Di sản nghệ thuật của Vương triều Tudor Anh quốc (Phần 1)
Một buổi triển lãm tốt là một cuốn lịch sử ba chiều, khiến khán giả kinh ngạc, thán phục và kích thích tư duy. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16, ba đời vua của Vương triều Tudor đã chiêu mộ các nghệ thuật gia có tay nghề cao siêu, tài hoa vượt trội đến từ khắp nơi, nhằm tạo ra các tác phẩm mang sự uy nghiêm và huyền thoại cho vương triều. Sử gia gọi đây là thời kỳ phục hưng văn hóa nghệ thuật của Anh quốc. Họ nhận thức rõ vai trò của “nghệ thuật” đối với việc thống trị và ảnh hưởng của nó đối với người dân, vì vậy đã thành tựu di sản văn hóa đa dạng cho Anh quốc. Cho đến ngày nay, ấn tượng của nhiều người về “phong cách Anh Quốc” vẫn đến từ hình ảnh của Vương triều Tudor cho dù nước Anh đã trải qua nhiều lần thay đổi triều đại, cũng giống như thế hệ sau khi nói về “Thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc” đều liên tưởng đến văn hóa thời Đại Đường.
Điều thú vị là cả hai vương triều này đều ưa chuộng màu vàng. Trong triển lãm Vương triều Tudor tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York có hai tấm thảm dài khoảng 18 feet được đặt phẳng. Đó là những chiếc khăn trải bàn dùng trong các nghi thức với tông màu chủ đạo là màu vàng kim. Sau 500 năm, hoa văn dệt trên vải kate của nó vẫn còn nổi bật lên sắc vàng óng ánh. [1] (Hình 1)
Anh quốc dưới thời Vương triều Tudor là một xứ sở nghệ thuật phồn vinh. Từ khi Vua Henry VII đoạt lấy vương vị năm 1485 cho đến khi cháu gái Elizabeth I mất năm 1603, cả ba đời vua của Vương triều Tudor đều tập trung đầu tư vào nghệ thuật, thúc đẩy nó nhằm xúc tiến việc hợp pháp hóa sự cai trị của vương triều trong một loạt các hỗn loạn, phát huy tác dụng ổn định chính quyền. Đồng thời, chân chính thực hiện quốc tế hóa với những cuốn sách về sản phẩm của các nhà điêu khắc người Ý, họa sĩ người Đức, thợ dệt người Bỉ, cùng những thợ làm áo giáp, thợ kim hoàn và thợ in giỏi nhất Âu Châu, góp phần hình thành nên phong cách Anh độc đáo đặc biệt.
Lần triển lãm này thông qua hơn một trăm bức chân dung mang tính biểu tượng, những tấm thảm tráng quan, những bản thảo, những tác phẩm điêu khắc và áo giáp từ Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan hoặc mượn từ những nơi khác, để ngược dòng thời gian tìm hiểu về quá trình biến đổi nghệ thuật của Vương triều Tudor qua các thời kỳ khác nhau. (Trích lời của người phụ trách truyền thông triển lãm, Viện bảo tàng Metropolitan)
Đây là triển lãm đông người tham gia nhất được Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan thực hiện sau đại dịch, do ba bảo tàng nghệ thuật lớn là Metropolitan, Cleveland và San Francisco đồng thực hiện. Các bức tranh trong triển lãm – những bức chân dung mang nét Thần khí và có tính ngụ ngôn, còn có bộ sưu tập của quốc vương và thư tịch cá nhân .v.v. đều rất phong phú và được sắp xếp tỉ mỉ. Ngay cả khi quý vị không quen thuộc với Vương triều Tudor, nếu xem kỹ các tác phẩm và dòng chữ chú thích, quý vị cũng sẽ có ấn tượng sâu sắc về lịch sử, nhân vật và nghệ thuật của thời kỳ này.
