Hải âu mang hy vọng: Kỳ tích được tạo dựng trong 20 năm (Phần 2)
Bài viết kỷ niệm 20 năm thành lập Đài Phát thanh Hy Vọng
Tiếp theo Phần 1
Khi nói đến việc phát thanh sóng ngắn tới Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các đài phát thanh tầm cỡ quốc gia như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America, VOA), Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia, RFA), BBC (British Broadcasting Corporation) và Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (Radio France Internationale, RFI). Quả thực suy nghĩ này không có gì sai. Muốn thực hiện một dự án phát sóng truyền thanh lớn vào Trung Quốc, và có thể vượt qua sự quấy nhiễu mạnh mẽ từ ĐCSTQ, ngoài những đài phát thanh tầm cỡ quốc gia, thì còn ai có thể làm được?
Nhưng có lẽ quý vị chưa biết rằng đài phát thanh sóng ngắn quy mô lớn nhất và mạnh nhất hướng vào Trung Quốc hiện nay, không phải là đài phát thanh của chính phủ, mà hoàn toàn do tư nhân tạo dựng nên. Đó chính là Đài Phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope, SOH). Đài Phát thanh Hy Vọng được xây dựng trong 20 năm, bao gồm 100 đài phát sóng, quy mô đã vượt xa tất cả các đài phát thanh cấp quốc gia. Có thể nói, Mạng lưới đài phát sóng Hải âu này thực sự đáng kinh ngạc!
Đài Phát thanh Hy Vọng phát sóng vào Trung Quốc – câu chuyện ít người biết đến
Ngược dòng thời gian quay về 20 năm trước. Tháng 01/2004, một nhóm kỹ sư người Trung Quốc vừa thành lập Đài Phát thanh Hy Vọng ở Silicon Valley, đã tự đặt ra cho mình một sứ mệnh: truyền phát thông tin chân thực đến Hoa lục.
Những du học sinh đến từ Trung Quốc này đã rất quen thuộc với các chương trình phát thanh sóng ngắn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Quả thực, VOA thành lập vào năm 1946, từ năm 1956 thì bắt đầu phát sóng Hoa ngữ vào Trung Quốc. Trong mấy chục năm, đài này đã có được một lượng thính giả rất lớn ở Hoa lục. Từ thời Đại Cách mạng Văn hóa, những thính giả này thường “trốn ở trong chăn để nghe đài phát thanh của địch.” Đến những năm 1980 thì họ đón nghe chương trình “900 câu Anh ngữ” của VOA. Cho đến sau sự kiện “Lục tứ” năm 1989 (sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989), thính giả khắp nơi ở Trung Quốc thông qua đài VOA để nghe ngóng và biết chuyện gì đã xảy ra ở Bắc Kinh. Vào thời ấy, những người dân Trung Quốc khoảng từ 30 tuổi trở lên, đặc biệt là thành phần trí thức, đều có ấn tượng sâu sắc đối với đài phát thanh sóng ngắn.
Trên thực tế, không chỉ ở Trung Quốc, mà ở tất cả các quốc gia cộng sản trong thế kỷ trước, việc nghe đài sóng ngắn cũng gần như là dấu hiệu cho thấy người dân theo đuổi tự do. Sau khi VOA được thành lập, những đài phát thanh khác lần lượt được thành lập. Đài Âu Châu Tự Do (Radio Free Europe – RFU) thành lập năm 1949, phát sóng vào các nước Đông Âu; Đài Tự Do (Radio Liberty – RL) thành lập năm 1951, phát sóng vào Liên Xô. Thông qua trạm radio sóng ngắn lớn được thiết lập ở Munich thuộc Tây Đức và Lisbon thuộc Bồ Ban Nha, những đài phát thanh này đã truyền bá tiếng nói tự do đến những người dân sau bức màn sắt ở các nước cộng sản tại châu Âu.
