Sắc lệnh mới của TT Biden hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào công nghệ Trung Quốc
Cuối cùng thì chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp được chờ đợi từ lâu, trong đó cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào một số lĩnh vực công nghệ nhất định của Trung Quốc. Tòa Bạch Ốc cho biết họ phải mất hơn một năm để hoàn thành sắc lệnh này, vốn phản ánh được tất cả các thỏa thuận với các cơ quan khác trong chính phủ và trong ngành [đầu tư công nghệ].
Lệnh cấm đầu tư cũng tương tự như một lệnh đã được ban hành vào cuối năm ngoái để ngăn chặn việc xuất cảng một số loại công nghệ nhất định của Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Sắc lệnh này, nếu có hiệu lực, chắc chắn sẽ làm chậm tốc độ tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, nhưng không thể ngăn cản hoàn toàn. Là hành động ăn miếng trả miếng mới nhất giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, sắc lệnh chắc chắn sẽ khơi dậy sự đáp trả từ Bắc Kinh.
Một số nghị sĩ trong Quốc hội đã muốn có một biện pháp nào đó khắt khe hơn sắc lệnh mà Tòa Bạch Ốc đã ban hành. Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và Ủy ban đặc trách của Hạ viện về Trung Quốc cộng sản muốn ban hành phạm vi cấm đầu tư rộng hơn nhiều. Còn đối với ngành đầu tư, thì một điều dễ hiểu là họ muốn có ít sự trói buộc hơn. Sắc lệnh này cho dù đối với một số người là quá cứng rắn hay đối với những người khác là quá mềm mỏng, thì đây vẫn là lần đầu tiên Hoa Thịnh Đốn tìm cách áp đặt lệnh cấm đầu tư đối với các công ty Hoa Kỳ ở hải ngoại.
Thông tin vào thời điểm ban đầu này cho thấy lệnh nói trên sẽ cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực điện toán lượng tử, vi điện tử, cảm biến và mạng, chất bán dẫn tiên tiến, và trí tuệ nhân tạo (AI). Lệnh cấm nhằm mục đích hạn chế sự trợ giúp cho việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và dựa trên cơ sở để bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Những lệnh cấm này sẽ chỉ áp dụng cho các khoản đầu tư mới, chứ không phải là các thỏa thuận hiện có, và sẽ yêu cầu các nhà đầu tư ra ngoại quốc phải thông báo cho Bộ Ngân Khố. Sắc lệnh này áp dụng cho các công ty cổ phần tư nhân, hoạt động đầu tư mạo hiểm, và liên doanh của Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Những ai vi phạm lệnh này sẽ phải đối mặt với việc bị phạt tiền và buộc phải thoái vốn khỏi các hoạt động bị cấm đó.
Hoa Thịnh Đốn đã hết sức nhấn mạnh rằng những hạn chế này chỉ tập trung vào một phạm vi hẹp. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngân Khố Janet Yellen đã mô tả sắc lệnh đang chờ ban hành khi đó là “có mục tiêu cao”. Nhưng thông thường, những lệnh cấm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đầu tư nhiều hơn cả cách giải thích khắt khe nhất mà sắc lệnh đó dường như gợi ý. Doanh nghiệp nhận thức rõ rằng ngay cả luật pháp được viết chặt chẽ nhất cũng để lại kẽ hở cho các cơ quan có thẩm quyền giải thích theo ý họ, đặc biệt là khi có liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia. Ngay cả những người tạo ra luật cũng thừa nhận rằng họ gặp khó khăn trong việc xác định điều gì cấu tạo nên AI. Kết quả là, các nhà đầu tư sẽ tránh xa bất kỳ hoạt động nào gần với danh sách bị cấm.
Điều có thể nhận thấy là ít nhất một công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ, Sequoia Capital, đã tách rời khỏi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc như thế nào. Trong khi đó, hồi năm ngoái, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua với 8.2 tỷ USD. Vốn đầu tư mạo hiểm đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm, chỉ còn 1.3 tỷ USD. Chắc chắn, các nhà đầu tư Mỹ đang cân nhắc lại việc đầu tư vào Trung Quốc vì một số lý do không mấy liên quan đến sắc lệnh mới của Tòa Bạch Ốc. (Những độc giả thường xuyên của chuyên mục này hẳn đã quen thuộc với những cân nhắc đó.) Nhưng hành động này của tổng thống, kết hợp với những lo ngại về cách diễn giải mở rộng của Hoa Thịnh Đốn, sẽ chỉ củng cố những lý do khác này và đẩy nhanh việc tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times