Tấm vải lụa đỏ có khung treo trong triển lãm là loại vải dùng để quấn trẻ sơ sinh trong lễ rửa tội của tín đồ Cơ đốc (Hình 2). Người ta thêu những bông hoa đuôi yến, hoa bách hợp, hoa violet, khổng tước và một số côn trùng phát sáng bằng chỉ thêu kim loại mạ vàng và bạc, cho đến ngày nay vẫn còn lấp lánh và tinh xảo. Tuy nhiên, màu đỏ này khiến người xem có chút cảm giác sợ hãi, trưng bày tại triển lãm chân dung và di tích văn hóa tráng lệ thực sự chói mắt. Phải chăng nó ám chỉ những vụ giết chóc gây ra bởi sự xung đột giữa các tôn giáo cũ và mới? Ngoài di vật này, trong những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo trưng bày tại đây dường như không hề nhuốm mùi máu tanh của Vương triều Tudor.
Vua Henry VII (1457-1505)
“Đa nghi và tham lam, già cả nhưng ngày càng tàn ác. Khi Vua Henry VII qua đời, lòng dân vui mừng chẳng hề che giấu. Ông ta không để con trai thông hiểu chính sự mà bồi dưỡng con đam mê văn hiến, tinh xảo bút mực” (Đánh giá của David Hume về Henry VII trong cuốn “Lịch sử Anh quốc” [2]).
David Hume là một nhà sử học quan trọng của Anh quốc với kiến thức uyên bác. Tại sao ông lại nhận xét về Vua Henry VII như vậy? Charles Dickens [3] cũng đưa ra nhận xét tương tự. Nhưng Henry VII về sau xác thực đã bồi dưỡng nên một “vị vua nghệ sĩ” có tính khí bạo ngược, thất thường.
Năm 1485, sau khi đánh bại đối thủ và kết thông gia với Vương tộc York, Henry đã kết thúc ‘Cuộc chiến Hoa hồng’ kéo dài 30 năm (Wars of the Roses). Ông là người sáng lập Vương triều Tudor và được biết đến trong lịch sử với danh hiệu Vua Henry VII. Trước đây, ông luôn bôn ba chinh chiến, đoạt lấy vương quyền. Buổi đầu mới kiến lập đất nước, ông đã bộc lộ kiến giải độc đáo về thị giác. Trước hết, ông tuyên bố mình đứng sau Vua Arthur của Lancaster, kết hợp huy hiệu bông hồng đỏ của gia tộc mình cùng với huy hiệu bông hồng trắng của gia tộc York (Hình 4), tạo thành hoa văn và màu sắc biểu tượng cho Vương triều Tudor. Trên bảy tấm thảm trong buổi triển lãm cũng như trên các bức chân dung, quần áo và con dấu, đều bảo lưu màu sắc và hoa văn trang trí như vậy. Ngay cả áo giáp của võ sĩ cũng có hoa hồng đỏ (Hình 5), có thể nói là không đâu không có. Như thế, khái niệm thương hiệu vào thời điểm đó đã xuất hiện rồi.
Để tiến tới xây dựng tính hợp pháp của vương triều mới, Vua Henry VII đã chi một khoản tiền khổng lồ. Ngoài việc thuê những thợ thủ công hạng nhất từ các nước Âu Châu thời bấy giờ đến Anh quốc, ông còn cho các con của mình kết hôn với những người môi giới nghệ thuật ở Antwerp [4] và các chủ ngân hàng Ý. Có thể nói Henry VII là một vị vua “thương gia” có một không hai.
Tấm thảm lớn nhất trong buổi triển lãm này, “The Creation,” được mua lại vào khoảng năm 1502 (Hình 6). Tấm thảm này về quy mô, thiết kế và chất liệu đều là hạng nhất, phù hợp với hùng tâm tráng chí của Vua Henry VII khi đó. Đây chỉ là một phần của tấm thảm, nếu treo cả mười mảnh của nó lên, nó sẽ kéo dài hơn 300 feet. Mặc dù các thành viên hoàng gia Âu Châu khác cũng mua những tấm thảm có cùng kiểu dáng, nhưng tấm thảm của Henry là tấm duy nhất được dệt bằng chỉ vàng và bạc. Các vị vua Henry VII và VIII đã thu thập hơn 2,500 tấm thảm. Một loạt kiệt tác như vậy vào thời điểm đó tương đương với chi phí của một chiến hạm, và có hơn mười loại thảm trang trí kiểu này trong bộ sưu tập của Vương triều Tudor.