Tháng 06/1980, Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan đã phát động cuộc đình công đòi tự do tại xưởng đóng tàu Lenin ở thành phố Gdańsk. Cuộc đình công diễn ra trong thời gian 500 ngày. Thông qua Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và hai đài phát thanh sóng ngắn nói trên, tin tức về cuộc đình công đã truyền khắp Đông Âu và Liên Xô. 30% người dân Ba Lan (khoảng 10 triệu người) đã gia nhập Công đoàn Đoàn kết, khiến tổ chức này trở thành tổ chức quan trọng nhất thúc đẩy sự sụp đổ của Bức màn sắt vào 10 năm sau đó. Lúc đó, thông qua đài phát thanh sóng ngắn, Giáo hoàng Paul II người Ba Lan và Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, đã liên tục truyền tiếng nói của mình tới người dân Liên Xô và Đông Âu, gửi đến họ – những người dân dưới sự thống trị của chế độ độc tài cộng sản – sự ủng hộ và niềm hy vọng. Tháng 08/1991, phe những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiến hành đảo chính quân sự. Các đài phát thanh sóng ngắn của phương Tây tiếp tục không ngừng đưa thông tin kịp thời đến người dân Liên Xô, có tác dụng thúc đẩy nhân dân Liên Xô xuống đường chặn xe quân đội, dẫn đến lực lượng quân đội đảo chính bất ngờ chống lệnh nổi loạn. Sự việc khiến cuộc đảo chính mới chỉ diễn ra trong vòng năm ngày đã tự tan rã, và theo đó là sự kết thúc của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Năm 1989, ông Lech Wałęsa, Chủ tịch Công đoàn Đoàn kết Ba Lan đến thăm Hoa Kỳ. Trong buổi nói chuyện tại Quốc hội Hoa Kỳ, ông Lech Wałęsa đã kể cho người dân Hoa Kỳ biết rằng Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và các đài phát thanh sóng ngắn khác đã khai sáng và mang đến niềm hy vọng cho người dân Ba Lan. Ông nói: “Đài Tiếng nói Hoa Kỳ có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với Ba Lan, giống như mặt trời đối với trái đất vậy.”
Những người sáng lập Đài Phát thanh Hy Vọng hiểu biết sâu sắc về giai đoạn lịch sử này. Đây cũng chính là nguồn gốc tên gọi của đài phát thanh: Mang đến niềm hy vọng cho người dân Trung Quốc! Tuy nhiên, dùng nguồn lực tư nhân để thực hiện phát thanh sóng ngắn vào Trung Quốc là một việc không hề dễ dàng.
Khi đó, tất cả các đơn vị có khả năng phát sóng vào Trung Quốc đều là các đài cấp quốc gia, mà phần lớn họ không cho thuê lại đài. Hơn nữa, cho dù họ có cho thuê, thì Đài Phát thanh Hy vọng cũng không đủ quỹ tài chính để thuê. Hoặc nếu có thuê được, thì tín hiệu quấy nhiễu mạnh mẽ từ phía ĐCSTQ cũng sẽ lấn át tần số phát sóng mà Đài Phát thanh Hy vọng phải khó khăn lắm mới truyền phát đi được, khiến thính giả chỉ nghe thấy tiếng ồn.
Ông Tăng Dũng cho biết: “Lúc đó, tôi cảm thấy như không còn đường nào để đi, không thể làm được gì. Bởi vì công suất phát sóng ngắn thường lên tới hàng trăm ngàn Watt, chi phí điện cho một đài phát thanh đến hàng chục ngàn USD mỗi tháng, chúng tôi làm sao chi nổi? Làm thế nào đây? Ban đầu, điều duy nhất chúng tôi có thể làm, đó là: Thuê thời lượng phát sóng một giờ đồng hồ của Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan; làm từng bước, quan sát tình hình rồi quyết định tiếp”.
