‘Sống chết mặc bay’: Người dân Trung Quốc bị bỏ rơi giữa cuộc khủng hoảng COVID
Hệ thống khám chữa bệnh, lò hỏa táng quá tải; số người tử vong gia tăng trong giới tinh hoa của ĐCSTQ
Bên trong nhà xác của một bệnh viện hàng đầu ở thành phố Quảng Châu đông dân thứ năm của Trung Quốc, tử thi nằm la liệt và chồng đống ở trên sàn kể từ khi các hộc lạnh hoạt động hết công suất. Ở những nơi khác, các hàng dài xe hơi xếp hàng chờ đưa thi hài vào hỏa táng là một cảnh tượng hay gặp ở bên ngoài một số nhà xác ở đô thị phía tây nam Trùng Khánh.
Ở phía bắc tại thủ đô của Trung Quốc, thi thể nhiều đến nỗi các kho lạnh trong các công ty thực phẩm do nhà nước điều hành đã bị biến thành các kho bảo quản tử thi tạm thời.
Những cảnh tượng nghiệt ngã đang diễn ra ở Trung Quốc trong những ngày gần đây được chính những người trong cuộc chia sẻ với The Epoch Times. Cảnh tượng này gợi cho chúng ta nhớ đến cảm giác tuyệt vọng gần ba năm trước, thời điểm mà dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát ở nước này. Khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với virus này, thì nhà cầm quyền nước này lại kiên định với chiến dịch kiểu cộng sản được gọi là “zero-COVID”, nhằm mục đích xóa sổ dịch bệnh thông qua sự kết hợp của các biện pháp phong tỏa hàng loạt, theo dõi gắt gao, và xét nghiệm bắt buộc — bất chấp những thiệt hại nặng nề về kinh tế, tổn thất về người, hay về tâm lý.
Thế nhưng, sau khi trên toàn quốc xảy ra tình trạng bất ổn hồi tháng Mười Một, thì nhà cầm quyền đã đột ngột thay đổi, nới lỏng chính sách zero COVID vào đầu tháng Mười Hai. Việc đảo ngược chính sách này đã được thực hiện mà không báo trước, cũng không thông báo về các biện pháp để kết thúc chính sách này theo từng bước.
Kể từ đó, một lượng lớn dân số đã bị chủng virus này tấn công, bởi vì họ không được chuẩn bị tinh thần cho đợt lây nhiễm đột ngột và, sau gần ba năm sống dưới các biện pháp hạn chế zero COVID, họ không có khả năng miễn dịch tự nhiên để vượt qua đợt bùng phát này.
Hiện nay, đất nước này đang ở trong tình trạng khủng hoảng, trong đó các hệ thống y tế và dịch vụ tuyến đầu đều đang hoạt động vượt công suất và bị quá tải. Các cơ quan tư pháp cũng như chấp pháp đã phải tạm thời đóng cửa do các ca nhiễm lây lan rộng khắp. Kệ dược phẩm thì trống trơn. Các bệnh viện, vốn đã quá tải và thiếu nhân lực trầm trọng, đã cố gắng mời những y bác sĩ đã về hưu đi làm lại, để cố gắng phục vụ và đáp ứng được làn sóng bệnh nhân COVID không ngừng tăng.
Cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp sự cam đoan của Bắc Kinh hôm 27/12 rằng họ đang “chiến đấu trong một trận chiến đã được chuẩn bị sẵn sàng.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), nhà sử học Trung Quốc hiện đang sống ở Úc, nói với The Epoch Times rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc trong đầu chỉ toàn là chính trị. Họ không bao giờ quan tâm đến sinh kế của người dân.”
Ông nói, những gì nhà cầm quyền này đang làm hiện nay là nhanh chóng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua việc lây nhiễm hàng loạt, để đất nước này có thể vực dậy nền kinh tế đang sa sút của mình.
Sự hỗn loạn
Tại Nhà tang lễ Tăng Thành ở thành phố cảng phía nam Quảng Châu, các nhân viên hiện đang liên tục tiếp nhận các thi thể, 24 giờ một ngày.
“Hôm nay chúng tôi nhận 90 ca,” một nhân viên nói với The Epoch Times hôm 22/12 với điều kiện ẩn danh, đồng thời cho biết thêm rằng bốn nhà xác khác trong thành phố cũng trong tình trạng ùn ứ tương tự. Cơ sở này đã hết xe vận chuyển thi thể, nhân viên này cho biết.
“Chúng tôi không thể nhận thêm vào thời điểm này,” một nhân viên từ lò hỏa táng gần đó nói với The Epoch Times. Nhân viên này cho biết, từ lò hỏa thiêu, xe tải đến kho chứa, toàn bộ đều đang hoạt động hết công suất; hơn 200 hộc lạnh trong nhà xác cũng đã kín chỗ.
Những gì họ nói phù hợp với một mô thức được lặp lại trên toàn quốc.
