Cựu luật sư Bắc Kinh tiết lộ quá trình bị ĐCSTQ bức hại phi pháp (Phần 6): Trại cải tạo lao động [2]
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5.
Kể từ khi đàn áp Pháp Luân Công, các trại cải tạo lao động đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Cảnh sát “làm việc chăm chỉ” đến từng chi tiết, bao gồm nhục hình, tra tấn, lao động quá tải, không cho giao tiếp bằng mắt, không cho giúp đỡ lẫn nhau và khám xét cơ thể bất cứ lúc nào (cởi hết quần áo) … Để đối phó với các học viên Pháp Luân Công, cảnh sát đã phát huy tối đa bản chất tà ác của con người, tình trạng tố giác và bắt giữ hàng loạt diễn ra phổ biến. Các thành viên trong gia đình trở thành mục tiêu của việc tống tiền, và hình phạt tù vô thời hạn là hiện tượng phổ biến.
Bị nhốt trong “phòng giam nhỏ” gần 8 tháng: nhục hình, tra tấn và đe dọa, …
Sau ba tuần ở trong đội quản lý nghiêm ngặt, ngày 28/06/2010, tôi bị chuyển đến “phòng giam nhỏ” của đại đội 1, và bị “bao giáp” giám sát 24/24 giờ.
Mỗi đêm khuya, tôi bị đưa vào phòng giam để ngủ vài tiếng. Thời gian ngủ không cố định và có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào tùy theo nhu cầu của cảnh sát để gây áp lực cho tôi. Đôi khi, tôi bị gọi đến “phòng giam nhỏ” ngay khi vừa chợp mắt và buộc phải ngồi xuống. Trong nhiều năm, “ngao ưng” (rang khô đại bàng) là một trong những thủ đoạn bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Trong ba tháng đầu tiên, tôi bị phạt ngồi trên một chiếc ghế nhựa nhỏ, và phải tuân theo yêu cầu của đội kiểm lý nghiêm ngặt: khép gót chân lại, các ngón chân tách ra, đặt hai tay thẳng lên đùi và không được nhắm mắt. Phải luôn duy trì tư thế ngồi này trừ khi ăn. Đây là một hình phạt.
Nói chung, người ta khó có thể cầm cự được nửa giờ, không quá lời khi miêu tả cơn đau như ngồi trên kim châm. Hai chân tôi nhanh chóng bị sưng tấy, hông, eo và lưng của tôi đau đớn không thể chịu nổi. Tuy nhiên, một số “bao giáp” theo dõi tôi rất tốt bụng, chỉ cần cảnh sát tuần tra hành lang rời đi, họ liền bảo tôi duỗi thẳng chân và nhắm mắt lại một lúc.
“Phòng giam nhỏ” được giám sát 24 giờ. Thỉnh thoảng cảnh sát sẽ quan sát qua camera, chỉ cần thấy tôi duỗi chân thẳng ra thì họ sẽ bắt đầu quát mắng. Tuy nhiên, camera không thể nhìn thấy tôi đang nhắm mắt.
Sau đó, hình phạt nhục hình ngày càng tăng lên. Cảnh sát lại bắt tôi chuyển sang ngồi trên một chiếc ghế nhựa cao, ngồi trên “ghế cao” còn khó chịu hơn là ngồi trên một chiếc ghế nhựa nhỏ.
Vì lý do nghề nghiệp của tôi, cũng như sự chú ý của các luật sư nhân quyền, đồng thời vụ việc của tôi cũng đã xuất hiện trên Internet, hơn nữa chồng tôi tìm được một số người quen trong thể chế, nên việc bức hại tôi trong trại lao động hơi khác so với những học viên khác không có quyền chất vấn. Tôi chưa bao giờ trải qua kiểu nhục hình như “bao giáp” đã thuật lại ở bài viết trước.