Cách thực hiện đi từng bước, tính từng bước này đã mang lại niềm vui mừng bất ngờ. Cuối tháng 11/2004, thông qua thời lượng phát sóng thuê từ Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan (gọi tắt là Đài Trung ương), Đài Phát thanh Hy Vọng đã truyền phát “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” (Cửu Bình) được đăng trên The Epoch Times. Đây là loạt bài xã luận đặc biệt gồm Bài mở đầu và 9 bài bình luận với những chuyên đề khác nhau, phân tích bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ nhiều góc độ lập thể như lịch sử, văn hóa, đạo đức, và những nguy hại mà đảng này mang đến cho Trung Quốc. Bài xã luận sâu sắc và mạnh mẽ, làm chấn động lòng người. Đài Phát thanh Hy Vọng đã nhanh chóng sản xuất 10 chương trình phát thanh, phân chia phát sóng trong 20 ngày, đã gây tiếng vang rất lớn ở Trung Quốc vào tháng Mười Hai năm đó (2004) và tháng Một năm tiếp theo. Người dân ở Bắc Kinh đổ xô đi mua máy radio sóng ngắn để nghe chương trình này, nhất thời khiến cho máy radio sóng ngắn ở Bắc Kinh không đủ hàng để bán.
“Tin tức này khiến chúng tôi vô cùng phấn chấn, không ngờ đài phát thanh sóng ngắn lại có tác dụng to lớn như vậy. Điều này cũng mang lại cho chúng tôi niềm tin để tiếp tục đi tiếp,” ông Tăng Dũng nói.
Tuy nhiên, việc tiếp tục đi tiếp cũng không hề dễ dàng. Thành công của phát sóng chương trình “Cửu Bình” đã khiến lãnh đạo ĐCSTQ giật mình, và họ đã phát hiện ra đài phát thanh mới này. Vì vậy, ĐCSTQ điều động trạm đài nhiễu sóng cỡ lớn, chuyên gây nhiễu sóng chương trình phát sóng của Đài Phát thanh Hy Vọng.
Lúc này, sau khi hiểu được nhu cầu của Đài Phát thanh Hy Vọng, một vị có thực lực đã đứng ra sẵn lòng ủng hộ tài chính để tăng thời lượng phát sóng. Vì vậy, thời lượng phát sóng của Đài Phát thanh Hy Vọng được tăng lên không ngừng, trong vòng 4 năm đã tăng lên 25 giờ mỗi ngày (frequency-hour). Với số tiền thuê thời lượng phát sóng, Đài Phát thanh Hy Vọng đã trở thành khách hàng lớn nhất của Đài Trung ương Đài Loan, và trở thành đài phát thanh có quy mô tầm trung phát sóng vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, một loạt khó khăn trắc trở khác lại kéo tới. Khi Đài Phát thanh Hy Vọng không ngừng mở rộng quy mô phát sóng, ĐCSTQ đã thông qua nhiều kênh như ngoại giao và dân sự, trực tiếp gây áp lực lên chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Yingjiu) lãnh đạo, yêu cầu họ chấm dứt hợp đồng cho thuê đối với Đài Phát thanh Hy Vọng, cắt đứt sóng phát thanh của Đài Phát thanh Hy Vọng từ mặt đất.
Nhớ lại những khó khăn lúc đó, ông Tăng nói: “Để ngăn cản hợp đồng bị chấm dứt, tôi đã đáp chuyến bay tới Đài Loan chín lần trong vài năm. Chúng tôi chỉ có thể chống đỡ từng bước, vì quyền quyết định không nằm trong tay chúng tôi. Thậm chí vì điều này mà tôi thường đáp chuyến bay tới Hội sở Nghị viện Liên Minh Âu Châu đặt tại Strasbourg, và thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ, để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nghị viện Liên Minh Âu Châu và Quốc hội Hoa Kỳ, thỉnh cầu họ đứng ra ngăn chặn việc Đài Trung ương Đài Loan chấm dứt hợp đồng. Nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được vấn đề.”
