Sự thâm nhập của ĐCSTQ trở thành cơn ác mộng của Hoa kiều
Việc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ phương Tây một cách có hệ thống khiến cho người Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với sự hoài nghi của cộng đồng quốc tế. Họ ngày càng có xu hướng được xem là đồng minh hoặc mật vụ tiềm năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Với sự cảnh giác của phương Tây trước ảnh hưởng ngày một gia tăng của ĐCSTQ ở ngoại quốc, cộng đồng người Hoa ngày càng cảm thấy mình bị cô lập, đồng thời các tổ chức của phương Tây càng cảm thấy mất lòng tin với họ.
Một yếu tố đằng sau sự ngờ vực đó là sự cưỡng bách của ĐCSTQ, một thế lực luôn bám theo người Trung Quốc ngay cả sau khi những người này rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm cuộc sống mới ở phương Tây. Các nhà phân tích cho rằng nếu người Hoa muốn tránh được các chiêu trò thao túng [của ĐCSTQ] và có thể hòa nhập vào xã hội phương Tây, trước tiên họ phải vạch ra ranh giới rõ ràng với ĐCSTQ.
Phương Tây ngày càng nghi ngờ người Trung Quốc
Ông Thẩm Vinh Khâm (Shen Jung-Chin), giáo sư tại Đại học York ở Toronto, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, hơn một thập niên trước, nhiều sinh viên Đài Loan bị thu hút đến học tập tại Trung Quốc vì điều này sẽ giúp họ dễ được nhận vào các trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ.
Ông giải thích rằng hồi đó, chỉ tiêu dành cho sinh viên Trung Quốc cao hơn nhiều so với sinh viên Đài Loan. Ông Thẩm cho biết: “Tuy nhiên, xu hướng này đã đổi chiều kể từ đó.
Theo ông Thẩm, kể từ năm 2018, sinh viên Trung Quốc muốn được nhận vào học tại Hoa Kỳ đã phải đối mặt với tỷ lệ bị từ chối thị thực nhập cảnh (visa) ngày càng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và nhạy cảm, đặt ra những thách thức lớn hơn so với trước đây. Ông nói, “Sự nghi ngờ ngày càng tăng xung quanh hiện trạng sinh viên và học giả Trung Quốc làm việc cho ĐCSTQ đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ.”
Theo báo cáo của Reuters, từ tháng Sáu đến tháng Chín năm 2020, hơn 1,000 công dân Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ thu hồi thị thực, theo một chương trình nhắm vào sinh viên cao học và các nhà nghiên cứu được cho là có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Ông Chung Sơn (Zhong Shan), một kỹ sư kỳ cựu làm việc cho một mạng truyền thông ở Thung lũng Silicon, bày tỏ với The Epoch Times rằng ông đã từng gặp phải một tình huống tương tự trong quá trình tìm việc.
Ông giải thích, “Mặc dù tôi đã nhận được lời mời làm việc từ một công ty lớn và vượt qua cuộc phỏng vấn đầu tiên thành công, nhưng tôi cảm thấy là mình không thể bắt đầu công việc đó chỉ vì tôi có xuất thân từ Trung Quốc, điều đó đã ngăn trở tôi nhận được công việc này.”
Ông cảm thấy hình như có sự phân biệt đối xử vô hình nào đó, mà người Trung Quốc vẫn được vào làm việc nhưng chỉ được nhận vào những vị trí không mấy quan trọng. Tuy nhiên, công dân Trung Quốc bị cấm tham gia vào các vị trí chủ chốt do lo ngại về lòng trung thành của họ.
Ông chia sẻ, “Điều này chắc chắn là bất lợi cho người Trung Quốc. Chế độ ĐCSTQ là nguyên nhân khiến thế giới phương Tây lựa chọn cự tuyệt hoàn toàn. Nếu ĐCSTQ không còn tồn tại nữa, thì vấn đề này chắc chắn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.”
Ông Thẩm cũng quan sát thấy nhân viên Trung Quốc tại các công ty phương Tây ngày càng có xu hướng gặp phải những rào cản vô hình trong sự nghiệp: Chính là họ chỉ có thể leo đến một vị trí nhất định nào đó, và khó có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn.
Ông nói, “Ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với cộng đồng người Hoa ở hải ngoại đã làm gia tăng sự nghi ngờ của các nước sở tại đối với họ.”
Mục tiêu là đánh cắp công nghệ
Trong những thập niên gần đây, ĐCSTQ đã tham gia vào hoạt động đánh cắp công nghệ phương Tây một cách có hệ thống thông qua ba phương pháp chính: thứ nhất, họ mua lại các công ty ngoại quốc hoặc thành lập liên doanh với những công ty này để trao đổi thị trường tiếp cận công nghệ; thứ hai, họ thực hiện các cuộc tấn công mạng bất hợp pháp hoặc tham gia vào hoạt động gián điệp kinh tế; và thứ ba —phương pháp phổ biến nhất — họ khai thác “các vùng xám” để có được công nghệ thông qua nhiều nguồn như hệ thống trường học, trung tâm nghiên cứu, học giả, và các giao dịch kinh doanh, tất cả đều có sự trợ giúp rất lớn từ chính quyền Trung Quốc.
