Nhà phát minh người Pháp, khinh khí cầu, và chuyến bay đầu tiên của Mỹ quốc
Khoảng 15 tháng sau khi ngài George Washington tuyên thệ nhậm chức tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, Đạo luật Định đô năm 1790 (Residence Act of 1790) được thông qua. Đạo luật này chính thức chuyển thủ đô của quốc gia từ Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania đến Hoa Thịnh Đốn. Đạo luật đưa ra thời hạn 10 năm để thành lập thành phố thủ đô và xây dựng “Tòa nhà Tổng thống.” Vì vậy, việc chuyển đổi sẽ không diễn ra cho đến năm 1800.
Vào năm ngài Washington trở thành tổng thống, một cựu bác sỹ người Boston và là người trung thành với Đế quốc Anh (Loyalist) trở về nước sau một thời gian xa xứ. Ông John Jeffries sinh ra và lớn lên ở Boston, theo học tại Đại học Harvard và sau đó lấy bằng y khoa từ Đại học Marischal ở Scotland. Vào năm 1775, khi xung đột nổ ra giữa những người Mỹ thuộc địa và Vương quốc Anh, ông Jeffries là bác sỹ phẫu thuật tại bệnh viện tỉnh Massachusetts trên Đảo Rainsford ― một hòn đảo nhỏ ở Cảng Boston.
Là một bác sỹ phẫu thuật có thiện cảm với người Anh, ông đã dùng các kỹ năng của mình phục vụ cho hoàng gia Anh, chuyển từ Boston đến Nova Scotia đến nước Anh (nơi ông được thăng chức thành bác sỹ phẫu thuật trưởng) đến New York và sau đó đến Charleston. Khi ở Charleston vào mùa xuân năm 1780, ông nhận được tin vợ ông, vẫn đang ở Anh, đã qua đời. Ông trở về London với các con và tiếp tục hành nghề y ở đó cho đến khi quay lại Mỹ quốc vào năm 1789.
Một hiệp ước và một chuyến bay
Vào ngày 03/09/1783, Hiệp ước Paris được ký kết, chính thức kết thúc Chiến tranh giành Độc lập của Mỹ quốc (1775–1783). Mười sáu ngày sau tại Versailles, nước Pháp, một đám đông lớn tề tựu, trong đó có Vua Louis XVI và gia đình hoàng gia, để chứng kiến chuyến bay của Le Réveillon, một khinh khí cầu do hai anh em Joseph và Étienne Montgolfier chế tạo. Đây là khinh khí cầu đầu tiên chở theo các sinh vật sống: một con vịt, một con cừu, và một con gà trống. Khinh khí cầu này bay tới độ cao gần 2,000 feet (~610m) trước khi bị một lỗ thủng trên vải khiến nó từ từ hạ xuống mặt đất. Các con vật không bị thương. Chúng được phong là “anh hùng trên không” và được đưa vào Vườn thú Hoàng gia (Royal Menagerie). Ông Pilâtre de Rozier, một phi hành gia đầy tham vọng, đã có mặt tại màn trình diễn này. Hai tháng sau, ông cùng với sử gia François Laurent, hầu tước D’Arlandes, thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên.
Ý tưởng bay lên trời (mà giờ đây hoàn toàn có thể xảy ra) đã gây chấn động khắp châu Âu. Nam tước Grimm, một ký giả kiêm nhà phê bình nghệ thuật người Đức viết: “Trong tất cả nhóm bạn của chúng tôi, trong tất cả các bữa ăn, tại phòng chờ của những quý bà xinh đẹp, cũng như trong các trường học, tất cả những gì người ta nghe được là những đồn đoán về các cuộc thử nghiệm, không khí trong khí quyển, khí dễ cháy, xe hơi bay, những cuộc hành trình trên bầu trời.”
Trong số nhóm bạn đó có ông Jeffries, một người Mỹ lưu vong và đang sống tại London. Tuy nhiên, vị bác sỹ phẫu thuật này không hài lòng với việc mình chỉ là một khán giả. Mặc dù ông Jeffries không muốn tham gia Cách mạng Mỹ, nhưng ông vẫn ước ao được trở thành một phần của chuyến bay khinh khí cầu này.