Tuy nhiên, tôi đã trải qua “xa luân chiến” (cuộc chiến bánh xe) của cảnh sát. Mỗi học viên Pháp Luân Công đều có ba cảnh sát viên phụ trách về cái gọi là “chuyển hóa.”
Hầu như mỗi ngày, các viên cảnh sát đều đến gặp tôi để “nói chuyện.” Đôi khi, ba viên cảnh sát dành phần lớn thời gian trong ngày để tiến hành “cuộc chiến bánh xe,” một người đi ra thì một người khác lại đi vào. Trong khi trừng phạt tôi về mặt thể xác, họ cũng cố gắng tẩy não tôi. Mỗi lần tôi phản bác họ, về cơ bản họ sẽ tức giận và liên tục đe dọa rằng tôi sẽ phải chịu hậu quả nếu tôi không “chuyển hóa.”
Trong thời gian đầu, tôi dùng thiện ý nói với họ sự thật về Pháp Luân Công. Ví dụ như những thọ ích về thể chất và tinh thần của tôi, cũng như những điều vô lý và dối trá trong cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Sau này tôi phát hiện, họ khác với các viên cảnh sát ở đồn cảnh sát, trại tạm giam, và trại câu lưu.
Cho dù tôi kiên nhẫn nói với họ như thế nào, thì họ vẫn không những thờ ơ mà còn đe dọa tôi. Chỉ cần tôi không bỏ cuộc, thì tôi sẽ bị “sống mãi trong tù” (giam cầm vô thời hạn), dù mãn hạn tù thì vẫn có thể bị gia hạn. Và họ sẽ tiếp tục bắt giữ tôi sau khi thả tôi về nhà. Họ thậm chí còn đe dọa công việc của chồng tôi, việc học của con gái tôi và tương lai của tôi.
Khi tôi đang không hiểu tại sao họ không giống như người khác và không thể giao tiếp bình thường, thì một viên cảnh sát đã nói rõ với tôi rằng, cảnh sát “610” sẽ thường xuyên huấn luyện họ. Tôi chợt nhận ra rằng, họ là những công cụ được ĐCSTQ huấn luyện, nên không thể có suy nghĩ, phán đoán của riêng mình. Hơn nữa, tiền thưởng, thăng chức, … vẫn là những điều rất hấp dẫn với họ.
Giam cầm vô thời hạn
Trên thực tế, điều mà cảnh sát trong trại lao động gọi là “sống mãi trong tù” không phải là sự đe dọa bằng lời nói, mà điều này thường xuyên xảy ra.
Sau khi mãn hạn tám tháng trong “phòng giam nhỏ,” tôi có cơ hội gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công khác. Tôi được biết, trong số các học viên bị giam giữ, nhiều người đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức lần thứ hai, và nhiều người đã bị đưa đến lần thứ ba, thậm chí lần thứ tư. Các học viên Pháp Luân Công bị đưa đến các trại lao động lần thứ hai, thời gian từ hai năm rưỡi, đôi khi là ba năm. Một số học viên tiếp tục bị bức hại trong trại lao động không lâu sau khi họ được thả ra từ chính nơi đó.
Có một học viên ở quận Hải Điến, trạc tuổi tôi, anh ấy bị kết án bảy năm tù. Nhưng sau khi mãn hạn tù trở về nhà không lâu, anh lại bị đưa đến trại lao động trong hai năm rưỡi. Một học viên khác ở quận Phòng Sơn, hơn tôi mười mấy tuổi. Vì vạch trần hành vi bức hại tà ác của ĐCSTQ đối với các học viên địa phương trên mạng Internet, anh ấy bị kết án 4 năm (hoặc 5 năm, lâu đến mức tôi không nhớ rõ). Sau khi mãn hạn tù, anh ấy bị đưa thẳng đến trại lao động, được tính là trại lao động thứ hai và bị giam thêm hai năm rưỡi ở đó.