Tại sao họ nóng lòng dùng hình thức này để khiến thần dân phải thần phục? Bất kể động cơ là gì, có thể tưởng tượng ra, những di vật này có sức rung cảm và mang khí thế thời đại khi được treo đầy trên tường của cung điện Tudor. Trong triển lãm có một cuốn truyện được vẽ bằng màu trứng. Cuốn sách nhỏ làm bằng da cừu này được dịch từ cuốn sách của nhà triết học Hy Lạp Socrates, là món quà dành tặng cho Vua Henry VII của học giả và tu sĩ Filippo Alberici đến từ Mantua (hiện nằm trong Thư viện Đại học Cambridge).
Từ những văn vật này, có thể thấy rằng, Vua Henry VII đã hoạt động sôi nổi bên ngoài Anh quốc và luôn giữ liên lạc với các nghệ nhân và học giả. Trong thời kỳ đầu khai sáng vương triều, cùng với việc đạt được thành công về mặt quân sự, ông cũng hy vọng rằng, mọi người sẽ công nhận mình là một học giả.
Chú thích cho bức chân dung duy nhất của Vua Henry VII được trưng bày trong triển lãm có nội dung như thế này: “Bức chân dung ấn tượng này là bức tranh đầu tiên được sưu tầm trong Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia. Dòng chữ khắc trên đó ghi rằng bức chân dung này được vẽ vào ngày 29/10/1505 theo lệnh của Hermann Link, người đại diện cho Maximilian I, Hoàng đế La Mã Thần Thánh. Bức chân dung có lẽ được vẽ để trao đổi chân dung trong các cuộc đàm phán hôn nhân (cuối cùng việc cầu hôn thất bại), bởi vì Vua Henry VII muốn cưới con gái của Maximilian là Margaret làm vợ thứ hai.” Có vẻ như, hôn nhân và hòa thân đối với người cai trị từ cổ chí kim luôn luôn giống nhau, cũng là cuộc chiến ít đổ máu nhất.
Còn cuộc hôn nhân của con trai ông, người thừa kế Vua Henry VIII có thể coi là đẫm máu.
Vua Henry VIII (1491-1547)
Henry VIII thừa kế ngai vàng khi mới 17 tuổi. Ông kết hôn tổng cộng sáu lần. Vì để cưới được tân hoàng hậu, ông không ngần ngại ly khai khỏi Giáo hội Công giáo La Mã, vì vậy Anh quốc mới có Giáo hội Anh giáo. Hai trong số sáu nữ hoàng đã bị ông tiễn lên đoạn đầu đài, một trong số đó là Anne Boleyn – mẹ của Nữ hoàng Elizabeth I.
Ngay khi Henry VIII lên nắm quyền, ông đã xử trảm hai đại thần của cha mình là Tước sĩ Edmund Dudley và Tước sĩ Richard Empson. Đây là những trợ thủ đắc lực của cha ông trong việc thu thuế, vơ vét của cải. Điều này đòi hỏi sự gan dạ và năng lực rất lớn đối với một vị vua trẻ tuổi vừa mới lên ngôi.
Trong cuộc đấu tranh với Giáo hoàng, ông đã giết John Fish, Giám mục Rochester London (hình 9). Bức tượng của John Fish trong phòng triển lãm là tác phẩm của nhà điêu khắc Pietro Torrigiano người Ý. Đôi mắt sắc bén cho thấy rằng vị giám mục này đã kiên định bảo vệ Giáo hội Công giáo La Mã cho đến chết.
Đại Chưởng ấn Thomas More (Hình 10) bị đưa lên máy chém vì phản đối việc quân quyền cao hơn thần quyền. Bức chân dung của Moore là một trong những kiệt tác của Hans Holbein the Younger và nằm trong bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Frick Collection. Có người từng nói rằng, nhìn thấy sợi dây chuyền vàng đeo trên ngực Moore trong bức tranh khiến răng anh ấy va vào nhau, bởi vì nét vẽ của Hans Holbein the Younger đã thể hiện ý chí và tinh thần đấu tranh của More với Henry VIII.
Câu chuyện của More cũng đã được kể lại trong bộ phim tiểu sử “The Man for All Season” (Tạm dịch: Người đàn ông của mọi mùa) được quay tại Anh quốc vào năm 1966. Bức chân dung của Hans Holbein the Younger về More chứa đầy những dòng chữ khắc, huy chương và những ẩn dụ khiến người ta suy ngẫm. Đó là một kiểu kể chuyện bằng thị giác, mà người hiện đại cho là một kiểu thời thượng. Từ Basel đi đến London, Hans Holbein the Younger mới đầu là phục vụ cho gia tộc More, về sau mới trở thành họa sĩ cung đình của vua Henry.