Tháng 01/2012, trong tình huống không có lý do rõ ràng và hợp lý, Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan đã đơn phương chấm dứt toàn bộ hợp đồng cho thuê với Đài Phát thanh Hy Vọng. Đài Phát thanh Hy Vọng đã phát sóng vào Trung Quốc liên tục trong 8 năm, đang bừng bừng sức sống và phát triển, bỗng rơi vào im lặng.
Nhớ lại tình huống khi ấy, ông Tăng Dũng nói: “Gặp phải khó khăn thất bại này, chúng tôi đều cảm thấy rất buồn, chúng tôi phải làm thế nào đây? Bỏ cuộc ư?”
Cuối cùng, Đài Phát thanh Hy Vọng quyết định không bỏ cuộc, mà tiếp tục hướng về phía trước tìm kiếm con đường có thể đi.
May mắn thay, trong quá trình tiếp tục thương lượng với Đài Trung ương Đài Loan, các nhà phát triển của Đài Phát thanh Hy Vọng đã bắt đầu thực hiện một số ý tưởng thử nghiệm: “Vì sao chúng ta phải đi thuê những đài phát thanh lớn đó? Dùng các đài phát sóng nhỏ có phải là một biện pháp hay không? Liệu dùng các đài phát sóng nhỏ có thể nghe được không?”
Các kỹ thuật viên của Đài Phát thanh Hy Vọng với nền tảng công nghệ cao bắt đầu tự mình xây dựng một đài phát thanh sóng ngắn mới, tìm tòi nghiên cứu cách sử dụng mạch tích hợp để tạo ra, thu truyền và phát tín hiệu sóng ngắn, thử loại anten nào có thể truyền tín hiệu hiệu quả, vị trí địa lý nào là cần thiết, v.v. Sau khi giải quyết từng vấn đề kỹ thuật như vậy, đài phát thanh nhỏ đầu tiên đã ra đời, với công suất chỉ 100 Watt, công suất này chỉ bằng một phần ngàn so với đài phát thanh cấp quốc gia. Thế nhưng, sau khi đài này bắt đầu phát sóng vào Trung Quốc 30 phút, chúng tôi nhận được tin tức khiến mọi người vui mừng: Có thể nghe được!
Tiếp sau tin vui, chúng tôi lại nhận được tin xấu: Sau khi đài gây nhiễu sóng quy mô lớn của ĐCSTQ phát hiện ra sóng của đài phát thanh mới, nó đã bắt đầu quấy nhiễu. Bị tín hiệu từ ĐCSTQ gây nhiễu, rất nhanh sau đó, thính giả chỉ có thể nghe thấy tiếng ồn.
Tuy nhiên, thử nghiệm này đã mang lại cho Đài Phát thanh Hy Vọng những phát hiện quan trọng:
- Nghe đài phát thanh sóng ngắn hoàn toàn không cần đến các đài phát thanh lớn truyền thống. Mọi người đã quen thuộc với những đài phát thanh sóng ngắn lớn có công suất 100 ngàn Watt, 300 ngàn Watt hoặc thậm chí 500 ngàn Watt. Những đài phát thanh sóng ngắn lớn như vậy được thiết kế để vượt qua tín hiệu can nhiễu nên không ngừng tăng công suất, đó là kết quả của cuộc “chạy đua vũ trang” trên bầu trời hơn 50 năm. Thế nhưng, một đài phát thanh nhỏ nhẹ vẫn hoàn toàn có thể nghe được.
- Đài nhiễu sóng lớn mặc dù có thể lấn át một đài phát thanh nhỏ, nhưng khả năng nó “tiêu diệt” hoàn toàn là rất nhỏ, sẽ luôn có những tín hiệu sót lại truyền xuyên qua đài phát sóng gây nhiễu. Nếu chúng ta tiếp tục tăng số lượng các đài phát thanh nhỏ, thì không gian tồn tại của mỗi đài phát sóng nhỏ sẽ được kết nối, chính là tạo ra không gian có thể nghe được sóng ngắn trên toàn bộ Trung Quốc. Điều này giống như việc không ngừng tăng cường lượng “giọt nước mưa” để thành công lọt qua hàng rào nhiễu sóng, cuối cùng trở thành cơn mưa rơi xuống khắp nơi. Còn thính giả chỉ cần chuyển tần số sóng ngắn của máy thu thanh, tìm được một đài phát thanh nhỏ còn sót lại, thì có thể nghe được Đài Phát thanh Hy Vọng. Như vậy chẳng phải đã đánh bại được tín hiệu gây nhiễu sóng ngắn của ĐCSTQ tưởng chừng không thể đánh bại đã được duy trì thành công trong mấy chục năm qua hay sao?
