Sự thức tỉnh của một nữ quân nhân Trung Quốc: Hy vọng thế hệ tương lai không phải chịu nỗi đau tương tự
“Quá trình khai thông tư tưởng của tôi đến rất muộn. Về cơ bản, những năm tháng tuổi trẻ quý báu nhất của cuộc đời tôi đều phải làm thành viên của đội quân ‘ngũ mao’ và ‘phấn hồng’ …”. Cô Bạch Lưu Tô là một nữ quân nhân đã xuất ngũ. Cô đã chia sẻ quá trình thức tỉnh của bản thân, từ một ‘tiểu phấn hồng’ cực đoan đến khi nhận ra sự dối trá và tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cô Bạch Lưu Tô là người ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Ở Thâm Quyến có thể thực hiện chiếu khán đến Hồng Kông nhiều lần trong một năm (một tuần một lần), vì thế cô Bạch thường xuyên đến Hồng Kông và cảm thấy Hồng Kông hoàn toàn khác biệt so với Hoa lục.
“Nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống trong nhà chúng tôi như gạo, mỡ, dầu, muối đều mua ở Hồng Kông, kể cả việc chích ngừa cho con tôi,” cô Bạch nói. “Tôi rất khao khát chế độ ở Hồng Kông. ĐCSTQ là một đảng chính trị độc tài, nó đã cướp đoạt rất nhiều tài nguyên xã hội, đàn áp tàn bạo đối với tôn giáo tín ngưỡng. Hồng Kông là mảnh đất văn minh cuối cùng còn lại của người dân Trung Quốc chúng tôi.”
Cô Bạch của mười năm về trước không phải là người như vậy. Cô từng phục vụ trong quân đội, và vô cùng yêu mến chính quyền ĐCSTQ.
Nhập ngũ
Năm 2005, khi cô Bạch Lưu Tô tốt nghiệp trung học, người thân trong nhà tìm cách lo cho sự nghiệp tương lai của cô. Mọi người nghĩ rằng nếu cô nhập ngũ vào quân đội thì sau này khi xuất ngũ có thể sẽ được phân một công việc chính thức. Vì vậy, gia đình cô đã chi một số tiền rất lớn để cô được vào quân đội.
Cô Bạch cho biết, có chỉ tiêu đối với nữ quân nhân, nhưng chỉ tiêu này bị chia cắt cho các mối quan hệ ở bộ chỉ huy quân sự. Muốn tìm tới người có mối quan hệ kiểu này, thì không được chuyển khoản, mà phải đưa tiền mặt, sau đó nhận được một chỉ tiêu, rồi đi kiểm tra sức khỏe. Cô Bạch nói: “Lúc đó chúng tôi tốn hơn 200 ngàn nhân dân tệ. Ngay khi trở thành tân binh, tiểu đội trưởng điểm danh chúng tôi và hỏi từng người một: Nhà cô đã tốn bao nhiêu tiền? Nhà người kia đã bỏ ra bao nhiêu tiền? Trong lòng mọi người đều biết rõ.”
Cô Bạch được phân đến một đơn vị thông tin ở Bắc Kinh. Đó là một trong những đơn vị thông tin hàng đầu trong quân đội, đãi ngộ rất tốt, được khám chữa bệnh tại Bệnh viện 301, khẩu phần ăn cũng không tệ. Trạm đài số 1 là tổng đài đường dài chuyên chuyển tiếp điện thoại cho những nhân vật cao cấp, có tính bảo mật đặc biệt cao. Số điện thoại của những vị lãnh đạo kia đều được thay đổi mỗi tuần.
Sau khi gia nhập ngũ, cô Bạch mới nhận ra nơi này đặc biệt hủ bại.
“Đội tân binh mới đến đều bị đánh đập. Tiểu đội trưởng còn bắt chúng tôi cởi hết quần áo, biến thái đến mức như vậy. Họ còn đòi tiền của chúng tôi. Chúng tôi đều phải đưa tiền cho họ. Những nữ binh ở trạm số 1 còn bị lãnh đạo ép đi ra ngoài tiếp rượu. Mọi người đều nói, hai nữ binh được đề bạt công tác ở nhà khách Kinh Tây kia là nhờ tiếp rượu và ngủ cùng [lãnh đạo], thật kinh khủng.”