Trong triển lãm có một bức chân dung ký họa của Anne Boleyn (Hình 11), cũng là tác phẩm của Hans Holbein the Younger. Tuy là phác họa, nhưng bức chân dung cho thấy Anne là một phụ nữ có tư tưởng và cá tính mạnh mẽ. Trên thực tế, sáu hoàng hậu của vua Henry đều là những phụ nữ được giáo dục tốt, nhưng chỉ có người cuối cùng, Catherine Parr, mới có một kết thúc có hậu.
Vua Henry VIII thông thạo nhiều ngôn ngữ, hơn nữa học thức phong phú. Đối với việc thưởng thức nghệ thuật và phong thái, ông có tuệ nhãn và tầm nhìn độc đáo. Trong triều đại của ông có Hans Holbein the Younger của Đức, nhà điêu khắc của Ý, thợ thủ công hạng nhất của Bỉ, thợ in của Hà Lan v.v. tất cả đều được mời đến Anh để trọng dụng. Hans Holbein the Younger không chỉ là họa sĩ vẽ chân dung của vua Henry VIII, mà còn là người thiết kế nhiều đồ trang trí cung điện khác nhau, đồng thời còn thiết kế chân dung, huy hiệu, con dấu, sách, đồ trang trí nội thất v.v. cho triều thần và quý tộc của Vương triều Tudor. Phàm là những thứ thể hiện hình ảnh của vương triều, Hans Holbein the Younger đều có thể đảm nhiệm. Ông cũng tinh thông âm nhạc và văn học như vua Henry VIII. (Hình 12)
Cuốn “Lịch sử Anh quốc” (The History of England) do Hume viết nói rằng, vua Henry VIII là người say mê nghiên cứu học thuật, đồng thời cũng dẫn dắt những người xung quanh khám phá tri thức. Ông là người sáng lập trường Trinity College ở Cambridge, cũng là vị vua đầu tiên nghiên cứu địa lý châu Mỹ ở Âu Châu.
Vào thời điểm đó, Francois I của Pháp, Charles V của Holy Rome và Henry đã cạnh tranh nhau các mỹ danh tôn sùng nghệ thuật. Francois I là một người nổi tiếng yêu thích và ủng hộ nghệ thuật. Ông đã đưa Leonardo da Vinci từ Ý đến Chateau de Clos Lucé ở Pháp để cung dưỡng. Những năm cuối đời của bậc thầy này đã sống tại nơi đây. Ba vị vua, mỗi người cư trú một phương, không chỉ đọ sức với nhau về khả năng thưởng thức nghệ thuật, mà còn giao chiến với nhau. [5]
Hans Holbein the Younger đã vẽ Vua Henry VIII khi về già (khoảng 50 tuổi) (Hình 14 và 15), với khuôn mặt hơi trầm mặc, quần áo lộng lẫy đính chi chít đá quý. Hans Holbein the Younger đã sử dụng màu vàng đắt nhất lúc bấy giờ làm màu chủ đạo của quần áo và màu xanh coban làm màu nền. Đây là một bức chân dung uy nghiêm, Henry VIII đứng dang rộng hai chân. Tư thế này do họa sĩ nghĩ ra hay là dáng đứng thật sự của Henry? Kỹ xảo vi tế của họa gia đã miêu tả được hình tượng uy vũ và mang tính bất khả xâm phạm của vị vua này.
Điều khá thú vị là ở một bức chân dung khác lại là một khuôn mặt bình thường của Henry VIII, chỉ có cái mũi là có thể nhận ra: chiếc mũi khoằm độc nhất vô nhị của hoàng gia Tudor (Hình 16), được vẽ bởi một họa sĩ vô danh người Hà Lan (khoảng năm 1520).