Đài phát sóng Hải âu ra đời ở các nơi tại châu Á
Đài phát sóng có hình dáng giống hình con chim này do Đài Phát thanh Hy Vọng phát triển còn có một anten rất đặc biệt: phần dưới là một cây cột thẳng, phía trên phân nhánh, giống như một con chim hải âu đang giương cánh. Đài phát sóng này nên đặt tên là gì? Mọi người đều nói: hãy gọi là “Hải âu” đi!
Vì vậy, Đài phát sóng Hải âu ra đời. Trong 15 năm tiếp theo, các nhân viên tình nguyện của Đài Phát thanh Hy Vọng tại các nơi ở châu Á đã không ngại khó khăn vất vả, bắt đầu thực hiện công trình xây dựng mạng lưới Đài phát sóng Hải âu.
Tuy nhiên, một công trình như vậy đã gặp phải những khó khăn chưa bao giờ tưởng tượng được …
Một trong những tháp phát sóng Hải âu sớm nhất được xây dựng tại vùng núi lớn Bình Đông ở phía đông nam Đài Loan.
Để xây dựng một đài phát sóng, tất nhiên trước hết phải có đất. Vì đặc điểm của đài Hải âu, nên mảnh đất đó còn cần phải rộng lớn, có độ cao, thường là ở trên đỉnh núi hoặc gần đỉnh núi. Do đó, việc đầu tiên là cần có người có thể quyên tiền để thuê một mảnh đất như vậy.
Cuối cùng, điểm đặt tháp phát sóng là ở một nơi trên núi cao ít người lui tới, không có đường đi. Vậy nên, tất cả các loại vật liệu mà các tình nguyện viên xây dựng cần, phải dùng sức người để vận chuyển lên từng chút một. Vì vậy những tình nguyện viên này đã dùng thùng sắt để khiêng xi măng, dùng vai vác những ba lô đựng đầy vật liệu bằng sắt, băng qua vùng cỏ dại có nhiều rắn độc, leo lên đỉnh núi. Quả thực không hề dễ dàng! Cứ như vậy, ngày qua ngày, vất vả hơn mười ngày mới xây dựng xong tháp phát sóng và phòng máy phát sóng.
Khi vận hành thử tín hiệu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì chưa có tiền lệ, nên hoàn toàn dựa vào việc tự tìm tòi nghiên cứu, vượt qua từng vấn đề khó khăn, cuối cùng đã phát sóng được. Có lẽ Trời cao không cô phụ người cần cù. Tín hiệu của đài phát sóng Hải âu ở Bình Đông khi được phát ra, không chỉ có thể vượt qua eo biển Đài Loan để đến được Trung Quốc ở bờ bên kia, mà còn kéo dài đến tận vùng Tân Cương xa xôi, khiến cho những tình nguyện viên xây dựng trạm đài vô cùng vui mừng.
Sau đó, các trạm đài Hải âu ở Đài Loan lần lượt được xây dựng, dần dần hình thành quy mô phát sóng tới Trung Quốc. Nhưng đằng sau mỗi đài phát sóng này đều là một câu chuyện: Tìm đất, tiền thuê đất, xây dựng cơ sở, lắp đặt, vận hành thử, bảo trì, v.v … Trong khi đó những chi phí duy trì hoạt động bình thường cần thiết của mạng lưới đài phát sóng như vậy không đến từ bất kỳ chính phủ nào, mà đều do các tình nguyện viên của Đài Phát thanh Hy Vọng tự trích ra từ tiền lương hoặc tiền tiết kiệm của chính họ.