Theo báo cáo năm 2020 từ cơ sở dữ liệu Theo dõi Chương trình Nhân tài Trung Quốc của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi (CSET) thuộc Đại học Georgetown, Trung Quốc đang vận hành khoảng 40 chương trình chiêu mộ nhân tài cấp quốc gia nhằm thu hút nhân tài ở ngoại quốc. Nếu tính cả các chương trình cấp khu vực, tổng số ước tính là gần 300.
Nổi bật nhất là Chương trình Ngàn Nhân tài, được khởi xướng từ năm 2008, nhắm vào các nhà nghiên cứu và học giả tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Chương trình này chịu sự quản lý của Nhóm Công tác Tuyển dụng Nhân tài Cấp cao ở Hải ngoại của ĐCSTQ.
Một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc vào tháng 08/2020 đã phát hiện ra 600 điểm tuyển dụng nhân tài hải ngoại của ĐCSTQ.
“Việc này tôi đã thấy quá nhiều rồi, tôi không muốn đưa ra ví dụ, vì sẽ xúc phạm đến mọi người. Một số vụ việc được đưa tin công khai thực sự đã rất chấn động rồi,” ông Chung Sơn nói về hệ sinh thái Thung lũng Silicon.
Theo ông Chung, Thung lũng Silicon là mục tiêu hàng đầu. Cụ thể là, các đặc vụ của ĐCSTQ đã thành lập nhiều công ty tuyển dụng và đầu tư mạo hiểm nhắm đến các kỹ sư Trung Quốc tại Thung lũng Silicon. Điều này mở đường cho cả hành vi trộm cắp lẫn khai triển công nghệ ở Trung Quốc.
“Quý vị không thể tưởng tượng được hoạt động này phức tạp đến mức nào đâu. Ở Trung Quốc, có các hiệp hội cựu sinh viên của một số trường đại học ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như Hiệp hội Cựu sinh viên Trung Quốc tại Đại học California–Berkeley, nhưng hiệp hội này không liên kết với hệ thống quản lý cựu sinh viên chính thức của UC Berkeley. Tương tự, Hiệp hội Cựu sinh viên Xuyên Eo biển Thanh Hoa không liên kết với Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan. Trên thực tế, Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố thanh minh rằng trường này không có liên quan gì đến bất kỳ hiệp hội cựu sinh viên xuyên eo biển nào sử dụng tên viết theo lối giản thể của ĐCSTQ,” ông nói.
Ông Chung đề cập rằng ĐCSTQ cũng đã thành lập các công ty tuyển dụng nhân lực người Hoa trong lĩnh vực công nghệ. Có rất nhiều trương mục tuyển dụng bằng tiếng Trung trên LinkedIn, đặc biệt nhắm mục tiêu đến những người có lai lịch Trung Quốc.
Ông nói, “Nếu quý vị không muốn đối phó với ĐCSTQ thì đừng để lại bất kỳ văn bản nào viết bằng ký tự giản thể trên LinkedIn.” Tiếng Trung giản thể thường được sử dụng ở Trung Quốc, trong khi tiếng Trung phồn thể được sử dụng ở Đài Loan và nhiều cộng đồng ở hải ngoại. Ông cảnh báo, sau khi một người bị nhắm mục tiêu, ĐCSTQ sẽ không ngừng phân tích xem [họ] có cơ hội nào để lợi dụng mục tiêu này hay không, và họ sẽ “mời người này về Trung Quốc để điều tra thực tế những cơ hội đó.”
Ông lấy Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nơi có khoảng 20,000 thành viên, làm ví dụ. Ông cho biết, “ĐCSTQ đầu tư tiền để thực hiện các chương trình trao giải ở ngoại quốc thông qua hiệp hội này. Sau khi được trao giải, những cánh cửa dẫn đến nhiều cơ hội khác nhau ở Trung Quốc cho những người trở về sẽ mở ra, mà trên thực tế là để mở rộng hoạt động đánh cắp công nghệ ở ngoại quốc.”
Các công nghệ mới muốn được khai triển ở Trung Quốc thường đòi hỏi nguồn vốn thông qua vốn đầu tư mạo hiểm công nghệ để phát triển và nhận được trợ cấp vốn trong giai đoạn khởi nghiệp. Rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tập trung tại Thung lũng Silicon. Ông Chung gọi những khoản đầu tư đó là “vốn đỏ” — tiền từ Trung Quốc — phần lớn thuộc về các thái tử đảng (thế hệ con cháu của các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ). Ông cho biết sau khi vốn đỏ được rửa ở ngoại quốc, nó sẽ quay trở lại làm vốn khởi nghiệp cho các công ty công nghệ.