Mỗi năm, trạm đài số 1 có hai danh ngạch thăng cấp, không những cần có năng lực nghiệp vụ giỏi, mà còn cần có bối cảnh gia đình tốt, phải vượt qua thẩm tra chính trị. Hoặc phải có mối quan hệ đặc biệt tốt hoặc là rất “lạc quan,” thì mới có thể được đề bạt. Cô Bạch quyết định chỉ ở lại trong quân đội hai năm, sau đó sẽ tìm công việc khác. Cô không muốn được đề bạt, càng không muốn phải trả giá nhiều như vậy để được đề bạt.
Cô nhận thấy quân đội quá thừa thãi lãng phí. Có rất nhiều thiết bị mỗi ngày đều được lau chùi đến sáng bóng, nhưng chưa từng dùng qua. Thiết bị bảo dưỡng bị hư hỏng thì quy về hao mòn tự nhiên, nếu sử dụng mà bị hư hại thì phải quy trách nhiệm. Cô nói: “Với thể chế quân đội như vậy, tôi cảm thấy không thể nào đánh trận được.”
Một năm sau, cha cô Bạch đã nhờ người liên hệ với Phó trung đoàn trưởng sắp xếp cho cô đi học nghề y tá, và cô được điều chuyển khỏi trạm đài đường dài.
Một lần nọ, cô Bạch thay băng và thuốc cho một nam binh sĩ bị thương người Sơn Tây, và phát hiện khớp xương đùi của binh sĩ này đã bị hoại tử. Anh ấy khẽ nói cho cô biết rằng anh đã bị đánh khi ở đại đội tân binh. Cô bật khóc, thầm nghĩ cuộc đời của người thanh niên này rồi sẽ ra sao đây? Không lâu sau, có người tố giác cô, nên đơn vị không để cô thay băng cho nam binh sĩ này nữa.
“Ở trong quân đội, không thể hoạt động một mình. Phải có ít nhất hai người hoặc ba người, để giám sát lẫn nhau. Mấy người ở cùng phòng thì bắt nạt tân binh, bắt một mình tôi quét dọn cả một tầng lầu,” cô Bạch kể lại. Cô vốn là người một lòng ái quốc, vậy mà không ngờ rằng trong quân đội lại thối nát đến như vậy. “Bắt nạt tân binh tới mức độ nào? Họ cứ mặc người ta đứng ở kia và bị đánh như thế. Những nam binh sĩ bị đánh còn tệ hơn. Trong lúc huấn luyện, chỉ cần tiểu đội trưởng nhìn thấy người nào không thuận mắt, thì sẽ vung chân đạp mạnh vào bụng. Người bị đạp văng ra rất xa. Họ đều đánh đập đến mức như vậy.”
Cô Bạch đã dần dần hiểu ra, đó là một hình thức huấn luyện. Trong xã hội bình thường thì còn tương đối có tự do, mọi người có thể phản kháng một chút, còn có một chút ý thức về tự do. Tuy nhiên, khi gia nhập quân đội, thì trước tiên họ phải tiêu diệt loại tinh thần phản kháng này, để mọi người phải hoàn toàn phục tùng họ.
“Họ bắt quý vị dọn dẹp phòng ốc, giũ sạch và vuốt phẳng chăn màn, xếp lại cẩn thận. Chăn màn phải được xếp vô cùng ngay ngắn. Nếu xếp không đúng, thì sẽ có đủ các loại trừng phạt về thể xác, làm quý vị không có không gian để tự suy nghĩ độc lập. Họ sẽ hoàn toàn tẩy não quý vị, thuần hóa quý vị,” cô Bạch nhớ lại. Việc gấp chăn đã khiến tay cô cọ xát đến mức bị phồng rộp.
Một vị tiểu đội trưởng lâu năm ở Sơn Đông đã hỏi cô rằng, “Cô đã từng nghe nói về kỹ thuật huấn luyện chim ưng chưa?” Những con chim ưng khi vừa bị bắt về sẽ đặc biệt lợi hại, nó phản kháng muốn cắn người. Huấn luyện viên sẽ không cho nó ngủ, không cho nó ăn, để tiêu diệt ý chí phản kháng của nó. Như vậy nó mới có thể nghe lời chủ nhân.
“Tôi có ấn tượng rất sâu. Tôi nói, ‘Ôi trời, thì ra việc gấp chăn là để huấn luyện chúng tôi.’ Mục đích chính là tiêu diệt ý chí phản kháng của quý vị, huấn luyện quý vị, huấn luyện quý vị trở thành máy móc của quốc gia.”