Mối liên kết với người Pháp
Ông Jeffries đã dùng tài sản của mình để tài trợ cho những nỗ lực của ông Jean Pierre Blanchard (1753 – 1809), một nhà phát minh trẻ ưu tú người Pháp và là một nhà thám hiểm khinh khí cầu đang gặp khó khăn. Ông Blanchard từng bị chế nhạo sau khi “cỗ máy biết bay giống chim, có sáu cánh và một cái đuôi” của ông không thể bay trước đám đông [khán giả] Paris. Mặc dù thất bại [trong lần thử nghiệm] “cỗ máy biết bay” vào tháng 05/1782, nhưng cuối cùng ông đã gặt hái thành công vào tháng 03/1784 nhờ khinh khí cầu bay bằng khí hydro. Tuy nhiên, danh tiếng của ông ở Pháp đã gần như giảm sút hoàn toàn. Khi Blanchard đến nước Anh để tìm kiếm những người ủng hộ nhiệt tình và khoan dung hơn, và có lẽ là nhiều nhà tài trợ có thiện ý hơn, thì ông đã gặp bác sỹ Jeffries. Vị bác sỹ phẫu thuật này đồng ý tài trợ cho ông Blanchard với lời báo trước rằng ông cũng sẽ bay trên khinh khí cầu.
Vào ngày 30/11/1784, chuyến bay đầu tiên của họ diễn ra tại London, trước giới quý tộc Anh, trong đó có cả Hoàng tử xứ Wales. Ông Blanchard và Jeffries bắt đầu lên kế hoạch một chuyến đi giúp khẳng định tên tuổi của cả hai trên bản đồ thế giới: một chuyến bay qua eo biển Anh.
Vào ngày 07/01/1785, tại thành phố Dover, nước Anh, hai ông Blanchard và Jeffries bước lên khinh khí cầu với niềm hy vọng trở thành người đầu tiên bay qua eo biển Anh. Gió đã ủng hộ họ, đẩy họ về phía đông. Khi họ đang lơ lửng bay trên mặt biển, khinh khí cầu đột nhiên bắt đầu mất độ cao. Ông Blanchard và Jeffries nhanh chóng ném vật dằn ra ngoài. Tuy nhiên, khinh khí cầu vẫn hạ xuống phía mặt nước. Cả hai quyết định vứt tất cả đồ đạc không thực sự cần thiết. Khi còn cách mặt nước chưa đầy 100 feet (~30,5m), khinh khí cầu cuối cùng bắt đầu bay lên trở lại. Sau khi bay về phía đông tới Calais trong hai giờ, khinh khí cầu đã tới Pháp. Bay thêm nửa giờ bay trên đất liền, ông Blanchard và Jeffries, chỉ còn mặc nội y và phao cứu sinh làm bằng nút bần, đã hạ cánh an toàn.
Hướng đến phương Tây
Ông Blanchard đã tận dụng sự thành công của mình [để bay] khắp châu Âu. Vào năm 1785 và 1786, nhà thám hiểm khinh khí cầu người Pháp này đã trở thành người đầu tiên bay ở Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ, và Ba Lan. Vào năm 1789, nước Anh đang phải chống lại một cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng này diễn ra ngay bên kia eo biển Manche ở Pháp. Có lẽ vì không muốn bị cưỡng bách nhập ngũ hoặc đơn giản là vì nhớ nhà, ông Jeffries đã quay lại Boston.
Khi đất nước ông đang trong cuộc cách mạng, người đàn ông Pháp này đã thực sự tìm thấy một mái nhà ở Anh cũng như một thế giới ca ngợi sự táo bạo và những thành tựu của ông. Giờ đây mặc dù đã chinh phục được Cựu Thế giới, nhưng ông cũng hướng về Tân Thế giới. Vào ngày 30/09/1792, ông Blanchard giong buồm từ Anh đến Mỹ quốc. Vào ngày 09/12, ông đến Philadelphia.
