thủy thủ đoàn phải vật lộn để giữ quyền kiểm soát những con tàu, đồng thời cố gắng tránh bị rơi xuống biển, bị chết cóng, hoặc đâm vào những tảng băng trôi.
“Mọi hy vọng thoát khỏi cơn bão dường như tan biến trong chốc lát … chờ đợi từng khoảnh khắc có thể xảy ra va chạm,” ông Wilkes viết. “Con tàu cứ tiếp tục hành trình của mình, và khi chúng tôi tiến lên, một tia hy vọng đã lóe sáng, bởi vì chúng tôi tình cờ phát hiện một lối đi thông thoáng giữa hai đảo băng lớn, mà nếu thời tiết đẹp chúng tôi sẽ không dám mạo hiểm đi qua.”
Chỉ huy Wilkes và các thuyền trưởng cộng sự khác đã dám mạo hiểu, nhưng ngay sau khi họ đi qua và “thoát khỏi thương vong khủng khiếp” … họ “lại bị bão tố vùi dập lần nữa.” Cho đến tận 7 giờ sáng hôm sau, “thời tiết mới có một số biểu hiện dịu đi.” Các thành viên của đoàn Ex. Ex. cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm, “tạ ơn Thượng Đế đã dẫn dắt, trong nom và bảo hộ họ.”
Vào thời điểm này, các quan chức y tế đưa ra khuyến nghị từ bỏ khảo sát vùng biển băng giá, nhưng chỉ huy Wilkes vẫn rất kiên định. Ông không hề nản lòng. Vào ngày 02/02, các thủy thủ đoàn lại nhìn thấy đất liền lần nữa, nhưng chỉ nhìn được trong thời gian ngắn. Một cơn bão ập đến và kéo dài năm ngày. Đất liền được nhìn thấy một lần nữa vào ngày 10 và ngày 12, và trong những ngày tiếp theo cho đến ngày 17. Ba con tàu tiếp tục hải trình cho đến ngày 21/02 nhưng không còn thấy đất liền nữa. Chỉ huy Wilkes tin rằng sứ mệnh khám phá Nam Cực của mình đã hoàn thành. Chuyến thám hiểm Wilkes cũng chính thức xác nhận lục địa thứ bảy này.
Những nguy hiểm trên quần đảo Thái Bình Dương
Những con tàu cập cảng Sydney ba tuần sau đó và các con tàu được đại tu. Tàu Flying Fish đã tham gia trở lại, và đoàn thám hiểm Ex. Ex. rời khỏi Sydney để đến New Zealand, đảo Tongatapu, và quần đảo Fiji. Thuyền buồm đến sau cùng và đã va phải một tảng đá ngầm, bị vỡ toạc một phần sống tàu. Bốn con tàu đã đến thăm đảo núi lửa Malolo, nhưng hai thủy thủ đã bị người bản địa trên đảo sát hại. Chỉ huy Wilkes đã cho tấn công vào các bãi biển, chôn cất thành viên của ông, và chiến đấu với người bản địa, tiêu diệt 60 người và phá hủy hai ngôi làng. Cuối cùng, những người bản địa đã kêu gọi hòa bình.
Đoàn thám hiểm rời quần đảo Fiji và đến quần đảo Hawaii. Tàu Vincennes vẫn ở lại Honolulu trong mùa đông. Tàu the Porpoise quay trở lại quần đảo Tuamotu. Tàu Peacock và Flying Fish quay trở lại quần đảo Samoa và cũng đã thăm dò nhiều hòn đảo khác. Vào tháng Ba, bốn con tàu đã tập hợp ở thành phố Honolulu, và ngày 05/04/1841, các con tàu giong buồm trở về Mỹ quốc.
Băng qua Thái Bình Dương và trở lại lần nữa
Vào ngày 28/04, bốn con tàu đến được sông Columbia vùng duyên hải Oregon. “Khó có mô tả nào có thể cho thấy sự khủng khiếp của bãi cạn ngầm Columbia,” ông Wilkes viết. Các nhà khoa học, nghệ sĩ, và các nhà khảo sát đã rà soát khắp Xứ Oregon trong vài tháng sau đó.