“Phấn hồng”
Cô Bạch Lưu Tô cho biết, quả thực họ đã tẩy não rất thành công. “Chúng tôi đã căm phẫn sôi sục đối với những thế lực từ bên ngoài như Hoa Kỳ, Canada, và cả Đài Loan. Vào thời điểm đó, ông Trần Thủy Biển muốn tranh cử Tổng thống (Đài Loan). Nếu ông ấy lên nắm quyền và muốn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý (về vấn đề tham gia Liên Hiệp Quốc), thì chúng tôi sẽ tiến hành vận động trước cuộc tranh cử trong năm đó.”
“Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng của ĐCSTQ Lương Quang Liệt (Liang Guanglie), đã sống trong sơn động của trung đoàn chúng tôi gần hai tháng. Lúc đó ông Lương còn là tổng tham mưu trưởng. Họ đã chuẩn bị cho tình huống nếu ông Trần Thủy Biển vừa lên nắm quyền và toàn dân bỏ phiếu, thì ở bên này (ĐCSTQ) liền bắt đầu khai chiến, toàn thể đều đang chuẩn bị cho chiến tranh.”
“Ở trong quân đội, chúng tôi phải học tập cả ngày. Chúng tôi chuyển một băng ghế nhỏ vào phòng hội nghị để xem tin tức, hàng tuần phải học về phản tâm lý, phản xâm nhập và phản gián. Tôi không hiểu nổi, tôi nói ‘chúng ta học cái này để làm gì? Chỉ là những thứ bình thường, có gián điệp ư?’”
Một lần nọ, ở hội trường lớn chiếu phim tài liệu. Nội dung phim là trong trung đoàn có một chàng trai tốt nghiệp trường Đại học Thông tin, làm sĩ quan kỹ thuật trong quân đội. Ở trong quân đội, anh ta không được trọng dụng, cũng không được phép chuyển ngành. Vì vậy, anh ta đã rời khỏi quân đội, ra ngoài làm công việc trong ngành công nghệ thông tin, cuối cùng bị kết án tù. Chính trị viên nói rằng anh ta đã phản bội tổ quốc, phản bội quân đội, phản bội nhân dân, nên anh ta phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc như vậy.
“Thể chế này rất ghê tởm, đặc biệt ghê tởm.” Cô Bạch Lưu Tô cho rằng cái gọi là “giáo dục tư tưởng” của ĐCSTQ kỳ thực đã bắt đầu từ khi người dân còn nhỏ. Những người lớn lên ở Hoa lục đều bị ĐCSTQ tẩy não từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên. Trong quân đội, hành vi tẩy não đó trở thành một môi trường chân không đóng kín, thông tin từ bên ngoài không thể xâm nhập vào được.
“Từ nhỏ, tôi đã lớn lên trong môi trường độc hại này, nên chắc chắn tôi sẽ trở thành một chiến lang,” cô nói. “Họ sẽ nô lệ hóa quý vị, quy định giờ ăn, giờ ngủ, giờ huấn luyện cho quý vị. Tất cả mọi thứ đều do cấp trên quyết định, thổi một tiếng còi là quý vị phải đi. Cuối cùng, quý vị sẽ trở thành cái gì đây? Quý vị phải nghe theo sự huấn luyện của họ, bảo quý vị chiến đấu thì quý vị sẽ nhiệt huyết hăng hái đi chiến đấu. Họ tuyên truyền rằng quý vị chính là một cỗ máy của quốc gia, quý vị không có cá thể.”
Thức tỉnh
Năm 2007, cô Bạch Lưu Tô xuất ngũ, trở về cuộc sống của một người dân thường. Cô làm việc, kết hôn, và sinh con. Chồng cô là người đọc nhiều sách và biết suy xét. Sau khi họ có con, chồng cô hy vọng cô sinh con ở Hoa Kỳ. Điều này chính là ngọn nguồn của sự khai thông tư tưởng của cô Bạch.
“Lúc đầu, tôi cũng không muốn đi. Tôi nói Hoa Kỳ có gì tốt mà phải sinh con ra bên đó. Trung Quốc còn không chứa nổi anh ư? Sau khi sống ở Hoa Kỳ hai tuần, vợ chồng tôi xảy ra cãi vã. Tôi lên phi cơ lại trở về quê nhà, với chiếc bụng bầu to. Chồng tôi không dám ép tôi nữa, mỗi đêm tỉnh giấc anh đều thở vắn than dài rằng ‘Con trai tôi sẽ bị đối xử rẻ rúng, sẽ bị người khác bắt nạt rồi.’ Anh ấy cứ nói những lời khó hiểu như vậy.”