Đặc điểm tính cách của Henry VIII rất phức tạp, đối xử tàn nhẫn với người khác, khao khát nghệ thuật và tri thức, ưa thích hoạt động thể chất. Ông chỉ đạothị phát triển ngành in ấn và chấn hưng nghiên cứu học thuật [6], thu thập các tấm thảm liên quan đến câu chuyện trong “Kinh Thánh.” Điểm này rất giống với cha ông (Hình 17). Có một cuốn sách nhỏ bằng giấy da, là những bài thơ trong “Cựu Ước” do Vua David viết kèm theo minh họa bằng màu trứng. Đây là cuốn sách cầu nguyện của riêng ông, trên đó còn có chú thích, đây là khía cạnh niềmđức tin của ông đối với Chúa (Hình 17-1).
Sự nhiệt tình của vua Henry VIII đối với tôn giáo gần như là cuồng nhiệt – có thể thấy điều đó từ tấm thảm khổng lồ “Thánh Paul ra lệnh đốt sách dị giáo” (Saint Paul Directing the Burning of the Heathen Books). Bản thân Henry VIII thường ra lệnh đốt công khai những cuốn sách mà ông cho là dị đoan, gồm cả bản dịch “Kinh Thánh” Anh ngữ chưa qua ủy quyền của William Tyndale. Việc thu thập những tấm thảm này, vua Henry phải chăng tự cho rằng mình là Thánh Paul, là người phát ngôn thay thế cho Giáo hoàng Công giáo?
“Ông ấy là vị vua được yêu mến nhất, cũng bị căm ghét nhất, được ngưỡng mộ nhất và cũng khiến người ta sợ hãi nhất. Di sản của ông ấy ở bên chúng ta mỗi ngày – sự trỗi dậy của nước Anh như một quốc gia hải quân, sự pha trộn kỳ lạ giữa chính giáo và ‘Giáo hội Anh giáo’, những lâu đài và cung điện tráng lệ mà ông đã xây dựng, cho đến truyền kỳ bất hủ về sáu người vợ của người đàn ông này, tất cả đều mãi mãi hấp dẫn người ta” – Đây là bình luận của Glenn Richardson về Vua Henry VIII trong cuốn “The Field of Cloth of Gold” (Tạm dịch: Cánh đồng vải vàng).
David Hume, tác giả cuốn “Lịch sử Anh quốc,” nhận xét về vua Henry VIII rằng: “Ở một mức độ nào đó, ông ấy có thể được gọi là một vị vua vĩ đại, nhưng sự chuyên chế và man rợ khiến ông không đủ tiêu chuẩn để được gọi là một vị vua tốt… Ông ấy luôn tranh đấu, không bao giờ khuất phục, không bao giờ khoan dung.”
(Còn tiếp)
Sách và tài liệu tham khảo:
[1] Nước Anh hoặc miền nam Hà Lan, 1514-80, sử dụng sợi len, len, lụa, bạc, dây kim loại phủ bạc mạ vàng. Một mê cung sân vườn kết hợp với cách dệt kiểu Celtic truyền thống của Anh, toàn bộ tấm thảm là sự kết hợp của hoa kim ngân với hoa cúc Margaret và hoa hồng Tudor.
[2] Trích từ “Lịch sử Anh quốc” (The History of England) do David Hume viết. Quyển ba, trích dẫn bản dịch tiếng Trung của ông Lưu Trọng Kính (Liu Zhongjing).
[3] Charles Dickens nhận xét về Vua Henry VII: “Xác thực là có năng lực, gian xảo, giỏi mưu mô, vì tiền không từ thủ đoạn.”
[4] Antwerp ngày nay thuộc Bỉ, là một trung tâm giao dịch nghệ thuật quan trọng ở Âu Châu vào thế kỷ 16, duy trì như vậy cho đến thế kỷ 17, 18 và đầu thế kỷ 19.
[5] Trong cuốn “Henry VIII” (Henry The Eighth, 1929), tác giả (Hackett Francis) đã chỉ trích quốc vương gay gắt: “23 tháng sau khi Henry và Francois I gặp nhau tại Calais để tiệc tùng và phô trương sự giàu có của họ, Henry đã tham gia cùng Charles V (kẻ thù cũ của Francois) để cùng Charles V chiến đấu chống lại Pháp, ông ta đã phản bội bạn bè, phản bội đồng minh. Do đó, châu Âu đã phải chịu đựng 38 năm chiến tranh, cướp đi sinh mạng của nửa triệu người.”
[6] “Sự ra đời của sách in,” Nhà xuất bản Miêu Đầu.
Wei J C thực hiện
Liên Thư Hoa biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