Sự phân hóa Đông Tây về chính sách tiền tệ
Trong khi phương Tây chống lạm phát, thì Trung Quốc theo đuổi kích cầu tiền tệ
Lạm phát đã buộc các ngân hàng trung ương phương Tây phải tăng lãi suất, nhưng ở Á Châu, Trung Quốc đã làm ngược lại.
Tất cả các chủ ngân hàng trung ương — cả Đông lẫn Tây — đều lo lắng về một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, bài học của đợt lạm phát lớn cuối cùng trong những năm 1970 và 1980 đã thuyết phục Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), và các chủ ngân hàng phương Tây khác rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến tới thắt chặt tiền tệ.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với một loạt áp lực rất khác. Đối mặt với áp lực lạm phát ít dữ dội hơn nhiều so với phương Tây và lo ngại về các triển vọng kinh tế kém của quốc gia, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất, mặc dù chỉ ở mức nhẹ, và nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ở phương Tây, Fed đã đưa ra một cam kết lớn. Kể từ hồi tháng Ba, khi Fed cuối cùng cũng nhận ra mối đe dọa lạm phát mà quốc gia phải đối mặt, các nhà hoạch định chính sách đã nâng mục tiêu lãi suất của quỹ liên bang từ 1.5% lên mức 2.25-2.5%. Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) của Fed đã tăng thêm 0.75 điểm phần trăm nữa vào lãi suất mục tiêu khi nhóm họp hồi cuối tháng này.
Ngân hàng Trung ương Canada, nếu có, đã vượt qua Fed. Kể từ hồi tháng Ba, họ đã năm lần tăng lãi suất cho vay qua đêm mục tiêu với mức tăng tổng cộng là 3 điểm phần trăm. Các mức lãi suất này hiện cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 14 năm qua.
Gần đây, ECB đã tham gia vào xu hướng này. Bất đắc dĩ phải tăng lãi suất hồi đầu năm vì lo ngại một cuộc suy thoái kinh tế, các nhà hoạch định chính sách Âu Châu cuối cùng đã thừa nhận sự cần thiết của việc thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất mục tiêu ngắn hạn lên khoảng 0.75 điểm phần trăm. Mặc dù mục tiêu ở mức khoảng 1.25% của họ vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất của Mỹ, nhưng các nhà hoạch định chính sách của ECB đã hứa hẹn sẽ tăng thêm nữa theo những lộ trình này để bắt kịp những đồng minh của họ ở Bắc Mỹ.
ECB đã phải vượt qua rất nhiều lo ngại để thực hiện chính sách mới này. Không giống như Bắc Mỹ, các nền kinh tế trong lãnh thổ của ECB cách trạng thái toàn dụng lao động rất xa, và với tình trạng thiếu năng lượng đang đe dọa, viễn cảnh sụt giảm kinh tế là thực tế hơn nhiều so với bờ bên kia của Đại Tây Dương. Nhưng sự chênh lệch lãi suất ngày càng tăng đã thu hút tiền từ Âu Châu sang Hoa Kỳ khiến đồng euro giảm 15% so với USD, và các nhà hoạch định chính sách có thể thấy tiềm năng lạm phát gia tăng trong hành động đó. ECB cũng nhận thức rõ rằng nếu họ không thực hiện được hành động chống lại lạm phát, thì các doanh nghiệp và cá nhân sẽ kỳ vọng có lạm phát và do đó rốt cuộc khiến việc đạt được sự kiểm soát trở nên khó khăn hơn.
Trung Quốc đã phải đi theo một hướng đi rất khác. Về một khía cạnh nào đó, các chủ ngân hàng của nước này chịu ít áp lực phải hành động hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây. Lạm phát của Trung Quốc chắc chắn là đã tăng — từ 0.9% hồi tháng Hai năm ngoái lên 2.7% hồi tháng Bảy, khoảng thời gian gần đây nhất mà dữ liệu có sẵn. Bất chấp sự gia tăng này, thì mức lạm phát đó ít đáng sợ hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát 8-9% ở phương Tây. Bên cạnh đó, mức lạm phát này không cao hơn nhiều so với mức trung bình 2.3% một năm của lạm phát Trung Quốc trong 20 năm qua và vẫn thấp hơn mức trần chính thức 3.0% của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thực tế đáng báo động hơn đối với các nhà hoạch định chính sách là những trở ngại kinh tế thực chất mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Các đợt phong tỏa và cách ly được sử dụng để chống dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng của Trung Quốc dưới mức mục tiêu, và một số biện pháp hạn chế đó vẫn đang tiếp tục được áp dụng. Trung Quốc cũng phải đối mặt với những tác động của hạn hán, nắng nóng, tình trạng thiếu điện, và tác động kéo dài của những vụ phá sản năm ngoái trong lĩnh vực phát triển địa ốc. Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc suy thoái và chắc chắn sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng [GDP] thực vốn đã được giảm xuống mức 5.5%.
Theo đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc, PBOC, đã ngả theo hướng cắt giảm lãi suất và các biện pháp khác để nới lỏng chính sách tiền tệ. Lần cắt giảm đầu tiên xảy ra hồi cuối năm 2021 khi chính sách đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn căn bản từ 3.85% xuống 3.8%, và sau đó vào tháng Một năm ngoái đã hạ lãi suất xuống 3.7%. Các nhà quản lý đã cắt giảm lãi suất một lần nữa vào cuối tháng Tám xuống còn 3.65%. Những thay đổi này trông giống như những thay đổi nhỏ, nhưng chúng có tác động ở Trung Quốc. Và những đợt cắt giảm lãi suất này không phải là tất cả. PBOC cũng cắt giảm lãi suất cho vay 5 năm — có lẽ là ở mức đáng kể hơn đối với việc cho vay kinh doanh — từ 4.65% vào cuối năm ngoái xuống 4.45% hồi tháng Năm và sau đó, chỉ một tuần trước đợt cắt giảm lãi suất ngắn hạn hồi tháng Tám, PBOC đã cắt giảm lãi suất 5 năm một lần nữa xuống còn 4.3%.
Sự phân hóa Đông-Tây này có lẽ sẽ còn kéo dài trong một thời gian tới. Ngay cả khi có sự may mắn bất thường, thì Âu Châu và Bắc Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát đủ để phải giữ lãi suất cao hơn mức mong muốn và có khả năng buộc phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa, ít nhất là tới mức lạm phát. Áp lực đó sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi có một cuộc suy thoái. Ngược lại, đối mặt với những trở ngại tăng trưởng lớn như hiện tại, Trung Quốc có khả năng sẽ nới lỏng dây cương tiền tệ nhiều hơn mức mà họ từng làm và tích cực nới lỏng hơn nữa khi mức độ nghiêm trọng của những khó khăn kinh tế của Trung Quốc trở nên rõ ràng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times