Có một học viên ở Thuận Nghĩa lớn hơn tôi mười mấy tuổi, trình độ văn hóa của cô ấy không cao. Cô cũng bị đưa vào trại lao động lần thứ hai. Hai năm sau khi bị đưa đến trại lao động cưỡng bức lần thứ nhất, cô đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công vì không thể chịu đựng được cuộc bức hại. Sau đó, một khối u mạch máu phát triển trên gan, nhưng không thể phẫu thuật được do độ nhạy cảm của vùng bệnh và kích thước của nó. Bác sĩ để cô về nhà và dặn gia đình hãy cố gắng cho cô ăn uống tùy thích và chờ lo hậu sự.
Sau đó, các học viên địa phương đã tìm đến và khuyên cô đừng bỏ cuộc. Cô ấy bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công trở lại. Chẳng bao lâu, kỳ tích xuất hiện và cô đã bình phục. Tuy nhiên, cô lại bị bức hại và bị đưa đến trại lao động lần thứ hai.
Một ngày nọ, cảnh sát gọi cô đến “đại sảnh” và mắng cô. Cô khóc lớn, nói: “Tôi bị u máu. Khi tôi sắp mất mạng, không ai trong số các người đến. Tôi tu luyện Pháp Luân Công tốt rồi, các người lại đến và bắt tôi đến trại lao động.”
Cô ấy hơi kích động, giọng nói rất lớn đến nỗi tất cả chúng tôi ở phòng giam gần “đại sảnh” đều nghe thấy.
Một ví dụ khác, năm 2011, một phụ nữ 67 tuổi đến từ Đông Bắc Trung Quốc bị giam ở đại đội 1. Trước đây, bà từng bị bức hại trong một trại lao động và tên bà nằm trong danh sách đen của hệ thống cảnh sát ĐCSTQ. Mùa hè năm đó, con trai của bà đưa bà đi du lịch Bắc Kinh. Khi bà ghi danh nhận phòng khách sạn, hệ thống tự động báo cáo sự việc cho cảnh sát Bắc Kinh.
Cảnh sát nhanh chóng xuất hiện tại khách sạn. Bà không mang theo sách Pháp Luân Công hay cuốn tài liệu giảng chân tướng nào, chỉ đeo một chiếc vòng cổ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” “Chân, Thiện, Nhẫn hảo” được in trên cả hai mặt. Vì vậy, dù đã cận kề tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong hai năm rưỡi.
Tính theo thời gian tôi bị bức hại, khi đó ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công được 11, 12 năm. Đối với những học viên bị đưa đến trại lao động lần thứ ba hoặc thứ tư, cũng như những người đã mãn hạn tù rồi tiếp tục bị đưa đến các trại lao động, đây quả thực là án sống mãi trong tù.
Một lần, tôi và một học viên bên cạnh thầm than thở rằng những người sinh sau những năm 50 thực sự bất hạnh dưới bàn tay sắt của ĐCSTQ và sự tàn bạo của chế độ ấy.
Trước kia, khi tôi còn nhỏ, các phong trào chính trị của ĐCSTQ như Đại nhảy vọt và Công xã nhân dân đã dẫn đến nạn đói lớn. Những người ở độ tuổi đi học phải “lên núi, xuống nông thôn.” Sau khi Đại Cách mạng Văn hóa kết thúc, họ không dễ quay trở lại thành phố làm việc. Đến lúc tuổi trung niên, lại gặp phải làn sóng gọi là “sa thải” và trở thành người thất nghiệp.
Khi kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần, cuối cùng tìm được đích đến của cuộc đời và có được đức tin của riêng mình, thì họ lại liên tục bị ĐCSTQ cầm tù và bức hại. Kết quả là nhiều học viên rơi vào cảnh gia đình ly tán, cửa nát nhà tan.
Kết luận
Viết về những trải nghiệm của bản thân và phơi bày cuộc đàn áp từ trên xuống của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công luôn là mong muốn của tôi khi bị giam trong trại cải tạo lao động.