Cô Bạch lo lắng chồng mình bị bệnh, nên khi thai nhi được 34 tuần tuổi, cô lại bay từ Quảng Châu đến Las Vegas, để bắt đầu cuộc sống ở Hoa Kỳ và sinh con.
Cô Bạch phát hiện Hoa Kỳ không giống như cô tưởng tượng, không có cảnh cầm súng bắn nhau khắp nơi trên đường phố; đến bệnh viện, mọi người đều lịch sự, cũng không thu phí bừa bãi; mọi người đều rất thân thiện.
Trong thời gian mang thai chờ sinh con, cô ở nhà xem video trên YouTube, sự thật về Sự kiện 8964 (sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989) đã có một tác động mạnh mẽ đối với cô. “Trong lòng tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Tôi vừa nhìn thấy những người nổ súng bắn vào sinh viên, còn có những lời bà mẹ nói ở Thiên An Môn. Trong lòng tôi thực sự rất đau đớn, cảm thấy thật nhục nhã. Sao tôi có thể mù quáng trong nhiều năm đến vậy? Tôi đã phục vụ trong quân đội mấy năm? Sao tôi lại có thể cống hiến sức lực cho một chính quyền tà ác như thế, một chính quyền chẳng khác gì chế độ của Hitler như thế?”
“Còn có nội dung về mổ sống lấy nội tạng của người tu luyện Pháp Luân Công. Khi ở Trung Quốc tôi không hề hay biết chuyện này. Ngay cả khi tôi đến Hồng Kông, khi người khác đưa tôi các tài liệu về Pháp Luân Công, tôi cũng không tin. Nhưng sau khi xem video nói chi tiết trên YouTube, tôi đã thực sự sụp đổ hoàn toàn. Đến đêm, tôi không thể ngủ yên. Tôi nằm đó và khóc.”
“Tôi không biết làm thế nào để diễn tả tâm trạng của tôi vào thời điểm đó. Tôi cảm thấy mình bị lừa dối hoàn toàn, rất tức giận, rất đau lòng, rất tuyệt vọng, nhưng tôi lại không biết phải làm thế nào để phản kháng, thực sự rất đau khổ.” Chủ nhà trọ bèn lái xe đưa cô đi chơi, nấu cơm cho cô, và đưa cô đến nhà thờ.
Cuối cùng, cô Bạch Lưu Tô quyết định chọn ngày con mình chào đời là vào ngày 04/06 theo giờ Bắc Kinh. Ban đầu, ngày dự sinh là ngày 10/06, nhưng khi thai kỳ được 39 tuần tuổi thì có thể sinh mổ một cách hợp pháp ở California.
“Tôi cảm thấy cần phải tưởng niệm. Những người trẻ tuổi ấy không có yêu cầu chính trị gì đối với cá nhân họ. Họ chỉ làm tròn trách nhiệm của một công dân, hy vọng Trung Quốc sẽ tiến hành cải cách đổi mới, hy vọng đất nước này sẽ dân chủ, và trở nên tốt đẹp hơn. Lúc đó, sinh viên đại học khan hiếm biết bao nhiêu, vậy mà họ đã phải hy sinh mạng sống của mình một cách uổng phí như vậy,” cô Bạch nói.
Phản đối
Sau khi sinh con ở Hoa Kỳ, cô Bạch Lưu Tô trở về Trung Quốc. Thời gian ấy, cô cảm thấy giống như đang ngồi trên bàn chông, không thể chờ đợi thêm một ngày nào nữa. Cô đã nhận thức rõ Trung Quốc là một quốc gia độc tài, chuyên quyền, và ĐCSTQ là một chính quyền vô cùng tàn ác.
Năm 2019, phong trào phản đối Luật Dẫn độ tại Hồng Kông bùng nổ khiến cô Bạch lo lắng ĐCSTQ sẽ nổ súng. Tuy nhiên, cô vẫn muốn đến tham gia các cuộc biểu tình. Sự kiện Thiên An Môn 04/06/1989 đã qua, lần này cô muốn lên tiếng ủng hộ phong trào tự do dân chủ này, vì dẫu sao Hồng Kông cũng không giống Hoa lục. Cô Bạch mang theo con nhỏ tham gia một cuộc biểu tình bất ngờ tại Trung Hoàn, Hồng Kông.