Anh Tạ, một người Đài Loan địa phương tham gia công việc này, cho biết: “Hoa lục là quê hương của tôi. Cha tôi là từ nơi đó đến Đài Loan. Tôi mong muốn được góp một phần sức lực của mình, để làm cho quê hương trở nên tốt đẹp hơn, để người dân không còn bị ĐCSTQ lừa dối tẩy não. Tôi hy vọng có một ngày, tôi có thể trở về thăm quê hương khi [quê hương] đã có được tự do.”
So với Đài Loan, nơi có khí hậu ấm áp, cuộc sống dễ chịu, thì việc xây dựng một đài phát sóng ở phía tây bắc Trung Quốc lại là một câu chuyện khác. Những đài phát sóng như vậy thường được xây dựng ở những nơi hoang dã, ít người lui tới. Vì phải chịu khí hậu khắc nghiệt, nên đài phát sóng cần được bảo trì nhiều hơn, các linh kiện cần được thay thế thường xuyên, cho nên phải có người ở lại túc trực để “chăm sóc bảo vệ những con Hải âu này.” Nhưng ở một nơi như vậy, làm thế nào để túc trực? Không có nước, không có điện, không có nhà ở, đều cần phải giải quyết từng vấn đề một. Ngoài việc cần có người quyên tiền ra, thì nhân sự cũng là một vấn đề. Ai có thể sống ở một nơi hoang vắng đến nỗi chim không đến đẻ trứng như vậy, chỉ để chăm sóc các đài phát sóng này?
Có một đôi vợ chồng đã chấp nhận cuộc sống như vậy. Họ đã chọn làm người chăm sóc đài, còn được gọi là “Người bảo vệ Hải âu.” Họ đã từ bỏ công việc của mình, đi đến nơi xa xôi, chuyển đến sống tại điểm đặt trạm đài phát sóng Hải âu, làm người bảo vệ toàn thời gian như vậy.
Cuộc sống của họ tràn ngập những thử thách nguyên sơ nhất: Giải quyết vấn đề ăn uống thế nào? Họ đào một cái hố dưới đất, cho củi vào, phía trên đặt vài thanh sắt, treo một cái nồi sắt lên đó, đó chính là nhà bếp. Còn chỗ ngủ thì sao? Là nằm trong lều vải, và có thể nghe tất cả âm thanh như tiếng gió bắc rít gào, tiếng sói tru xung quanh; an toàn sinh mệnh đều đối diện với vô vàn nguy hiểm. Bình thường, những gì họ nhìn thấy là tuyết đọng quanh năm không bao giờ tan, không nhìn thấy hoa và cây cối, duy chỉ có cát vàng của sa mạc Gobi. Ở nơi đây, không có giao tiếp xã hội, chỉ có vật tư thiếu thốn. Đôi vợ chồng này đã sinh sống trong hoàn cảnh như thế. Hơn nữa, ở nơi hoang dã này, họ đã sinh hạ và nuôi dưỡng trưởng thành một người con.
Chứng kiến sự kiên trì và kham khổ của họ, trụ sở chính của Đài Phát thanh Hy Vọng đề nghị hai vợ chồng hủy trạm đài và trở về nhà. Tuy nhiên, họ nói “Không.” Vì sao? Bởi vì họ nói: “Đây là sứ mệnh của chúng tôi.”
Đây chỉ là đưa ra hai ví dụ. Kỳ thực, đằng sau việc xây dựng mỗi một trạm đài Hải âu đều có một câu chuyện cảm động, khó diễn tả bằng lời.