Thực ra, có rất nhiều điều tôi muốn viết, chẳng hạn như công việc quá tải, không được giao tiếp bằng mắt, không được giúp đỡ lẫn nhau, lục soát nhà tù và khám người bất cứ lúc nào, v.v. Tuy nhiên, không dễ để gắn kết những sự việc rời rạc này lại với nhau, và dung lượng cũng rất dài nên tôi quyết định kết thúc như vậy.
Nhưng để kết thúc loạt bài này, tôi muốn bổ sung một trải nghiệm đặc biệt.
Khi ở trong trại lao động, mỗi năm đều có 3-4 đợt khám sức khỏe, kể cả xét nghiệm máu, nhưng chưa bao giờ nhận được kết quả. Mỗi lần như vậy đều diễn ra trong bệnh xá của trại lao động. Tuy nhiên, có một ngoại lệ bất thường.
Đầu tháng 04/2012, chúng tôi đột nhiên bị yêu cầu phải khám sức khỏe. Khi cánh cổng sắt lớn bằng điện tử của đại đội 1 từ từ mở ra, một đoàn xe y tế rất cao cấp tiến vào.
Bà Triệu Quốc Tân (Zhao Guoxin), đại đội trưởng đại đội 1, đích thân giám sát đội. Ngay lúc chúng tôi đang ngạc nhiên nhìn chiếc xe to lớn trước mặt thì cửa xe mở ra, và một chiếc thang dài từ từ hạ xuống. Chúng tôi được yêu cầu đi lên theo đợt.
Trong khi tôi đang xếp hàng, ông Triệu, người muốn che đậy cuộc kiểm tra thể chất đột ngột và đặc biệt này, đã nói: “Hãy nhìn xem đất nước này đối với các người tốt như thế nào. Cái này được nhập cảng từ Đức và được chuẩn bị đặc biệt cho các người. Thậm chí ngay cả chúng tôi cũng không được sử dụng.”
Khi bà ấy nói ra điều này, trong lòng tôi đang nghĩ đến là nạn thu hoạch nội tạng quy mô lớn từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị vạch trần vào năm 2006. Bởi vì việc khám sức khỏe này là không cần thiết và vô cùng bất thường.
Sau khi bước lên thang cao, tôi thấy trong xe rất rộng rãi, trang bị các loại thiết bị y tế cao cấp. Thiết bị khám ở phía trước, còn giữa và sau xe rất rộng rãi, hoàn toàn có thể tiến hành phẫu thuật.
Việc khám sức khỏe tại chỗ trên đoàn xe y tế cao cấp càng khiến tôi nghi ngờ hơn. Trong khi các trại lao động tra tấn chúng tôi một cách tàn bạo, bao gồm tra tấn tinh thần, nhục hình, lao động cường độ cao, thì tại sao họ lại bỏ ra số tiền lớn để mua những cơ sở y tế cao cấp của Đức? Điều này quá mức phi lý. Tôi tin chắc rằng họ đang sử dụng thiết bị cao cấp để thu thập chính xác nhiều loại dữ liệu khác nhau về cơ thể của chúng tôi.
Về chủ đề này, tôi đề nghị quý vị có thể tìm hiểu thêm về phán quyết độc lập của bên thứ ba. Nếu quý vị quan tâm thì có thể tìm hiểu thêm.
Ngày 17/06/2019, “Tòa án Nhân dân” ở London đã đưa ra phán quyết rằng “ĐCSTQ đã phạm tội ác chống lại nhân loại.” Sau đó, tòa án này đã công bố “Toàn văn Báo cáo Phán quyết” lần đầu tiên vào ngày 01/03/2020, trong đó có những bằng chứng mới gây chấn động. Báo cáo này cho thấy ĐCSTQ tiếp tục thực hiện hoạt động “thu hoạch nội tạng” do nhà nước thực hiện, và các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính.
Để tham khảo các bài viết liên quan của các hãng thông tấn phương Tây, vui lòng tìm kiếm “China tribunal” (Tòa án Luận tội Trung Quốc).