Tại Nhà tang lễ Thạch Kiều Phố thuộc sở hữu nhà nước nằm ở Trùng Khánh, nơi các video ghi lại cảnh hàng dài người xếp hàng bên ngoài cơ sở này, khối lượng công việc gia tăng đã khiến cho các dịch vụ tang lễ buộc phải hủy bỏ. Một cư dân họ Lý sống gần đó nói với The Epoch Times rằng, cơ sở này đã phải thuê thêm nhân viên thời vụ với chi phí lên tới 500 nhân dân tệ (72 USD) mỗi ngày, gấp khoảng ba lần mức lương trung bình hàng ngày của một nhân viên văn phòng.
“Quý vị nghe thấy tiếng ho ở khắp mọi nơi,” cô Lý nói trong một cuộc phỏng vấn. Cô cho biết, do rất nhiều tài xế xe buýt bị bệnh, bình thường cứ 5 phút là có một chuyến xe buýt, mà giờ đây có thể phải chờ đến 60 phút.
Theo một thông báo được chụp và chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, một lò hỏa táng ở quận Nguyên Thị, miền bắc Trung Quốc đã hoạt động nhiều đến mức ba trong số các lò thiêu của cơ sở này đã bị trục trặc.
Một nữ nhân viên họ Lương cho biết, Bệnh viện Liên kết Số hai thuộc Đại học Y Quảng Châu thường chứng kiến khoảng 40 đến 50 bệnh nhân tử vong mỗi tháng, nhưng riêng ngày 23/12, đã có đến 22 trường hợp tử vong.
“Thật đáng sợ,” cô bộc bạch. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại cùng ngày với The Epoch Times, cô cho hay nhiều nhân viên tiếp nhận thi thể đã bị nhiễm bệnh và cô Lương, người thường xuyên tiếp xúc với họ, bắt đầu thấy có dấu hiệu cảm lạnh vào ngày 23/12.
“Các bác sĩ vẫn phải làm việc ngay cả khi họ có kết quả dương tính, trừ khi họ bị bệnh nặng,” cô nói. “Đâu đâu cũng thấy trường hợp dương tính. Không nói đâu xa, ngay tại bệnh viện của chúng tôi đây, tính đến nay có hơn 70% nhân viên dương tính với COVID.”
Áp lực đè nén này đã khiến một giám đốc bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc gửi một bức thư dài cả ngàn từ cho nhân viên hôm 25/12 — ngày thứ hai bệnh viện này tiếp nhận hơn 1,000 bệnh nhân có triệu chứng sốt — yêu cầu họ chuẩn bị cho khối lượng công việc lớn hơn sắp tới. Theo tin tức của truyền thông Trung Quốc, tại thời điểm đó, 1,400 nhân viên của bệnh viện này đã bị nhiễm bệnh.
Số ca nhiễm virus bị che giấu
Giống như họ đã làm trong những ngày đầu của đại dịch, các quan chức đã đặt ra một thách thức trong việc đánh giá bức tranh thực sự về đợt bùng phát ngày càng có tiến triển xấu đi này. Theo lời tường thuật của chính quyền, chỉ có tám người tử vong vì căn bệnh này kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID vào đầu tháng Mười Hai. Con số này dựa trên định nghĩa về tử vong do COVID mới được nhà cầm quyền siết chặt, tức là chỉ tính những trường hợp tử vong vì suy hô hấp và viêm phổi liên quan trực tiếp đến nhiễm COVID, một cách tính chưa từng thấy ở nơi nào khác trên thế giới.
Các số liệu này khác hẳn so với một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ một cuộc họp cao cấp mới đây của giới chức y tế, trong đó ước tính rằng 248 triệu người có thể đã nhiễm virus này trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai.
Để chứng minh thêm cho bản ghi nhớ này, ông Du Tân Lạc (Yu Xinle), phó giám đốc Ủy ban Y tế Chiết Giang, cho biết hôm 25/12 rằng các ca bệnh hàng ngày ở tỉnh này đã lên tới 1 triệu ca, con số mà ông dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào dịp Tết Dương Lịch.
Cơ quan y tế hàng đầu của đất nước đã ngừng công bố số ca nhiễm hàng ngày kể từ khi biên bản cuộc họp này bị rò rỉ.
Việc kiểm đếm không phải là trọng tâm trong nhận xét đầu tiên mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra kể từ khi chế độ này đảo ngược chính sách zero COVID. Hôm 26/12, ông đã mô tả một “tình huống mới và nhiệm vụ mới” để ngăn chặn sự bùng phát của COVID, mà theo ông, cần phải kêu gọi thêm “các chiến dịch y tế ái quốc có mục tiêu.”
“Ba năm trôi qua khi dịch bệnh bùng phát và rồi họ đột nhiên mở cửa xả lũ,” một cư dân đến từ Vũ Hán, thành phố của Trung Quốc nơi đại dịch bùng phát vào năm 2019, nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Sống chết mặc bay thôi. Nhưng những người dân bình thường ai cũng biết là có rất nhiều người đã tử vong.”