Vào ngày 18/07, bất chấp nỗi kinh hoàng về các bãi cạn, tàu Peacock cố gắng tiến vào cửa Sông Columbia nhưng đã gặp thảm họa. Con tàu bị mắc kẹt và mất 24 giờ vật lộn mới tự thoát ra được. Thủy thủ đoàn đã bỏ lại con tàu, mang được càng nhiều nhu yếu phẩm và các hiện vật khoa học càng tốt. Đó là thời điểm giao tranh giữa sự sống và cái chết. Tất cả thủy thủ đều thoát hiểm để đến Pháo đài George gần đó, thuộc vùng Astoria thời nay, nhưng tàu Peacock đã bị vỡ tan thành từng mảnh.
Chỉ huy Wilkes đến và mua một chiếc thuyền hai cánh buồm ở địa phương để thay thế cho tàu Peacock. Con thuyền được đổi tên thành Oregon. Thận trọng tối đa, từ ngày 28/08 đến ngày 14/09, tàu Porpoise và tàu Flying Fish đã theo dòng sông Columbia đi đến tận Pháo đài Vancouver. Vào thời điểm này, tàu Vincennes đang ở Vịnh San Francisco và khám phá sông Sacramento. Cả bốn con tàu rời khỏi Vịnh này để băng qua Thái Bình Dương khám phá các vùng lãnh thổ Á Châu. Tàu Vincennes và tàu Flying Fish tiến vào vùng Biển Đông, thả neo ở Manila (Philippines). Sau Manila, tàu Vincennes vượt biển Sulu và thả neo tại Suong, thủ phủ của tỉnh Sulu.
Tàu Vincennes đã đến Singapore, nơi ba con tàu khác đang chờ để thực hiện chặng đường cuối của hành trình kéo dài bốn năm. Tàu Peacock gặp thảm họa đã làm mất thời gian và cản trở việc khám phá Nhật Bản. Ngoài ra, tàu Flying Fish không còn đủ khả năng đi biển nữa và được bán trước khi đến điểm cuối cùng của cảng New York.
Đoàn Thám hiểm Khám phá của Hoa Kỳ đã khởi hành với sáu chiếc tàu, nhưng trở về chỉ còn ba chiếc, và chỉ có hai chiếc tàu ban đầu là: Vincennes và Porpoise.
Đoàn thám hiểm Ex. Ex. trở về
Đó là một cảnh tượng vinh quang khi ba con tàu trở về Hoa Kỳ, nhưng vinh quang hơn là việc mang về những gì thuộc về sinh thái học.
Chuyến thám hiểm Wilkes đã kiến tạo ra 241 biểu đồ, vẽ chi tiết 280 hòn đảo ở Thái Bình Dương, lần đầu tiên vẽ toàn bộ nhóm quần đảo Fiji. Đoàn thám hiểm cũng vẽ ra 800 dặm bờ biển Oregon, 100 dặm sông Columbia, một tuyến đường bộ từ Oregon đến San Francisco, và 1,500 dặm bờ biển Nam Cực được xem là quan trọng nhất, được xác nhận là lục địa thứ bảy của thế giới.
Từ những cuộc phiêu lưu này, đoàn thủy thủ đã sưu tầm hơn 4,000 hiện vật dân tộc học, nhiều hơn một phần ba so với những mẫu vật thu thập được từ ba chuyến đi của nhà thám hiểm Cook. Nhà tự nhiên học Titian Peale thu thập được 2,150 loài chim, 134 loài động vật có vú, và 588 loài cá. Nhà địa chất James Dana thu thập được 300 loại hóa thạch, 400 loài san hô, và 1,000 loài động vật giáp xác. Có hơn 200 loài côn trùng và động vật học được thu thập trong các lọ, và hơn 5,000 mẫu vật lớn hơn được đặt trong các túi lớn. Trong số các bộ sưu tập thực vật và làm vườn, các nhà khoa học là ông William Rich, ông William Brackenridge, và ông Charles Pickering đã sưu tầm được 50,000 mẫu vật đáng kinh ngạc của 10,000 chủng loài khác nhau, cộng thêm 1,000 loại cây vẫn còn sống và khoảng 650 hạt giống thuộc các loài thực vật khác.
Khi hàng chục ngàn mẫu vật được mang về đất nước, chính phủ Hoa Kỳ đã rất bối rối để tìm nơi cất giữ chúng. Ông Poinsett và Paulding quyết định đặt các bộ sưu tập trong Đại sảnh dài 265 foot (khoảng 81m) của Tòa nhà Văn phòng Sáng chế (Patent Office Building) ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong thập niên tiếp theo, mỗi năm có hơn 100,000 người đến tham quan “Bộ sưu tập của Chuyến Thám hiểm Khám phá” trong Văn phòng Sáng chế.
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times