Cô nhớ lại, khi đó sinh viên Chu Tử Lạc (Chow Tsz-lok) của Hồng Kông bị các cảnh sát áo đen đẩy từ tầng đậu xe ngã xuống, và chính quyền tuyên bố là do sinh viên này tự sát. Mọi người rất tức giận, nhiều người dân đã tham gia biểu tình phản đối. Cô cho biết, “Mỗi tuần đều có thanh niên bị mất tích.”
Cuối năm 2019, cô Bạch Lưu Tô mang thai lần thứ hai. Nhân viên Ủy ban khu phố buộc cô tiến hành phá thai. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có chính sách sinh ba con, và vợ chồng cô phải đối diện với khoản tiền phạt rất lớn, hoặc là bị đuổi việc. Đối với vợ chồng cô, những điều này là không thể chấp nhận được.
Đặc biệt là sau khi Luật An ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông được thông qua khiến nhiều người lo lắng. Ở Hoa lục cũng liên tục xảy ra các vụ bắt bớ. Vì vậy, cô Bạch quyết định đào thoát khỏi Trung Quốc. Tháng 02/2020, cô đến được New Zealand. Thật không may, do thường xuyên chịu áp lực nên cô đã bị sẩy thai khi thai nhi được ba tháng tuổi.
Tháng 03/2021, chị gái của cô Bạch qua đời vì bệnh tật. Ở New Zealand, cô Bạch tham gia một số hoạt động nên không dám trở về Trung Quốc chịu tang. Cô rất buồn. Cô bàn bạc với anh rể, nói rằng chị gái cô là người theo đạo Phật, vậy có thể chọn hộp tro cốt kiểu Phật giáo cho chị ấy được không? Anh rể cô nói “không được,” vì chị của cô là một đảng viên Đảng cộng sản, nên phải mua hộp tro cốt theo kiểu của đảng viên Đảng Cộng sản.
“Tôi thực sự không còn lời gì để nói. Người đã qua đời rồi mà vẫn còn không buông tha sao? Tôi thấy ngay cả người của xã hội đen nếu mất rồi, thì người nhà của họ đều tự do chọn loại hũ tro cốt mình muốn. Còn người của Đảng cộng sản thì không có tự do.”
Hy vọng
Cô Bạch Lưu Tô cho biết, sở dĩ bản thân cô có thể thay đổi là nhờ Pháp Luân Công. Ngoài ra, còn có các video về “Sự kiện Lục tứ.” Cô cũng thường xuyên xem Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) và báo The Epoch Times.
“Bản thân tôi không tu luyện Pháp Luân Công. Tôi không phải là học viên Pháp Luân Công, nhưng tôi bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Pháp Luân Công. Đó là quyền cơ bản nhất của con người. Mỗi người đều có quyền lựa chọn tín ngưỡng tôn giáo của mình.”
Cô Bạch cho rằng, cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công vượt xa so với cuộc đàn áp tội phạm chính trị. Bất kỳ quốc gia độc tài nào cũng đứng đầu trong việc đàn áp các tù nhân chính trị, nhưng ở Trung Quốc thì không phải như vậy. ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công lại được xếp ở vị trí thứ nhất. “Bạn học của tôi có người tu luyện Pháp Luân Công. Hiện giờ họ đã hoàn toàn mất tích, không có bất kỳ tin tức gì về họ,” cô Bạch nói.
“Người dân Trung Quốc như chúng tôi quá khó khăn. Yêu cầu của chúng tôi có quá đáng không? Chúng tôi chỉ đòi hỏi sự tôn nghiêm của một con người, một số quyền cơ bản của con người mà thôi. Tại sao đối với những người dân Trung Quốc chúng tôi lại khó khăn đến vậy?” Cô Bạch hy vọng các thế hệ tương lai sẽ không phải chịu đựng nỗi đau khổ như vậy nữa.
Cô nói: “Sự tỉnh thức của tôi đến vô cùng muộn. Trên cơ bản, những năm tháng tuổi trẻ quý báu nhất trong cuộc đời tôi, những năm tháng thanh xuân nhất ấy, những năm tháng đẹp nhất ấy, tôi đều phải làm thành viên của đội quân ‘ngũ mao’ (đội quân 50 xu) và ‘phấn hồng,’ chế ngự hết lối suy nghĩ của tôi.”
“Sự phản đối của tôi đối với ĐCSTQ hoàn toàn xuất phát từ tận đáy lòng. Tôi cảm thấy mọi đau khổ mà tôi phải gánh chịu đều đến từ ĐCSTQ. Chính thể chế này, thể chế độc tài này đã mang đến [sự đau khổ] cho tôi.”