Theo sau những câu chuyện cảm động này, là từng trạm đài phát sóng Hải âu không ngừng được xây dựng nên. Từ Đài Loan ngăn cách bởi biển đến cao nguyên Thanh Tạng (cao nguyên bao phủ phần lớn khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc), từ vùng thảo nguyên bát ngát xa xôi đến những khu rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt, Đài Phát thanh Hy Vọng đã thiết lập nên hơn 100 trạm đài phát sóng với các bước sóng ngắn khác nhau.
Độ bao phủ và rõ nét của tín hiệu phát sóng từ Đài Phát thanh Hy Vọng tới Trung Quốc, đã vượt xa đại đa số các đài phát thanh cấp quốc gia do chính phủ tài trợ. Nhờ đó, sự thật được truyền đi một cách rõ ràng, đầy đủ và liên tục đến Trung Quốc sau Bức màn sắt.
Nhưng vào lúc này, các tình nguyện viên đài Hải âu của Đài Phát thanh Hy Vọng đã gặp phải một thử thách mới, và rất khó vượt qua.
Sau khi ĐCSTQ không thể ngăn chặn các đài phát thanh sóng ngắn này trên không, họ đã thay đổi chiến lược. Họ dùng mối bang giao để gây áp lực với các quốc gia nơi đặt các trạm đài phát sóng Hải âu, buộc các quốc gia này phải dùng quyền lực của chính phủ để tháo dỡ các trạm đài phát sóng này khỏi mặt đất.
Tháng 04/2009, ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, có hai thanh niên đã thiết lập nên 12 đài phát sóng Hải âu, mỗi ngày phát sóng 18 giờ các chương trình phát thanh đến vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Hai người này cũng đã phát triển một kỹ thuật rất tân tiến, có thể lập tức nhận biết được vùng che phủ của sóng gây nhiễu từ ĐCSTQ, sau đó tự động “di chuyển” đến tần số lân cận để tiếp tục phát sóng; sau khi có tín hiệu gây nhiễu tiếp theo đến, nó lại tự động di chuyển đi ngay lập tức. Tất cả thao tác đều được điều khiển hoàn toàn tự động bằng máy điện toán, khiến những đài phát sóng này trở thành “Hải âu mãi mãi bay trên bầu trời không thể nào bắt được.”
Năm 2010, ĐCSTQ gây áp lực với chính quyền Việt Nam, bất ngờ tập kích căn cứ đài Hải âu, phá hủy toàn bộ 12 đài phát sóng, đồng thời bắt giữ hai người kiến lập đài là anh Vũ Đức Trung và anh Lê Văn Thành. Đến năm 2011, mỗi người bị kết án ba năm tù giam.
Trước khi anh Vũ Đức Trung bị kết án, anh là giám đốc công ty công nghệ do anh sáng lập, với hơn một trăm nhân viên, và có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, vì lần bị bắt này, anh không chỉ mất đi tự do, mà còn mất đi cả công ty và tài sản của mình, gia đình cũng vì vậy mà tan vỡ.
Mấy năm sau, anh Vũ Đức Trung mãn hạn tù và được tự do, với sự giúp đỡ tị nạn chính trị của chính phủ Hoa Kỳ, anh đã đến Hoa Kỳ. Khi một phóng viên hỏi anh một câu rằng: “Nếu được trở lại một lần nữa, anh có làm vậy không?” Anh Vũ Đức Trung đáp: “Vẫn sẽ làm như vậy.” Phóng viên hỏi vì sao, thì anh nói: “Bởi vì đó là chuyện đúng đắn nên làm.”
Năm 2018, ông Tưởng, một người Đài Loan, là quản lý cao cấp của một công ty Đài Loan ở Thái Lan, đã đứng ra trợ giúp Đài Phát thanh Hy Vọng xây dựng một đài phát sóng Hải âu ở Chiang Mai, Thái Lan. Nhưng vào tháng Mười Một năm đó, chính quyền Thái Lan bị ĐCSTQ gây áp lực nên đã bắt giam ông Tưởng. Một năm sau, chính quyền Thái Lan kết án tù đối với ông. Cuối cùng, sau khi ông trở về Đài Loan, ông bị công ty giáng chức, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông vẫn không bao giờ hối hận về những gì mà mình đã làm cho mạng lưới đài phát sóng Hải âu của Đài Phát thanh Hy Vọng.