Một tỷ lệ lớn các công nghệ này đã được chứng nhận ở ngoại quốc, và Trung Quốc đã sắp xếp mọi thứ ổn thỏa ở trong nước. “Nếu quý vị quay trở lại Trung Quốc để khởi nghiệp, mọi thứ — tiền bạc, không gian văn phòng, môi trường, các chính sách trợ cấp khác nhau — đều đã được vạch ra rõ ràng. Hơn nữa, các hoạt động ở từng giai đoạn đều được vạch ra rõ ràng,” ông nói và cho biết thêm rằng chiến lược này giải thích tại sao Trung Quốc lại có thể đưa ra nhiều công nghệ mới đến vậy.
Ông kể, hành vi trộm cắp công nghệ này đã diễn ra hơn 30 năm nay, không ngừng nghỉ. “Hầu như không có công nghệ AI đích thực nào ở Trung Quốc; toàn bộ đều là ăn cắp mà có. Các nhà khoa học Trung Quốc chiếm tới 40% số lượng nhân tài trong lĩnh vực này,” ông nói.
Trong một thời gian dài, các chính phủ phương Tây đã hy vọng rằng những người Trung Quốc được đào tạo ở phương Tây có thể trở thành lực lượng thúc đẩy sự thay đổi ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự kiểm soát toàn diện của ĐCSTQ đã cản trở cơ hội phát triển của họ ở phương Tây.
Liên quan đến hiện tượng này, một cư dân mạng đã bình luận rằng chỉ cần có người thân ở Trung Quốc thì Hoa kiều sẽ trở thành gián điệp tiềm năng có thể rò rỉ thông tin bất cứ lúc nào. Với điểm yếu là dễ bị lợi dụng, tư tưởng thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc, và những cám dỗ của tiền tài vật chất, nên hiếm người nào có thể cưỡng lại được sự o ép của ĐCSTQ.
Ông Chung tin rằng ngay từ đầu, chúng ta nên tránh tiếp xúc qua lại với ĐCSTQ và hạn chế sử dụng mạng xã hội dùng tiếng Trung giản thể — một dấu hiệu cho thấy nền tảng đó có thể có mối liên hệ với ĐCSTQ.
Sống khiêm tốn và điềm đạm
Ông khuyên nhủ, “Tốt hơn là nên sống một cách khiêm tốn và điềm đạm. Dĩ nhiên mọi người vẫn có thể trò chuyện, nhưng không cần phải tiếp xúc sâu, và cũng không nên chia sẻ quá nhiều suy nghĩ cá nhân. Một khi quý vị trở thành mục tiêu, chắc chắn sẽ khó mà thoát khỏi quan hệ dây mơ rễ má đến mặt trận thống nhất, sau đó [văn phòng] sự vụ Hoa kiều có thể lôi kéo hoặc thao túng quý vị.”
Ông nói, nhiều người Trung Quốc có trình độ cao muốn ra ngoại quốc để tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để bắt đầu sự nghiệp và đạt được mức tăng trưởng gấp 50 lần ở Trung Quốc, họ phải gắn vận mệnh của mình với ĐCSTQ và đó chính là con đường một đi không trở lại, ông nói.
Ông nói: “Lập trường của một người quyết định cơ hội phát triển trong tương lai của họ.
Ông Chung đã lấy ví dụ về trường hợp của nhà vật lý Cao Côn (Sir Charles Kao Kuen), người đoạt giải Nobel và là một nhân vật rất được kính trọng — được xem là cha đẻ của lĩnh vực sợi quang học. “Tiến sĩ Cao Côn chưa bao giờ có quan hệ dây mơ rễ má nào với ĐCSTQ,” ông nói.
Ông Thẩm đồng ý rằng bất kỳ mối liên hệ nào cũng sẽ trở thành một con dốc trơn trượt. Ông nói: “Tôi biết một số sinh viên quốc tế ban đầu không muốn tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào do đại sứ quán Trung Quốc tổ chức, nhưng cuối cùng họ lại đi vì lời mời của bằng hữu. Nếu quý vị có tên trong danh sách, họ sẽ mời quý vị tham gia vào mọi hoạt động.”
Ông cũng biết một sinh viên đã phải miễn cưỡng kết giao với họ vì anh không còn lựa chọn nào khác. Nếu anh không đi thì ĐCSTQ sẽ áp dụng biện pháp giám sát tài chính hoặc những hậu quả khác đối với công việc kinh doanh của cha mẹ anh ở quê nhà.
Ông Thẩm cho biết ông tin rằng cách hiệu quả nhất để giải quyết tận gốc vấn đề này là vạch ra ranh giới rõ ràng ngay từ đầu, cưỡng lại sự lôi kéo của ĐCSTQ.
Ông nói, “Một khi quý vị dấn thân vào rồi, thì đại sứ quán sẽ có tên và hồ sơ của quý vị, sau đó họ sẽ tiếp tục liên lạc với quý vị bất cứ khi nào có cơ hội. Dần dần, họ sẽ xem quý vị là người của họ, và khi quý vị tiến sâu hơn, mối liên hệ của quý vị với ĐCSTQ sẽ ngày càng sâu sắc, còn mối liên hệ của quý vị với phương Tây sẽ ngày càng yếu đi.”
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times