Nhiều người trong giới tinh hoa ĐCSTQ tử vong
Đợt bùng phát COVID mới nhất này cũng chứng kiến ngày càng có nhiều quan chức, chuyên gia, và các nhân vật có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tử vong.
Các cáo phó đã tràn ngập các hãng thông tấn nhà nước trong những tuần gần đây, trong đó có cả ông Chu Chí Xuân (Zhou Zhichun), cựu phó tổng biên tập kiêm phó chủ tịch của tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước; chính trị gia Châu Trì Hoằng (Zhu Zhihong), nguyên là chủ tịch Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Giang Tây; nữ diễn viên Kinh kịch 39 tuổi Trữ Lan Lan (Chu Lanlan); nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Marx Hồ Quân (Hu Jun); cựu phó giám đốc Ủy ban Thể thao Quốc gia Lưu Cát (Liu Ji); người thiết kế các linh vật cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, ông Ngô Quán Anh (Wu Guanying); cũng như hàng chục giáo sư lừng danh tại hai trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.
Hầu như không có cáo phó nào cho biết cụ thể về nguyên nhân tử vong.
Ông Đường Vỹ Quốc (Tang Weiguo), cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty TNHH Kỹ thuật Sinh học Khoa Hoa Thượng Hải (Shanghai Kehua Bio-Engineering Co.), nhà sản xuất bộ dụng cụ chẩn đoán y tế lớn nhất Trung Quốc và là nhà cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm COVID, đã qua đời hôm 25/12 ở tuổi 66. Công ty cho rằng ông qua đời do biến chứng của bệnh nền sau khi nhiễm COVID-19.
Ông Hoành Hà (Heng He), một nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc, tin rằng số lượng người trong giới tinh hoa Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát COVID hiện tại là đáng chú ý và nhận thấy một yếu tố siêu hình đằng sau xu hướng này.
Nhiều người trong số họ là những nhân vật chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của chính quyền và cam kết trở thành những nhà tuyên truyền đánh bóng hình ảnh và tên tuổi cho ĐCSTQ.
“Có thể quý vị nghĩ đó không phải là vấn đề lớn, nhưng ĐCSTQ là một tập đoàn tội phạm,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng số ca nhiễm gia tăng gần đây sẽ khiến mọi người nhìn nhận lại sự liên đới của họ với chính quyền này. “Trói buộc cuộc đời của mình với số phận của Đảng sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho quý vị.”
Ông nói, quan niệm “gieo nhân nào gặt quả nấy” đã ăn sâu vào tâm trí người Trung Quốc từ thời cổ đại.
Ông Hoành giải thích, “Người Trung Quốc tin rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, và rằng một người có thể lãnh báo ứng ngay trong kiếp này.”
Ông nói, “Ở một góc độ nào đó mà nhìn, thì người ta có lẽ sẽ xem đây là nghiệp báo.”
‘Đấu với Trời’
Các nhà quan sát lưu ý rằng khái niệm “đấu tranh”, được sử dụng nhiều lần trong luận điệu của ĐCSTQ để mô tả các chiến dịch chống COVID của họ, vốn đã được thêm vào hệ tư tưởng cộng sản Trung Quốc kể từ khi thành lập Đảng.
Ông Mao Trạch Đông, một thành viên sáng lập ra Đảng này và là chủ tịch đầu tiên của chế độ từng tuyên bố ngang nhiên: “Đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với Người, chính là niềm vui vô tận.”
Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), một cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại khoa nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, cho rằng tuyên bố sẽ diệt trừ virus này của chính quyền chính là một biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan của họ.
Lịch sử đã chứng minh rằng các loại bệnh dịch không bao giờ thực sự biến mất, chỉ là các loại bệnh tật dần suy yếu đi mà thôi. Ông Lâm cho biết, so với các quốc gia khác đã mở cửa trở lại vào mùa hè sau khi xác định rủi ro sức khỏe cộng đồng do biến thể Omicron gây ra là ở mức thấp, các biện pháp COVID mới ở Trung Quốc rõ ràng chỉ phục vụ mục đích chính trị.
Ông Bành Định Đỉnh (Peng Dingding), một nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh, đồng tình với quan điểm của ông Lâm.
“Trong toàn bộ quá trình phòng chống dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã không làm được một điều gì đúng đắn,” ông nói với The Epoch Times. “Ngay cả sau ba năm xảy ra đại dịch và xây dựng rất nhiều bệnh viện dã chiến, vậy mà vẫn không đủ khả năng điều trị cho bệnh nhân. Tôi thực sự không thể hiểu nổi đất nước này đang làm những gì.”
Ông nói thêm, đó là một biểu hiện của “sự kiêu ngạo và thiếu hiểu biết của giới lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.”
“Họ đã thất bại khi đấu với Trời, tiếp tục thất bại khi đấu với Đất, giờ đây họ chỉ còn biết đấu với Người thôi,” ông Bành nói.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á, Cố Hiểu Hoa, và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times