Điều gì đã khiến các tình nguyện viên của Đài Phát thanh Hy Vọng không sợ đàn áp, sẵn sàng đánh mất cuộc sống thoải mái, thu nhập cao, thậm chí cả tự do của chính mình? Đó là vì họ hiểu sâu sắc rằng, mọi người ở bên trong bức tường cao đều khao khát tự do, đều hướng về phía ánh sáng; mang đến những điều tốt nhất cho người dân Trung Quốc là không ngừng truyền sự thật đến cho họ.
Ngay cả ở Đài Loan, các tình nguyện viên cũng phải đối mặt với sự quấy nhiễu của chính quyền Trung Quốc. ĐCSTQ không thể chỉ huy trực tiếp đối với chính phủ Đài Loan. Vì vậy, dưới thời chính quyền ông Mã Anh Cửu, ĐCSTQ đã huy động lực lượng của mình ở Đài Loan báo cáo với chính phủ về “các chương trình phát sóng không có giấy phép.” Anh Tạ, tình nguyện viên của mạng lưới đài phát sóng Hải âu, là chủ một nhà hàng. Khi anh đang đứng xào rau trong bếp nhà hàng thì cảnh sát bất ngờ ập đến và bắt giữ anh. Các thiết bị vô tuyến mà anh và các tình nguyện viên khác đã vất vả chế tạo, xây dựng, cũng đã bị cướp đi như thế. Sau vụ việc, các tình nguyện viên và những người dân chính nghĩa ở Đài Loan đã bôn ba khắp nơi, để nói với lãnh đạo chính phủ Đài Loan về sự cần thiết và tính tích cực của việc phát sóng tới Trung Quốc. Họ nói về đài phát thanh sóng ngắn Thiên Mã do Tổng thống Tưởng Kinh Quốc thành lập xưa kia, đến đài phát sóng Hải âu của Đài Phát thanh Hy Vọng ngày nay; nói về các cuộc đàn áp đối với các nhóm tín ngưỡng, tôn giáo đang diễn ra ở Trung Quốc. Họ cũng nói rõ về tầm quan trọng, đạo nghĩa và sứ mệnh của việc phát sóng từ Đài Loan tới Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả rất tốt. Sau đó, các ủy viên lập pháp trong lưỡng đảng của Đài Loan bắt đầu tích cực làm việc, cùng nhau thúc đẩy tính hợp pháp của các tháp phát sóng dân sự, và bảo vệ quyền lợi của các tháp phát sóng tư nhân. Họ đã cùng nhau ký một dự luật, đồng thời nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ thuộc các đảng phái của Lập pháp viện.
Các tình nguyện viên của Đài Phát thanh Hy Vọng ở hầu hết các quốc gia đều phải đối mặt với sự can thiệp của ĐCSTQ, chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Những tình nguyện viên này, ngoài việc thắng cuộc trong cuộc chiến phát sóng ngắn trên không, họ còn phải có được phần thắng trong các cuộc chiến giao tiếp xã hội, và cuộc chiến pháp lý trên mặt đất. Trong những cuộc chiến ấy, những hao phí về nhân lực, nguồn lực tài chính, có thể nói là nhiều vô cùng không thể kể hết.
Như vậy, mạng lưới đài phát sóng Hải âu được xây dựng với bao tâm huyết ấy, đã mang đến những hiệu quả gì?
Mời quý vị xem lại phần 1 của bài viết.
Quyên góp cho Đài Phát thanh Hy Vọng để phát sóng vào Trung Quốc, mỗi 20 USD của quý vị đều có thể giúp Đài Phát thanh Hy Vọng phát sóng 5 phút sự thật.
Link quyên góp:
Epoch Times: https://freechinanow.org?f=et