Trong tháng tiếp theo, phi công khinh khí người Pháp này đã sẵn sàng đưa Mỹ quốc vào cuộc cách mạng bay. Quá phấn khích đến mức không thể ngủ được, ông Blanchard dậy rất sớm vào buổi sáng ngày diễn ra chuyến bay. Khinh khí cầu đã đợi ông ở sân của Nhà tù Phố Walnut, và trước lúc bình minh, ông đi kiểm tra tới lui quả khí cầu và phần giỏ.
Tổng thống Washington và ‘lượng người xem ngoài sức tưởng tượng’
Chuyến bay dự kiến diễn ra vào lúc 10 giờ sáng. Khi đám đông tụ tập, Tổng thống Washington đã gặp ông Blanchard. Tổng thống cấp cho ông một giấy thông hành có tác dụng như hộ chiếu. Giấy thông hành này được Ngài Washington ký và nêu rõ rằng nếu bất kỳ ai tiếp xúc với ông Blanchard, họ “không được phép gây trở ngại hoặc quấy nhiễu Ngài Blanchard có tên trên đây; mà ngược lại, họ phải tiếp nhận và trợ giúp ông bằng lòng nhân đạo và thiện chí, điều có thể mang lại danh dự cho đất nước của họ, và công bằng cho một cá nhân vô cùng xuất chúng nhờ nỗ lực thiết lập và phát triển một môn nghệ thuật, với mục đích mang lại lợi ích cho nhân loại nói chung.”
Một ban nhạc đã biểu diễn chào mừng khán giả, đại bác bắn mỗi giờ, và chiếc khinh khí cầu nhanh chóng được bơm đầy khí. Chính trong tuần này năm xưa, ngày 09/01/1793, lúc 10 giờ sáng, ông Blanchard đã bắt đầu chuyến bay đầu tiên ở Mỹ quốc. Khi khinh khí cầu bay lên, đám đông cũng hò reo. Ông ghi nhận “lượng người xem ngoài sức tưởng tượng, phủ kín những nơi đất trống, mái nhà, gác chuông, phố xá và những con đường” khi ông dần bay xa khỏi đám đông, hướng về phía sông Delaware.
Ông Blanchard chất đầy thức ăn, những chai rượu, thiết bị đo khí tượng, và một chú chó lên khinh khí cầu của mình. Khinh khí cầu đạt tới độ cao hơn 5,800 feet (~1,768m), nhưng ông nhanh chóng nhận thấy phía trước là sương mù dày đặc. Ông đã đưa ra quyết định sáng suốt là hạ cánh khinh khí cầu. Sau khi bay khoảng 15 dặm trong gần một giờ, ông Blanchard đã hạ cánh khinh khí cầu ở thị trấn Deptford, tiểu bang New Jersey.
Khinh khí cầu đã thu hút chú ý từ người dân địa phương nên nhiều người đã đến gần sau khi ông hạ cánh. Người đầu tiên đến, tỏ vẻ lo lắng và nghi ngờ, suýt nữa quay đi cho tới khi ông Blanchard nâng những chai rượu của mình lên. Người đàn ông đó đã ở lại để giúp ông. Những người đàn ông và phụ nữ khác cũng đến và thậm chí còn giúp đỡ nhiệt tình hơn khi ông xuất trình giấy thông thành của Ngài Washington.
“Những người dân này yêu quý cái tên Washington biết bao!” ông Blanchard hồi tưởng. “Họ đã nhiệt tình giúp đỡ tôi bằng mọi cách có thể.”
Ông Blanchard tiếp tục bay với khinh khí cầu nóng cho đến chuyến bay cuối cùng vào tháng 02/1808, ông bị đau tim hoặc là đột quỵ và rơi khỏi khinh khí cầu từ độ cao 50 feet (~15m). Những vết thương đã khiến ông qua đời một năm sau đó. Tổng thống Washington cũng không chứng kiến thế kỷ 19, ngài qua đời vào tháng 12/1799, nhưng ngài đã có thể thoáng nhìn thấy tương lai, đồng thời bảo đảm tương lai cho hàng triệu người Mỹ bằng tài lãnh đạo và điều hành đất nước của mình. Còn ông Jeffries sống thọ hơn cả hai người, ông qua đời vào năm 1819.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times